CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT
1.3. KINH NGHIỆM TỔ CHỨC HỆ THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TRÊN THẾ GIỚI
1.3.2. Tổ chức hệ thống thông tin kế toán quản trị tại Pháp
Tổ chức HTTT KTQT Tại cộng hoà Pháp cũng được nhiều tác giả nghiên cứu trên nhiều góc độ khác nhau. Công trình nghiên cứu như bài báo “Managerial Accounting in France Overview of Past Tradition and Current Practive ” của Michel Lebas (2006) [66]; bài báo “The History of Management Accounting in France, Italy, Fortugal and Spain” của tác giả Salvador Cormona (2007) [76]; cuốn
“Đặc điểm kế toán Mỹ, Pháp” của tác giả Ngô Thế Chi (1995) [19]; bài báo “Kế toán quản trị trong DNSX: từ kinh nghiệm thế giới đến áp dụng vào Việt Nam” trên website: kiemtoanasc.com.vn [12]; bài báo “Kinh nghiệm tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế ở Mỹ, Pháp và Nhật Bản” của tác giả Phan Thanh Hải (2012) [27]. Các nghiên cứu này cho thấy tổ chức HTTT kế toán tại Pháp được chia thành 2 loại là kế toán tổng quát (kế toán tài chính) và kế toán phân tích (kế toán quản trị). Kế toán phân tích trong các tập đoàn ở Pháp có đặc trưng gắn kết chặt chẽ với kế toán tổng quát, đề cao thông tin kiểm soát nội bộ và có sự ảnh hưởng đáng kể
của Nhà nước. Kế toán tổng quát là loại kế toán bắt buộc đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp. Còn kế toán phân tích là loại kế toán mà các doanh nghiệp sử dụng để thu nhận, phân tích các thông tin phục vụ cho nhà quản lý có căn cứ để đưa ra các quyết định kinh doanh tối ưu nhất. Mục tiêu của kế toán phân tích là cung cấp thông tin về chi phí của từng trung tâm, giá thành của từng loại sản phẩm, dịch vụ, tính toán, kiểm soát được việc thực hiện và giải thích được các nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí thực tế và chi phí dự toán.
- Về công cụ hỗ trợ KTQT:
+ Trang thiết bị: Hiện nay, bộ phận kế toán trong các DN của Pháp đều đã trang bị các thiết bị hiện đại để ứng dụng công nghệ trong công tác KTQT.
+ Hệ thống ERP: Tại Cộng hòa Pháp, các DN lớn trong các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất… đều đã ứng dụng giải pháp ERP, còn các DN nhỏ phổ biến sử dụng phần mềm kế toán. Nhìn chung, các phần mềm kế toán cũng đã đáp ứng được yêu cầu cung cấp và sử dụng thông tin của các cấp quản trị.
- Về con người và bộ máy KTQT: Tương tự như Mỹ, Cộng hòa pháp cũng hướng đến việc đạo tạo chuyên viên KTQT chuyên sâu cả về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin và phân tích hệ thống.
+ Về tổ chức bộ máy KTQT: Với khuynh hướng cung cấp thông tin tăng cường kiểm soát, kiểm soát nội bộ, kiểm soát định hướng, đề cao tính an toàn, tính tập thể, và thường có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước bằng luật pháp, KTQT ở Pháp được tổ chức thành một bộ phận thuộc kế toán. Pháp áp dụng mô hình kế toán tách rời, KTQT đặt trọng tâm xử lý và cung cấp thông tin về chi phí, thu nhập và kết quả của từng loại hoạt động của DN theo từng sản phẩm, dịch vụ. KTQT được coi là công việc riêng của DN, các DN tự xây dựng thông tin một cách chi tiết nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý (Michel Lebas, 2006) [66]. Mô hình tách rời có ưu điểm là hệ thống KTQT sẽ phát huy vai trò tối đa trong việc cung cấp thông tin cho nhà quản trị một cách chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên nhược điểm của mô hình này là cùng lúc song hành hai hệ thống kế toán, DN phải tốn nhiều chi phí hơn.
+ Về sự phối hợp giữa bộ phận kế toán và các bộ phận khác trong DN: Với mục tiêu là cung cấp thông tin kiểm soát, đề cao tính an toàn, tính tập thể, nên công
tác phối hợp giữa các bộ phận trong DN rất được đề cao. Hiện nay, đối với các DN lớn và vừa ứng dụng hệ thống ERP nên hệ thống dữ liệu các bộ phận được tích hợp chung, còn DN nhỏ sử dụng phần mềm kế toán nên việc phối hợp thông tin giữa các bộ phận trong DN được thực hiện theo phương thức truyền thống.
- Về tổ chức HTTT KTQT
+ Tổ chức thu nhận dữ liệu: KTQT tại cộng hòa Pháp sử dụng chủ yếu hệ thống chứng từ nội bộ, hệ thống chứng từ này do DN tự thiết kế biểu mẫu, nhìn chung các chỉ tiêu được thiết kế phù hợp cho việc thu nhận thông tin về giá trị, hiện vật và tiêu hao sức lao động. Quy trình luân chuyển cũng được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin một cách kịp thời, chi tiết, cụ thể cho quản trị DN nhằm tăng cường kiểm soát nội bộ, kiểm soát định hướng.
+ Kỹ thuật xử lý thông tin KTQT: Thông tin KTQT tại Pháp phục vụ cho mục tiêu kiểm soát, điều hành. Vì vậy, các kỹ thuật xử lý thông tin tại Pháp cũng có sự khác biệt với Mỹ và các quốc gia vận hành kế toán Mỹ. Việc tập hợp và phân bổ chi phí được thực hiện tại các trung tâm phân tích như trung tâm hành chính quản trị, trung tâm tiếp liệu, trung tâm chế tạo sản xuất, trung tâm thương mại, trung tâm quản trị nhân sự…Các trung tâm này được chia thành các trung tâm chính và các trung tâm phụ. Do đó, hệ thống thông tin kế toán phục vụ cho việc quản trị doanh nghiệp gồm các thông tin về chi phí, giá thành, doanh thu và kết quả của từng loại sản phẩm, từng loại dịch vụ, ngành hàng hoặc của từng trung tâm chi phí để từ đó có thể kiểm soát tình hình thực hiện kế hoạch và ra các quyết định cần thiết cho quản lý. KTQT ở Pháp sử dụng hệ thống tài khoản tách biệt với KTTC, sử dụng hệ thống sổ sách riêng và phương pháp nghiệp vụ kỹ thuật KTQT riêng phục vụ cho việc xử lý thông tin của KTQT.
+ Tổ chức cung cấp và sử dụng thông tin KTQT: Về cung cấp thông tin, KTQT tổ chức hệ thống báo cáo kế toán riêng được lập theo yêu cầu của quản trị DN, các báo cáo KTQT cung cấp thông tin cho mục tiêu hoạch định, kiểm soát và ra quyết định quản lý, được lập theo từng trung tâm trách nhiệm dưới dạng báo cáo dự toán SXKD, báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận. Khuynh hướng trọng tâm là thông tin kiểm soát nội bộ như: đưa ra bằng chứng giúp nhà quản lý tìm được
phương thức tốt nhất khai thác tiềm năng kinh tế phát triển doanh nghiệp trong tương lai, nhận định tình hình tiến hành ở các trung tâm trách nhiệm quản lý để dự báo, điều chỉnh hoạt động phù hợp với kế hoạch, giám sát tình hình hiện tại và tương lai của những nhà quản lý ở từng bộ phận nhằm đảm bảo chiến lược, kế hoạch, và khai thác tốt nhất năng lực các nhà quản lý, tiềm năng từng bộ phận trong cấu trúc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.