Chương 2: Thăng Long - Kẻ Chợ: cảng thị trung tâm
2.2. Diện mạo cảng thị
2.2.2. Sự phát triển lệch Đông của Thăng Long - Kẻ Chợ
Với một loạt các bến cảng gắn liền với sông Hồng và Tô Lịch, từ khi hình thành, Thăng Long có thể coi là cảng sông lớn nhất ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.
Vị thế cảng của Kẻ Chợ càng trở nên nổi trội trong hai thế kỷ XVII-XVIII, gắn liền
55
với sự thịnh vượng của tuyến Sông Đàng Ngoài. Biểu hiện của bước chuyển biến này là sự phát triển lệch sang Đông của toàn bộ kinh thành. Nếu ở những giai đoạn trước, các bến cảng Thăng Long có thể là bến sông Tô Lịch (bến Giang Tân ở vùng Bưởi), bến các hồ - sông cổ (như bến Thái Tổ, Thái Cực) thì đến thế kỷ XVII- XVIII, những bến cảng sầm uất của Thăng Long - Kẻ Chợ đều là cảng sông Hồng ở phía đông. Cho đến nửa sau thế kỷ XVIII, khi toàn bộ kinh thành Thăng Long đã được bao bọc bởi một hệ thống thành luỹ (Đại Đô hay Đại La) khép kín, thì đại đa số (11 trong số 16) cửa ô của thành đều tập trung ở phía đông và đồng thời là những bến cảng sông Hồng. Những cửa ô/bến cảng tấp nập là các cửa ô phía đông bắc như Ô Thạch Khối, Đông Hà, nhưng đặc biệt là sự nở rộ của các Trừng Thanh, Mỹ Lộc (vạn Hàng Mắm), Tây Luông và Thanh Lãng ở phía đông nam.
Tuy Thăng Long - Kẻ Chợ không “chạy ra duyên hải” như các thương cảng Đông Nam á cùng thời kỳ, nhưng thông qua Sông Đàng Ngoài, các hoạt động hải thương quốc tế tấp nập cũng đã tạo một sức hút đủ mạnh để biến dạng quy hoạch của đô thị này, làm cho trọng tâm của kinh thành nghiêng hẳn về phía đông, lấy sông Hồng (đoạn trên của Sông Đàng Ngoài) làm trục chính. Dưới thời Lý - Trần, những xây dựng và tu bổ kinh thành nói chung, các công trình, thành quách nói riêng đều có chú trọng đến phía tây, khu vực kề cận với sông Tô Lịch (phía bắc và tây) và sông Thiên Phù (phía tây bắc) mà thời kỳ này vẫn lưu thông với dòng chính sông Hồng. Thành Thăng Long (Hoàng thành) thế kỷ XI-XIV còn chạy lệch về phía tây, mà ở khu vực này, các triều Lý, Trần đã cho xây dựng nhiều cung điện, chùa tháp, và là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cũng như những sinh hoạt tôn giáo, nghi lễ cung đình. Sang thời Lê Sơ, khu vực phía tây của Hoàng thành vẫn là nơi diễn ra các lễ nghi Phật giáo, tín ngưỡng cầu mưa của triều đình [101, II, tr.
362, 370]. Cũng cho đến hết thời Lê Sơ, những việc xây cất, mở mang kinh thành vẫn phần nhiều nặng về phía tây. Trong khoảng các thập niên 1460-1490, vua Lê Thánh Tông còn cho mở rộng cả Hoàng thành và Cấm thành về phía tây, bao trọn lấy hai khu vực quân sự của triều đình trung ương, vốn được đặt tại khu vực Tây và Tây Nam kinh thành cho đến trước thế kỷ XVII.
Bước sang thế kỷ XVII, trọng tâm xây dựng và phát triển Thăng Long - Đông Kinh được chuyển hẳn sang phía đông, bám lấy sông Nhị Hồng. Đối với vòng Hoàng thành, trong suốt thời gian từ cuối thế kỷ XVI đến gần hết thế kỷ XVIII, triều đình Lê - Trịnh không hề có một sự gia cố, mở mang gì. Đặc biệt, khu vực phía tây, vốn được coi trọng thời kỳ trước đó đã bị tàn phế nặng nề. Đến thời Tây Sơn, lần xây sửa đầu tiên sau gần hai thế kỷ lại cũng tập trung vào mặt phía đông và
56
nam của thành [137, tr. 165-166]. Tuy nhiên, tiêu biểu cho sự phát triển sang Đông của Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII-XVIII phải là sự hình thành và triển nở của cụm công trình Phủ chúa Trịnh. Ngay từ những năm cuối thế kỷ XVI, khi Vương phủ chưa được lập cố định, thì những “hành dinh”, “hành tại” của chúa Trịnh đã được đặt tại phía nam và đông nam kinh thành (là thôn Thái Kiều (quãng ngõ chợ Khâm Thiên) và bãi Thảo Tân tức quãng Nhà Hát Lớn). Đầu thập niên 1590, Vương phủ được lập tại phường Phúc Lâm (khu vực gần Bến Nứa), cũng ở phía đông nam. Từ thời điểm này cho đến nửa sau thế kỷ XVIII, quần thể Phủ Chúa ngày càng được mở rộng về phía sông Hồng với các công trình quan trọng như cung Tây Long, lầu Ngũ Long, đều ở giáp bờ sông.
Cũng vì trọng tâm của Thăng Long thế kỷ XVII-XVIII được chuyển về phía đông gần sông Hồng, lấy Vương phủ làm trung tâm thu hút, tập hợp các công trình kiến trúc, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá của toàn bộ kinh thành, mà du ký của thương nhân “lai” Tây Samuel Baron năm 1683 đã nhận xét: “Phủ Chúa gần như nằm ở giữa trung tâm thành phố [Kẻ Chợ]” [231, tr. 692]. Cũng trong thời gian này, khi các hoạt động thương mại của khách thương châu Âu tại Đàng Ngoài và Kẻ Chợ phần nhiều là giao dịch với các chúa Trịnh, Thế tử, hoàng tộc và quan lại, thì Vương phủ cùng với các bến cảng sông Hồng chắc chắn là những địa điểm buôn bán chính. Do đó, PGS Nguyễn Thừa Hỷ đã rất có lý khi cho rằng: “Sự di chuyển trọng tâm của Kinh thành từ Hoàng thành ra ngoài Kẻ Chợ với sự tồn tại của Phủ Chúa đã tạo nên một sự tương xâm, xen kẽ, giao nhau giữa hai khu vực Thành và Thị, trước hết về mặt cư trú và kéo theo về mặt chính trị, kinh tế, văn hoá… Về mặt cư trú, Phủ chúa Trịnh trong các thế kỷ XVII-XVIII không mang tính chất phong bế như Hoàng thành của vua Lê. Phủ Chúa ngày càng phát triển sang phía đông và đông nam kinh thành. Sự tồn tại của một quần thể quan liêu ở xen kẽ với khu bình dân đã có những tác động làm phồn vinh tới một mức độ chưa từng có khu phố phường cũ phía đông của kinh thành” [64, tr. 52-53]. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sự di chuyển trọng tâm của Thăng Long và sự tồn tại của Phủ chúa Trịnh ở phía đông, gắn liền với sông Hồng, không chỉ tạo điều kiện cho phần Thành (城) và Thị (市) kết hợp với nhau, không chỉ thúc đẩy phần Thị phát triển cực thịnh, mà đó còn chính là biểu hiện của yếu tố Cảng (港), khẳng định vị thế của một Cảng Kẻ Chợ, đặc biệt nổi trội trong hai thế kỷ XVII-XVIII.
Đến giữa thế kỷ XVIII, với bức thành Đại La mới (thành Đại Đô) do Trịnh Doanh cho xây dựng năm 1749, quy hoạch lệch Đông của cảng thị Kẻ Chợ đã được chính thức hoá. Cũng vì sự phát triển sang phía đông của Kẻ Chợ thế kỷ XVII-
57
XVIII, mà được định vị lại bởi bức thành Đại Đô giữa thế kỷ XVIII, toàn bộ khu vực phía tây, vốn nằm trong “thành Thăng Long” (Hoàng thành) thời Lý - Trần - Lê Sơ, đã chính thức bị gạt không chỉ ra bên ngoài Hoàng thành, mà còn ra khỏi quy hoạch của toàn bộ kinh thành Thăng Long. Hệ quả là, cũng trong hai thế kỷ XVII- XVIII, với sự nhập cư của một bộ phận lớn dân từ Thanh Hoá, Nghệ An gần hơn là Hưng Yên, Hà Tây [203, tr. 102-103, 141, 146], khu vực này dần bị nông thôn hoá, bình dân hoá, trở thành khu “Thập tam trại” nông nghiệp (dù được đặt trong “Tổng Nội” của tỉnh Hà Nội thời Nguyễn sau này). Do vậy, sẽ dễ giải thích hơn khi vào đầu thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Cương năm 1722 đi chơi phía tây thành Thăng Long là với mục đích “xem xét việc gặt mùa” [96, II, tr. 33]; rồi việc nhà Lê xây dựng hành cung Thái Hoà trên núi Thái Hoà chắc hẳn là vào khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII này [112, tr. 164, 184]?
Thế kỷ XVII-XVIII, cảng Kẻ Chợ với một loạt các bến cảng dọc sông Hồng, trong đó Hà Khẩu là cảng chính, đã trở nên sầm uất hơn bao giờ hết. Samuel Baron vào thế kỷ XVII đã ghi chép rằng:
Người địa phương gọi con sông này là Songkoy [Sông Cái]. Con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chạy dài vài trăm dặm trước khi chảy qua thành phố Kẻ Chợ và đổ ra biển ở Vịnh Hải Nam qua 8 hoặc 9 cửa, tất cả các cửa đều đủ sâu để các thuyền cỡ nhỏ có thể đi lại. Con sông mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho thành phố này bởi tất cả hàng hoá đều được vận chuyển bằng đường sông đến trung tâm của vương quốc thông qua một số lượng lớn thuyền buôn hoạt động ngược xuôi khắp vương quốc [231, tr. 659].
Thậm chí, sự tụ họp và neo đậu đông đúc của lái buôn và thuyền bè tại các bến cảng Kẻ Chợ đã làm cho thương nhân Daniel Tavernier vào giữa thế kỷ XVII quả quyết rằng người dân Đàng Ngoài và Kẻ Chợ ưa thích ở trên nước hơn là ở trên cạn, thuyền bè đậu đầy sông ngòi được dùng để thay cho nhà ở, do vậy, dù gia súc có được nuôi trên thuyền thì những căn nhà nổi trên sông đó cũng được giữ gìn khá sạch sẽ [153, tr. 31]. Nhận định này tuy bị Samuel Baron sau đó phê phán mạnh mẽ nhưng chính Baron cũng thừa nhận rằng với những thương nhân đi buôn chuyến, chắc hẳn là đường dài và lâu ngày, thì hiện tượng lấy thuyền làm nhà là phổ biến [231, tr. 659]. Cũng vì sự sầm uất của cảng Kẻ Chợ mà sang nửa đầu thế kỷ XVIII, thậm chí các giáo sĩ Tây Âu (hai giáo sỹ Pháp De Saint - Phalle và Richard) đã phóng đại lên rằng cảng Kẻ Chợ là cảng lớn nhất thế giới mà ta được biết cho đến lúc đó: “số lượng thuyền bè ở đây lớn lắm đến nỗi rất khó mà tiến gần được đến bờ sông. Nhiều sông ngòi và những bến cảng buôn bán sầm uất nhất của chúng ta
58
[châu Âu], ngay cả thành phố Venise với tất cả những thuyền bè lớn nhỏ, cũng không thể nào cho ta được một ý niệm về sự hoạt động và về cư dân trên sông Kẻ Chợ” [271, tr. 714].