Đóng góp của luận án

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 26 - 29)

12 Cách tiếp cận sinh thái học vấn đề Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII của chúng

tôi cũng nhận được sự ủng hộ và góp ý của PGS.TS Charles Wheeler (Viện Nhân văn và Khoa học Xã hội, Đại học Hồng Kông). Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn Thầy Charles vì những ý kiến trao đổi quý báu này.

29

Với nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận như vậy, đóng góp của luận án tập trung vào những điểm chính sau đây:

- Khái quát được bối cảnh lịch sử tác động đến sự hình thành một hệ thống cảng thị trên tuyến giao thông thủy trọng yếu nhất của Bắc Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII, trong đó nhấn mạnh đến xu hướng cởi mở đối với thương mại của các thể chế chính trị Việt Nam từ thế kỷ XVI và trong suốt thế kỷ XVII-XVIII. Thông qua khảo cứu thực thể Tuần ty, lần đầu tiên phân tách chính sách thương nghiệp với chính sách ngoại kiều của nhà nước Lê - Trịnh;

- Khái quát được điều kiện tự nhiên, sông ngòi, sự vận động, thành tạo cũng như sự ổn định và phát triển của châu thổ Bắc Bộ cho đến thế kỷ XVIII, trong đó nhấn mạnh đến những ưu thế vượt trội của hệ thống sông Thái Bình và các cửa biển vùng Đông Bắc so với hệ thống sông Hồng và các hải khẩu Nam đồng bằng Bắc Bộ. Dưới góc nhìn địa - lịch sử/văn hóa, phân tích và lý giải căn nguyên hình thành, tồn tại một tuyến Sông Đàng Ngoài trọng yếu của Bắc Đại Việt trong hai thế kỷ XVII-XVIII. Làm rõ khái niệm cảng thị, khái niệm Sông Đàng Ngoài trong tư liệu phương Tây, định vị Sông Đàng Ngoài trên thực địa Việt Nam và một lần nữa nhấn mạnh vị trí vùng cửa sông Thái Bình;

- Khắc họa diện mạo của cảng thị Thăng Long - Kẻ Chợ với các bến cảng triển nở về phía nam Kinh Kỳ lần đầu tiên được đặt trong bối cảnh sông ngòi châu thổ Bắc Bộ. Luận án cũng lần đầu tiên đưa ra nhận định về sự phát triển lệch Đông của Thăng Long trong hai thế kỷ XVII-XVIII, qua đó khẳng định vai trò của Sông Đàng Ngoài và vị thế cảng đối ngoại của Kẻ Chợ. Tập hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau, luận án tái hiện sự tập trung đông đảo của khách thương ngoại quốc tại Thăng Long, các thương điếm Tây Âu, nhấn mạnh nền tảng thủ công nghiệp Kẻ Chợ trong bối cảnh thủ công nghiệp Đàng Ngoài, đặc biệt đối với hai thương phẩm tơ lụa và gốm sứ. Với luận án, các hoạt động ngoại thương của Thăng Long lần đầu tiên được trình bày và phân tích đầy đủ, cặn kẽ, theo đó Kẻ Chợ là trung tâm xuất nhập khẩu của Bắc Đại Việt, thương cảng trung chuyển hàng hóa giữa Nam Trung Quốc với mạng lưới thương mại quốc tế Biển Đông, và như vậy, các mối liên hệ giao thương hải ngoại của cảng thị này khá thoáng mở so với những nhận định khoa học trước đây;

- Phân tích và làm rõ quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển của Phố Hiến, khẳng định sự hưng thịnh của cảng thị vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII gắn liền với chính sách ngoại kiều của chính quyền Lê - Trịnh, lần đầu tiên được khảo cứu bài bản. Lý giải được những giai đoạn diện mạo khác nhau của Phố Hiến, giải đáp được cái tưởng chừng như là độ vênh giữa các nguồn tư liệu mô tả

30

Phố Hiến. Thông qua phân tích về sự tồn tại, hiện diện của các thương điếm Tây Âu tại cảng thị này, những vấn đề về lịch sử, diện mạo và vị thế của Phố Hiến đã được làm sáng tỏ. Luận án cũng là công trình đầu tiên khắc họa vai trò của Phố Hiến trong các hoạt động ngoại thương Bắc Đại Việt cũng như là vai trò, chức năng trung gian của cảng thị này trong hệ thống Sông Đàng Ngoài.

- Phân tích sự ra đời, vai trò, chức năng của cảng cửa khẩu Domea trong vùng cửa biển Thái Bình cũng như trên toàn tuyến Sông Đàng Ngoài. Kết hợp trực tiếp điền dã với phương pháp nghiên cứu liên ngành, thảo luận về vị trí Domea trên thực địa. Lần đầu tiên, luận án nêu rõ vai trò, chức năng, vị trí của địa điểm Batsha, đặt giả thuyết về mối liên hệ giữa Batsha với quê hương nhà Mạc; cũng như bước đầu nêu ra vấn đề các cảng bến khác trong vùng cửa Sông Đàng Ngoài.

31

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(318 trang)