Sự thay đổi về tổ chức và đường lối hoạt động của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong chiến tranh

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 63 - 68)

TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”

CHƯƠNG 3: HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG TỔ CHỨC “NHÓM NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC”

3.1. Sự thành lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước

3.1.1. Sự thay đổi về tổ chức và đường lối hoạt động của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong chiến tranh

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) đã tác động rất lớn đến tình hình sinh hoạt chính trị của nước Pháp. Cùng với các nước trong khối Hiệp ước (Anh, Nga và Ý), Pháp đã bị lôi kéo nhanh chóng vào cuộc chiến chống lại các nước trong khối Liên minh (Đức, Áo, Hungari, Bungari và Thổ Nhĩ Kì). Trong nước, các chính sách về dân chủ bị xóa bỏ để thay bằng các chính sách cực đoan nhằm mục đích khủng bố các phong trào phản chiến để dốc toàn lực cho chiến tranh. Trong khi đó, tại các thuộc địa, thực dân Pháp ra sức vơ vét của cải và bắt lính để đưa sang châu Âu phục vụ cho chính quốc tham chiến. Tình hình đó đã có những ảnh hưởng nhất định đến phong trào đấu tranh của nhân dân trong nước cũng như phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp trong thời gian này.

Như chúng ta đã biết, sau khi bắt giam hai nhà lãnh tụ phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường với tội trạng “mưu phản”

nhưng không tìm được chứng cớ, chính quyền thực dân đã buộc phải tuyên trắng án cho cả

hai ông. Mặc dù chính quyền thực dân đã không thể hãm hại hai ông nhưng với những hành động bắt giam và vu khống tội “mưu phản” chống lại nước Pháp vừa qua cũng gây ra những tác động rất lớn đến đời sống của hai ông Phan. Đáng chú ý là sau khi ra khỏi lao tù, cuộc sống của cả hai nhà chí sĩ đều có nhiều thay đổi.

Phan Văn Trường phải trở lại quân ngũ, tiếp tục tham gia chiến tranh với vai trò một người phiên dịch và dạy tiếng Pháp cho đông đảo lính thợ người Việt tại Xưởng đóng tàu ở Toulouse cho đến khi kết thúc chiến tranh3TP3F*P3T. Đối với thực dân Pháp, việc buộc ông Trường phải tiếp tục tham gia quân ngũ sẽ có điều kiện để tách ông khỏi các hoạt động của người Việt Nam yêu nước ở Paris. Tuy nhiên, điều chúng không ngờ tới là ông đã được cử đến một nơi làm việc có rất nhiều người Việt Nam mới bị bắt đưa qua Pháp trong chiến tranh.

Chính vì thế, chúng lại càng có lí do để lo lắng vì những ảnh hưởng của ông đối với đám lính thợ người Đông Dương (chủ yếu là người Việt Nam) mới qua này. Trong báo cáo của Bộ trưởng Thuộc địa gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng ngày 29/12/1915 đã nêu rõ sự lo lắng của chính quyền thực dân đối việc trên như sau: “Sự có mặt của y (tức Phan Văn Trường) giữa đồng bào ý có thể đưa đến những hoạt động ngầm tạo ra trong nhóm người bản xứ này những xáo động mà nhất thiết chúng ta phải tránh” [26, tr. 201]. Do đó, giới thực dân tại Pháp thấy rằng cần phải tách hoàn toàn Phan Văn Trường khỏi các đồng bào của ông đang có mặt tại Pháp để tránh những hậu quả không hay cho chính quyền. Trong báo cáo trên cũng đã đề cập đến việc thuyên chuyển ông Trường đi nơi khác: “Vì những lí do chính trị chung, cần nên chuyển Phan Văn Trường đi phục vụ ở nơi khác hơn là với công nhân người Đông Dương” [26, tr. 201].

Tuy nhiên, hẳn là PhanVăn Trường đã ý thức được sự theo dõi chặt chẽ của mật thám Pháp và ông cũng mong muốn được ở lại cùng những đồng bào của mình tại Toulouse để bảo vệ và giác ngộ họ nên ông đã có những hành động rất thận trọng. Chính vì vậy, người quản lí của ông tại đơn vị là Albert Thomas đã có những nhận xét khá tốt về tinh thần làm việc và thái độ của ông Trường tại đây. Cũng chính ông Albert Thomas là người đã kiên quyết phản đối đề nghị của Salles cũng như Bộ Thuộc địa Pháp muốn chuyển Phan Văn Trường đến một đơn vị khác không có người Đông Dương. Lí do mà ông Thomas đưa ra là tại đơn vị của ông cần một người như Phan Văn Trường để giúp đỡ những lính thợ người

*Cũng có ý kiến cho rằng Phan Văn Trường bị điều về Tuolon (Theo Daniel Hemery). Nhưng chúng tôi thấy ý kiến ông bị đưa về Toulouse được nhiều tác giả đồng tình hơn (vợ con ông Trường cũng ở Toulouse).

Đông Dương (đang sống trong những điều kiện tồi tàn) trong chiến tranh và bản thân Phan Văn Trường đã có thái độ rất tốt trong công việc tại đây.

Rõ ràng, nhờ vào kinh nghiệm sống và hoạt động tại Pháp trong nhiều năm mà Phan Văn Trường đã tự tạo ra các biện pháp bảo vệ mình và có những bước đi thuận lợi cho những hoạt động của ông trong phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp. Sự gần gũi (một cách chủ động) của Phan Văn Trường với những người Việt Nam mới bị đưa qua Pháp trong chiến tranh sẽ là một trong những yếu tố giúp cho quá trình gắn kết hoạt động của người Việt tại Pháp được chặt chẽ hơn và từ đó làm cho phong trào ngày càng đi lên trước sự đàn áp của chính quyền thực dân. Ý thức được tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của những người lính Việt Nam mới qua vào phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã có những sự điều chỉnh về hình thức hoạt động và tổ chức cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Nếu chú ý tìm hiểu kĩ những hoạt động của Phan Văn Trường từ sau khi được tuyên trắng án thì chúng ta thấy dường như ông cố tình tìm đến với những người lính Đông Dương tại Pháp. Khi đã được bố trí công tác tại Xưởng đóng tàu Toulouse (gồm đa số là người Việt Nam) thì ông đã cố gắng hợp tác tốt với cấp trên để không bị thuyên chuyển đi nơi khác theo ý kiến của Bộ Thuộc địa và các tên thực dân đầu sỏ như Salles. Nhận định trên sẽ càng sáng tỏ hơn khi chúng ta tìm hiều về những hoạt động của Phan Châu Trinh trong thời gian sau khi ông ra tù.

Phan Châu Trinh được phóng thích khỏi lao Santé ngày 16/7/1915 và ông đã ngay lập tức trở lại với những hoạt động trong muôn vàn những khó khăn, thách thức mới. Khó khăn đầu tiên đó là sự theo dõi gắt gao của giới mật thám Pháp khiến mọi hoạt động của ông phải được tiến hành một cách kín đáo nhất. Từ hoạt động công khai lên án những chính sách của chính quyền thực dân đối với thuộc địa, ông phải chuyển sang hoạt động bí mật, kín đáo hơn. Sự chuyển hướng trong hoạt động của bản thân ông là để phù hợp với tình hình mới tại Pháp từ khi chiến tranh bùng nổ. Thứ nữa là khó khăn về đời sống vì sau khi ra tù, ông đã bị chính quyền thực dân cắt hoàn toàn khoản trợ cấp trước đây. Do đó, ông phải tự lực cánh sinh để có thể nuôi mình và nuôi con (Phan Châu Dật) ăn học đàng hoàng, đối với một nhà nho không rành tiếng Pháp thì đây quả thực là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, chính việc bị cắt trợ cấp từ chính quyền thuộc địa lại đem đến sự tự do cho Phan Châu Trinh và có vẻ như ông đã tận dụng “lợi thế” này rất hiệu quả.

Từ sau khi ra khỏi lao tù, Phan Châu Trinh đã rất tích cực hoạt động không chỉ dừng lại ở địa bàn thủ đô Paris mà ông còn đi lại rất nhiều nơi trên đất Pháp. Đặc biệt, đối phó với việc bị cắt hẳn trợ cấp từ chính quyền thuộc địa (bắt đầu từ ngày 1/10/1915), ông quyết tâm học nghề để tự kiếm sống. “Thầy dạy” nghề cho Phan Châu Trinh cũng không phải ai xa lạ mà chính là vị Thủ quỹ của Hội Đồng bào thân ái trước kia – Khánh Ký. Khánh Ký vừa là người dạy nghề cho Phan Châu Trinh cũng vừa là một bạn đồng chí rất gắn bó của cả hai cụ Phan trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Phan Châu Trinh được Khánh Ký dạy cho nghề chấm sửa ảnh và cả vễ phóng to ảnh chân dung. Ông đã trở thành một người thợ ảnh thực thụ và đã có thể kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống của hai cha con và phụ thêm cho Phan Châu Dật lúc bấy giờ theo học trường trung học Melun [26, tr.

220, 221].

Vốn là một người tài trí lại khéo tay nên việc hành nghề của Phan Châu Trinh đã phát triển khá tốt. Ông từng được một chủ xưởng ảnh lớn ở tỉnh mời về làm việc và trong hành trang ông mang về nước còn có một bộ đồ nghề làm ảnh rất “chuyên nghiệp”, tiếc là đã bị thực dân Pháp tịch thu năm 1947 tại Sài Gòn [26, tr. 221]. Với tay nghề ngày càng hoàn thiện thì số tiền mà Phan Châu Trinh kiếm được mỗi tháng cũng rất khá. Theo tác giả Thu Trang “… mỗi tháng ông (Phan Châu Trinh) kiếm được độ một ngàn quan, nên đã giúp chẳng những cho Nguyễn Tất Thành mà giúp cho cả Phan Văn Trường nữa (vì ông làm luật sư nhưng không có văn phòng, nên không có khách hàng)” [64, tr. 64, 65].

Điều quan trọng hơn chính là việc Phan Châu Trinh dùng lí do nghề nghiệp để đi lại rất nhiều nơi như: Chartres, Pons, Bordeaux, Le Harve,… là những nơi có nhiều người Việt Nam mới sang và ông đã hết sức tìm cách giúp đỡ họ. Ngoài yếu tố giúp đỡ về đời sống chúng ta thấy rằng Phan Châu Trinh không thể không bằng uy tín của mình mà hướng họ vào những việc làm có ích cho đồng bào. Điều này cũng tương tự như việc Phan Văn Trường tìm đến với những lính thợ người Việt trong Sở thuốc súng ở Toulouse với chung một mục đích. Phan Châu Trinh đặc biệt “quan tâm lực lượng tri thức trẻ được Pháp đào tạo cấp tốc và được sử dụng làm phiên dịch. Ông cố gắng bồi dưỡng cho họ ý thức trách nhiệm đối với đồng bào, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, không bị mua chuộc làm tay sai, đồng thời tìm kiếm những người tích cực để đào tạo thành hạt nhân của phong trào” [26, tr. 221].

Vậy là, từ sau khi ra khỏi lao tù của chính quyền Pháp (16/7/1915) cả hai vị lãnh tụ phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp đều đã có những sự điều chỉnh hoạt động của mình cho thích ứng với tình hình mới. Phan Văn Trường do mang quốc tịch Pháp nên ông bị chính quyền thực dân bắt phải trở lại quân ngũ với ý đồ tách ông khỏi những hoạt động của đồng bào mình tại Paris. Tuy nhiên, ông đã tương kế tựu kế đấu tranh để được chuyển đến công tác ở Xưởng đóng tàu Toulouse nơi có rất đông những đồng bào của mình mới bị đưa qua Pháp trong chiến tranh. Tại đây, ông có điều kiện giúp đỡ rất hiệu quả cho những đồng bào của mình vốn đang sống trong tình trạng rất tồi tệ. Ông rất khôn khéo trong các mối quan hệ khiến cho lãnh đạo của mình phải đứng ra bảo vệ trước ý định chuyển ông đi nơi khác (không có người bản xứ) của Bộ Thuộc địa Pháp. Từ sự gần gũi với những đồng bào mới qua này, ông đã vận động và giác ngộ họ đoàn kết cùng những đồng bào mình đã sinh sống tại Pháp để hình thành một phong trào, một tổ chức mới của người Việt Nam yêu nước trong thời gian này.

Phần Phan Châu Trinh, dù ông không bị ràng buộc trong quân đội như Phan Văn Trường nhưng lại gặp phải khó khăn khác, đó chính là ngón đòn kinh tế mà giới cầm quyền thực dân nhắm vào ông. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi bị cắt khoản trợ cấp từ chính quyền thuộc địa nhưng với bản lĩnh và tài trí của mình, Phan Châu Trinh đã vượt qua tất cả để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo phong trào của người Việt yêu nước tại Pháp trong tình hình mới.

Sau khi ra tù, Phan Châu Trinh nhận thấy cần phải thận trọng hơn và phải chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình thế mới. Hướng hoạt động bấy giờ của ông là tập trung vào đối tượng người Việt Nam ở Pháp kể cả những người trong quân ngũ. Mục đích là quan tâm giúp đỡ và giác ngộ họ đi theo con đường sáng. Điều này khác với thời kì đấu tranh ngôn luận trước đó của ông với chính quyền thuộc địa tại Pháp đã không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn.

Từ những thay đổi của chính quyền thực dân trong chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn đến sự điều chỉnh trong hoạt động của hai nhà lãnh đạo phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Vai trò của tổ chức Hội Đồng bào thân ái đến đây đã không còn phát huy hiệu quả trong phong trào của người Việt Nam tại Pháp nữa. Chính vì vậy, việc thành lập một tổ chức mới để tập hợp những thành phần khác nhau của người Việt Nam tại Pháp lại là rất cần thiết. Bên cạnh đó, hai lãnh tụ họ Phan còn nhận thấy những hạn chế nhất định nếu như mình vẫn tiếp tục đứng ra công khai với vai trò lãnh đạo trong tổ chức mới. Có lẽ vì thế

mà Nguyễn Tất Thành đã được tính đến trong thời gian này với vai trò thể thay thế hai ông để đưa đến một sinh khí mới cho phong trào. Trong bối cảnh đó, một tổ chức mang tên gọi thiêng liêng của dân tộc và thấm đẫm tình yêu nước đã ra đời, đó là Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Người thanh niên nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ cũng bí mật rời Anh sang Pháp chắc hẳn không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên!

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)