Chương 2: Thăng Long - Kẻ Chợ: cảng thị trung tâm
2.2. Diện mạo cảng thị
2.2.3. Thương nhân ngoại quốc
Chí ít cho đến đầu thế kỷ XV, ở Đông Kinh thời Lê Sơ đã có hẳn một
“phường Đường nhân”, là nơi Hoa kiều sinh sống và buôn bán (nay là phố Hàng Ngang) [209, tr. 217-218], khiến vua Lê Thái Tông năm 1437 đã từng lệnh cho
“người Minh” ở Thăng Long và Đại Việt phải mặc quần áo và cắt tóc ngắn như người Kinh [101, II, tr. 347]. Sự tích chùa Bà Ngô (chùa Ngọc Hồ, huyện Thọ Xương) cho thấy hiện tượng Hoa kiều đến định cư, lấy vợ Việt, làm ăn khấm khá, đóng góp tiền của trùng tu chùa chiền đã trở nên phổ biến ở Đông Kinh vào thời Mạc thế kỷ XVI [112, tr. 91, 212]. Tuy nhiên, đợt di cư lớn nhất của Hoa kiều vào Thăng Long được thực hiện vào thế kỷ XVII, hệ quả của sự thay đổi triều đại giữa Thanh (Mãn Châu) và Minh (Hán) [44, tr. 58, 188]. Sự có mặt của người Hoa đã tác động lớn đến hoạt động công thương nghiệp Kẻ Chợ, như sự cải tiến kỹ thuật dệt gấm tại các làng dệt vùng Bưởi - Tây Hồ (Trích Sài, Hồ Khẩu, An Thái) có được cũng nhờ ba anh em Lý Khắc Quý, vốn là quan triều Minh sang Thăng Long thế kỷ XVII, truyền dạy [64, tr. 184]. Số lượng Hoa kiều gia tăng nhanh chóng tại Kẻ Chợ khiến Nhà nước Lê - Trịnh đã nhiều lần vào các năm 1650, 1663, 1666 ra quy định về địa điểm trú ngụ, giao dịch, các thủ tục xét hỏi, trình báo, cũng như nếp sinh hoạt, phong tục [124, I, tr. 561, 580]. Chính Hoa kiều ở Thăng Long và những thương nhân Trung Quốc lưu động đã chắc chắn đóng vai trò tích cực điều phối tuyến buôn Biển Đông - Kẻ Chợ - Nam Trung Hoa trong những thập kỷ 1650-1690;
sự hiện diện của các đồng tiền Hồng Hóa thông bảo, Lợi Dụng thông bảo của chính quyền Minh mạt (Ngô Thế Phan, Ngô Tam Quế) cát cứ miền Nam Trung Quốc tại di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng phần nào chứng minh cho sự thịnh hành của tuyến thương mại này và vai trò của Hoa thương cư ngụ và lai vãng đến Đông Kinh thế kỷ XVII [80, tr. 127].
Thế kỷ XVII-XVIII, Hoa kiều tại Thăng Long - Kẻ Chợ tập trung tại một số phố phường (như chợ Cầu Đông [96, I, tr. 229]; phường Hà Khẩu, cửa sông Tô [52, tr. 27]), lập thành bang, như bang Quảng Đông ở phố Hàng Buồm, Hàng Ngang;
bang Phúc Kiến thì ở phố Lãn Ông, phố Cửa Đông [137, tr. 189; 133, tr. 326].
59
Phường Diên Hưng - phố Hàng Ngang phần lớn là thương nhân Hoa gốc Quảng Đông; thế kỷ XVIII thì cùng với phường Đồng Lạc hợp thành phố Hàng áo, chuyên bán các thứ tơ, lụa, vóc, nhiễu. Tại những nơi người Hoa sinh sống, đã hình thành nên các “tửu điếm trà đình”, tập trung các “cao lâu” đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Hoa kiều, mà phố Hàng Buồm là một ví dụ tiêu biểu [133, tr. 185]. Cũng chính lực lượng Hoa kiều cư trú tại Thăng Long thế kỷ XVIII đã lập đền thờ Sầm Công (Sầm Nghi Đống) trên núi Loa Sơn khu vực gò Đống Đa [133, tr. 366-367]. Cuối thế kỷ XVIII, vào các năm 1799-1800, các vị phụ lão người Hoa đã xây lập Hội quán Việt Đông tại địa phận giáp Nam Trung, phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, mà bi ký năm 1803 đã khắc ghi: “Nay Thăng Long là nơi đô hội của nước Nam, cũng là kho báu của tỉnh Đông. Cánh người khách chúng ta, có người đã tới đây từ hàng mấy đời, lại có người mới đến, hội họp thuyền bè ngựa xe, tụ tập hàng hóa tiền của, thịnh vượng nhất kể từ xưa đến nay” [112, tr. 222-223].
Không chỉ đông đảo về số lượng, Hoa thương ở Kẻ Chợ thế kỷ XVII đã thiết lập một mạng lưới buôn bán khá quy củ, chắc chắn và cạnh tranh hiệu quả với các khách thương ngoại quốc khác, đặc biệt trong tuyến buôn tơ lụa Đàng Ngoài - Nhật Bản [197, tr. 187, 189]. Các phú thương Hoa thường làm chủ những đại lý tại Thăng Long, cả hệ thống môi giới Hoa kiều giao thiệp với thợ thủ công bản xứ, và các thương thuyền liên tục xuôi ngược Kẻ Chợ - Nagasaki trong suốt thế kỷ, thậm chí kể cả sau khi tuyến buôn này bắt đầu suy thoái vào giữa những năm 1650 [286, tr. 46-47].
Phú thương Nhật Bản
Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn Châu ấn thuyền, có đến 37 thương thuyền Nhật Bản đến Tonkin, nơi có các thương cảng quốc tế là Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến và Vân Đồn [88, tr. 123]. Sau khi Mạc phủ Tokugawa thi hành chính sách Tỏa quốc (Sakoku), khách thương Nhật trở thành những Nhật kiều lưu vong, buộc phải trú chân tại Nghệ An, Phố Hiến và Thăng Long của Đàng Ngoài, hoạt động như những môi giới, thông ngôn, trung gian giữa người Việt và thương nhân nước ngoài. Nói đến Nhật thương ở Thăng Long, không thể không nhắc đến một nhân vật tên Resimon (hay Wada Riyaemon), một đại phú gia ngoại quốc của Kẻ Chợ và Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Resimon vốn là một người hiểu rõ tình hình của vùng Thuận Quảng, và từng được coi là một thương nhân chuyên bao mua tơ lụa Đàng Trong cho thị trường Nhật Bản. Sau khi chuyển ra kinh doanh ở phía Bắc, Resimon có những mối liên hệ mật thiết với chính quyền Lê - Trịnh (dưới cả hai đời
60
chúa Trịnh Tráng và Trịnh Tạc), cũng như có nhiều liên hệ với người Bồ Đào Nha, Hà Lan và bản thân vị thương gia này đóng vai trò tích cực trong việc vận chuyển tơ lụa từ Đàng Ngoài sang Nhật Bản [276, tr. 114; 88, tr. 130-131].
Đối với các khách thương ngoại quốc đến Đàng Ngoài, Resimon cũng là một thương gia “nổi tiếng” và ai cũng luôn muốn tìm cách hợp tác để thêm phần thuận lợi cho việc kinh doanh ở đây. Nhờ những mối giao lưu rộng mở, không chỉ có các tuyến buôn giữa Đàng Ngoài với Nhật Bản hay Đông Nam á hải đảo (Manila), Resimon cũng tiến kết nối Đàng Ngoài với Macao khi cần thiết. Có thể nói, do có cả quan hệ với cả trong và bên ngoài lãnh thổ Bắc Đại Việt mà Resimon là một trong số ít những phú thương ngoại quốc có thể sống sót và củng cố thế lực qua những biến cố lớn của Đàng Ngoài cũng như của bản thân [197, tr. 124, 141, 148- 149, 153].
Ngoài nhân vật Resimon tiêu biểu, người ta còn biết đến một người Công giáo Nhật Bản buôn bán tại Kẻ Chợ thế kỷ XVII là Phaolô Vada. Năm 1666, cha Chính Phanxicô Deydier, một giáo sỹ thừa sai Pháp, đến Đàng Ngoài và Thăng Long đã ghi nhận đây là một thương gia giàu có và “cũng có thế giá trong giáo đoàn xứ Bắc”. Chính sự “ngần ngại” trong việc “chịu nhận quyền” trước các cha cố thừa sai Paris của Vada, và sức ảnh hưởng của lái buôn này với cộng đồng giáo dân Kẻ Chợ, những người mà cho đến trước thập niên 1660 chỉ biết đến sự hiện diện và vai trò của các giáo sỹ dòng Tên, đã gây khó khăn nhất định cho Đức cha Deydier trong buổi đầu thâm nhập vào xứ đạo Đàng Ngoài [57, tr. 120, 127]. Ngoài Resimon và Phaolô Vada, sự góp mặt của những kiều dân, thương nhân Nhật Bản ở Thăng Long và phụ cận trong thế kỷ XVII-XVIII còn có thể tìm thấy đâu đó trong các trang gia phả của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ [28, tr. 23].
2.2.3.2. Thương nhân Tây Âu
Người Bồ Đào Nha là những lữ khách châu Âu đầu tiên đặt chân đến Kẻ Chợ thế kỷ XVII. Chuyến đi đầu tiên của các giáo sỹ dòng Tên từ Macao thuộc Bồ đến Đàng Ngoài được diễn ra vào đầu năm 1626, do cha Giuliano Baldinotti (người ý) cùng một trợ tá người Nhật là thầy tu Giuliano Piani thực hiện trên một chiếc tàu buồm Pataxo của các thương nhân Bồ Đào Nha (chủ tàu tên Gaspar da Fonseca).
Ngay sau khi cập cửa sông Thái Bình và được hộ tống ngược Sông Đàng Ngoài, Baldinotti cùng với tất cả những người Bồ Đào Nha ở trên tàu đã đến thẳng Thăng Long - Kẻ Chợ để vệ kiến Trịnh Tráng, được chúa Trịnh ban cho ở trong “những ngôi nhà đẹp nhất trong thành phố” [73, tr. 60; 276, tr. 114]. Cho dù ngôi nhà mà
61
đức cha người ý được tạm trú nằm trong kinh thành hay ở ngoại ô [140, tr. 76-77]
thì ta cũng chắc chắn một thực tế là thời điểm 1626 đã có những du khách châu Âu đầu tiên định cư tại Kẻ Chợ. Cũng với danh nghĩa Dòng Tên ở Macao, năm 1627, giáo sỹ Pháp Alexandre de Rhodes đến Kẻ Chợ, sau khi tạm trú tại nhà quan “Mau tai” (Mậu tài) [56, tr. 111], cũng được Trịnh Tráng cho xây dựng một căn nhà gỗ kiên cố bên ngoài Phủ Chúa. Có ý kiến cho rằng địa điểm ngôi nhà của cha Rhodes ở quãng Ô Cầu Dền [140, tr. 219-220], nhưng ý kiến khác đoán định địa điểm này chắc hẳn ở giữa Hoàng thành và khu phố buôn bán, quãng sông Tô Lịch (phố Jean Dupuis, tức phố Hàng Chiếu) [73, tr. 83]. Căn nhà này đến ngày 18/6/1629 buộc phải bị đóng cửa, khi De Rhodes bị trục xuất khỏi kinh thành.
Người Bồ không lập thương điếm tại Thăng Long, họ là những thương gia tự do, sở hữu hoặc thuê tàu thuyền chở những hàng hóa thích hợp với Đàng Ngoài, bắt đầu xuất phát ở Macao vào đầu mùa đông, vượt qua các đảo Tontio (Tontio Isles) theo tuyến đường biển giữa duyên hải Trung Quốc và đảo Hải Nam (Ainam), để vào Vịnh Bắc Bộ và tiếp cận lục địa Bắc Đại Việt (cửa Sông Đàng Ngoài hoặc các cảng biển Thanh - Nghệ) khoảng tháng 2-3 đầu năm,25 rồi từ đó tìm đường lên Thăng Long. Trong thời gian lưu trú và giao dịch (thường khoảng mấy tháng), thương nhân Bồ có thể ở lại trong những ngôi nhà do chính quyền Lê - Trịnh chỉ định, hay ở nhà những người thông ngôn (điển hình là vị Raphael), hoặc ở với các giáo sỹ dòng Tên, nhất là sau khi thành lập Đoàn truyền giáo (năm 1627). Khi hàng hóa bán xong, đồng thời gửi lại một khoản vốn (bạc) cho trung gian môi giới, kể cả cho các giáo sỹ Thiên chúa lưu trú tại Kẻ Chợ [245, tr. 205], để thường kỳ đặt hàng cho năm sau, người Bồ rời Đàng Ngoài, mang hàng hóa thu mua được tại đây (chủ yếu là tơ sống) đem qua Nhật Bản tiêu thụ, rồi quay trở lại Macao [108, tr. 41-42].
Sau năm 1639, khi Tướng quân Nhật Bản Tokugawa Iemitsu quay lưng lại với Bồ Đào Nha bài trừ Thiên Chúa giáo [85, tr. 76-77], thị trường đảo quốc đóng lại đối với người Iberia, họ buộc phải để Hoa kiều và thương nhân Hà Lan cạnh tranh tự do trên tuyến buôn Đàng Ngoài - Đông Bắc á [108, tr. 42]. Tuy vậy, người Bồ Đào Nha ở Macao vẫn duy trì buôn bán đều đặn với Thăng Long cho đến cuối thập kỷ 1660 [276, tr. 114; 197, tr. 155], đặc biệt là hoạt động nhập khẩu tiền đồng Trung Quốc từ Macao vào Đàng Ngoài mà đỉnh điểm là thập niên 1650, khi mà Hoa thương và VOC chưa cạnh tranh quyết liệt với họ như ở giai đoạn từ đầu những
25 Người Anh đến Đàng Ngoài năm 1672 đã nhận xét: “Từ Đàng Ngoài, người Bồ Đào Nha đi Macao trong
khoảng từ tháng 5 cho đến hết tháng 6, 7 và một phần tháng 8, và đến đây [Đàng Ngoài] từ tháng 10 cho đến tháng 3”. Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Anh, ngày 7/12/1672 [235].
62
năm 1660 trở về sau [286, tr. 51-52, 101]. Năm 1669, lần đầu tiên sau 6 năm trời đứt quãng, tàu buôn Bồ Đào Nha quay lại Đàng Ngoài, mang theo ba cha cố Dòng Tên, trong đó có cha Đôminicô Fuciti trước đây là thừa sai Dòng Tên ở địa phận Đàng Trong, vốn thông thạo tiếng Việt, nên trong khi hai cha kia là Balthasar de Rocha và Philippô Fieschi bị chúa Trịnh trục xuất khỏi Đàng Ngoài thì cha Fuciti vẫn bí mật lên cư trú tại Thăng Long cho đến tận thập niên 1680 [57, tr. 151, 153, 283]. Bước sang thập kỷ 1670, thương nhân Bồ Đào Nha từ Macao vẫn tiếp tục lác đác dong thuyền sang Đàng Ngoài vào những năm 1671 và 1673. Tuy nhiên, những chuyến đi của người Bồ thời gian này gặp phải nhiều rủi ro, lại vướng phải những phiền toái liên quan đến tôn giáo với chính quyền Lê - Trịnh và viên “quan trấn tỉnh [Sơn] Nam” [57, tr. 242, 250-252; 197, tr. 193, 200, 284-285, 288-289, 291-293;
235].26 Trong những năm 1680, không thấy có bóng dáng tàu Bồ Đào Nha cập cảng Đàng Ngoài trong khối tư liệu Hà Lan và Anh, cho dù chắc chắn người Iberia vẫn hiện diện đâu đó ở Kẻ Chợ, Phố Hiến, Nghệ Tĩnh, trấn Đông - Hải Dương hay một số nơi khác [57, tr. 252, 283]. Phải đến năm 1692 trong nhật ký thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ mới thấy xuất hiện trở lại một chuyến “tàu của người Bồ Đào Nha đến Đàng Ngoài kinh doanh”, tức sau 19 năm (1673-1692) mối quan hệ thương mại Đàng Ngoài - Bồ Đào Nha bị đứt đoạn. Tuy vậy, theo như ghi nhận của người Anh, cũng đang ở Kẻ Chợ đương thời, người Bồ đến với “rất ít hàng hóa”, mà trái lại, những rắc rối tôn giáo với chính quyền Đàng Ngoài và vận rủi tại cửa sông Thái Bình lại nhiều hơn bội phần [197, tr. 244, 430, 450, 455, 458, 461, 466, 503].
Mặc dù vào thập kỷ 1690 người Bồ Đào Nha lai vãng đến Đàng Ngoài và Kẻ Chợ ít hơn so với giai đoạn những năm 1630-1660 trước đó, nhưng sự có mặt của người Iberia ở kinh đô Thăng Long thời gian này vẫn đáng được ghi nhận. Triều đình Lê - Trịnh đã cắt cử hẳn một viên quan chuyên trách, quản lý hoạt động của người Bồ Đào Nha và Hoa thương tại Kẻ Chợ và Phố Hiến, đó là vị Ungja Whee [197, tr. 450]. Cho đến thời điểm năm 1696, trong khi người Pháp phải sinh sống, hoạt động truyền giáo và buôn bán tại Phố Hiến, thì một bộ phận người Bồ vẫn cư ngụ tại Thăng Long, cũng như thương nhân Hà Lan và Anh. Thậm chí, cũng trong năm này, các giáo sỹ Dòng Tên thuộc Bồ Đào Nha đã nuôi hy vọng “được cấp một mảnh đất xây nhà lưu trú tại kinh đô Kẻ Chợ”. Cho dù Trịnh Căn thẳng thừng từ chối nguyện vọng của giáo sỹ Nissitadore nhưng qua đó cũng có thể thấy sự hiện
26 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 27/2, 21, ngày 24, 28/3, ngày 6, 19/6, 16/7, và 1, 10/8/1673.
63
diện và mong muốn được định cư của người Bồ Đào Nha tại Thăng Long vào cuối thế kỷ XVII [197, tr. 520, 526, 529-533].
Cùng với Bồ Đào Nha, người ý có thể coi là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Kẻ Chợ, cho dù không phải với tư cách thương gia. Tương tự, người Pháp đến Bắc Đại Việt cũng nhằm mục đích truyền bá Cơ Đốc giáo và đặc biệt là từ sau khi Hội Thừa sai Paris hay còn gọi Hội Truyền giáo Ngoại quốc Paris (MEP) được thành lập năm 1663. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích tôn giáo, những công ty thương mại cũng được hình thành vào thập niên 1660, trong đó đặc biệt là Công ty Đông ấn Pháp (CIO), lập năm 1664 [108, tr. 53-54, 156-157]. Từ khoảng đầu thập niên 1670 cho đến hết thế kỷ XVII, trước cả khi thương điếm CIO ở Phố Hiến được thiết lập (1680-1682) và cho dù không có cơ sở thứ hai tại Thăng Long, ta vẫn có thể bắt gặp đâu đó sự hiện diện của các nhà buôn Pháp ở Kẻ Chợ, thậm chí tại Phủ chúa Trịnh, vào các niên điểm 1669, 1673, 1680 [57, tr. 237, 289; 108, tr. 58-58; 197, tr. 189, 219, 287; 29, tr. 55, 62; 235].27 Năm 1681, viên Giám đốc kinh doanh của CIO ở Đàng Ngoài là thương gia Chappelain đã cưới Monica Dabada, “một phụ nữ Macao giàu có” vốn đang sinh sống và làm ăn ở Kẻ Chợ, để người Anh phải lao đao đi tìm nhà trọ khác tại kinh đô Thăng Long [197, tr. 222, 370]. Năm 1682, người Hà Lan ở Kẻ Chợ than phiền bởi sự xuất hiện một thế lực cạnh tranh mới mang tên Pháp quốc cho dù thực tế thì người Pháp đã thất bại trước sự không “mặn mà” của Trịnh Căn, và phải theo gió bấc quay tàu về Xiêm [108, tr. 60-61; 29, tr. 56; 197, tr. 224-225, 383; 235].28 Bước sang thập kỷ 1690, thành phần người Pháp ở Kẻ Chợ đều chỉ là các cha cố Thiên Chúa giáo, những người thường nhận được sự lạnh nhạt của Phủ Chúa (sự kiện năm 1695), hoặc thậm chí bị đẩy từ Kẻ Chợ xuống Phố Hiến vào năm 1696 [197, tr. 438, 475, 502, 532, 541].
Trong chiến lược tôn giáo và thương mại của Tây Ban Nha, Đàng Ngoài không phải là mắt xích quan trọng ở Đông Nam á để thâm nhập thị trường Đông Bắc á, mà thương cảng đóng vai trò cầu nối giữa các thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ La Tinh với Trung Quốc và Nhật Bản thuộc về Manila (Philippin) [61, tr. 53- 64]. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha đã đặt chân đến Đàng Ngoài không lâu sau khi khám phá ra Philippin năm 1565 [167, tr. 18]. Hơn thế, lịch sử giao thương giữa Bắc Đại Việt và Đông Nam á hải đảo cũng chứng kiến việc các thuyền mành có xuất xứ từ Manila đến Đàng Ngoài buôn bán trong các thập kỷ 1650-1670, đặc biệt là để thu mua tơ lụa và xạ hương [197, tr. 145-146, 152, 155, 162, 165, 177, 182;
27 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 18/3/1673.
28 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 9/9/1682.
64
56, tr. 57, 119]. Hoạt động thương mại của người Tây Ban Nha đến Kẻ Chợ thời gian này gồm hai đặc điểm, thứ nhất là có sự hậu thuẫn của Toàn quyền Iberia ở Manila, và thứ hai là biến Thăng Long trở thành một mắt xích quan trọng của tam giác kinh tế Manila - Cao Miên - Đàng Ngoài. Sự dính líu của thương mại Tây Ban Nha vào thị trường Kẻ Chợ, thậm chí, đã làm nhân viên thương điếm Hà Lan ở đây khá rối trí và âm mưu tìm cách đánh trệch hướng thuyền mành Manila sang những hải cảng khác [286, tr. 55].
Cùng với tàu thuyền là sự hiện diện của các thương gia Manila gốc Tây Ban Nha tại Kẻ Chợ, thậm chí một cách thường xuyên, để tiến hành giao dịch (như nhân vật Vergas, thương nhân Gonzales Discour, chủ tàu Brabander, hoa tiêu Francisco Gonsalvis, hoa tiêu Bartholomew Goncalvez). Sự kiện bạo loạn tại kinh đô Kẻ Chợ tháng 8 năm 1655 đã gián tiếp cho thấy một lượng thương nhân Tây Ban Nha đã lưu trú tại đây, cũng như người Hà Lan và các khách thương ngoại quốc khác [197, tr. 155]. Trong thập niên 70 của thế kỷ XVII, các tàu buôn Manila vẫn tiếp tục lui tới Đàng Ngoài, như được ghi chép trong nhật ký của người Anh ở Đàng Ngoài (các năm 1674, 1675) [235].29 Người Anh ở Phố Hiến và Đàng Ngoài năm 1674 đã nhắc đến một thương gia Tây Ban Nha, chuyên xuất khẩu xạ hương, tơ sống và tất cả các loại lụa thành phẩm của Đàng Ngoài về Manila; hay đến một tàu buôn Tây Ban Nha (Spanish ship) do thuyền trưởng Augustine Patrom điều khiển chuyên xuôi ngược Đàng Ngoài - Manila [235].30 Tuy nhiên, sang thập kỷ 1690, trong nhật ký EIC ở Kẻ Chợ không thấy sự xuất hiện của tàu thuyền và thương nhân Tây Ban Nha ở Thăng Long và Đàng Ngoài nữa. Thời điểm 1695, thành phần các khách thương châu Âu ở Đàng Ngoài chỉ có người Hà Lan, Anh và Pháp [197, tr. 491-492].
2.2.3.3. Các thương điếm phương Tây
Yếu tố mới của cảng thị Kẻ Chợ thời kỳ này là sự hiện diện chi nhánh hai công ty Đông ấn lớn của Tây Âu tại khu vực bến Hà Khẩu, cửa sông Tô Lịch. Sau khi thiết lập được quan hệ chính thức với chính quyền Lê - Trịnh bởi chuyến tàu Grol lịch sử năm 1637, Công ty Đông ấn Hà Lan vẫn chưa được phép lập thương điếm tại Thăng Long [73, tr. 83], bản thân nhân viên VOC phải trú tạm tại nhà viên Trưởng kapado của Phủ Chúa [245, tr. 206-207, 211]. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, quãng thập niên 1640, người Hà Lan đã được phép và xây cất cho
29 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 22/7, 6/10/1674 và 5/1/1675.
30 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Anh, ngày 24/7/1674; Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài
gửi Bantam, ngày 24/7/1674; Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi Bantam, ngày 03/10/1674.