Chương 3: Phố Hiến - cảng thị trung gian
3.2. Diện mạo cảng thị
3.2.4. Vấn đề quy mô và diện mạo Phố Hiến qua các nguồn tư liệu
Theo ghi chép của các giáo sĩ và thương nhân đến Đàng Ngoài đương thời, Phố Hiến thế kỷ XVII-XVIII đã là một đô thị có quy mô hàng nghìn nóc nhà. Năm 1688, William Dampier đến Phố Hiến đã mô tả như sau: “Hiến… [có] khoảng 2.000 ngôi nhà. Nhưng dân cư hầu hết là những người rất nghèo và những người lính đồn trú, cho dù ở đây chẳng có tường luỹ, pháo đài hay súng thần công lớn” [244, tr. 17- 18]. Vào cuối thế kỷ XVII, giáo sĩ F. Valentyn cũng cho rằng Phố Hiến có khoảng 2.000 ngôi nhà: “Đó là một đô thị có ước chừng hai nghìn nóc nhà làm rất xấu, có những người nghèo khổ ở đấy. Đó là những người lính đồn… Đó là một nơi không thành quách và vũ khí trang bị rất kém. ở đấy cũng còn cả một số lớn lái buôn Trung Quốc bị đuổi ra khỏi kinh thành và một số người Xiêm” [223, tr. 192].
Tuy nhiên, sang đến thế kỷ XVIII, quy mô của Phố Hiến được ghi chép lớn hơn gấp nhiều lần. Trong công trình Lịch sử Đàng Ngoài năm 1778, giáo sỹ Richard đã chép rằng: “[Phố Hiến] bao gồm hơn 10.000 ngôi nhà, và hơn thế lại chiếm một khu vực rộng lớn, do cách thức xây dựng” [271, tr. 713]. Những thông tin mà Richard sử dụng để viết cuốn sách này được lấy từ những hồi ký của giáo sỹ Charles Thomas de Saint-Phalle, người đã 8 năm sinh sống tại Đàng Ngoài trong thế kỷ XVIII, từ 1732 đến 1740 [150, tr. 4]. Bản thân vị giáo sỹ người Pháp này cũng đã có những ghi chép tương tự về quy mô của Phố Hiến trong thế kỷ XVIII:
Các tàu Trung Hoa được phép tới các trại của các tổng đốc tỉnh hoặc thủ đô. Số lớn tới thủ phủ của tỉnh miền nam, gọi là Hien-Nam, nơi này có thể chứa đựng 100.000 người (Hung Yen - chú thích của Taboulet)… Các tàu châu Âu trước đây cũng được phép như vậy… Từ khi xảy ra một trận giao chiến giữa một con tàu của vua và một con tàu của người Anh mà người ta muốn bắt do buôn lậu đồng, thì phép đó bị huỷ… [150, tr. 5].
Như vậy, cho đến những thập niên 30 và 40 của thế kỷ XVIII, Phố Hiến đã phát triển gấp năm lần so với quy mô thế kỷ XVII. Điều này có thể được lý giải bằng quá
156
trình nhập cư ở Phố Hiến, đặc biệt là sự tập trung của người Hoa, người Việt tại cảng thị này đầu thế kỷ XVIII.
Với quy mô hàng nghìn nóc nhà, Phố Hiến trong các thế kỷ XVII-XVIII trở thành một trong số ít những đô thị cảng lớn của Đàng Ngoài xếp hạng sau kinh thành Thăng Long. Năm 1683, Samuel Baron đã nhận xét rằng: “Về các thành phố và thị trấn, chỉ trừ thành phố Kẻ Chợ ra, còn lại chỉ có không nhiều hơn hai hoặc ba là đáng kể trong toàn vương quốc” [231, tr. 659]. Trong vài ba đô thị “đáng kể”
này, có “Phố Hiến (Hein), [với tư cách là thủ phủ của] tỉnh lớn nhất của nước [trấn Sơn Nam]” [231, tr. 690]. Tương tự như vậy, giáo sỹ Richard cũng cho rằng: “Tiếp theo kinh đô [Thăng Long - Kẻ Chợ], Phố Hiến (Héan) là thành phố đáng kể nhất trong cả Đàng Ngoài” [271, tr. 715]. Những đánh giá khách quan của các nhân chứng lịch sử này khá trùng khớp với các áng văn thơ, văn khắc ca ngợi sự phồn vinh của Phố Hiến trong giai đoạn này, đó là “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, hay “Phố Hiến nổi danh là một chốn đô hội Tiểu Trường An của bốn phương” [54, tr. 56].
Tuy không thể so sánh với số lượng 20.000 nóc nhà của “thành phố lớn Kẻ Chợ” (the grand city of Catchaw), “thành phố Đàng Ngoài” (the city of Tonqueen), hay “thành phố duy nhất [của Đàng Ngoài]” (the only city) [271, tr. 713] nhưng đặt trong bối cảnh đô thị Việt Nam cuối thời trung đại, quy mô 10.000 nóc nhà với 100.000 dân của Phố Hiến nửa đầu thế kỷ XVIII là tương đối lớn. Nghiên cứu của Li Tana năm 1992 chỉ ra rằng, vào nửa đầu thế kỷ XVIII, dân số khu vực Bắc Bộ của Việt Nam vào khoảng 5-6 triệu người với khoảng 10-11 nghìn ngôi làng, trung bình mỗi làng có 110 hộ [152, tr. 49]. Tính trung bình mỗi hộ có 5 khẩu, thì quy mô thông thường của một làng ở Đàng Ngoài sẽ vào khoảng 550 người. Con số này cho dù hoàn toàn tương đối, nhưng qua đó cũng có thể hình dung là, vào thời gian này, mức độ tập trung dân cư tại Phố Hiến đã trù mật gấp gần hàng trăm lần của một làng bình thường ở Bắc Bộ nửa đầu thế kỷ XVIII. Trong khi đó, địa điểm Domea ở vùng cửa Sông Đàng Ngoài với khoảng 100 nóc nhà, tức quy mô tương đương một làng theo Li Tana, đã được W. Dampier, vào cuối thế kỷ XVII, đánh giá là “thị trấn đáng kể đầu tiên” tính từ cửa biển [244, tr. 14].
Có một thực tế là, trong con mắt các thương nhân, giáo sĩ và du hành gia phương Tây, Phố Hiến, tuy vậy, vẫn không được đánh giá là một thành phố (city) thực thụ. Đối với người Anh đến Đàng Ngoài năm 1672, khái niệm “thành phố”
được dành để chỉ duy nhất Thăng Long - Kẻ Chợ, nói đến “thành phố” tức là nói đến kinh thành nơi đóng đô của triều đình Lê - Trịnh, cũng là trung tâm của nền
157
thương mại Đàng Ngoài. Tương tự như vậy, giáo sỹ Richard, vào thế kỷ XVIII, cũng coi Kẻ Chợ là “thành phố duy nhất” của Đàng Ngoài. Trong khi đó, người châu Âu chỉ coi Phố Hiến là một thị trấn (town), một ngôi làng (village) mang dáng dấp nghèo khổ và quê mùa. Cả giáo sỹ Hà Lan F. Valentyn và nhà hàng hải Anh W.
Dampier đều cho rằng cư dân của Phố Hiến, ngoài bộ phận thương nhân ngoại quốc ra, đều là những người nghèo. Năm 1682, những nhân viên EIC ở Đàng Ngoài đã phải tự sửa sang lại thương điếm Phố Hiến, trong đó có việc dựng lại hàng rào bao quanh khuôn viên thương điếm để ngăn chặn những người ăn xin hàng ngày quấy rầy người Anh [235].217 Trong mô tả của người phương Tây, nhà cửa ở Phố Hiến chủ yếu là những ngôi nhà tranh (cajan house) được làm “rất xấu”, tạo cho các khách thương châu Âu cảm giác đang ở một vùng thôn quê xa trung tâm. Trong lá thư gửi về Hội đồng Công ty ở Bantam đầu tháng 02 năm 1674, các nhân viên EIC ở Đàng Ngoài đã viết rằng:
Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để đạt mục tiêu chính của việc đầu tư, nhưng các ngài cũng phải hiểu rằng chúng tôi đang lâm vào tất cả những bất tiện trong tiến hành công việc, vì chúng tôi đang ở không chỗ nào khác ngoài một thị trấn quê mùa (country town) nơi chẳng có thương nhân nào đến với chúng tôi cả, và khi chúng tôi ở thành phố [tức Kẻ Chợ - TG] thì chúng tôi lại chẳng thể đi lên đi xuống đến chỗ các thương nhân, như là ở những nơi khác. Do đó thật là tốn kém và rắc rối khi đến thành phố thường xuyên, nơi ở cách xa [Phố Hiến] [235].218
Cũng trong một lá thư gửi về Bantam hơn 2 năm sau, người Anh thậm chí đã gọi Phố Hiến là một ngôi làng: “chỗ mà chúng tôi ở là một ngôi làng quê mùa (country village) ở xa các thương nhân, những người sẽ không đi xuống chỗ chúng tôi vì họ có thể mua những gì họ muốn ở trên thành phố [Kẻ Chợ] rồi” [235].219
Cũng thật dễ hiểu những cảm nhận này của người phương Tây, bởi họ, người Hà Lan, Anh hay Pháp, đều đến từ một châu lục khác, với những điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển, đặc biệt trong kinh tế công thương nghiệp, hoàn toàn vượt xa Việt Nam và Phương Đông. ở châu Âu, cụ thể là khu vực Tây Nam Âu (Bắc ý, Nam Hà Lan và Nam Đức), ngay từ thế kỷ XIII đã diễn ra cuộc
“Cách mạng Thương mại” [277, tr. 12], mà sự phát triển của thương mại đã kéo theo những biển đổi toàn diện trong đời sống xã hội các nước, trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo thông suốt cho thương mại đường dài (long-distance
217 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 16/3/1682.
218 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Bantam, ngày 02/02/1674.
219 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Bantam, ngày 11/12/1676.
158
trade), những cơ sở hạ tầng như nhà cửa, đường xá, cầu cống đều được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố như gạch và đá. Thậm chí, thời kỳ này đã diễn ra một cuộc “Cách mạng đường xá” xuyên suốt toàn khu vực Tây Nam Âu [277, tr. 181- 187]. Những công trình xây dựng dân sự, tôn giáo, hoàng gia, hay phòng thủ đã phát triển đến một trình độ không chỉ vững chắc vượt thời gian, mà còn được trang hoàng lộng lẫy với phong cách kiến trúc và mỹ thuật Phục Hưng châu Âu. Cũng từ cuộc cách mạng trong thương mại này mà ngay từ thế kỷ XIII, các thành thị Tây Âu, với tư cách là thị trường tiêu dùng cho thương mại đường dài, đã phát triển nhanh về quy mô dân số. Trù mật nhất là Paris vào thế kỷ XV với khoảng 200.000 người. Đến thế kỷ XVI, các thành phố Venice, Naples và Milan của ý cũng đạt đến quy mô từ 100.000 đến 200.000 người. Hay chí ít cũng là quy mô 50.000 người của 20 thành phố vào thế kỷ XVI, như Lisbon, Palermo (Tây Ban Nha), Rome, Genoa (ý) hay Antwerp (Bỉ) [277, tr. 94].
Trong khi đó ở Việt Nam hơn một trăm năm sau, Thăng Long - Kẻ Chợ, đô thị được coi là lớn nhất, duy nhất và trung tâm của cả Đàng Ngoài vào thế kỷ XVII mới đạt được quy mô 20.000 nóc nhà với khoảng 100.000 người, nếu theo giả thuyết mỗi hộ/nhà gồm có 5 khẩu của Li Tana [152, tr. 49]. Quy mô này chỉ bằng mức độ phát triển mà các thành phố Florence, Genoa (của ý) và London (của Anh) đã đạt được ngay từ đầu thế kỷ XIV [277, tr. 94]. Hơn thế, trong khi diện mạo các thành thị châu Âu trung đại đã khang trang với những công trình kiến trúc, nhà cửa bằng gạch, đá thì kinh thành Thăng Long của quốc gia Đại Việt vào các thế kỷ XVII-XVIII, vẫn chỉ có một vài ngôi nhà được xây bằng gạch và lợp ngói, còn lại toàn là những ngôi nhà thấp, tường trát bùn và mái lợp rơm. Những nhân viên Công ty Đông ấn Anh đến Kẻ Chợ lần đầu tiên năm 1672 cũng đã phải trù tính rằng: “Do đó, nếu chúng tôi định cư ở đây thì cần phải xây dựng [nhà]... không nơi nào trong thành phố này có thể đảm bảo an toàn khỏi hoả hoạn, vì tất cả đều là nhà cajan (nhà tranh lợp rơm rạ), chỉ trừ nơi ở của vua chúa, của người Hà Lan và một số ít của thương nhân người Hoa” [235].220 W. Dampier đến Thăng Long năm 1688 cũng đã phát biểu, ngoài khu vực cung điện trong Cấm thành, hai ngôi nhà thương điếm của Công ty Đông ấn Anh và Hà Lan, và công trình Tế kỳ đàn, “trong và xung quanh Kẻ Chợ chẳng có gì đáng lưu tâm cả” [244, tr. 39]. Qua đó có thể thấy, cả Thăng Long và Phố Hiến đều là các đô thị Việt Nam và châu á thời trung đại, có những đặc điểm và mức độ phát triển khác biệt so với những gì diễn ra ở châu Âu từ
220 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 15/7/1672.
159
những thế kỷ XIII-XIV, và lại càng không thể so sánh với các thành thị phương Tây trong giai đoạn Sơ kỳ Cận đại. Do vậy, những nhận định chủ quan của các giáo sỹ và thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh hay Pháp không thể là tiêu chí để đánh giá và kết luận về diện mạo và quy mô của Thăng Long, Phố Hiến nói riêng, đô thị Việt Nam nói chung trong các thế kỷ XVII-XVIII.
Đặc biệt hơn thế, nếu ta có cái nhìn linh hoạt hơn về quá trình hình thành và phát triển của Phố Hiến, theo đó thời kỳ cực thịnh của cảng thị này gắn liền với sự hiện diện đông đảo của khách thương từ giữa thế kỷ XVII trở đi, thì rõ ràng không hề có sự mâu thuẫn giữa các nguồn tư liệu mô tả diện mạo Phố Hiến. Hay nói cách khác, các nguồn tư liệu đều lần lượt phản ánh các giai đoạn phát triển khác nhau của cảng thị này trong các thế kỷ XVI-XVIII. Theo đó, cho đến giữa thế kỷ XVII, Phố Hiến là một “danh thị” “Tiểu Tràng An” nhưng chỉ trong quan niệm của người Việt, còn trong con mắt của khách thương châu Âu đó đơn thuần là một thị trấn quê mùa.
Phải từ nửa sau thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII, Phố Hiến mới phát triển cực thịnh với sự dồn tụ đông đảo của thương nhân ngoại quốc, thợ thủ công, lái buôn người Việt (bia chùa Thiên ứng niên đại 1709), sự thành lập của các đường phố lớn; quy mô hai phường (Phú Lộc và Phúc Lộc) một chợ đầu thế kỷ XVII (Tả phường, hữu lý/ Tiền thị, hậu trang) sau khoảng một thế kỷ đã triển nở thành hàng chục phường (bia chùa Chuông niên đại 1711) [211, tr. 199]. Bản thân nguồn tư liệu phương Tây cũng có những ghi chép khác biệt giữa một Phố Hiến của thế kỷ XVII và Phố Hiến của thế kỷ XVIII. Thực tiễn một “thứ nhì Phố Hiến” của cuối thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVIII trùng khớp các kết quả khai quật khảo cổ học [54, tr. 90-91; 106],221 cũng như các nghiên cứu về người Hoa như Riichiro Fujiwara đã cho rằng: “Chính là trong thế kỷ XVIII mà đô thị Phố Hiến đã trở nên sầm uất đối với những người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, và đã trở thành thành phố lớn thứ hai của miền Bắc, sau Kinh kỳ Thăng Long” [54, tr. 100].
3.3. các hoạt động kinh tế