CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC HỆ THỐNG THÔNG TIN KẾ TOÁN QUẢN TRỊ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT
2.1. TỔNG QUAN VỀ CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT XI MĂNG BẮC MIỀN TRUNG
2.1.2. Chiến lược phát triển và nhu cầu thông tin quản lý
Chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam
Trong định hướng phát triển công nghiệp XM đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã làm rõ mục tiêu phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững; sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng; tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và tiêu hao năng lượng thấp; phát triển phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường [34].
Về đầu tư, quy hoạch: Đầu tư phát triển công nghiệp xi măng bền vững, sử dụng tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Ưu tiên đầu tư các dự án xi măng ở các tỉnh phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông; các dự án công suất lớn, công nghệ hiện đại, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp.
Về công nghệ: Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất. Đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, đồng bộ nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, tận dụng nhiệt khí thải trong các nhà máy xi măng để phát điện, tăng sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Về quy mô công suất: Phát triển các nhà máy có quy mô công suất lớn, các dự án đầu tư mới, công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày. Khuyến khích hình thành các tổ hợp sản xuất XM lớn từ các dự án hiện có bằng các hình thức phù hợp.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng giải pháp của ngành xi măng trong thời gian tới là kết hợp đồng bộ giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các ngành và các lĩnh vực; rà soát lại định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới, đảm bảo duy trì ổn định chất lượng sản phẩm; chú trọng giải pháp bán hàng, sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường [8].
Chiến lược phát triển của các DNSX xi măng Bắc miền Trung
Chiến lược phát triển của các DNSX XM Bắc miền Trung được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích thông tin môi trường, tăng trưởng thị trường, hiệu quả kinh doanh, năng lực sản xuất, khả năng tài chính, khả năng công nghệ. Mục tiêu chiến lược của các DN đến năm 2025 tập trung trên ba mảng [39], [40], [44], [45]:
Mục tiêu tài chính: Đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROCE) ở mức 10% đến 12%; đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh số XM hàng năm (CAGR) khoảng 8,5% đến 9,5%; duy trì thị phần trên các thị trường cốt lõi trên 50%.
Mục tiêu khách hàng: Phát triển thương hiệu gắn với thuộc tính chất lượng ổn định và dịch vụ khách hàng tốt nhất; phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp, đảm bảo khách hàng tiếp cận sản phẩm nhanh và thuận tiện.
Mục tiêu phát triển năng lực: Tối ưu hóa hệ thống sản xuất để nâng cao hiệu suất chi phí, nâng cao chất lượng Clinker và duy trì ổn định chất lượng sản phẩm
XM; Tăng năng lực sản xuất; Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và kinh doanh;
Phát triển HTTT quản trị doanh nghiệp hướng tới hiệu quả và tinh gọn.
Để thực hiện chiến lược phát triển, các DN cần triển khai các giải pháp nhằm khai thác tối ưu các nguồn lực, tăng cường sự phối hợp giữa các hệ thống trong DN.
HTTT KTQT là một công cụ hữu hiệu giúp nhà quản lý nâng cao hiệu quả công tác quản trị DN, cần phải được phát triển theo hướng hiệu quả. Tổ chức HTTT KTQT phải đảm bảo cung cấp thông tin hữu ích thực hiện các chức năng quản lý, liên kết mục tiêu của các bộ phận, hệ thống để thực hiện mục tiêu chung của DN. Chiến lược phát triển năng lực cho thấy, HTTT KTQT được quan tâm đầu tư phát triển, ứng dụng CNTT hiện đại để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động quy trình quản lý, đảm bảo khả năng phản ánh kịp thời, đầy đủ, khách quan tình hình hoạt động SXKD của DN, cung cấp thông tin thiết thực, hiệu quả cho các quyết định quản lý.
2.1.2.2. Nhu cầu thông tin kế toán quản trị của nhà quản lý
Xác định nhu cầu thông tin của các nhà quản trị là một sự cần thiết, thông tin KTQT phải là những thông tin thiết yếu, được cung cấp thường xuyên, kịp thời cho từng cấp, từng khâu quản lý tránh tình trạng quá thiếu hoặc quá tải thông tin. Để đánh giá thực trạng nhu cầu thông tin KTQT của các nhà quản trị trong việc thực hiện các mục tiêu quản lý, ảnh hưởng của nhân tố này lên tổ chức HTTT KTQT trong các DNSX XM Bắc miền Trung, luận án khái quát theo hai giai đoạn:
- Giai đoạn trước năm 2009: Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của ngành xi măng, sản lượng cung ứng không đủ so với nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tính cạnh tranh giữa các DN là không cao [9]. Ở giai đoạn này, ranh giới giữa hệ thống KTTC và KTQT chưa thực sự rõ ràng, nhu cầu thông tin KTQT của các nhà quản lý là rất thấp. HTTT KTQT được tổ chức để cung cấp thông tin thực hiện chức năng lập kế hoạch chi phí và quản trị chi phí. Hệ thống dự toán ngân sách đang còn đơn giản và thiếu tính chính xác; công tác quản trị chi phí hướng vào việc tính toán, xác định các yếu tố chi phí nhằm khai thác khả năng sử dụng nguồn lực; sử dụng kỹ thuật và phương pháp KTQT truyền thống.
- Giai đoạn từ năm 2009 đến nay: Tình trạng dư cung trong ngành xi măng bắt đầu xảy ra từ năm 2009 và dự báo mức dư cung ngày một tăng, cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong lĩnh vực xi măng trên cả thị trường trong nước và quốc tế
trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi các DNSX XM Bắc miền Trung cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững. Giai đoạn này, các DN XM Bắc miền Trung phát triển sản xuất XM theo hướng xây dựng nhà máy lò quay công suất lớn; sản xuất theo phương pháp khô;
công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao với quy trình khép kín; tư duy quản lý theo quy trình nhằm nâng cao khả năng phân tích, dự báo, tầm nhìn chiến lược [9]. Nhu cầu thông tin KTQT của các nhà quản trị trong các DNSX XM Bắc miền Trung là khá cao, tổ chức HTTT KTQT với mục tiêu là cung cấp thông tin để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch và kiểm soát nguồn lực. Hệ thống dự toán ngân sách khá đa dạng, được lập chi tiết cụ thể theo các phương pháp lập kế hoạch hiện đại như dựa trên sự tăng trưởng và dựa trên mục tiêu của DN, hệ thống thông tin để kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng được phát triển theo nhu cầu của nhà quản trị, các công cụ hỗ trợ và kỹ thuật KTQT hiện đại như phân tích thông tin theo hoạt động, theo chuỗi giá trị, xác định chi phí theo phương pháp ABC...
Hiện nay nhu cầu thông tin KTQT trong việc kiểm soát và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực sự chưa cao. Nhà quản trị chỉ có nhu cầu thông tin KTQT để tổng kết, đánh giá, dự báo kết quả hoạt động của DN, chưa thực sự sử dụng thông tin KTQT cho các quyết định chiến lược, lập kế hoạch chiến lược và kiểm soát việc thực hiện mục tiêu chiến lược (phụ lục 03A). Vì vậy, vai trò của tổ chức HTTT KTQT trong các DNSX XM Bắc miền Trung chưa được phát huy đúng mức. HTTT KTQT hiện nay được tổ chức chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, chưa thực sự cung cấp thông tin đáp ứng các mục tiêu điều hành, kiểm soát và ra quyết định quản lý.