Giải pháp 5: Thực hiện cam kết với cộng đồng và xã hội về phương thức đảm bảo chất lượng đào tạo

Một phần của tài liệu luận án quản lý trường đại học đa phân hiệu ở việt nam trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay (Trang 182 - 185)

Chương 3. GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐA PHÂN HIỆU Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ - XÃ HỘI HIỆN NAY

3.2. Các giải pháp quản lý của trường đại học đa phân hiệu ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay

3.2.5. Giải pháp 5: Thực hiện cam kết với cộng đồng và xã hội về phương thức đảm bảo chất lượng đào tạo

3.2.5.1. Mục đích và ý nghĩa của giải pháp

- Mục đích chủ yếu của giải pháp này nhằm thực hiện các cam kết với cộng đồng và xã hội về các hoạt động đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội về đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện bình đẳng và công bằng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học trong bối cảnh KT-XH hiện nay, nhất là trước thực trạng hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu như một tất yếu khách quan tại Việt Nam.

- Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển các trường đại học đa phân hiệu tại Việt Nam phụ thuộc vào chất lượng đào tạo tại các phân hiệu có đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển KT-XH của cộng đồng và địa phương hay không. Đồng thời, mô hình này có thực sự giải quyết được sự bình đẳng và công bằng về cơ hội thụ hưởng giáo dục đại học giữa thành phố lớn với các các địa phương, các vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn về kinh tế hay không. Nếu thực hiện được các cam kết với cộng đồng và xã hội về các hoạt động đảm bảo chất lượng, trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát và kiểm định chất lượng đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tại các phân hiệu là vấn đề có ý nghĩa to lớn trong phát triển giáo dục đại học nói chung và phát triển các trường đại học đa phân hiệu nói riêng.

3.2.5.2. Nội dung và phương thức triển khai giải pháp

Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, cần tổ chức thực hiện các nội dung chủ yếu sau đây.

- Cam kết với cộng đồng, xã hội đối với hoạt động đào tạo:

+ Công khai về kế hoạch đào tạo, trong đó phải tiến hành các hoạt động chủ yếu như phân tích tình hình để nêu rõ nhu cầu và yêu cầu của cộng đồng, xã hội về đào tạo nguồn nhân lực trước những cơ hội và thách thức đối với nhà trường, điểm mạnh (thuận lợi) và điểm yếu (khó khăn) của trường và của phân hiệu tại địa phương.

+ Công khai với cộng đồng, xã hội các cam kết của nhà trường về mục tiêu đào tạo, các chương trình theo từng chuyên ngành đào tạo; năng lực đội ngũ, các thế mạnh về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo, môi trường đào tạo, thương hiệu của trường và của phân hiệu (chất lượng đào tạo) nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho cộng đồng và địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của người học tại cộng đồng và địa phương nơi có trụ sở phân hiệu.

+ Công khai về phương thức đánh giá và các kết quả kiểm định chất lượng của trường, chất lượng đào tạo của từng chuyên ngành đào tạo theo các chuẩn đánh giá chất lượng của các cơ quan hoặc tổ chức kiểm định chất lượng tại trường và tại các phân hiệu với cộng đồng và xã hội để người học và các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng nhân lực có thể nhận định về chất lượng đào tạo của trường có phù hợp với nhu cầu sử dụng nhân lực.

- Thực hiện các cam kết với cộng đồng, xã hội về việc tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo:

+ Trường sẽ làm gì và yêu cầu gì trong quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo như: chương trình và giáo trình, lực lượng đào tạo (chủ yếu là trình độ đào tạo và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giảng viên); cơ sở vật chất và thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo ở mức độ chuẩn hóa, hiện đại hóa như thế nào; môi trường đào tạo thuận lợi ra sao...

+ Lực lượng quản lý hoạt động đào tạo của trường và của phân hiệu được thực hiện theo cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý tối ưu nào.

- Thực hiện các cam kết với cộng đồng, xã hội về việc kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo:

+ Công khai về lực lượng hoặc tổ chức nào có trách nhiệm giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo của trường và phân hiệu.

+ Công khai các kết quả định tính và kết quả định lượng trong quá trình đào tạo.

+ Việc xác định và công bố những nội dung làm đúng cam kết, đúng kết quả với mục tiêu; những nội dung chưa đúng với cam kết, kết quả gần với mục tiêu, và những nội dung sai cam kết.

+ Việc công khai các nguyên nhân của kết quả và từ đó có các quyết định phát huy những nội dung đúng với cam kết, điều chỉnh những nội dung chưa đúng với cam kết và xử lý những nội dung sai với cam kết.

- Thực hiện các cam kết với cộng đồng, xã hội về việc cải thiện chất lượng đào tạo:

+ Công khai và cam kết về các hoạt động cải tiến chất lượng thông qua các quyết định quản lý nhằm duy trì các cam kết đã đạt được.

+ Công khai và cam kết về các hoạt động cải tiến chất lượng thông qua các quyết định quản lý nhằm điều chỉnh các cam kết và các hoạt động chưa thực sự đảm bảo chất lượng.

+ Công khai và cam kết về các hoạt động cải tiến chất lượng thông qua các quyết định quản lý nhằm xử lý các hành vi trái cam kết về chất lượng.

+ Công khai các hoạt động để phát huy các thành tựu (tiếp tục thực hiện các cam kết đúng và những tiêu chuẩn phù hợp).

+ Công khai các hoạt động để cải tiến cho phù hợp hơn, nhanh hơn việc chứng thực chất lượng theo nhãn chất lượng đã lựa chọn và cam kết.

- Các trường đại học đa phân hiệu phải coi việc công khai với cộng đồng, xã hội về các nội dung nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường là mục tiêu quản lý.

Để thực hiện mục tiêu đó phải tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra và đánh giá mọi hoạt động triển khai công tác đào tạo tại cơ sở chính và phân hiệu nhằm đảm bảo các cam kết.

3.2.5.3. Các điều kiện thực thi giải pháp

- Các trường đại học đa phân hiệu phải thực hiện đúng các quy định về đảm bảo chất lượng và thực hiện có chất lượng hoạt động kiểm định chất lượng (tự đánh giá trong và đánh giá ngoài); thực hiện tổ chức tốt các hoạt động cơ chế quản lý đã trình bày trong giải pháp 1 của luận án này nhằm đảm bảo chất lượng mọi hoạt động, nhất là chất lượng đào tạo tại các phân hiệu.

- Việc công khai các hoạt động đảm bảo chất lượng thực chất là tổ chức các hoạt động đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện được cam kết của trường đại học đa phân hiệu đối với cộng đồng, địa phương về sứ mạng của phân hiệu là đáp ứng nhu cầu nhân lực và thực hiện bình đẳng, công bằng trong giáo dục đại học. Chính vì vậy, một trong những điều kiện để thực hiện khả thi giải pháp này là phải có sự đánh giá của cộng đồng và địa phương về chất lượng đào tạo của phân hiệu trong các trường đại học đa phân hiệu. Từ đó, các trường đại học đa phân hiệu có sự điều chỉnh và có các cam kết mới.

Một phần của tài liệu luận án quản lý trường đại học đa phân hiệu ở việt nam trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay (Trang 182 - 185)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)