Sông Đàng Ngoài và vị trí vùng cửa sông Đàng Ngoài

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 41 - 47)

Sông Đàng Ngoài20 xuất hiện nhiều trên các bản đồ và thư tịch cổ phương Tây thế kỷ XVII-XVIII với tư cách là tuyến giao thông quan trọng nhất của người châu Âu tại vương quốc Đàng Ngoài giai đoạn này. Tuy nhiên trong một thời gian dài, vị trí và khái niệm Sông Đàng Ngoài vẫn chưa được xác định rõ. Trước những năm 1990, trên các sách lịch sử, địa lý Việt Nam, Sông Đàng Ngoài thường được chú thích là sông Hồng chảy từ Hà Nội ra cửa Ba Lạt, vì thứ nhất, trên thực tế hiện nay, dòng chính của sông Hồng đổ ra cửa này; và thứ hai, tấm Bản đồ Sông Đàng

18 Xóm Hống là một trung tâm sản xuất gốm thời Trần thế kỷ XIII-XIV, có vị trí nằm sát sông Thương, cách

Phả Lại khoảng 5 km đường sông, kề cận khu vực Lục Đầu Giang, nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Gốm men sắt Xóm Hống được xác định niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV, đã tìm thấy ở nhiều nơi tại Bắc Việt Nam, có ảnh hưởng của phong cách gốm Trung Quốc (thời Đường, Tống - Nguyên) [12, tr. 18-40, 109-110, 133-136].

19 Trong nghiên cứu này, PGS Li Tana đã phân tích rất rõ mối quan hệ của Vân Đồn và Hải Dương, của cửa

biển Bạch Đằng và các trung tâm gốm sứ ở xứ Đông, cũng như vai trò cửa ngõ kinh tế, tôn giáo của vùng Đông Bắc trước thế kỷ XVII.

20 Sông Đàng Ngoài: “Tonkin River”, hay “De Rivier Toncquin” trên các bản đồ Hà Lan và “The River of

Tonqueen” theo cách gọi của EIC.

44

Ngoài thế kỷ XVII khắc hoạ một con sông chảy từ Hà Nội xuôi qua Phố Hiến ra biển theo hướng bắc - nam, trùng hợp với dòng chính của sông Hồng ngày nay [Phụ lục bản đồ 1].

Tuy nhiên, khi so sánh với những bản đồ Sông Đàng Ngoài của VOC [Phụ lục bản đồ 2, 4], hình dáng của sông không thay đổi nhưng hướng chảy đã khác hẳn: theo hướng tây nam - đông bắc. Điều này càng được chứng minh rõ khi học giả Gutflaff mô tả Sông Đàng Ngoài như sau: “Con sông từ đó chạy theo hướng đông nam. Có thủ phủ Bắc Kỳ là Kẻ Chợ hay Hà Nội […] nằm ở phía bên bờ hữu ngạn.

Nó đột nhiên ngoặt dòng ở Hiến, chảy theo hướng bắc, hình thành một châu thổ, trong đó có địa điểm Domea là cảng của các tàu bè ngoại quốc ra vào thời xưa. Con sông có ba cửa, cửa cực bắc có mực nước sâu nhất, cửa phía nam thì gần như không ra vào được đối với các tàu thuyền có mức ngấn nước trên 10 bộ, vì có các dải cát và các vụng nước nông” [252, tr. 86-87; Phụ lục bản đồ 28].

Các tài liệu thư tịch thế kỷ XVII-XVIII đều cho thấy vị trí của cửa Sông Đàng Ngoài không phải là cửa Ba Lạt. Trong chuyến du hành đến Đàng Ngoài vào năm 1688, William Dampier cho biết cửa sông ở vào khoảng vĩ độ 20045’ [244, tr.

14, 15, 19] và những dấu mốc định hướng cho tàu thuyền vào sông Đàng Ngoài là Núi Voi, Đảo Ngọc:21

Nằm sâu trong vịnh còn có vài hòn đảo bé rất gần bờ biển Đàng Ngoài. Có hai đảo đáng kể hơn các đảo khác, không phải tại chúng to mà vì chúng được dùng làm hải tiêu cho hai con sông chính, hay nói đúng hơn là cho hai nhánh của con sông chính của Đàng Ngoài. Một trong những con sông này, hay những nhánh sông này, tên là Rokbo. Nó đổ ra biển gần ngay mạn tây bắc của vịnh và cửa của nó ở khoảng 20 độ 10 phút bắc. Tôi chưa từng đi trên con sông này những người ta quả quyết với tôi rằng nó không sâu hơn 12 bộ ở ngay tại cửa sông. Nhưng đáy của nó là một thứ bùn rất nhão, rất thuận tiện đối với các thuyền nhỏ nên đây là lối đi thông thường của người Hoa và người Xiêm… Con sông (hay cửa sông) thứ hai là đường chúng tôi đi vào. Nó rộng và sâu hơn nhiều so với nhánh thứ nhất. Tôi không biết tên chính xác của nó là gì nhưng để phân biệt với nhánh kia, tôi sẽ gọi nó là sông Domea vì thị trấn đáng kể thứ nhất mà tôi trông thấy trên bờ mang tên ấy. Cửa con sông này ở vĩ tuyến 20 độ 45 phút, đổ ra biển cách Rokbo độ 20 hải lý về phía đông bắc… Hầu hết các tàu thuyền châu Âu đến Đàng Ngoài đi theo con sông Domea vì nó sâu [244, tr. 14; 25, tr. 29-30].

21 Núi Voi: The Elephant, Elephant Mountain; và Đảo Ngọc: Pearl Island, I. des Pearles hay Paerlen Eijlant theo tài liệu Hà Lan.

45 Hoặc:

Tôi đã nói một vài điều về con sông Cái (great River) và những nhánh của nó là Rokbo và Domea - hai con sông chính tưới cho xứ này, tuy rằng còn nhiều nhánh sông nhỏ khác đổ vào đây trước khi chảy ra biển. Ngoài ra còn có nhiều con sông khác nữa đổ thẳng ra biển mà không hợp lưu với dòng sông nào, tuy chúng không thuận tiện cho giao thông bằng các dòng sông khác. Nhìn chung, xứ này được bồi tưới tốt. Cùng nhờ có các dòng sông thuận tiện cho việc đi lại này mà ngoại thương có thêm cơ hội phát triển [244, tr. 20].

Trong tập tài liệu Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài, Francis Davenport từ địa điểm Batsha đã báo cáo lại cho nhân viên EIC ở Phố Hiến những dấu mốc định hướng cho tàu thuyền vào cửa sông như sau: “Giả sử có một tàu Anh được đưa đến trước dải cát [...] nếu thời tiết ở trạng thái mà người hoa tiêu cho là có thể, hãy bắn súng để gây sự chú ý vào ngay lúc đó và hướng vào Đảo Ngọc ở phía Đông Bắc, đảo Alcoran ở phía Bắc chếch Đông và Núi Voi ở phía Tây Bắc chếch Bắc, thuyền trưởng sẽ ra lệnh đi vào và hạ neo ở mức nước là 51/4 sải, ở nơi đất mềm...” [235].22 Núi Voi và Đảo Ngọc đều thuộc Hải Phòng ngày nay. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Núi Voi ở cách huyện An Lão 8 dặm về phía Tây Bắc, hình thể như con voi nằm, núi có hang, trong có thạch nhũ” [137, tr. 350]. Đảo Ngọc chắc chắn có liên quan đến bán đảo Đồ Sơn, Hải Phòng. Hiện nay vẫn còn dấu vết sụp đổ của ngọn tháp cổ Tường Long trên đỉnh Núi Ngọc, phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn với nhiều phế tích kiến trúc từ thời Lý cho thấy đây có thể là “trạm quan sát”

Đảo Ngọc thế kỷ XVII-XVIII. Đại Nam nhất thống chí cũng đã chép: “Tháp cũ Đồ Sơn: ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, cao trăm thước, dựng từ đời Long Thuỵ Thái Bình triều Lý; năm Gia Long thứ ba, phá tháp lấy gạch đá xây thành trấn Hải Dương” [317, tr. 389]. Còn tháp Alcron (hay Alcoran) theo bản đồ La Riviere de Tonquin23 cũng là một tháp cổ trên đỉnh núi ở Mũi Hổ,24 nay đã nằm sâu trong đất liền (khoảng huyện Kiến Thụy?).

Đối chiếu với các sách Lịch triều hiến chương loại chí [20, tr. 80], Đại Nam nhất thống chí [137, tr. 113, 280, 282, 382], Sử học bị khảo [8, tr. 174-176], Đại Việt địa dư toàn biên [143, tr. 350-381], Đồng Khánh địa dư chí [37, tr. 248-251], kết hợp với thực địa, có thể hình dung sông Đàng Ngoài gồm những đoạn sông cụ

22 Báo cáo của Francis Davenport về dải cát và thủy triều ở Batsha, ngày 12/7/1678.

23 Tức bản đồ Sông Đàng Ngoài, của VOC, niên đại thế kỷ XVII, Lưu trữ Quốc gia Hà Lan, Den Hagg [Phụ lục

bản đồ 21].

24 Mũi đất liền nhô ra biển về phía Đảo Ngọc, trên các bản đồ và thư tịch cổ phương Tây được gọi là “Mũi

Hổ” (“Tiger Hook”, “Pointe des Tigres”, hay “Teijger Hoeck” theo tài liệu Hà Lan).

46

thể sau: Sông Nhị Hà/sông Hồng chảy từ Thăng Long - Kẻ Chợ theo hướng đông nam về địa phận tỉnh Hưng Yên, tại đây, sông mang tên địa phương là sông Xích Đằng hay Đằng Giang. Sông Xích Đằng đến ngã ba Hải Triều/ ngã ba sông Luộc (gần Phố Hiến), chia một dòng chảy ngoặt về hướng đông bắc mang tên sông Luộc.

Đoạn tiếp nối - sông Luộc - này có các đoạn sông mang tên địa phương như sông Hải Triều, sông Nông (Nông Giang) chảy theo hướng tây nam - đông bắc sang giang phận Hải Phòng rồi đổ ra biển theo các chi lưu của hệ thống sông Thái Bình là sông Hoá, hạ lưu sông Thái Bình và sông Văn úc, trong đó hạ lưu sông Thái Bình là dòng chính. Vùng cửa sông Đàng Ngoài là vùng cửa sông Thái Bình. Cửa biển Thái Bình (大 平), tức cửa biển Ngải Am (艾 庵), là một cửa biển lớn, được khắc hoạ trên bản đồ Hồng Đức, bản đồ Đồng Khánh địa dư chí [37] và được chép trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi [209, tr. 219], Đại Nam nhất thống chí [137, tr. 392], Đại Việt địa dư toàn biên [143, tr. 387], và các bộ địa lý lịch sử khác.

Tóm lại, chúng tôi cho rằng Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII là một phức hệ sông, gồm đoạn sông Hồng chảy từ Thăng Long - Kẻ Chợ đến ngã ba Hải Triều (gần Phố Hiến - Hưng Yên); toàn bộ sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến ngã ba Quý Cao (Hải Phòng); và đổ ra Biển Đông ở ba chi nhánh thuộc hạ lưu hệ thống sông Thái Bình là sông Hoá, hạ lưu sông Thái Bình và sông Văn úc, trong đó hạ lưu sông Thái Bình thuộc địa phận huyện Tiên Lãng là dòng chính.

Vị trí và vai trò của cửa Sông Đàng Ngoài, cửa biển Thái Bình là đã rõ, lại càng rõ hơn khi dọc thủy tuyến này đã xuất hiện ba điểm nhấn Thăng Long - Phố Hiến - Domea. Chúng tôi gọi chúng là các cảng thị, hàm chứa hai bộ phận CảngThị và sự gắn kết giữa chúng. Theo nghĩa gốc Hán Việt, “cảng” (港) là “chỗ nước sông chia nhánh ra” hay “cửa biển” [2, tr. 87]. Trong tiếng Việt dường như không có sự phân biệt giữa cảng/port - khái niệm kinh tế với cảng/harbour - khái niệm vật chất. Cảng/Port được định nghĩa là “địa điểm gặp gỡ của hàng hoá, con người và văn hoá được trao đổi giữa đất liền và biển. Nó là một điểm mà các tuyến giao thông đại dương và đất liền gặp gỡ và xâm nhập lẫn nhau” [254, tr. 10; 86, tr. 262].

Còn cảng/harbour là khu vực neo đậu với mực nước sâu [254, tr. 10]. ở cả ba địa điểm của chúng ta, yếu tố cảng/habour đều hiện diện, cả Thăng Long, Phố Hiến và Domea đều tiếp giáp sông (cận giang 近 江), đều sở hữu các hệ thống bến bãi, đều thấm đậm yếu tố nước trong đời sống kinh tế - xã hội và dân cư. Tuy nhiên, khác với khái niệm cảng trong “Phố cảng” mà PGS Đỗ Bang định nghĩa năm 1996 [7, tr.

31-34], trong “Đô thị Thương cảng” mà TS Tạ Hoàng Vân dành đặt cho Hội An năm 2007 [206], cũng như các trường hợp thương cảng khác ở Đông Nam á hải đảo

47

(tiêu biểu Malacca, Palembang, Banten, Batavia, Makassar, Manila) [237], cảng ở đây là giang cảng (江 港)/ cảng sông (riverport), chứ không phải là hải cảng (海 港)/ cảng biển (seaport). Ngay bản thân Domea, nơi cận duyên nhất trong số ba địa điểm, cũng còn cách bờ biển hơn 20 kilômét. Điều này không làm giảm tầm mức quan trọng của thực thể cảng, vì trong lịch sử thế giới, nhiều cảng sông đã và vẫn là những đầu mối giao thương cực kỳ thiết yếu của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ [277, tr.

192-196].

“Thị” (市) ở đây nguyên gốc là chợ, chỗ để mua bán; rồi sau đó mới đến nghĩa là thành tố thị trong “Đô thị” hay “Thành thị” [296]. Rộng ra, thị hàm nghĩa địa điểm gắn liền với kinh tế công thương nghiệp với nhiều cấp độ, có thị - chợ, có thị (ở cạnh “trấn”) trong “thị trấn”, có thị (bên cạnh “đô thành”) trong đô thị hay thành thị, tức yếu tố kinh tế hàng hóa phi nông nghiệp bên cạnh yếu tố chính trị - quan liêu. Một thị thuần kinh tế trong “thị tứ” đã được GS Phan Đại Doãn và PGS Vũ Văn Quân định nghĩa từ những năm 1990 [29, tr. 87-113]. Với Thăng Long, Phố Hiến và một chừng mực nào đó cả Domea, các yếu tố của cả thị và thị tứ đều hiện diện như phố - chợ - bến, riêng Thăng Long - Kẻ Chợ còn có thêm cả một vành đai thủ công nghiệp nội vi và xung quanh; nhưng tất nhiên quy mô của ba cảng thị này là các cấp độ khác nhau. Nếu Kẻ Chợ chắn chắn đã đạt tầm mức một cảng thị, Phố Hiến ở một chừng mực nào đó cũng có thể coi là một cảng thị (port town); thì thực thể Domea chỉ có thể coi là một dạng sơ khai của cảng thị, một tiền cảng (前 港) đang trong quá trình hình thành. Tuy vậy, cả ba cảng này đều hình thành, phát triển hoặc gắn mình vào một hệ thống bám theo trục xương sống Sông Đàng Ngoài, theo đó một hệ thống là tập hợp các phần tử có quan hệ hữu cơ với nhau, chi phối lẫn nhau theo các quy luật nhất định để trở thành một chỉnh thể, từ đó xuất hiện thuộc tính mới gọi là tính trội của hệ thống mà từng phần tử riêng lẻ không có hoặc không có đáng kể; để nhận biết phần tử ta căn cứ vào hai đặc trưng: một, mỗi phần tử phải có chức năng nhất định; và hai, mỗi phần tử có tính độc lập tương đối của nó. Thực tiễn tư liệu lịch sử được trình bày trong các chương tiếp theo đã cho thấy một hệ thống thương mại trên Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII.

Sự thận trọng trong sử dụng khái niệm Cảng thị (港 市), hơn thế, còn phải được phân biệt với các trường hợp cảng thị (port city) ở Đông và Đông Nam á cùng thời kỳ (như Quảng Châu (Canton) của Trung Quốc [247], Trường Kỷ (Nagasaki) của Nhật Bản hay các thương cảng (商 港) nở rộ ở thế giới hải đảo). Với ý nghĩa một cảng kinh tế (port), xuất nhập khẩu và trung chuyển hàng hóa giữa các vùng địa

48

lý (lục/nội địa với hải ngoại và viễn dương) thì, như sẽ được trình bày ở chương sau, chỉ có Thăng Long - Kẻ Chợ là đảm đương được trọng trách này.

Tiểu kết

Thế kỷ XVII-XVIII là một bối cảnh lịch sử thuận lợi cho sự phát triển ngoại thương nói chung, cho sự hình thành hệ thống cảng thị Sông Đàng Ngoài nói riêng.

Đó là thời kỳ Đại Hàng hải trên phạm vi toàn cầu, một Kỷ nguyên Thương mại ở khu vực châu á. Trước xu thế hội nhập quốc tế, Bắc Đại Việt đã duy trì một thế ứng đối khá cởi mở, xuất phát từ tư duy thoáng rộng thời Mạc thế kỷ XVI, dung dưỡng trong thời kỳ nội chiến Bắc - Nam, và được ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng trọng lợi của chính quyền quân chủ Lê - Trịnh. Khảo lại thực thể Tuần ty cho thấy chí ít về chính sách vĩ mô, triều đình Đàng Ngoài không hề chủ trương ngăn cản thương mại. Sự để ngỏ của nhà nước cộng hưởng với những điều kiện địa lý tự nhiên, sông ngòi Bắc Bộ thế kỷ XVII-XVIII đã tạo điều kiện cho việc hình thành một thủy tuyến giao thương mang tên Sông Đàng Ngoài. Xét theo góc cạnh địa - lịch sử/văn hóa, Sông Đàng Ngoài trong quan niệm của người châu Âu đến Bắc Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII là phức hợp đường nước thuận tiện nhất về mặt địa lý tự nhiên tương ứng với thời kỳ Hạ châu thổ - châu thổ trẻ đã định hình và phát triển. Con sông Luộc là phân nhánh phía đông của sông Hồng, có tác dụng giảm tải, chia nước Nhị Hà sang hệ thống sông Thái Bình, cũng tương tự như sông Đuống của thời kỳ Trung châu thổ trước đó. Phố Hiến - Hưng Yên là đỉnh của châu thổ trẻ, là địa điểm án ngữ mọi thủy tuyến từ Vịnh Bắc Bộ lên Thăng Long, đều là những chi lưu của sông Cái - Nhị Hà; bản thân Vạn Lai Triều được đặt tả ngạn Sông Đàng Ngoài nhưng kiểm soát toàn bộ các dòng chảy sông Hồng vùng Hạ châu thổ thuộc trấn Sơn Nam (từ sông Luộc ở phía đông bắc đến sông Đáy ở phía tây nam) đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống Luộc - cửa biển Thái Bình trong thời kỳ Phố Hiến nói riêng, vị thế đắc địa của cảng thị này trong bối cảnh sinh thái Bắc Đại Việt thế kỷ XV-XVIII nói chung. Các cảng thị Thăng Long - Phố Hiến - Domea dọc Sông Đàng Ngoài tuy có quy mô, vị trí và vai trò khác biệt, nhưng, như sẽ được trình bày ở các chương tiếp theo, đều gắn kết lẫn nhau thành hệ thống trong một khoảng thời gian nhất định. Hệ thống Sông Đàng Ngoài đó chính là sản phẩm của tổng hòa các điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế của Bắc Đại Việt và khu vực Đông á thế kỷ XVI-XVII-XVIII.

50

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(318 trang)