Chương 4 Domea và các cảng bến cửa khẩu
4.2. Batsha và các cảng bến khác
4.2.1. Batsha trong vùng cửa Sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII
Batsha là tên gọi một làng ven biển, điểm đến đầu tiên của những thương thuyền châu Âu tại vùng cửa sông Thái Bình. Batsha có nhiều tên gọi khác nhau.
Theo thống kê của chúng tôi từ tài liệu Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài, có đến 5 cách viết tên khác nhau là: Batsha, Battsha, Battsa, Batza và Batshaw. Samuel Baron trong Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài gọi tên là “Batshan” [231, tr. 681].
Giáo sỹ Richard trong Lịch sử Đàng Ngoài còn dùng tên gọi “Batcha” [271, tr.
712].281 Tuy nhiên, chữ “Batsha” được dùng phổ biến nhất trong Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài và được nhà hàng hải Anh William Dampier sử dụng trong tác phẩm Du hành và Khám phá của mình [244, tr. 15].282 Tóm lại, “Batsha” là tên gọi chính xác và phù hợp nhất.
4.2.1.1. Vai trò và chức năng của Batsha
Là một trong hai địa danh quan trọng của khu vực cửa biển này nhưng khác với Domea, Batsha rất ít xuất hiện trên bản đồ. Năm 2005, chúng tôi mới tìm được một bản đồ có đánh dấu địa điểm Batsha, đó là Bản đồ Miền Đông ấn với địa danh
“Batsja”, tuy rằng vị trí của cả Batsha và Domea trên bản đồ này đều rất tương đối [Phụ lục bản đồ 22].
Trong chuyến du hành tới Đàng Ngoài năm 1688, William Dampier đã mô tả như sau:
Cho tới khi đến chỗ chỉ còn sáu sải, rồi lúc ấy đi cách chân hay cửa hải lộ của bãi nổi từ hai đến ba dặm và cũng khoảng chừng ấy cách một cù lao nhỏ gọi là Đảo
280 Chúng tôi xin cảm ơn GS Đào Đình Bắc vì những nhận định khoa học mà Thầy đã giảng giải và chia sẻ.
281 Tuy nhiên, cũng trong tác phẩm này, ở một chỗ khác [271, tr. 744], Richard lại quay lại với cách gọi
“Batsha”.
282 Ngoại trừ một lần, Dampier cũng đã sử dụng tên “Batshaw” [244, tr. 26].
196
Ngọc.283 Với các mốc như thế và căn cứ vào chiều sâu như vậy, sẽ có thể buông neo rồi chờ một hoa tiêu - những người hoa tiêu người ta thuê để đi vào con sông này là dân chài, ngụ cư trong một xóm gọi tên là Batsha, ngay cửa sông. Thôn này nằm tại một chỗ làm cho họ có thể trông thấy các tầu đang chờ hoa tiêu và nghe thấy tiếng súng thần công mà người châu Âu hay cho bắn để báo tin họ đã tới [244, tr. 15].
Sang đến thế kỷ XVIII, giáo sỹ Richard cũng ghi chép tương tự: “… Những cư dân ở đây sẽ phục vụ như là hoa tiêu vậy. Họ ở trong một cái làng có tên Batsha, ở một chỗ rất thuận tiện là ngay cửa sông mà ở đó họ có thể nhìn thấy bất cứ con tàu nào đang đi đến, hoặc nghe thấy tiếng súng đại bác mà những người châu Âu thường bắn khi họ đến” [271, tr. 712].
Qua mô tả của Dampier và Richard, Batsha nằm ngay sát biển, địa thế cao, thuận tiện cho việc quan sát và đón đưa tàu thuyền. Batsha còn cung cấp hoa tiêu cho tàu thuyền phương Tây. Thương nhân và thuỷ thủ châu Âu thuê dân chài ở đây để làm việc này, tiền thuê được tính bằng tiền trinh Đàng Ngoài [197, tr. 527] cộng thêm thưởng (bằng vải Anh) [197, tr. 443], và mỗi lần đón tàu, khoản thù lao thường lệ vào những năm 1690 là khoảng 20.000 đồng [197, tr. 444]. Việc có hoa tiêu bản địa hay không là vấn đề quan trọng sống còn cho mỗi lần đưa đón tàu ra vào cửa sông Thái Bình [197, tr. 472-473, 548]. Hơn thế, người phương Tây còn cử nhân viên xuống khu vực này đưa đón tàu, như John Styleman, William Warren, Henry Ireton hay Henry Baker của thương điếm Anh, hoặc như John Seberson của người Hà Lan năm 1676 [197, tr. 495-496; 235].284 Các hoạt động đó được ghi chép rất rõ trong nhật ký hàng hải của Công ty Đông ấn Anh [235],285 và cũng phản ánh tương tự đối với người Bồ Đào Nha [197, tr. 458, 461].
Hoạt động cắt cử hoa tiêu xuống Batsha của EIC rất thường xuyên. Trong Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài có nhiều tên người đặc trách khu vực này, nhưng đặc biệt là hoa tiêu Đô-minh-gô (Juon Domingo) được nhắc đến với vai trò lớn, gắn chặt với Batsha, thậm chí còn được gọi là “Domingo Batsha” [197, tr. 442; 235].286 Những khi Domingo vắng mặt, người em trai có tên thánh Francisco hoặc con trai là Pedro Domingo có thể thay thế công việc hoa tiêu, dẫn dắt tàu qua các luồng lạch
283 Đảo Ngọc (hay Pearl Island) thường xuyên xuất hiện trong bản đồ thư tịch cổ phương Tây thế kỷ XVII-
XVIII. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó có nhiều khả năng là đảo Hòn Dấu, thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng ngày nay [65, tr. 24].
284 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 17-18/6/1675, 26/12/1676, 03/6/1683.
285 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 27/5/1676 .
286 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 15/8/1673.
197
ở cửa sông. Cả gia đình Domingo (kể cả viên gia nhân) đều là những tín đồ Thiên Chúa giáo, làm nghề đánh cá ngoài doi cát cửa biển Thái Bình, hải sản thu được, thậm chí được Francisco đưa lên tận Kẻ Chợ để bán [197, tr. 418-419, 465].
Từ Batsha, nhân viên EIC nhận lệnh từ trụ sở thương điếm ở Phố Hiến (từ 1672 đến 1683) và Kẻ Chợ (1683-1697), báo cáo và cung cấp thông tin quan trọng kịp thời về thương điếm. Hình thức liên lạc chính là thư từ và cử người trực tiếp lên Phố Hiến và Kẻ Chợ. Có những lá thư được gửi và nhận trong ngày, chứng tỏ việc trao đổi thông tin giữa Batsha với Phố Hiến, Kẻ Chợ khá khăng khít. Những thông tin như có tàu thuyền ngoại quốc (Hà Lan, Xiêm, tàu Bồ Đào Nha từ Macao) đến, diễn biến vượt cửa sông, doi cát của tàu Anh, ngày giờ chính xác, tín hiệu có tàu, đoán định quốc tịch tàu… đều được các nhân viên thường trực tại Batsha cung cấp đầy đủ, chi tiết về cho các vị chức trách của thương điếm [197, tr. 427, 447, 504- 505, 533, 539, 551; 235].287
Nhân viên EIC còn sử dụng Batsha như một trạm chuyển thư giữa tàu đang neo đậu ngoài cửa biển và thương điếm. Nhiều thư của thuyền trưởng gửi vào trong thương điếm hoặc của những người đứng đầu thương điếm gửi trở lại, chỉ đạo hoạt động của tàu được chuyển qua Batsha. Những hoạt động này được tiến hành khá quy củ. Hơn thế nữa, việc buôn bán của người Âu ở Đàng Ngoài đòi hỏi nhu cầu cập nhật thông tin xã hội, chính trị Đàng Ngoài cũng như quốc tế liên quan đến công việc của họ. Vì vậy, ngoài thông tin về hoạt động của tàu thuyền, từ Batsha, nhân viên EIC còn phải cung cấp các tin tức “tình báo”, thời sự cho thương điếm, như việc 200 thuyền buồm Trung Quốc đến trước Allchoran288 ở gần Batsha năm 1682, như vụ tai nạn của con tàu của người ác-mê-ni năm 1679, hoặc về tệ nạn cướp bóc ở vùng cửa biển Thái Bình là những ví dụ tiêu biểu [235].289
Do vị trí quan trọng của Batsha, triều đình Đàng Ngoài đã với tay tới tận đây thông qua hệ thống quan lại. Các viên quan giám thương/tuần hà (dispatchadores) và các quan Ungja (ông già) của chính quyền Lê Trịnh thường xuyên có mặt tại Batsha [235].290 Không những vậy, hoạt động của hoa tiêu ở đây phải được triều đình cho phép. Do đó, thương nhân nước ngoài thường tìm cách hối lộ vua quan Lê - Trịnh để có được những đặc quyền này thông qua một loại lệnh chỉ hành nghề hay
287 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 01/5/1674, 26/6, 7/12/1677, 08/6, 22/6/1678, 23/7/1682,
10/02/1683.
288 Allchoran: (hay Alcoran) là tháp cổ trên đỉnh núi ở Mũi Hổ - Mũi đất liền nhô ra biển về phía Đảo Ngọc, trên các bản đồ và thư tịch cổ phương Tây được gọi là “Mũi Hổ” (Tiger Hook, Pointe des Tigres, hay Teijger Hoeck theo tài liệu Hà Lan).
289 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài các ngày 06/6/1679, 5/3/1682, 28/7/1683.
290 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 15/12/1679 .
198
thẻ thông hành (chop) [235].291 Riêng đối với trường hợp hoa tiêu Doming của thương điếm Anh, đến thập kỷ 1690, chứng chỉ nghề nghiệp này còn được lưu truyền giữa cha và con, giữa Domingo và anh hoa tiêu trẻ Pedro [197, tr. 530].
Cửa sông Đàng Ngoài là cửa ngõ chính đón tàu thuyền phương Tây. Tuy nhiên, việc đưa tàu vào cửa sông của người phương Tây vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhân viên lưu trú ở làng Batsha cũng phải quan sát, tìm hiểu sự vận động, biến đổi của biển, hải triều, thuỷ triều, dải cát và cung cấp các chỉ dẫn cụ thể để tàu thuyền vào sông an toàn. Điều lý thú là những quan sát về thuỷ triều ở Đàng Ngoài của hai nhân viên EIC, Henry Baker và Francis Davenport, vào các năm 1673 và 1678 [235],292 đã được gửi về Luân Đôn và thu hút sự chú ý đặc biệt của châu Âu lúc bấy giờ. Trước khi Định luật Newton ra đời, dựa vào những quan sát dọc duyên hải châu Âu, các nhà vật lý phương Tây chỉ biết đến dạng thuỷ triều nửa ngày, tức có hai đợt triều cường trong ngày, thuỷ triều lên xuống giữa hai cực đại - tiểu trong khoảng thời gian 15 ngày và phụ thuộc mạnh vào độ nghiêng của mặt trăng. Khi mô tả về thuỷ triều Đàng Ngoài quan sát được từ Batsha được công bố,293 “đã làm bối rối giới triết học tự nhiên, vốn đang cố gắng tìm kiếm một cơ chế hợp lý chung cho các loại thuỷ triều, vì thuỷ triều tại Batsha đã làm phá vỡ tất cả mọi quy luật vốn được biết đến từ sự quan sát ở những bờ biển châu Âu và xa hơn nữa”. Từ những tư liệu này, Edmond Halley (1684), Isaac Newton, Leonhard Euler (1740) và Gabriel Héraud (1870) lần lượt nghiên cứu và lý giải vấn đề thuỷ triều Đàng Ngoài ở Biển Đông. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của tin học và toán học, vấn đề này gần đây mới được giải thích một cách cặn kẽ [240, tr. 140].
Tóm lại, những hoạt động của người phương Tây ở Batsha khá phong phú, điều này cho thấy Batsha là một địa điểm quan trọng đối với họ tại vùng cửa sông Thái Bình thế kỷ XVII-XVIII. Nếu Domea là một cảng tốt, điểm neo đậu, tạm trú của thuỷ thủ và thương nhân, thì Batsha là điểm tiền trạm từ đất liền để đón, đưa tàu thuyền, như là mũi tiền tiêu (foreland) của Domea về phía biển. Hai địa điểm này
291 Nhật ký Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài ngày 31/3/1680 .
292 Báo cáo của Henry Baker về thủy lưu trước Batsha từ 10/5 đến 05/6/1673, trong nhật ký Thương điếm
Anh ở Đàng Ngoài ngày 10/8/1673; Báo cáo của Francis Davenport về dải cát và thủy triều ở Batsha, ngày 12/7/1678. Báo cáo của Davernport gồm những nội dung như hướng dẫn neo tàu trước dải cát, hướng dẫn đến buông neo gần Mũi Hổ, hướng dẫn vượt dải cát, những dấu mốc cho tàu (kèm sơ đồ minh họa), thời điểm thủy triều thích hợp để vượt dải cát, độ sâu của dải cát theo từng tháng, dòng chảy thủy triều và cách tính tuổi trăng khác biệt giữa ở Đàng Ngoài và Luân Đôn.
293 Những quan sát và mô tả của Francis Davenport cho thấy thuỷ triều Đàng Ngoài quan sát được từ Batsha
chỉ có một đợt một ngày và sự lên xuống giữa hai cực thuỷ triều diễn ra trong khoảng cách 14 ngày, và không có mối liên hệ nào với sự tròn và khuyết của mặt trăng.
199
có quan hệ mật thiết, tương hỗ và hợp thành một hệ thống cảng biển quan trọng ở vùng cửa biển Thái Bình nói riêng và toàn tuyến Sông Đàng Ngoài nói chung.
4.2.1.2. Vị trí của Batsha
Batsha ở thế kỷ XVII-XVIII là một làng nằm sát mép nước biển, lại ngay cạnh cửa chính ra vào của hạ lưu sông Đàng Ngoài. Vị trí kề cận cửa sông của Batsha không chỉ được mô tả qua những chỉ dẫn định hướng tàu thuyền vào cửa sông của các bản đồ và thư tịch phương Tây, mà còn được chỉ ra trực tiếp trong các ghi chép của Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài. Đơn cử lá thư của hai nhân viên thương điếm là Thomas James và William Keeling gửi cho một vị thuyền trưởng như sau:
Đàng Ngoài, ngày 15/12/1681 […] Chúng tôi đã chất đầy hàng hoá của Công ty lên chiếc thuyền Đài Loan của các ông, những món hàng mà lúc này nhờ tàu của các bạn gửi đi, chúng tôi mới kiếm được chút ít. Chúng tôi mong muốn và cũng đề nghị ông hãy đi với tốc độ thuận tiện, chọn thời điểm và lúc gió cho phép, mà đi xuống cửa sông ở Batsha và tận dụng cơ hội đầu tiên để vượt qua dải cát và bắt đầu khởi hành, hướng thẳng về Bantam, về phía đảo lớn Java, ở đó, ông hãy gửi hàng của mình đến người đại diện đáng kính của Hội đồng công ty ở đó và hãy tuân theo những lệnh mà họ yêu cầu… [235].294
Về cửa sông này, William Dampier trong ghi chép của mình cũng đã gián tiếp cho thấy đây là một cửa sông rất lớn: “Tại những nơi cửa sông quá rộng làm cho hai cánh của lưới không với tới hai bờ sông được, đặc biệt như thế ở Batsha, thì họ [người dân địa phương] bổ sung vào đấy những cọc nhỏ mà họ cắm dựng thẳng sát cạnh nhau, thành hàng thẳng tắp. Và khi nước thuỷ triều chảy xiết (và đây là lúc cá di chuyển nhiều nhất)…” [244, tr. 26].
Đối chiếu bản đồ và thư tịch cổ phương Tây với thực địa vùng cửa sông Thái Bình, một điều chắc chắn rằng Batsha chỉ có thể nằm trong phạm vi huyện Tiên Lãng (tên cũ là Tân Minh, Tiên Minh) thuộc Hải Phòng ngày nay. Tuy nhiên, vị trí cụ thể của Batsha thì vẫn là một câu hỏi lớn. Đi tìm một địa điểm nằm ngay sát cửa sông, biển, từ những thế kỷ XVII-XVIII, trên một địa bàn thường xuyên có những biến đổi địa chất như vùng cửa sông Thái Bình, huyện Tiên Lãng là một công việc hết sức khó khăn. Theo các nhà địa lý học, tổng lượng cát bùn hàng năm tải ra biển qua sông Thái Bình và sông Văn úc tới 10 triệu tấn, chủ yếu gây bồi lắng vùng cửa
294 Thư Thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi Thuyền trưởng tàu Tywan John Beere, ngày 15/12/1681.
200
sông, hình thành các bãi bồi ven biển [17, tr. 35]. Vì vậy, địa hình ven bờ Hải Phòng liên tục bị biến dạng, vị trí đường bờ luôn thay đổi do các quá trình bồi tụ và xói lở. Đoạn từ cửa Thái Bình - cửa Văn úc bồi tụ mạnh nhất, trung bình 30 mét một năm trong nửa thế kỷ qua [157, tr. 25]. Như vậy có thể khẳng định rằng, những địa điểm ven biển thế kỷ XVI-XVIII thì hiện nay chắn chắn đã nằm sâu trong đất liền, trong đó có Batsha.
Từ trước đến nay cũng đã có nhiều đoán định về vị trí của Batsha trên thực địa. Hầu hết các nhà nghiên cứu từ Charles B. Maybon [487] đến các học giả Việt Nam [65] đều cho rằng Batsha có thể là làng Bạch Sa (xã Nam Hưng, phía nam Tiên Lãng) do sự tương đồng về phiên âm địa danh. Năm 2007, nhà nghiên cứu Ngô Đăng Lợi đoán định Batsha là vùng dân chài theo đạo Thiên Chúa “Bát Xã” ở duyên hải Kiến Thụy (Hải Phòng). Tuy nhiên, theo chúng tôi, vấn đề này vẫn cần phải nghiên cứu thêm. Nhà địa lý học Anh David E. Cartwright trong bài khảo cứu về thuỷ triều Đàng Ngoài đã dành hẳn một phần lớn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi:
Batsha ở đâu? Dựa vào tài liệu nhật ký thương điếm Đàng Ngoài của Công ty Đông ấn Anh, mà cụ thể là những chỉ dẫn của Francis Davenport và tập du ký của William Dampier, đối chiếu với bản đồ hiện đại, Cartwright phỏng đoán Batsha là bán đảo Đồ Sơn [240, tr. 139-140]. Cũng như đoán định về vị trí Domea,295 có thể thấy tác giả này chưa có kiến thức thực địa nên những phỏng đoán đều không chính xác.
Phản ánh địa thế của huyện Tiên Lãng, trong dân gian trước đây vẫn lưu truyền câu ngạn ngữ: “Đầu Mè, đuôi úc, giữa khúc Trung Lăng”. “Đuôi úc” chính là cửa sông Văn úc, cực cuối của huyện, tiếp giáp với biển. Hiện nay trên bản đồ huyện Tiên Lãng, xã gần biển nhất là xã Vinh Quang, tuy nhiên các thôn xóm ở đây đều được hình thành sau thế kỷ XIX cho đến thế kỷ XX [135, tr. 51]. Trong khi đó, ở phía nam huyện có một vùng xuất hiện nhiều địa danh “úc” như Xuân úc, Kỳ úc, Văn úc… Theo nghĩa Hán Việt, “úc” (澳) có nghĩa là chỗ nước uốn quanh, còn có một âm khác là “áo” - phàm ven biển chỗ nào có thể đỗ thuyền bè đều được gọi là
“áo”, vì vậy chúng ta mới có tên gọi của Macao (Mã Cảng) là “áo Môn” (澳 門), hay châu Đại dương là châu úc hay “úc Đại Lợi á” (澳 大 利 亞) [21, tr. 363; 296].
Do đó, có thể hiểu “Đuôi úc” là một khu vực rộng lớn với nhiều địa điểm khác nhau mà trong lịch sử đã là vùng cửa sông giáp biển. Trong “khu vực úc” đó có những địa danh đáng chú ý như Dương áo (陽 澳), Sa Vỹ (沙尾 đuôi cát?), Bạch Sa (白
295 Cartwritght cho rằng Domea chính là cảng biển Hải Phòng ngày nay [240, tr. 139].