Chương 4 Domea và các cảng bến cửa khẩu
4.1.3. Vai trò và quy mô của Domea
Tàu thuyền phương Tây sau khi vào cửa sông an toàn thường phải neo đậu tại Domea, còn thương nhân xuống thuyền nhỏ địa phương để tiếp tục ngược Sông Đàng Ngoài lên Phố Hiến và Thăng Long. Không có trường hợp nào tàu lớn phương Tây lên được Phố Hiến và Kẻ Chợ, do vậy, trong toàn tuyến sông Đàng Ngoài, Domea đóng một vai trò quan trọng, là nơi tàu thuyền phương Tây neo đậu.
Trên Bản đồ Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII, Domea được đánh dấu một mỏ neo và ký hiệu mực nước sâu 3 sải, đối diện sang bờ bên kia là ngôi chùa được tô màu đỏ nổi bật, có thể là dấu mốc quan trọng định hướng cho tàu thuyền.
Những báo cáo và nhật ký của thương điếm Anh ở Đàng Ngoài cho thấy rõ vai trò của Domea đối với hoạt động của người phương Tây tại Đàng Ngoài. Theo đó, trước hết, Domea là “chỗ neo đậu tàu”, là “nơi mà những con tàu đến”.266 Thứ hai, Domea là nơi thường trú của các thủy thủ đoàn châu Âu. Công việc thu mua và tập hợp các sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi khách thương phải ở lại Đàng Ngoài trong một thời gian dài. Hình thức chủ yếu là đặt hàng sản xuất, trong khi “xứ này nghèo đến nỗi các thương nhân buộc phải chờ 3 hay 4 tháng sau khi đó đặt tiền rồi mới có thể nhận được hàng hoá bởi vì đám thợ nghèo chỉ được thuê làm việc khi tàu vào bến và tiền công đã được trao” [244, tr. 49]. Trong khi khách buôn và nhân viên Công ty Đông ấn ngược Sông Đàng Ngoài lên mua bán hàng hoá, thuỷ thủ đoàn ở lại Domea. Họ sinh sống tại đây trong thời gian dài hàng tháng và có nhiệm vụ tập hợp, bốc dỡ và vận chuyển hàng hoá từ thuyền nhỏ địa phương lên tàu lớn để xuất cảng đi các nơi như những gì phản ánh trong tập nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng
266 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 26/6/1672, ngày 17-18/6/1675.
182
Ngoài [235].267 Công việc này phổ biến đối với người Anh, Hoa, Hà Lan trong các thập niên 1670-1690, quãng thời gian mà các nhân viên VOC thường xuyên phải di chuyển giữa Kẻ Chợ - Domea để gửi tàu và hàng hóa đi Batavia hay Nhật Bản [197, tr. 437, 447, 538-539]. Tương tự như vậy đối với người Bồ Đào Nha với mối liên kết các địa điểm Kẻ Chợ - Domea - Macao thậm chí vào giữa thập kỷ 1690 [197, tr.
450].
Như vậy từ Domea các tàu buôn chở hàng ra thị trường quốc tế, là Đông á (Nhật Bản, Nam Trung Quốc, vùng Nam Dương), rồi từ Batavia hay Bantam, hàng hóa Đàng Ngoài được đưa về tận Tây Âu (Luân Đôn, Amsterdam). Vì thế, ngoài chức năng là địa điểm neo đậu tàu và lưu trú thủy thủ, Domea còn có chức năng thứ ba là nơi tập kết cuối cùng của hàng hoá xuất khẩu, sau khi đã được tập trung tại kho thương điếm ở Kẻ Chợ như người Hà Lan, ở Phố Hiến như đối với Hoa thương và người Anh trước năm 1683. Trong thời gian tàu chưa thể khởi hành, hàng hóa xuất khẩu vẫn đôi khi được lưu cất tạm thời trên tàu neo ở Domea như nhật ký thương điếm Anh ở Kẻ Chợ ngày 09/7/1694 về việc “viên Phó Giám đốc Hà Lan xuống tàu kiểm tra các hòm đựng lĩnh” [197, tr. 447]. Tuy nhiên, việc quản lý tài sản hàng hóa tại Domea cũng là một vấn đề không đơn giản, nhất là khi thương nhân Anh thập niên 1690 đã chọn chỗ neo đậu tàu khác (địa điểm Andong). Năm 1694, “người đứng đầu vùng Dome” cảnh bảo nhân viên EIC về nguy cơ trộm cướp hoặc cháy nổ nếu người Anh tạm đưa hàng lên bờ, và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của quan. Do vậy, bắt buộc thương nhân Anh phải bổ sung nhân lực và viện đến sự hỗ trợ của Trấn thủ Hải Dương để quản lý tài sản trên bờ Domea [197, tr. 477- 478].
Thứ tư, tại Domea xuất hiện bóng dáng những ông quan “Ungja” (ông già) nhận hối lộ của người phương Tây, làm trung gian giúp đỡ, giới thiệu lái buôn và hàng hoá nước ngoài lên triều đình, tạo điều kiện để họ tiến hành buôn bán.268 Hơn thế, các quan Giám thương269 có mặt tại Domea thường kiểm tra, giám sát tàu thuyền và hàng hoá. Được sự cho phép của các viên quan này mà thương nhân cùng hàng hoá mới được phép vào buôn bán trao đổi trong vương quốc Đàng Ngoài.
Theo lời kể của William Dampier, khi tàu của ông cập bến Domea là có “vài nhân
267 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 25/10/1675, ngày 16/10/1672, ngày 03/02/1673, ngày
23/10/1675, ngày 13/02/1676.
268 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 26/6/1672, ngày 01/7/1672.
269 “Dispatchaores” hay tài liệu Hà Lan là “Cappado/capado”: viên chức hải quan, gọi là quan giám thương
tuần ty, tuần hà, tàu vụ, có trách nhiệm kiểm soát, đánh thuế và cấp giấy phép cho các thuyền buôn, nhất là thuyền buôn ngoại quốc. Quan giám thương, tuần hà thường là hoạn quan. Các tài liệu phương Tây thường diễn giải capachado là “port enuch” (hoạn quan coi cảng).
183
viên của vua Đàng Ngoài” đến gặp để kiểm soát tàu và số hàng trở đến [244, tr. 16- 17]. Trước khi các quan Giám thương hoàn tất thủ tục kiểm tra, người và hàng hóa không được dời Domea để lên Phố Hiến hay Thăng Long, kể cả đối với phú thương Hoa kiều có thâm niên tại Đàng Ngoài như Nithoe.270 Thành phần quan lại tham gia vào việc kiểm tra tàu và hàng hóa tại cửa khẩu Domea bao gồm cả những quan Giám thương từ Phủ Chúa trên Kẻ Chợ, quan Trấn thủ Sơn Nam từ Phố Hiến [197, tr. 449, 451], mà đặc biệt, việc đi lại của khách thương ngoại quốc trên Sông Đàng Ngoài, từ Kẻ Chợ xuống Dome hay ngược lại đều phải được phép của Trấn thủ Phố Hiến Lê Đình Kiên [197, tr. 508-509].
Trong hầu hết các cuộc tiếp xúc giữa thương nhân phương Tây và các quan lại Đàng Ngoài, thái độ của các khách thương đều lịch sự và có phần hậu đãi các quan chức bản địa nhằm gây thiện cảm và sự ủng hộ. Tuy nhiên, lái buôn phương Tây vẫn luôn bị quan lại Đàng Ngoài cản trở và hạch sách. Nhật ký thương điếm Anh ở Đàng Ngoài chép rất rõ điều này.271 Việc quản lý, kiểm soát tàu, người và hàng hóa tại Domea được thiết lập chặt chẽ bởi “quan trấn thủ Xứ Đông” (Trấn thủ Hải Dương), theo đó, không gì có thể đi cao lên ngược Sông Đàng Ngoài nếu chưa có Giám thương từ Kẻ Chợ và Phố Hiến đi xuống.272 Bản thân các thương nhân Tây Âu cũng vẫn thường sang tư dinh quan “Trấn thủ tỉnh Đông” mỗi khi có mặt tại Domea, cũng tương tự như họ luôn phái báo cáo quan Trấn thủ Sơn Nam mỗi khi đến hoặc đi qua Phố Hiến [197, tr. 418]. Thời điểm giữa thập kỷ 1690, vị “quan Trấn thủ của tỉnh mà tàu ngoại quốc đến buông neo” hay “quan Trấn thủ của tỉnh xứ Dingdon”có tên trong tư liệu Anh là Nheca Hung hay Nhacahoung [197, tr. 451, 478, 490, 502, 520] nhiều khả năng là Lê Huyên/Trịnh Huyến được giao làm Trấn thủ Hải Dương thời gian này. Trang viên của quan Trấn thủ tỉnh Đông được ghi chép là dưới “Dingdon” [197, tr. 494].
Đến đây ta thấy rằng, Domea không chỉ là một bến đỗ tàu thuyền thuận tiện, mà cùng với sự can thiệp của chính quyền Lê - Trịnh, địa điểm này cũng có chức năng một cảng cửa khẩu, địa điểm khám xét tàu thuyền, hàng hoá đầu tiên khi khách thương mới bước chân vào vương quốc Đàng Ngoài. Ngược lại, trước khi tàu xuất dương, nha môn của quan Trấn thủ Phố Hiến và các quan Giám thương khác cũng một lần nữa xuống khám xét tàu và hàng hóa, cũng là để đảm bảo không chứa chấp người Việt đưa đi hải ngoại [197, tr. 472]. Domea và các địa điểm trên Sông
270 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 27/2/1674.
271 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 03/6/1683.
272 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 06/7/1677.
184
Đàng Ngoài (trong đó có Phố Hiến) có thể coi là những chốt kiểm soát thương mại
“trên những tuyến đường chính và trên những dòng sông huyết mạch”, như W.
Dampier năm 1688 đã mô tả [244, tr. 55]. Sang nửa đầu thế kỷ XVIII, cách thức này vẫn được duy trì như một giáo sỹ người Pháp đã lưu lại 8 năm tại Đàng Ngoài (từ 1732 đến 1740) ghi chép: “Ngay khi một con tàu tới cửa sông, người ta báo cho triều đình biết, triều đình cử lính tới quan sát cũng giống như cách làm ở Quảng Châu… Trong khoảng đó, người ta rỡ hàng hoá một cách bí mật” [150, tr. 5].
Một phần vì sự nhũng nhiễu của hệ thống quan lại rải dọc từ địa phương đến triều đình, đặc biệt vào cuối thế kỷ XVII, người Hà Lan và Anh ngoài Phố Hiến và Kẻ Chợ là những nơi đặt trụ sở thương điếm thì đã chọn Domea là điểm dừng chân lâu dài thuận tiện nhất. Bản thân những lệnh chỉ ngoại kiều của triều đình Lê - Trịnh thế kỷ XVII cũng quy định vùng cửa biển xứ Hải Dương là nơi lưu trú của các tàu trưởng, thuyền nhân [124, I, tr. 643]. Vì vậy, trong khi neo tàu, bốc dỡ và vận chuyển hàng hoá, các thuỷ thủ phương Tây đã coi Domea như là nơi thường trú của họ. Đối với người Hà Lan, hàng năm từ tháng 5 đến tháng 7 (từ năm 1671 trở đi là từ mùa hè đến cuối mùa đông), có đến khoảng gần trăm thủy thủ và nhân viên của Công ty VOC đến lưu trú ở Domea để chờ phiên hàng đi [197, tr. 45]. Năm 1688, William Dampier đã cho biết thuỷ thủ người Hà Lan là bạn bè rất thân thiết của người dân Domea và ở đây họ được tự do như ở nhà [244, tr. 15-16]. Bản thân Dampier cũng kể lại rằng ông đã từng được [người Đàng Ngoài] mời đến dự một trong những bữa tiệc mừng năm mới. Ông đã rời thuyền lên bờ đến dự, và việc này khá phổ biến đối với những người thủy thủ châu Âu khi neo đậu tàu ở đây [244, tr.
43]. Thậm chí, qua ghi chép của Dampier, sự có mặt thường xuyên của các thương nhân đến từ châu Âu đã tác động đến cuộc sống địa phương: “Người Hà Lan đã dậy cách làm vườn cho dân địa phương, bằng cách này, họ có rất nhiều rau để có thể dùng để trộn xa-lát (salade); và chưa kể những thứ khác nữa thì đây là một món ăn thật mát ruột cho người Hà Lan, lúc họ đến nơi” [244, tr. 16].
Sự tập trung của nhiều thành phần thủy thủ ở vùng cửa sông đã không tránh được những xung đột giữa các nhóm ngoại quốc. Năm 1650, vào dịp Lễ Phục sinh, thuỷ thủ đoàn của hai tàu VOC Maasland và Beer lưu tại Domea lên bờ dự lễ; khi quay về, họ bị một số Hoa thương đang ngược sông hành hung; cả hai bên đều bị lôi vào một vụ ẩu đả ầm ĩ, trong đó người quản lý neo buồm của VOC bị giết và 4 thuỷ thủ khác bị thương nặng. Chúa Trịnh Tráng chỉ trích nặng nề những hành vi mất trật tự của người Hà Lan ở đất nước của ngài, và phạt thương điếm 50 rial. Người Hà Lan đã phản đối hình phạt bất hợp lý đó những vô hiệu [286, tr. 92-93]. Thập niên
185
1660, nhân viên VOC đã tiến hành phong toả thương thuyền của vị người Hoa Ichien, không cho phú thương này đi Nhật; nhân viên thương điếm đã cho tàu Hooglanden xuống án ngữ tại cửa Sông Đàng Ngoài và tung tin rằng thuỷ thủ đoàn đã được lệnh bắt giữ bất cứ tàu thuyền ngoại quốc nào ra vào Đàng Ngoài; lo sợ về tin đồn đó, mùa hè năm 1664, hai thuyền mành Trung Quốc đã không dám dời đi Nhật Bản [95, tr. 49]. Ngoài ra, nhật ký thương điếm Anh ở Kẻ Chợ thập niên 1690 còn chép thêm sự kiện thủy thủ đoàn tàu Pearl gây gổ lẫn nhau trong khi Giám đốc thương điếm Richard Watts vào làng Dome ngủ qua đêm [197, tr. 478]. Ngoài thủy thủ, từ đầu thập niên 1680, mặc cho sự cấm đoán từ triều đình Lê - Trịnh, những giáo sỹ người Pháp đến Đàng Ngoài trước đó vẫn tiếp tục cư trú ở khu vực duyên hải này, chuẩn bị cho những nhóm thương nhân và giáo sỹ Pháp khác đến Bắc Đại Việt [286, tr. 117]. Đến giữa thập kỷ 1690, Giám đốc Anh khi đang tạm trú tại Domea cũng có thể đến thăm một vị cha cố người Pháp, mà qua đó biết được việc một quan chức EIC ở Madras (ngài John Goldborough) đã qua đời [197, tr. 475].
Theo William Dampier, tại thời điểm ông ta tới Đàng Ngoài (1688) thì Domea có khoảng 100 ngôi nhà. Quy mô này không thể so sánh với Phố Hiến (2000 nóc nhà) [244, tr. 17] hay Kẻ Chợ (20.000 nóc nhà) [244, tr. 36], nhưng đặt trong bối cảnh vùng cửa biển thì quy mô này cũng là đáng kể và đã tương đương với Phố Khách ở Hội An năm 1695 [39]. Chính Dampier cũng thừa nhận Domea là địa điểm đáng kể đầu tiên từ cửa biển đi vào dọc Sông Đàng Ngoài, tiếp theo đó, Phố Hiến là thành phố “rất đáng kể” [244, tr. 17]. Điều đáng nói là trong cùng một đoạn mô tả, có lúc Dampier gọi Domea là làng (village) lại có lúc gọi là thị trấn (town): “Tôi không biết tên riêng của nó là gì; tuy vậy để phân biệt với nhánh kia, tôi sẽ gọi là con sông Domea, tại vì thị trấn đáng kể thứ nhất mà tôi thấy trên bờ mang tên ấy”
[244, tr. 14]. Cũng có một chi tiết khá thú vị là Dampier mô tả Domea “nằm bên phải sông khi ngược dòng và nằm gần sông đến nỗi, đôi khi nước thuỷ triều ngập sát tường nhà” [244, tr. 16]. Chi tiết này gợi sự liên tưởng đến những ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố, xây bằng gạch, chứ không chỉ đơn giản là nhà vách đất, thì mới có thể chống đỡ được những đợt triều lên như vậy.
Như vậy, qua mô tả của người phương Tây, ở Domea cuối thế kỷ XVII chắc chắn đã có một sự tụ cư tương đối đông đảo với những cơ sở vật chất nhất định và thành phần dân cư đa dạng. Domea thu hút một số lượng các lái buôn, thuỷ thủ người Hà Lan, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản cùng các giáo sỹ, hoa tiêu, thông ngôn
186
người Bồ Đào Nha, Pháp, Trung Quốc273 và hệ thống quan lại, dân cư người bản địa. Người dân địa phương cũng dựa vào sự trú ngụ của tàu thuyền nước ngoài để tiến hành những hoạt động trao đổi buôn bán và dịch vụ kèm theo. William Dampier có ghi chép về hiện tượng dân địa phương cung cấp dịch vụ cho thuê thuyền và chèo thuyền thuê cho các lái buôn phương Tây cùng hàng hoá đi từ Domea lên Phố Hiến và Thăng Long [244, tr. 16]. Thậm chí, Dampier còn cho biết:
“Những nơi tàu bè phải ở lại lâu dài, dân nghèo trong xứ lợi dụng dịp này để trao đổi và đem hiện vật đổi chác lấy mọi thứ họ có thể đánh đổi được. Rồi bằng cách giúp một vài việc lặt vặt, hoặc đi xin, nhưng nhất là đem đàn bà đến cho thuê, họ bòn rút của đám thuỷ thủ những gì họ bòn rút được” [244, tr. 16]. Cũng như đã cung cấp nguồn hoa tiêu ở khu vực Batsha gần cửa biển, ở đây, người dân địa phương còn là những người giúp việc hữu ích cho người nước ngoài. Những người hầu Đàng Ngoài được William Dampier đánh giá là “rất tốt […] tốt nhất trên khắp đất ấn. Vì họ thường khéo tay và thuần tính, cho nên họ là người trung thành khi đã thuê mướn họ và lại còn nhanh nhảu và cũng biết vâng lời” [244, tr. 34]. Cũng tại Domea, các mối quan hệ giữa phụ nữ Việt và đàn ông ngoại quốc được thiết lập, đúng như Dampier đã mô tả [244, tr. 40-41].
Sang thế kỷ XVIII, giáo sĩ Pháp Richard trong cuốn Lịch sử Đàng Ngoài đã tổng kết: “Có một thành phố hoàn toàn xứng đáng với cái tên của nó là Kẻ Chợ, nằm ở 210 vĩ bắc, đấy là thủ đô của vương quốc […] Sau thủ đô, Hean [Phố Hiến - TG] là thành phố lớn nhất Đàng Ngoài […] Cách cửa sông 5 hoặc 6 hải lýcó một thành phố (city) gọi là Domea, nhỏ hơn Phố Hiến nhưng lại rất nổi tiếng với người nước ngoài và nó ở trong một cái vụng được tạo bởi dòng sông đối diện với nó. Họ [chỉ người châu Âu - TG] thả neo và chỉ có nơi này họ mới được phép đặt cơ sở để tiến hành buôn bán” [271, tr. 713]. Ngoài ba địa điểm này, ở Đàng Ngoài, Richard không mô tả thêm một thành phố nào khác. Như vậy, Domea thời điểm này, theo Richard, được mô tả như một địa điểm có vị trí quan trọng thứ ba của Đàng Ngoài sau kinh thành Thăng Long và Phố Hiến, tạo cho tuyến đường thuỷ sông Đàng Ngoài từ Hà Nội xuôi ra cửa sông Thái Bình có đến ba cảng thị ở ba cấp độ khác nhau như phát hiện của GS Nguyễn Quang Ngọc từ năm 2001 [117, tr. 39].
4.1.4. Vị trí của Domea 4.1.4.1. Các giả thuyết
273 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 26/6/1672.