Nền tảng Thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 67 - 77)

Chương 2: Thăng Long - Kẻ Chợ: cảng thị trung tâm

2.3. Các hoạt động kinh tế

2.3.1. Nền tảng Thủ công nghiệp

Bên cạnh nhân tố vị trí địa lý, đặc biệt là vị trí giao thông thuỷ bộ thuận lợi và vị thế giao thương trọng tâm của đồng bằng sông Hồng cũng như của toàn Miền Bắc, thì nền tảng các ngành nghề thủ công phong phú, lâu đời cũng chính là nhân tố quan trọng thứ hai làm nên sức sống của Thăng Long - Đông Kinh - Kẻ Chợ trong suốt thời Trung đại [137, tr. 164-165; 112, tr. 32, 175]. Thủ công nghiệp Thăng Long - Hà Nội thời Trung đại có thể tạm chia thành 3 khu vực, cũng là 3 bộ phận trong một tổng thể không gian trung - cận - biên của cảng thị Kẻ Chợ thế kỷ XVII- XVIII. Ta tạm gọi đó là: Nội đô, Ven đôTứ trấn. Thủ công nghiệp nội đô bao gồm các quan xưởng Nhà nước và hoạt động sản xuất thủ công dân gian nội vi Kinh Kỳ, trong đó gốm sứ từ các lò quan đã góp mặt vào mạng lưới giao thương quốc tế [180, tr. 17-18; 181, tr. 37-38] và các phố phường buôn bán, chế tác tơ lụa, vàng bạc đã định vị ở Thăng Long từ thế kỷ XV. Thủ công nghiệp ven đô bao gồm khu Hồ Tây (phía bắc), trung tâm gốm sứ Bát Tràng (phía đông), và một số làng nghề ở phía tây và nam kinh thành, tạo một vành đai thủ công nghiệp bao bọc và tiếp sức cho hoạt động giao thương tại cảng thị. Đây là yếu tố nằm trong kết cấu hệ thống cảng thị Kẻ Chợ thế kỷ XVII-XVIII, nhưng ở tầng ngoài; và tầng ngoại vi này là nơi dự trữ và tiếp tế hàng hoá, sản vật cho khu buôn bán trung tâm, bảo đảm cho trung khu này tồn tại và hoạt động [64, tr. 113-114, 118]. Đặc biệt, vùng ven này cung cấp hai thương phẩm chính yếu (staple commodity) của Đàng Ngoài là tơ lụa từ các phường dệt Bái Ân, Nghi Tàm, Thuỵ Chương, Trích Sài, Yên Thái và gốm sứ từ làng gốm Kim Lan - Bát Tràng [178, tr. 152-154, 169-171; 35, tr. 26-28].

Nếu các phường thôn chuyên ven đô đóng vai trò là vành đai thủ công nghiệp cận tâm của cảng thị Kẻ Chợ, thì các làng nghề thuộc Tứ trấn xung quanh chính là một vùng đệm bao bọc ngoài cùng, có mối liên hệ thường trực, mật thiết với không chỉ lớp vành đai, mà còn cả với trung khu công thương nghiệp Thăng Long. Chính nhờ mối liên hệ từ vùng đệm thủ công Tứ trấn này mà kết cấu kinh tế cảng thị Thăng Long - Kẻ Chợ không trở nên đóng kín và phong bế [64, tr. 118].

Năm 1993, PGS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng đây là “môi trường bên ngoài hệ thống”, bên ngoài kết cấu kinh tế đô thị Thăng Long, mà kết cấu này, theo tác giả, bao gồm mạng lưới chợ, bến cảng - sông, phố phường nội thị và các phường thôn chuyên ven đô. ở đây, chúng tôi nhìn nhận Thăng Long thời Trung đại, đặc biệt trong hai thế kỷ XVII-XVIII, với tư cách là một cảng thị (port), trong đó yếu tố bến cảng (harbour) đóng vai trò tiên quyết, và các vành đai thủ công nghiệp, dù là ở ven

71

đô hay Tứ trấn, đều có thể coi là vùng nội địa (hinterland) chuyên cung cấp thương phẩm hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu ở cảng thị trung tâm. Và như vậy, các làng nghề, vùng làng nghề bốn trấn xung quanh cũng là một yếu tố, không phải bên ngoài, mà nằm trong hệ thống. Đặc biệt hơn cả, thủ công nghiệp Tứ trấn tiếp sức cho Kẻ Chợ tơ lụa từ La, Phùng, Xù, Gạ, từ các làng dệt của Kinh Bắc, Sơn Tây, và gốm sứ từ Hương Canh (Sơn Tây), Thổ Hà, Phù Lãng (Kinh Bắc) và Hùng Thắng, Láo, Bá Thủy, Cậy - Ngói và nhất là Hợp Lễ của Hải Dương.

2.3.1.1. Gốm sứ và Tơ lụa

Thế kỷ XVII-XVIII chứng kiến sự độc diễn của mậu dịch gốm sứ Bắc Đại Việt, thay vì có sự tham gia tích cực của gốm Chămpa lò Bình Định như ở các thế kỷ XIV, XV trước đó [179, tr. 69]. Sự phát triển của gốm Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII lại đặt ưu thế chủ yếu ở một số trung tâm gốm xung quanh Thăng Long - Kẻ Chợ. Sự phát triển này bao gồm hai đặc điểm quan trọng. Thứ nhất, đó là sự dịch chuyển của các trung tâm gốm Bắc Bộ gần lại với Thăng Long và Sông Đàng Ngoài; và thứ hai, đó là sự thịnh hành của mặt hàng gốm thô thay cho gốm sứ tinh xảo cao cấp phổ biến ở hai thế kỷ XIV-XV trước đó. Nếu trước thế kỷ XV, các trung tâm gốm Bắc Bộ, kể cả ở Sơn Tây, Kinh Bắc hay Hải Dương, đều có thể đã gắn nhiều hơn với hệ thống đường thủy Thiên Đức, Nguyệt Đức - Lục Đầu Giang - Kinh Thầy, Đá Bạc để vận chuyển thương phẩm ra cửa biển Bạch Đằng và cảng quốc tế Vân Đồn; ở vùng Phả Lại - Lục Đầu thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) vẫn còn hưng thịnh làng gốm Xóm Hống (xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương); thì từ thế kỷ XV trở đi, ngay trên địa bàn Hải Dương thừa tuyên, đã có một sự dịch chuyển quan trọng của các trung tâm gốm từ bắc xuống nam, từ Xóm Hống (Chí Linh) thế kỷ XIII-XIV xuống Chu Đậu - Mỹ Xá, Hùng Thắng (Nam Sách) thế kỷ XV-XVI, rồi xuống Láo, Cậy Ngói, Bá Thủy, Hợp Lễ (Bình Giang), gắn liền với sông Kẻ Sặt, sông Đò Đáy/Tứ Kỳ (một nhánh của sông Kẻ Sặt) và hẳn là cửa biển Thái Bình ở các thế kỷ XVII-XVIII trở về sau [12, tr. 16]. Sự tàn lụi của Chu Đậu ở Hải Dương cũng đồng nghĩa với việc nhường lại thế mạnh xuất khẩu gốm sứ thương mại cao cấp của Bắc Bộ thế kỷ XVII-XVIII, dù ở chừng mực nhất định, cho trung tâm Bát Tràng kề cận Thăng Long. Căn cứ theo loại hình gốm sứ Đàng Ngoài được phản ánh trong tư liệu VOC, TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, phần lớn các sản phẩm gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu ra thị trường Đông Nam á cuối thế kỷ XVII là các sản phẩm gia dụng được sản xuất chủ yếu tại trung tâm gốm sứ Bát Tràng [286, tr. 31;

192, tr. 32-33]. Các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản cũng khẳng định nguồn

72

gốc Bát Tràng, Kim Lan của các thương phẩm gốm sứ Đàng Ngoài trên thị trường Đông á đương thời [110, tr. 50-52; 179, tr. 68].

Sự thoái trào của gốm tinh xảo Bắc Đại Việt từ thế kỷ XVI cũng tạo bước chuyển quan trọng sang một nền sản xuất và buôn bán gốm thô bình dân và sự hưng thịnh của các trung tâm Hương Canh, Phù Lãng, Thổ Hà mà lúc này đã gắn với cảng thị xuất khẩu Kẻ Chợ, của Cậy Ngói và đặc biệt là Hợp Lễ ở phía nam Hải Dương, khá gần với trung và hạ lưu Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII.Theo xu hướng chung, nếu ở thế kỷ XV các sản phẩm gốm Bát Tràng có chất lượng cao và phong cách giống như gốm Chu Đậu xuất khẩu, thì bước sang thế kỷ XVI-XVII, gốm Bát Tràng có nhiều chất lượng, nhiều kiểu, loại, trong đó có những loại hình mà cả kiểu dáng, hoa văn có vẻ giống với gốm Hợp Lễ, Bá Thủy, và Cậy, Láo của Hải Dương [178, tr. 154-155, 158]. Từ thế kỷ XVIII, gốm Bát Tràng mới có sự thay đổi và xu hướng phát triển khác biệt so với Hợp Lễ, đặc biệt là về chất liệu [178, tr.

170-171].

Tư liệu phương Tây và các nghiên cứu khảo cổ đều thống nhất một nhận định chung là mặt hàng gốm xuất khẩu chủ đạo của Đàng Ngoài ra thị trường quốc tế thế kỷ XVII-XVIII là gốm thô (coarse ceramics). Riêng về gốm hoa lam, thương phẩm chủ chốt của Bắc Đại Việt thế kỷ XIV-XVI, thì cũng suy thoái từ thế kỷ XVII, chuyển sang mang nặng phong cách nghệ thuật bình dân nội địa, với màu lam gỉ sắt (lam đen) khá phổ biến [177, tr. 90, 93, 102]. Sưu tập gốm sứ tìm được tại di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) cũng cho thấy đồ gốm thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) cực kỳ phong phú nhưng đồ gốm men thời kỳ này nói chung không đẹp bằng các giai đoạn trước [174, tr. 18].

Các trung tâm gốm cổ Hải Dương bước sang thế kỷ XVII-XVIII cũng thịnh hành của gốm bình dân thay thế cho gốm sứ cao cấp, đó là sự phồn thịnh của Láo, Hợp Lễ thế kỷ XV-XVIII, và sự lụi tàn của Chu Đậu, Ngói bắt đầu từ đầu thế kỷ XVII [178, tr. 66, 148, 161]. Nếu ở thế kỷ XV, cả hai trung tâm gốm Nam Sách và Bình Giang đều duy trì sản xuất gốm men nâu, xanh ngọc đồng thời với hoa lam, thì sang thế kỷ XVI, gốm men nâu đã thiếu vắng, và đặc biệt thế kỷ XVII-XVIII đã đánh dấu sự biến mất của dòng gốm men xanh ngọc và sự xuất hiện phổ biến của gốm hoa lam trang trí rất đơn giản [178, tr. 164]. Hoặc như ngay trong bản thân sự phát triển của Hợp Lễ, nếu ở thế kỷ XV-XVI, Hợp Lễ sản xuất đồng thời cả 3 hoặc 4 dòng gốm (men nâu, xanh ngọc, trắng, hoa lam), trong đó men hoa lam cùng men nâu (thế kỷ XV) và xanh ngọc (thế kỷ XVI) là các dòng chính, và có nhiều sản phẩm chất lượng cao, có thể so sánh với gốm Ngói, Cậy, Bá Thủy, Chu Đậu (đặc

73

biệt gốm men nâu); thì từ thế kỷ XVI trở đi, gốm Hợp Lễ cơ bản đi theo xu hướng đơn giản, bình dân, tuy có tương đồng với Ngói, Bá Thủy (đối với gốm men xanh ngọc), nhưng gốm hoa lam Hợp Lễ đã phát triển theo một xu hướng riêng, mộc mạc, giản dị, khác biệt với Ngói; đặc biệt, đến thế kỷ XVII-XVIII, Hợp Lễ chỉ duy trì gốm men trắng và hoa lam, và tập trung sản xuất hàng gốm dân dụng, có chất lượng trung bình và thấp, hình dáng chắc khỏe, nhưng hoa văn lại rất đơn giản [178, tr. 89, 105, 120, 122-124, 155-159, 163]. Ngoài ra, các trung tâm sản xuất gốm cao cấp, gốm minh văn thế kỷ XV-XVI là Cậy, Bá Thủy, Hùng Thắng từ thế kỷ XVII cũng chuyển sang phong cách đơn giản, bình dân như Hợp Lễ và Láo [178, tr. 145- 146, 151-152].

Trên thị trường thế giới, nếu gốm Hizen (Nhật Bản) được thương nhân phương Tây thay thế cho sản phẩm sứ Trung Quốc chất lượng cao, vốn phải thoái lui do những biến động chính trị ở nước này từ thập niên 1630, thì gốm thô Đàng Ngoài được lựa chọn thay thế cho gốm thô Nam Trung Hoa (các lò ở Phúc Kiến, Quảng Đông), mà vẫn được Hoa thương duy trì buôn bán cho đến những năm 1660, trước khi triều đình Mãn Thanh ban bố lệnh “Hải cấm” [192, tr. 28]. Tuy Bắc Đại Việt đã đồng thời xuất khẩu nhiều loại gốm có chất lượng và phong cách khác nhau từ thế kỷ XV [178, tr. 166], nhưng có thể nói, việc khan hiếm gốm thô Trung Quốc trên thị trường quốc tế thế kỷ XVII đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của sản phẩm Đàng Ngoài. Bên cạnh trung tâm xuất khẩu Bát Tràng, các nhà khảo cổ cho rằng, các trung tâm gốm ở Bình Giang (Hải Dương) như Láo, Bá Thủy, Cậy Ngói, mà đặc biệt là Cậy Ngói, Hợp Lễ, chính là địa chỉ xuất xứ của các di vật gốm Việt ở Java hay Nhật Bản [179, tr. 67-68; 110, tr. 51].

Không chỉ có Hợp Lễ và Cậy Ngói ở gần trung và hạ lưu Sông Đàng Ngoài, sự gia tăng nhu cầu gốm thô Bắc Việt của thị trường quốc tế cũng góp phần tạo nên sự đồng loạt hưng khởi của các trung tâm gốm thô phía bắc và tây bắc quanh Thăng Long, là Thổ Hà, Phù Lãng và Hương Canh. Nghiên cứu của các nhà sử học (Phạm ái Phương), khảo cổ học (Trịnh Cao Tưởng) về hai trung tâm gốm của Bắc Bộ là Thổ Hà và Phù Lãng đều cho thấy đến thời điểm khoảng thế kỷ XVII, cả hai làng gốm này đều tập trung vào sản xuất các đồ gốm sành thô có kích cỡ lớn. Nếu cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII là thời kỳ phát triển đỉnh cao của Thổ Hà, gắn liền với các sản phẩm gốm lớn, thì thế kỷ XVII cũng là mốc đánh dấu thợ gốm Phù Lãng đã chuyển hẳn sang làm các đồ sành thô (thay vì giai đoạn từ thế kỷ XVI trở về trước có sản xuất đồ gốm men, nhưng “nó mộc mạc, giản dị tới mức thô thiển”

và không thể so sánh được với Chu Đậu hay Bát Tràng cùng thời kỳ) [134, tr. 59-

74

60; 202, tr. 77]. Trong số đó, đặc biệt là Thổ Hà, mà sản phẩm gốm của làng này được coi là chiếm lĩnh toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ [202, tr. 82], đến thế kỷ XVII-XVIII, đã trở thành một làng chuyên nghề phi nông nghiệp, thậm chí phi đất đai canh tác và thiếu đất thổ cư, nghĩa địa [134, tr. 59; 93, tr. 168], nhưng sự phồn thịnh của nghiệp gốm đã mang lại cho nơi đây những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng lớn, được phú thương đóng góp lượng lớn tiền mặt để xây dựng (dưới các niên hiệu Vĩnh Trị, Chính Hòa, Cảnh Hưng). Tư liệu bi ký Thổ Hà đương thời còn khắc họa rõ khung cảnh: “Bạn công thương chứa hàng tại chợ chất thành gò đống, tài hóa luôn luôn lưu thông. Nhân dân nhà nào cũng có lò nung thành dụng cụ… Chợ để thông thương, giao dịch [bán các đồ sành gốm] làm cho nhân dân yên ổn, vui vẻ với nghề nghiệp của mình” [134, tr. 59].

Đối với các trung tâm gốm ở tây bắc Thăng Long, cũng có thể thấy sự phát triển của Hương Canh phải được đánh dấu từ nửa cuối thế kỷ XVII trở đi và trong thế kỷ XVIII. So với Thổ Hà, đồ sành Hương Canh thậm chí còn mỏng và thanh hơn [94, tr. 168-169]; các dãy phố, các ngôi đình lớn của Tam Canh (Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường) đều xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Ngay làng gốm Hiển Lễ ở Mê Linh cũng thấy có sự xuất hiện của gốm lam thế kỷ XVI-XVII và giai đoạn phát triển thịnh đạt của Hiển Lễ cũng là khoảng thế kỷ XVI-XVIII [297].41 Hơn thế nữa, các nhà khoa học cũng liên hệ sự phát triển đột khởi của các trung tâm gốm thô bình dân Tứ trấn quanh Thăng Long (Phù Lãng, Hợp Lễ) với yếu tố thị trường quốc tế [178, tr. 165], như thị hiếu ưa chuộng gốm sành Việt của người Nhật ở thế kỷ XVII [202, tr. 83], đặc biệt là trong nghi lễ trà đạo [185, tr. 670]. Ngoài Nhật Bản, tư liệu VOC và khảo cổ học khẳng định rõ một thị trường sôi nổi của gốm thô Bắc Đại Việt ở Đông Nam á hải đảo (tại các thương cảng ở Java, Sumatra, Malaysia, Philippines) trong các thập niên giữa đến cuối thế kỷ XVII [192, tr. 28-31; 179, tr. 67], mà có thể chắc chắn một thực tế là các giao dịch, thu mua hàng hóa của thương nhân Hà Lan ở Đàng Ngoài thời kỳ này đều được diễn ra tại Thăng Long.

Khảo cổ học Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) cũng cho thấy nếu ở những thế kỷ trước, đặc biệt thế kỷ XIV-XV, số lượng gốm sứ sản xuất tại lò Thăng Long chiếm tỉ lệ lớn, thì bắt đầu sang thế kỷ XVII, gốm sứ của các làng nghề tứ trấn như Bát Tràng, Kinh Bắc, Hải Dương, cũng như của những địa phương khác kề cận, tập trung nhiều và phổ biến ở Thăng Long - Kẻ Chợ, đặc biệt là từ các

41 Trần Anh Dũng, “Làng gốm Hương Canh” & “Làng gốm Hiển Lễ” đăng tải trên http://www.vannghesongcuulong.org.

75

lò Hợp Lễ, Cậy, Bá Thủy (Bình Giang, Hải Dương) và lò Kim Lan của trung tâm Bát Tràng [180, tr. 22]. Cùng với xu hướng “dân gian hoá” đồ gốm Việt Nam nói chung đương thời, hiện tượng này cũng phản ánh mối quan hệ Thăng Long với Tứ trấn, và đặc biệt là khẳng định vị thế trung tâm của Kẻ Chợ trong mậu dịch gốm sứ Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII. Trong danh sách phố phường Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVIII-XIX, có thể biết đến phố Đông Hà (Hàng Bát) bán đồ sứ; phường Yên Nội (tục gọi Hàng Nồi) chuyên bán các loại sành nồi; hay phố Hỏa Lò có làm đồ đất nung [112, tr. 397; 133, tr. 259]. Nói tóm lại, bộ mặt phát triển của sản xuất và buôn bán gốm sứ Bắc Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII là sự thịnh hành của gốm thô xuất khẩu, gắn liền với Thăng Long và Sông Đàng Ngoài.

Nếu nền công thương nghiệp gốm sứ thế kỷ XVII-XVIII đã cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm về Kẻ Chợ, thì tơ lụa, hơn hết, lại càng là mặt hàng xuất xứ chủ yếu ở Thăng Long và phụ cận. Cho đến nửa đầu thế kỷ XVI, gốm sứ vẫn được coi là hàng hóa chủ chốt của Đại Việt xuất khẩu ra bên ngoài, gắn liền với trung tâm Chu Đậu và cảng biển Vân Đồn; Tuy nhiên, khoảng thế kỷ XVI-XVII cũng đánh dấu sự thay đổi cơ cấu thương phẩm quốc tế, từ gốm sứ chuyển sang tơ lụa, vốn là sản phẩm thủ công phổ biến của vùng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là các làng lụa nổi tiếng dọc sông Hồng, khu vực Kinh Kỳ và các vùng phụ cận Thăng Long - Kẻ Chợ [286, tr. 28; 79, tr. 344]. Nếu Bắc Hải Dương được coi là quê hương của gốm sứ thương mại Đại Việt thời Trần - Lê Sơ, thì cho đến trước thế kỷ XVII, nghề tằm tang và dệt lụa đã bén rễ ở Thăng Long khá lâu đời [218, tr. 196; 94, tr. 154, 155;

133, tr. 580; 20, IV, tr. 58; 101, I, tr. 261; 101, II, tr. 367, 456]. Thế kỷ XVII-XVIII, theo ghi chép của nhà hàng hải Anh William Dampier, Kẻ Chợ là nơi ở Đàng Ngoài đặc biệt có rất nhiều tơ tằm, “và đây là mặt hàng chính của nền thương mại Đàng Ngoài” [244, tr. 21-22]. Vải vóc tơ lụa được sản xuất và buôn bán ở nhiều phố phường, chợ búa Thăng Long. Trọng điểm sản xuất vẫn là cụm các phường dệt quanh Hồ Tây - Hồ Trúc Bạch, để sách Thượng Kinh phong vật chí ở thế kỷ XVIII còn ghi chép: “Làng Thuỵ Chương, làng Nghi Tàm dệt vải lụa, mùa hè mặc thì mát, mùa đông mặc thì ấm. Mỗi cái áo có thể mặc được ba năm”, để Nguyễn Huy Lượng, cũng vào cuối thế kỷ XVIII, vẫn có thể tả lại cảnh nhộn nhịp của các phường dệt Tây Hồ (trong Tụng Tây Hồ phú) [64, tr. 186; [112, tr. 289-290]. Trong danh sách 36 phường phố Thăng Long thời Lê, số phường liên quan đến nghề dệt,

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 67 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(318 trang)