Các hoạt động Ngoại thương

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 77 - 115)

Chương 2: Thăng Long - Kẻ Chợ: cảng thị trung tâm

2.3. Các hoạt động kinh tế

2.3.2. Các hoạt động Ngoại thương

ở thế kỷ XVII-XVIII, mọi giao dịch đối ngoại của vương quốc Bắc Đại Việt đều được diễn ra tại Thăng Long - Kẻ Chợ, mà cụ thể là tại Phủ chúa Trịnh và các phố phường, chợ búa của khu buôn bán phía đông kinh thành, giáp các bến cảng thượng lưu Sông Đàng Ngoài. Thành phần tham gia giao thương bao gồm hoàng gia Lê - Trịnh, tầng lớp quan lại Đàng Ngoài, các thương nhân người Việt, các thương gia Trung Quốc, Nhật Bản, các khách thương châu Âu, mà ý nguyện bền bỉ của những kiều dân ngoại quốc này là được định cư, lập cơ sở tại “Cachao” và trên thực tế họ cũng đã tiến hành mọi hoạt động của mình ở trên kinh đô vương quốc

“Tonkin”. Bức tranh ngoại thương của Thăng Long - Kẻ Chợ bao gồm những hoạt động mậu dịch quốc tế của cả Đàng Ngoài, đó là: (1) Hoạt động nhập khẩu hàng hóa ngoại quốc vào Đàng Ngoài và việc bán những hàng hóa đó tại Thăng Long;

và quan trọng hơn là (2) Sự tập trung hàng hóa tại Kẻ Chợ và hoạt động thu mua

81

hàng Đàng Ngoài xuất khẩu của giới thương nhân ngoại quốc. Tuy nhiên, đứng về phương diện hàng hóa, chúng ta cũng cần phân biệt đâu là những hàng hóa xuất khẩu của bản địa Bắc Đại Việthoạt động tiêu thụ tại chỗ các hàng hóa ngoại nhập; cũng như đâu là những mặt hàng được nhập khẩu vào Thăng Long để tái xuất sang thị trường khác.

2.3.2.1. Xuất nhập khẩu hàng hóa a) Kim loại tiền: Tiền đồng và Bạc

Thế kỷ XVII-XVIII, vương quốc Đại Việt, kể cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều lâm vào tình trạng thiếu kim loại tiền trầm trọng. Do những bất ổn chính trị tại lục địa Trung Hoa, nguồn cung tiền đồng truyền thống bị ngưng trệ, Bắc Đại Việt vốn đã chưa bao giờ đủ tiền đồng, giờ lại càng khan hiếm. Cho đến nửa cuối thế kỷ XVIII, tình trạng khan hiếm tiền đồng vẫn tiếp diễn ở phía bắc sông Gianh, khiến dòng tiền đồng Phương Nam, vốn đã không còn được họ Nguyễn ưu ái như tiền kẽm, một mặt theo Hoa thương chở ngược về Trung Quốc, và mặt khác đã vượt qua ranh giới Bắc - Nam để theo thuyền buôn ra các xứ Thanh, Nghệ, Sơn Nam của Bắc Hà [187, tr. 394]. Để đối phó với nạn thiếu tiền, xứ Bắc Đại Việt đã đưa ra nhiều cách thức, trong đó biện pháp tối ưu của triều đình Đàng Ngoài là tận dụng triệt để nguồn kim loại tiền nhập khẩu do thương nhân ngoại quốc đưa đến Kẻ Chợ trong thế kỷ XVII [20, III, tr. 63-65; 126, tr. 56; 195, tr. 19; 293, tr. 367-370].

Nguồn cung cấp tiền kim loại cho Thăng Long và Đàng Ngoài không chỉ từ Trung Quốc mà còn là Nhật Bản. Từ đầu thế kỷ XVII, tiền đồng là một trong những mặt hàng chính được xuất cảng từ Nhật sang Đàng Ngoài và Đàng Trong [167, tr.

19-20; 168, tr. 173-201; 195, tr. 24-25; 284]. Nếu các loại tiền trước của Nhật Bản được đưa đến Đại Việt và Đàng Ngoài bởi chính thương nhân quốc đảo [187, tr.

328; 167, tr. 19] và người Hoa từ lục địa Trung Quốc, thì tiền Nguyên Phong thông bảo (元 豐 通 寶) hoàn toàn do VOC và Hoa thương đảm nhận việc buôn bán, vận chuyển đến đất Việt. Từ năm 1661 đến năm 1677, VOC đã nhập khẩu vào Thăng Long tổng cộng hơn 2,1 triệu đồng tiền zeni và đến năm 1675, tổng trị giá lượng tiền đồng thương điếm Deshima đặt mua gửi sang Kẻ Chợ lên đến 50.000 lạng bạc [197, tr. 207], góp phần giải quyết cơ bản vấn nạn thiếu tiền ở Đàng Ngoài. Số tiền nhập khẩu này được người Hà Lan vận chuyển từ tàu buôn ở Domea lên trực tiếp Thăng Long - Kẻ Chợ, nơi có thương điếm của VOC và diễn ra mọi hoạt động giao dịch của Công ty ở Đàng Ngoài, đặc biệt với Phủ chúa Trịnh và là nơi các khách thương ngoại quốc “tổ chức bán hàng ở Kẻ Chợ” [197, tr. 201].

82

Tương tự như Công ty Hà Lan, thương nhân Trung Quốc cũng rất năng động trong việc nhập khẩu tiền đồng Nhật Bản vào Thăng Long và Đàng Ngoài, dù Phủ chúa Trịnh chỉ cho phép VOC kinh doanh tiền đồng zeni, cấm các nhóm thương nhân ngoại quốc khác, trong đó có người Hoa [197, tr. 204]. Cũng trong khoảng thời gian từ khi Mạc phủ Tokugawa cho phép đúc tiền zeni tại Nagasaki cho đến cuối thập niên 1670, Hoa thương đã liên tiếp nhập khẩu loại tiền này vào Kẻ Chợ [286, tr. 187, 189]. Ngoài người Hà Lan và Trung Quốc, thương gia Nhật Bản lưu trú tại Kẻ Chợ là Resimon cũng đã từng lên kế hoạch nhập khẩu tiền đồng từ quốc đảo quê hương vào Đàng Ngoài [276, tr. 119; 286, tr. 168].

Bên cạnh tiền kim loại từ Đông Bắc á, hệ thống tiền tệ nhập ngoại vào Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII-XVIII còn có tiền VOC đúc tại Batavia được người Hà Lan đưa sang Kẻ Chợ năm 1654 [239, tr. 139]; và đặc biệt là tiền Trung Quốc đúc tại Macao do thương nhân Bồ Đào Nha mang đến các thập niên 1630-1660. Trong khoảng thời gian 1636-1669, việc buôn bán caixas liên quan mật thiết đến hoạt động thu mua tơ lụa của Hoa thương, người Hà Lan, người Tây Ban Nha và cũng như người Bồ Đào Nha tại Bắc Việt Nam. Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu tiền đồng gia tăng nhanh chóng ở Đàng Ngoài thập kỷ 1650, những năm 1652, 1654, thương nhân Bồ đã nhập khẩu vào Kẻ Chợ một số lượng đáng kể tiền đồng Macao, thương phẩm duy nhất của con tàu Pataxo do Vasco Barbosa de Mello làm chủ. Cũng cho đến giữa thập niên 1650 này, tư liệu thư tịch Bồ Đào Nha đã có ghi chép việc tàu Bồ Đào Nha chuyên buôn bán tiền đồng từ Macao tới Đàng Ngoài, và gọi đó là “lái buôn caixa định kỳ”. Trong những mùa mậu dịch từ 1656 đến 1660, tư liệu Dòng Tên cho biết có ít nhất 6 con tàu buôn bán thường xuyên giữa Kẻ Chợ và áo Môn.

Tuy nhiên, sớm hơn cả những đối thủ cạnh tranh của mình, ngay từ sau năm 1673 trở đi, tình hình kinh doanh của Bồ Đào Nha với Đàng Ngoài ngưng trệ trong bối cảnh chung của điều kiện buôn bán tại Macao, cũng như sự thay đổi chiến lược của người Iberia ở Phương Đông [276, tr. 114-120].

Cho đến trước năm 1740, bạc không được coi là một loại tiền tệ ở Đại Việt và Đàng Ngoài. Do vậy, trong suốt chiều dài lịch sử đến tận thế kỷ XVIII, bạc được định giá thành quan tiền đồng và không thể đóng vai trò bản vị của tiền tệ Việt Nam thời Trung đại [127, tr. 66; 293, tr. 369]. Bạc được nhập khẩu vào xứ Bắc Đàng Ngoài thế kỷ XVII, nhưng có thể coi là một thương phẩm hàng hóa, chứ không phải một dạng tiền tệ. Không phải đợi đến người Hà Lan vào thế kỷ XVII thì Đàng Ngoài và Kẻ Chợ mới biết đến nguồn bạc nhập khẩu từ quốc đảo Nhật Bản. Hay nói cách khác, nền thương mại “Tơ lụa Đàng Ngoài đổi lấy bạc Nhật Bản” không chỉ do

83

VOC điều hành, mà còn là hoạt động chung của Hoa thương, Nhật thương, người Bồ Đào Nha và Anh quốc, mà khởi đầu bởi thương nhân châu á thế kỷ XVI. Cho đến đầu thế kỷ XVII, khi giáo sỹ Alexandre de Rhodes đến Thăng Long, nhận xét về thương mại và hàng hóa của người Đàng Ngoài, cha Đắc Lộ đã viết: “Người Nhật xưa kia đem bạc rất nhiều tới đây buôn tơ lụa, đem nhiều gươm đao và đủ các thứ vũ khí để bán” [140, tr. 36].

Trong số các khách thương ngoại quốc mang bạc đến Kẻ Chợ, người Hà Lan là thế lực hoạt động mạnh và hiệu quả nhất, thậm chí cho đến đầu thập niên 1660, lượng bạc VOC nhập khẩu đã làm lũng đoạn thị trường tiền tệ Thăng Long. Ngược lại, đối với thương nhân Hà Lan, bạc luôn là mặt hàng chủ đạo để kinh doanh tại Đàng Ngoài. Từ năm 1637 đến 1654, bạc Nhật thường được tàu VOC chuyển thẳng từ Nagasaki sang Đàng Ngoài, đến cửa sông Thái Bình là được đưa sang thuyền nhỏ chở ngược lên Thăng Long[195, tr. 20-21]. Từ nửa cuối thập niên 1650 trở đi, do tơ lụa Đàng Ngoài xuất sang thị trường quốc đảo đã sụt giảm lợi nhuận, Công ty cắt giảm vốn đầu tư sang Kẻ Chợ, đặc biệt do lệnh cấm xuất khẩu bạc của Mạc phủ Tokugawa vào năm 1668, số lượng bạc Nhật được đưa sang Đàng Ngoài và lên Thăng Long giảm mạnh [195, tr. 21-22].

Tất cả nguồn bạc ngoại nhập (từ Nhật Bản và cả từ Java hoặc Hà Lan [286, tr. 130-132; 195, tr. 22]), sau khi tập trung tại thương điếm VOC ở Kẻ Chợ, sẽ được đưa đi tinh chế và nhiều khả năng là người Hà Lan đã thuê chính phường thợ Đông Các - Hàng Bạc để tinh lọc hợp kim này trước khi lưu hành. Hoạt động này được thương điếm Kẻ Chợ tiến hành thường xuyên trong nửa đầu thế kỷ XVII, nhưng do bị thất thoát, thua lỗ [197, tr. 157], nên từ giữa thập niên 1650 trở đi, các loại bạc Công ty đưa lên Thăng Long thường chỉ được kiểm tra độ nguyên chất trước khi đưa ra giao dịch trên thị trường [195, tr. 20]. Tương tự như người Hà Lan, các nhân viên Công ty Đông ấn Anh vào những năm 1670-1690, cũng tiếp tục việc nấu chảy và thử bạc hải ngoại tại Kẻ Chợ, thông qua những thợ chuyên nghiệp phố Hàng Bạc [235].46

b) Vũ khí và các khí tài chiến tranh

Nội chiến Trịnh - Nguyễn và sự phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài không chỉ là một trong những động lực mở cửa bang giao và thương mại của Bắc Đại Việt với thế giới Phương Tây, mà còn tất yếu nảy sinh nhu cầu vũ khí và các vật liệu

46 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 2/9/1676, 06/8/1678.

84

chiến tranh từ những vị nguyên thủ Nhà nước Lê - Trịnh, như những mặt hàng vũ khí, trang thiết bị quân đội như các loại súng ống, đạn dược, bột kali nitrat, diêm sinh và ngựa chiến [286, tr. 139]. Cũng bởi đây là nhu cầu thiết yếu riêng biệt của chúa Trịnh ở Kinh Kỳ, những mặt hàng chính trị - quân sự này chỉ được nhập khẩu trực tiếp lên Kẻ Chợ và là đặc quyền duy nhất của chính quyền Thăng Long [235].47 Chỉ 2 năm sau ngày thiết lập quan hệ bang giao, thương mại, Trịnh Tráng đã yêu cầu Công ty Hà Lan viện trợ 5 tàu chiến, 600 quân sĩ được trang bị vũ khí hiện đại, 100 thần công và 200 xạ thủ tinh nhuệ để theo Chúa đi đánh Đàng Trong vào năm sau [197, tr. 99-100]. Sau những lần liên minh quân sự không mấy thành công [286, tr. 174-175, 180, 182], họ Trịnh vẫn tiếp tục yêu cầu mặt hàng súng đạn cho Đàng Ngoài (như các năm 1650, 1653-1654, 1655-1656, 1671, 1675) [197, tr. 131, 134, 143, 148, 151, 155, 157, 159, 184, 193, 208]. Thậm chí, chính quyền Thăng Long còn “tịch thu” hoặc buộc “bán lại” những khẩu đại bác trên chính các tàu buôn châu Âu neo đậu ở cửa Sông Đàng Ngoài [235].48 Năm 1675, chúa Trịnh Tạc còn đặt VOC đúc 6 khẩu thần công tại châu Âu và nhận được hàng vào năm 1678, do hai tàu ExperimentCroonvogel từ Batavia chở sang Đàng Ngoài [235].49 Kể cả sau khi cuộc chiến Bắc - Nam được tạm thời đình chỉ năm 1672, triều đình Lê - Trịnh vẫn chú trọng đến các mặt hàng quân sự từ hải ngoại [244, tr. 49; 235],50 cho dù Nhà nước Thăng Long có phần kén chọn hơn, trả giá nhiều khi rẻ mạt hơn và nhất là đã tự đúc súng tại Phủ Chúa [235].51

Bên cạnh các loại súng đạn và đại bạc, các nguyên vật liệu chiến tranh như diêm tiêu (kali nitrat), lưu huỳnh cũng là những mặt hàng thiết yếu đối với thị trường Kẻ Chợ, với giới thượng lưu hoàng gia, quan lại cũng như thương nhân trưởng giả [235].52 Người Hà Lan là những thương nhân châu Âu đầu tiên nhập khẩu diêm tiêu vào Đàng Ngoài và Kẻ Chợ.53 Theo thư tịch còn để lại thì chuyến tàu VOC đầu tiên được ghi chép có mang diêm tiêu đến Đàng Ngoài là tàu Roode Hert năm 1660. Từ đó và trong suốt các thập niên 1660-1690, và đối với người Anh là cho đến tận chuyến tàu cuối cùng Mary Bowyear năm 1697, diêm tiêu luôn là

47 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 14/10/1679.

48 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 25/7/1672.

49 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 12, 20, 23-24/7/1676, 20/6, 13, 14, 21, 23, 25/8, 4, 5, 12/9/1678, 22, 30/9/1679.

50 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Anh, ngày 7/12/1672; Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng

Ngoài ngày 19/3/1673; Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi Bantam, ngày 03/10/1675.

51 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 18/3/, 15/5/1673, 12/7/1676, 11, 18, 21/8, 28/10/1677.

52 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi đi Bantam, ngày 10/10/1672.

53 Danh sách hàng hóa các chuyến tàu Bồ Đào Nha đến Đàng Ngoài những năm 1626-1669 không hề thấy

mặt hàng diêm tiêu. Xem trong [276, tr. 114].

85

thương phẩm thiết yếu mà khách thương Hà Lan, Anh nhập khẩu vào Đàng Ngoài và gần như tuyệt đại đa số được đưa lên Thăng Long sau khi tàu đã cập cửa sông Thái Bình[235].54 Thông thường, khi các tàu thuyền cập bến cửa Sông Đàng Ngoài, các quan giám thương từ Kẻ Chợ xuống sẽ kiểm tra hàng hóa, riêng các mặt hàng vũ khí và vật liệu chiến tranh, trong đó đặc biệt là diêm tiêu, phải được khai báo triệt để và gần như toàn bộ được đưa lên Thăng Long. Ngoài Phủ Thái Vương và Lượng phủ, khách hàng của diêm tiêu nhập khẩu còn là những lái buôn, thông ngôn người Việt ở Kẻ Chợ như Domingo (năm 1682) [235],55 Chubu (năm 1694), Ba Cung (năm 1697). Việc bán diêm tiêu tự do ra thị trường Thăng Long cũng phải được phép của chính quyền Đàng Ngoài [235].56

Cùng với diêm tiêu là lưu hoàng và chì, cũng được tập trung buôn bán ở Thăng Long. Các thương thuyền Hà Lan, Anh, Trung Quốc [197, tr. 182, 201] đã liên tục mang lưu huỳnh đến Đàng Ngoài trong các thập niên 1660-1690. Cũng như diêm tiêu, lưu huỳnh là mặt hàng độc quyền của triều đình Lê - Trịnh, được bán chủ yếu cho Phủ Chúa và vào tay các đại quan [235].57 Năm 1672, nhật ký thương điếm Anh ở Phố Hiến cho biết, 3 tàu Hà Lan đến Đàng Ngoài từ Batavia có mang theo 300 pecull kali nitrat, 5000 đạn viên tròn và tất cả số này đều được bán vào Phủ Chúa; cũng bán cho Chúa 20 pecull lưu huỳnh [235].58 Sau khi thỏa mãn nhu cầu diêm sinh của triều đình Thăng Long, các thương gia ngoại quốc mới được bán ra bên ngoài phố phường Kẻ Chợ, cho lái buôn nước ngoài thường trú hoặc cho chính những thương nhân người Việt [235].59

c) Các mặt hàng xa xỉ

Đàng Ngoài không những chẳng phải thị trường tiêu thụ thích hợp cho chì [235],60 mà còn đối với các mặt hàng nhập ngoại khác, đặc biệt là những đồ xa xỉ, hiếm lạ. Không những nghèo và yếu ớt, tầng lớp bình dân Đàng Ngoài và Kẻ Chợ, trong đó có giới công thương, còn phải chịu sự kiềm tỏa của sự phân cấp tầng bậc xã hội khá trầm trọng, mà biểu hiện rõ nhất là những điều luật rất tỉ mỉ về các tiêu chuẩn sinh hoạt của các bậc quan lại và thứ dân. Ngay từ năm 1597 và liên tiếp

54 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 23, 29/7, 03/8, 09, 11, 16/9, 13/10/1676, 25/01/1682.

55 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 27, 30/6/1682.

56 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 23, 29/7, 03/8/1676.

57 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 19/9/1672.

58 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 06/9/1672.

59 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 02, 05/7/1672, 28/4/1677, 26/11/1682.

60 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 10/3, 15/5/1673; Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài

gửi Bantam, ngày 11/12/1676; Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi Bantam, ngày 15/12/1681.

86

trong các thế kỷ XVII-XVIII, triều đình Lê - Trịnh nghiêm ngặt quy định người Đàng Ngoài không được “dùng đồ vật vượt quá chức phận của mình”, “cấm dùng đồ hoa mỹ”, xa xỉ, nếu ai sử dụng đồ tiếm vượt thì những đồ vật trái phép sẽ bị tịch thu và xử phạt [108, tr. 165-166; 124, I, tr. 80, 581-582, 613, 625]. Những lệnh cấm ngặt nghèo này càng thấm đậm trong tầng lớp công thương bình dân tại Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII-XVIII [124, I, tr. 613; 52, tr. 21-22].

Tuy nhiên, cũng trong thế kỷ XVII, phát triển mạnh thế kỷ XVIII, và đỉnh cao là cuối thế kỷ XVIII, là một xu thế tiếm việt, xa xỉ hóa trong tầng lớp bình dân Kẻ Chợ nói riêng, Bắc Đại Việt nói chung, mà theo ngôn từ của Phạm Đình Hổ:

“Tập tục càng ngày càng kiêu bạc”, “lệch lạc”, “bóp méo”, “đua nhau chuộng lạ”

một cách “không còn biết xấu hổ” [52, tr. 74, 76]. Nếu ở Thăng Long thế kỷ XVIII, thói xa hoa, chuộng đồ hiếm lạ đã xuống đến tầng lớp “con em du đãng”, đến những anh “học trò”, bất kể “người sang kẻ hèn”, thì ở thế kỷ XVII, xu hướng này tập trung chủ yếu ở giới thượng lưu Kẻ Chợ và Đàng Ngoài, đặc biệt là hoàng gia Lê - Trịnh và bộ máy quan lại tại kinh đô Thăng Long. Tư liệu thư tịch phương Tây cũng như những chứng tích khảo cổ học cho thấy nhà Chúa, thậm chí đã tích cực đặt những hàng hóa xa xỉ, quý hiếm từ hải ngoại thông qua các tàu buôn châu Âu [Phụ lục bảng 2] và thương thuyền Trung Quốc. Nhờ đó, một luồng hàng hóa xa xỉ đã được nhập khẩu vào Bắc Đại Việt, và địa chỉ tập trung duy nhất chính là Kinh Kỳ - Kẻ Chợ. Trong số đó, có thể kể đến những mặt hàng chính sau đây:

Vải ngoại nhập

Các loại vải vóc ngoại nhập được đưa vào Đàng Ngoài thông qua 3 con đường. Thứ nhất là quà biếu của khách thương ngoại quốc gửi vào Phủ Chúa, biếu hoàng gia Lê - Trịnh và các vị đại quan, đặc biệt là các quan Giám thương; Thứ hai là hàng hóa trao đổi buôn bán giữa triều đình Đàng Ngoài với thương gia châu Âu;

thứ ba cũng là thương phẩm nhưng được bán cho thương nhân Việt ở Kẻ Chợ sau khi chúa Trịnh cùng hoàng tộc và quan lại đã giành đủ được phần hàng của mình. Với cả ba cách thức này, nguồn hàng vải nhập khẩu đều được tập trung về Thăng Long.

Ngay từ năm 1636, người Bồ Đào Nha đã bắt đầu mang vải damask, một ít vải dệt mỏng, nhung đến Đàng Ngoài; 4 hòm vải mà tàu Grol năm 1637 mang lên Kẻ Chợ cũng ngay lập tức bị quan lại lấy đi cho Phủ Chúa [245, tr. 202, 204]. Bước sang thập niên 1640, khi đã gây dựng được cơ sở kinh doanh tại kinh đô Kẻ Chợ, người Hà Lan đã nhận biết được nhu cầu các loại vải len dạ châu Âu từ chúa Trịnh

Một phần của tài liệu Hệ thống cảng thị trên sông Đàng ngoài thế kỷ XVII-XVIII (Trang 77 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(318 trang)