Chương 2. QUY HOẠCH BÀI TRẮC NGHIỆM LỚP HỌC
I. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HỌC TẬP
2. Các mục tiêu dạy - học là cơ sở cho việc soạn thảo một bài trắc nghiệm
2.1. Tầm quan trọng của việc xây dựng mục tiêu
Xác định mục tiêu cụ thể cho từng môn học hay chương trình học là vô cùng quan trọng. Điều này có nghĩa là phải xác định những tiêu chí, kỹ năng, kiến thức học sinh cần đạt khi kết thúc chương trình đào tạo và sau đó xây dựng qui trình và công cụ đo lường nhằm đánh giá xem học sinh có đạt được các tiêu chí đó không.
2.2. Những lợi điểm khi xác định rõ ràng các mục tiêu cần đạt + Tạo dễ dàng cho việc kiểm tra và chấm điểm công bằng.
+ Mục đích của môn học, nội dung môn học và qui trình đánh giá vừa nhất quán vừa quan hệ chặt chẽ với nhau.
+ Mục tiêu cho phép người đánh giá xác định hoạt động giảng dạy và tài liệu học tập nào có hiệu quả.
+ Cho thấy rõ ràng sự đối chiếu kết quả đào tạo giữa nội dung giảng viên truyền đạt và nội dung học sinh tiếp thu và có thể thực hành được.
+ Mô hình giảng dạy hợp lý phải xác định được trình tự giữa mục tiêu và nội dung - nghĩa là học sinh phải làm được A trước khi có thể làm B.
+ Khuyến khích học sinh tự đánh giá vì họ biết họ phải đạt cái gì.
+ Hỗ trợ hiệu quả việc học của học sinh và giảm bớt lo lắng vì có hướng dẫn và xác định rõ các tri thức ưu tiên trong giảng dạy.
+ Học sinh hiểu rõ các môn học có liên thông với nhau và gắn với mục đích đào tạo.
2.3. Các đặc điểm của mục tiêu
Mục tiêu phải bao gồm đủ các ý sau đây (nếu ghép các mẫu tự đầu của tiếng Anh sẽ thành chữ SMART):
S - Specific (cụ thể)
M - Measurable (có thể đo được) A - Achievable (có thể đạt được)
R - Result - oriented (hướng vào kết quả) T - Time - bound (giới hạn thời gian)
(1) Mục tiêu cần phải cụ thể: phải nêu ra kết quả mà nó nhằm đạt được.
Các mục tiêu cụ thể sẽ giúp cho việc làm sáng tỏ các mục đích, định hướng cho các hoạt động, hướng dẫn thu thập số liệu và các phương tiện đo đạc, cung cấp cơ sở cho việc kiểm tra tính hiệu quả của đánh giá.
(2) Mục tiêu phải có thể đo được: Để có thể đo được, các mục tiêu cần nhằm vào các kết quả có thể quan sát được hoặc thể hiện được.
Ví dụ: Theo bạn, mục tiêu sau có thể đo được hay không?
Sau một học kỳ áp dụng phương pháp giảng dạy mới, giáo viên sẽ nâng tỷ lệ học sinh khá, giỏi lên 90 %.
(3) Mục tiêu phải có thể đạt được: cần tránh nêu ra những mục tiêu xa, mơ hồ, không thể đạt được, cho dù đó là rất cần. Ví dụ: Phát triển óc sáng tạo của học sinh (rất cần như không thể đạt sau một số giờ học).
(4) Mục tiêu cần phải hướng vào kết quả: Mục tiêu chính là các kết quả mà học sinh phải đạt được.
(5) Mục tiêu cần phải giới hạn thời gian. Xác định đó là mục tiêu sau vài tiết học, sau một hay nhiều chương, hoặc cuối 1 học kỳ. Tât nhiên những mục tiêu sau khoảng thời gian dài thì bao quát được nhiều tri thức hơn.
2.4. Phân loại mục tiêu giảng dạy
Hiện nay có nhiều tài liệu bàn về phân loại mục tiêu, nhưng tác phẩm do Benjamin S. Bloom viết (từ 1956) được nhiều nhà giáo dục trên thế giới đồng tình và sử dụng phổ biến! Đó là bộ sách “Nguyên tắc phân loại mục tiêu giáo dục” với ba lĩnh vực được nói đến riêng trong từng cuốn: Lĩnh vực nhận thức, lĩnh vực tình cảm và lĩnh vực tâm lý - cơ động.
Theo Bloom, mục tiêu thuộc lĩnh vực nhận thức có sáu mức độ từ thấp đến cao như sau: Biết (knownledge); Thông hiểu (comprehension); Áp dụng (application); Phân tích (analysis); Tổng hợp (synthesis) và Đánh giá (evaluation). Mỗi mức độ này được định nghĩa cụ thể bằng những tiêu chí cần đạt được.
(Muốn biết đầy đủ về 6 mức độ của Bloom, phải tìm đọc sách của Bloom nói trên. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam và không dễ hiểu ngay. Vì vậy, với người mới học về test, đề nghị đọc kỹ chương II tài liệu “Trắc nghiệm và đo lường thành quả học tập” của TS. Dương Thiệu Tống, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh in 1995. Đồng thời xem phần phụ đính cuối chương 2 của tài liệu này).
2.5. Các động từ hành động thường dùng để viết các mục tiêu nhận thức
Dù đã định nghĩa kết quả học tập chuyên biệt là những nội dung dùng để khảo sát, kiểm tra học sinh, nhưng xác định mục tiêu nhận thức cho các nội dung học tập này thường khó khăn. Vì vậy nhiều chuyên gia trắc nghiệm đề nghị giáo viên khi soạn mục tiêu nên sử dụng các động từ hành động.
Dưới đây là một số hành động ứng với từng mức độ nhận thức của Bloom.
1.0 KIẾN THỨC
Định nghĩa mô tả thuật lại viết
Nhận biết nhớ lại gọi tên kể ra
Lựa chọn tìm kiếm tìm ra cái phù hợp kể lại
Chỉ rõ vị trí chỉ ra phát biểu tóm lược
2.0 THÔNG HIỂU
Giải thích cắt nghĩa so sánh đối chiếu
Chỉ ra minh họa suy luận đánh giá
Cho ví dụ chỉ rõ phân biệt tóm tắt
Trình bày đọc
3.0 ÁP DỤNG
Sử dụng tính toán thiết kế vận dụng
Giải quyết ghi lại chứng minh hoàn thiện
Dự đoán tìm ra thay đổi làm
Ước tính sắp xếp thứ tự điều khiển 4.0 PHÂN TÍCH
Phân tích phân loại so sánh tìm ra
Phân biệt phân cách đối chiếu lập giả thuyết
Lập sơ đồ tách bạch phân chia chọn lọc
5.0 TỔNG HỢP
Tạo nên soạn đặt kế hoạch kết luận
Kết hợp đề xuất giảng giải tổ chức
Thực hiện làm ra thiết kế kể lại
6.0 ĐÁNH GIÁ
Chọn quyết định đánh giá so sánh
Thảo luận phán đoán tranh luận cân nhắc
Phê phán ủng hộ xác định bảo vệ
(Then Kevin Barvey và Len King - Tạp chí khoa học xã hội - Úc)