1.2. Sự gia tăng đột biến số lượng người Việt Nam tại Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918)
1.2.2. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng người Việt Nam tại Pháp trong thời gian chiến tranh
Về số lượng người Việt Nam bị bắt sang Pháp làm lính trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho đến nay được các nguồn tài liệu đưa ra chưa thật sự thống nhất.
Các nhà nghiên cứu trong Viện Sử học cho rằng trong 4 năm chiến tranh, thực dân Pháp đã động viên tới 97.903 lính chiến đấu và lính thợ (lính chiến đấu: 48.922; lính thợ: 48.981), đã có 92.411 người sang Pháp [57, tr. 286]. Con số trên dường như đã bao gồm cả những người lính từ các thuộc địa khác của thực dân Pháp như Cao Miên, thậm chí cả người Trung Quốc.
Tiến sĩ Thu Trang trong tác phẩm của mình đã dựa vào các nguồn tư liệu sưu tầm được (đáng chú ý là từ tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc) để đi đến kết luận số người Việt Nam bị đưa qua Pháp trong thời gian chiến tranh vào khoảng 70.000 người. Để khẳng định thêm, tác giả còn dẫn chứng ra một đoạn trong bức thư của một người lính tên Phương ở Nghệ An viết về cho gia đình có nội dung như sau: “Tôi viết cho anh rõ, hiện giờ có 70.000 người An Nam tại Pháp. Họ đã làm việc và chiến đấu tận tình. Nhưng chúng tôi ăn không đủ no như ở xứ An Nam mình. Thật không còn đủ sức mà làm việc”
[65, tr. 54]. Tác giả cũng phỏng đoán rằng số người Việt Nam sang Pháp vào năm 1916 là đông nhất, còn trước đó thì ít hơn.
Bà Lê Thị Kinh trong tác phẩm của mình cũng đã nhận định “từ năm 1914 trở đi, lần đầu tiên có sự nhập cư ào ạt vào Pháp của người Việt Nam: hàng vạn thanh niên được tuyển mộ sang hoặc để bổ sung cho các mặt trận có nhiều khó khăn trong chiến tranh, hoặc đưa vào làm lính thợ trong xưởng sản xuất vũ khí, đạn dược có nhiều độc hại và nguy hiểm” [26, tr. 14]. Tác giả cũng đã nêu ra sự thông kê “chênh lệch nhau” về số lượng người Việt tại Pháp trong thời gian này và đưa ra một con số ước lượng là “9 hoặc 10 vạn người”. Bà Lê Thị Kinh cũng đã dẫn ra các tư liệu từ báo chí hay các báo cáo của chính quyền thực dân Pháp về số lượng và đời sống của những người lính Đông Dương tại Pháp, chúng tôi xin dẫn lại một số tư liệu sau đây.
Trong một bài báo trên tờ Le Matin với nhan đề “Đất nước Pháp” (Le Pays de France) đã đánh giá cao những đóng góp “kịp thời” của lực lượng những người lính đến từ Đông Dương đối với quân đội Pháp trong chiến tranh. Bài báo có đoạn ghi:
“Người bản xứ về phía họ đã giúp cho nước Pháp nhiều thứ. Mặc dù có sự khó khăn trong chiêu mộ và chuyên chở, gần 100 ngàn người An Nam và Cao Miên đã đến Pháp. Số lính này đã đến kịp thời những nơi các đội quân của ta bị bất động, họ đã hòa nhập vào quân lính của ta và đã tấn công chiến đấu dũng cảm, chứng tỏ có giá trị về quân sự” [ 26, tr. 14].
Một tư liệu khác cũng đã nêu số lượng người Đông Dương được đưa qua Pháp trong thời gian chiến tranh, đó là báo cáo của Guesde – Tổng kiểm tra quân đội và lính thợ Đông Dương tại Pháp đã viết:
“Vào tháng 11 năm 1917 khi tôi nhận chức giám đốc tổng kiểm tra người Đông Dương thì con số lính có 45.000, con số lính thợ cũng tương đương, tổng cộng gần 90.000 người. Con số này không thay đổi mấy khi kí Hiệp ước đình chiến vào tháng 11 năm 1918”
[26, tr. 14].
Kết hợp với những tư liệu của tác gia Thu Trang đề cập, chúng ta có thể xác định con số người Việt bị bắt đi lính đưa qua Pháp lên đến hàng vạn người. Tuy các số liệu thống kê ghi chung là người Đông Dương (An Nam và Cao Miên) nhưng chắc chắn người Việt Nam chiếm đa số, phần còn lại là những người được đưa từ Cao Miên (Campuchia) sang nhưng chắc chắn số lượng không nhiều. Một trong những vấn đề được nhiều tác giả đề cập đó là tình trạng sống rất khốn khổ, thiếu thốn của những người lính Việt trên đất Pháp.
Từ khi thực dân Pháp ở Đông Dương hoàn thành quá trình bình định các phong trào đấu tranh của nhân dân bản xứ và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa thì cũng là lúc số người Đông Dương nói chung và người Việt Nam nói riêng bắt đầu có mặt ngày càng đông trên đất Pháp. Cuộc sống của họ nơi đất trời xa lạ quả thật không dễ dàng với muôn vàn khó khăn thử thách mà họ buộc phải vượt qua để tồn tại. Từ những người làm thuê cho chủ Pháp đến những người thủy thủ, người lính bị đưa sang Pháp cho đến tầng lớp trí thức học sinh sinh viên đều phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập. Trong số họ, những người lính là tầng lớp luôn bị đe dọa đến tính mạng trong bối cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt. Họ đa phần là những người được tuyển lựa một cách vội vàng, thậm chí là bị ép buộc phải đi lính cho Pháp. Chính vì vậy, khi bước chân xuống tàu, họ hầu như không biết tiếng Pháp, trang bị thiếu thốn, sang đến nơi lại phải gồng mình chống chọi với giá lạnh của xứ ôn đới. Điều đó lí giải vì sao trong bảy mươi vạn người được đưa sang đây thì có đến tám vạn người đã không bao giờ được thấy lại mặt trời trên quê hương của họ.
Cho dù họ là những người làm việc cũng như chiến đấu rất nhiệt tình cho mẫu quốc như người lính tên Phương trong tác phẩm của tác giả Thu Trang đã đề cập nhưng dường như họ bị đối xử rất bất công. Những người lính thực sự cảm nhận được một cuộc sống tồi tệ hơn cả khi còn ở trong nước: “ăn không đủ no như ở xứ An Nam”. Bộ Thuộc địa của Pháp cũng thừa nhận trình trạng sống tồi tệ của người lính Đông Dương ở Castres trong cộng điện gửi Bộ Quốc phòng: “Họ ở trong những trại gỗ, không có sưởi hoặc sưởi không đủ ấm, thiếu chăn và áo ấm. Trong tháng qua 4 người đã chết…” [26, tr. 15]. Bên cạnh đó, họ không được bảo vệ về quyền lợi cũng như sức khỏe vị trên chiến trường thì bị đem ra làm bia đỡ đạn, còn trong công xưởng thì hít đủ thứ độc hại từ thuốc súng, hóa chất được sản xuất cho chiến tranh. Chính phủ Pháp rõ ràng đã bộc lộ bộ mặt trơ tráo vì đã lừa phỉnh những người lính này qua chiến đấu cho mẫu quốc. Họ ra đi như những người anh hùng, sống chiến đấu như ở địa ngục và (nếu có) trở về thì lúc đó đã thành thân tàn ma dại hoặc là những bộ hài cốt để lại nỗi tiếc thương oán hận cho người thân.
Chính trong những hoàn cảnh đó, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam đã làm cho họ tìm đến với nhau để rồi cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hiểm nguy và chờ đợi một tương lai tốt hơn cho bản thân cũng như những đồng bào của mình. Họ không chỉ tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống mà còn đoàn kết với nhau để đấu tranh chống lại những sự đối xử tàn nhẫn, độc ác của bọn chủ người Pháp. Những người lính, những người lao động Việt Nam trên đất Pháp đã có dịp tiếp cận với những người lao động Pháp và nhận ra họ hoàn toàn không giống với những kẻ cai trị bên nước mình. Từ đó, họ càng dạn dĩ, tự tin hơn trong cuộc sống và đấu tranh cho những quyền lợi thiết thực của bản thân và đồng bào mình. Trong cuộc đấu tranh bất tận đó những người Việt Nam trên đất Pháp không hề đơn độc bởi xung quanh họ có những người đã từng là lãnh đạo của phong trào yêu nước ở quê hương, những người giàu nhiệt huyết và có kinh nghiệm sẽ dìu dắt họ.
Người Việt Nam tại Pháp đã thể hiện tình thần tương thân, tương ái và truyền thống đùm bọc lẫn nhau cả trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong đấu tranh RRđể chống lại những bất công mà giới thực dân Pháp ở chính quốc đối xử với mình. Chính từ bối cảnh đó, lần lượt các phong trào và các tổ chức của người Việt yêu nước tại Pháp đã ra đời và hoạt động ngày càng mạnh mẽ.