TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920 – 1925
4.2. Những hoạt động của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trước khi về Việt Nam
4.2.1. Phan Văn Trường sát cánh bên Nguyễn Ái Quốc trong phong trào xã hội
Trong thành phần lãnh đạo nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường có một vị trí rất quan trọng. Có thể khẳng định rằng, chính hai nhà yêu nước họ Phan là những người đã gây dựng và đưa phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp từ chỗ chưa có tổ chức, đường lối đến khi có tổ chức và đường lối hoạt động tích cực. Hai ông cũng chính là người đã dìu dắt và giúp đỡ cho Nguyễn Ái Quốc từ một người thanh niên yêu nước trở thành một lãnh tụ xuất sắc của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Con đường từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc có dấu ấn quan trọng của hai nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Tuy nhiên, nhận thức và quan điểm chính trị của hai nhà yêu nước họ Phan không phải lúc nào cũng tương đồng, nhất trí. Thực tế, quan điểm và nhận thức chính trị của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường ngày càng khác nhau. Đặc biệt từ sau khi “Bản yêu sách
của nhân dân Việt Nam” được gửi lên hội nghị Versailles, trong thành phần lãnh đạo của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp càng xuất hiện nhiều khác biệt về quan điểm chính trị. Do đó, tại nhà số 6 Villa des Gobelins đã có lúc diễn ra những cuộc tranh luận nảy lửa mà báo cáo của mật tham Pháp đã ghi lại được.
Sự bất đồng về quan điểm chính trị của những người lãnh đạo phong trào người Việt Nam yêu nước ở Pháp đã dẫn đến việc Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc có những hướng hoạt động riêng. Trong khi Phan Văn Trường cùng tham gia các hoạt động trong phong trào xã hội và cộng sản Pháp với Nguyễn Ái Quốc thì Phan Châu Trinh vẫn chưa thoát khỏi ý tưởng “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Chính điều đó đã dẫn đến việc Phan Châu Trinh không tán đồng những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và cho rằng đó là những việc làm “trẻ con”, “quá sôi nổi”. Còn Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc lại không đồng tình với chủ trương dựa vào thực dân Pháp để khai hóa cho đồng bào mình của Phan Châu Trinh. Mặc dù vậy, cả ba nhà lãnh đạo của phong trào đều hết mực quý trọng và thương yêu nhau trong mọi hoàn cảnh.
Sau khi “Bản yêu sách” được gửi lên hội nghị Versailles, chúng ta biết rằng Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động tích cực trong phong trào công nhân Pháp và đã tìm đến với chủ nghĩa Lênin. Những hoạt động đó của Nguyễn Ái Quốc đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ Phan Văn Trường. Ông đã nhiều lần tham gia các cuộc hội họp, mít tinh của những người trong Đảng Xã hội Pháp và ông đã có những ấn tượng rất tốt về những người xã hội. Quan điểm chính trị của ông cũng ngày càng thay đổi đặc biệt là từ khi Đảng Xã hội Pháp bước vào quá trình phân hóa nội bộ. Là một người am hiểu tiếng Pháp và đã từng sống ở Pháp nhiều năm, Phan Văn Trường theo dõi những diễn biến trong tình hình chính trị lúc bấy giờ và nhận ra rằng, chỉ có những người trung kiên nhất trong Đảng Xã hội mới quan tâm đến tình hình các nước thuộc địa. Chính vì vậy, khi diễn ra các buổi thảo luận về việc tham gia Quốc tế thứ ba, hay ở lại Quốc tế thứ hai cũng như tổ chức Quốc tế hai rưỡi các cuộc tranh luận đó đã thu hút được sự quan tâm của Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Mặc dù Phan Văn Trường không thường xuyên có mặt ở Paris, nhưng ông vẫn cùng Nguyễn Ái Quốc tham gia các buổi sinh hoạt của các tổ chức xã hội mỗi khi có thể trong những lần ông về thủ đô.
Từ cuối năm 1919, Phan Văn Trường theo lời mời của luật sư Moutet đã sang vùng Rhur (vùng đất của Đức mà Pháp mới sát nhập vào lãnh thổ thuộc Đông bắc Pháp sau chiến tranh) để làm trạng sư trước Hội đồng quản sự tại Mayence. Vùng đất mới này, Chính phủ Pháp đã đưa rất nhiều binh lính sang chiếm đóng, trong đó có cả binh lính người Việt. Như chúng ta đã biết, ông Trường ngay từ khi làm phiên dịch ở Xưởng đóng tàu Toulouse đã giữ một mối quan hệ gẫn gũi với những lính thợ người Đông Dương và thực dân Pháp có lí khi nghi ngờ ông sẽ làm nhiễu loạn tinh thần của các binh lính ấy. Chính vì vậy, mật thám luôn theo dõi từng bước chân của ông để báo cáo cho cơ quan mật thám Pháp. Cụ thể có các báo cáo về ông như sau: “Phan Văn Trường và Khánh Ký đang ở Mayence” (báo cáo của Guesde cuối tháng 11/1919) ; hay “Ông Trường đang ở bên Đức” (báo cáo của Jean từ 17 - 24/12/1919); “ông Trường đã về Paris ngày 24/3/1920” (báo cáo của Jean); “người ta vừa báo tin là Phan Văn Trường đã từ Mayence trở về Paris mấy ngày nay. Tôi đã báo tin cho sở an ninh để theo dõi ông ta những ngày ở thủ đô” (báo cáo của Guesde ngày 6/7/1921). Sau khi phát hiện ra sự theo dõi của mật thám, Phan Văn Trường đã 2 lần viết thư phản đối gửi Bộ thuộc địa (thư đề ngày 24/8/1923 và 13/10/1923), ngoài ra ông còn viết một bức thư ngỏ đăng trên tờ Le Paria số kép ngày 18-19 tháng 9 và tháng 10 năm 1923.
Đảng Xã hội Pháp sau Đại hội Tours tháng 12/1920 đã phân hóa thành 2 phái, một phái ủng hộ đệ nhị quốc tế và một phái ủng hộ đệ tam quốc tế. Phái đệ tam đã tách ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trong đó Nguyễn Ái Quốc một trong những sáng lập viên. Phan Văn Trường ủng hộ Nguyễn Ái Quốc nhưng ông không gia nhập Đảng Cộng sản. Tháng 3/1921, Nguyễn chuẩn bị nội dung thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Đầu tháng 7/1921, Phan Văn Trường từ Mayence trở về đã giúp đỡ Nguyễn trong hoạt động của tổ chức này.
Trong cuộc họp của Hội liên hiệp thuộc địa ngày 19/2/1922 tại số 28 đường Arago, Phan và Nguyễn đã đến dự theo giấy mời ngày 16/2/1919 của thư ký Monnervile, cuộc họp đã quyết định sáng lập tờ “Le Paria”. Cùng với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường là một cây bút thường xuyên có bài đăng trên báo Le Paria.
Một số tác giả trong nước trước đây đã cho rằng giữa Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc có sự khác nhau về chính kiến. Trong đó, vấn đề về nền đô hộ của Pháp ở Việt Nam ý kiến của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đồng nhất với nhau và đối lập với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, các tác giả Nguyễn Phan Quang và Phan Văn Hoàng khẳng định: “trong nhận thức cũng như trong hành động cụ thể, Phan Văn Trường đã
đứng hẳn về phía những người Cộng sản” [45, tr. 75], trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Tác giả Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) trong tác phẩm của mình cũng đã đề cập đến sự rạn nứt trong quan hệ giữa ba nhà lãnh tụ của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc như sau:
“Tuy cùng chí hướng yêu nước, cùng tham gia nhiều hoạt động chính trị xã hội vì lợi ích của đất nước nhưng phương pháp hoạt động của Phan Châu Trinh chưa được Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc tán thành. Họ không nhất trí với nhận định của Phan Châu Trinh về khả năng thuyết phục được chính phủ Pháp thực hiện cải cách chế độ cai trị, đặc biệt họ không tán thành thái độ Phan Châu Trinh luôn mềm dẻo tranh thủ gây thiện cảm với các nhân vật cao cấp trong Bộ Thuộc địa, luôn tìm cách gặp gỡ và cố gắng thuyết phục Albert Sarraut thực hiện các cải cách y đã hứa hẹn… Đó là điều mà Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc cho là ảo tưởng” [27, tr. 364].
Như trên chúng tôi đã đề cập, Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường luôn giữ một mối quan hệ mật thiết với nhau trong các hoạt động thời gian ở Pháp. Chính các báo cáo của mật thám Pháp ghi lại các lần gặp gỡ của Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1921 đến 1923 đã chứng minh điều đó. Dường như, giữa hai người có một sự
“gặp gỡ” trong quan điểm về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc. Quan trọng hơn, cả hai đều đã nhận thấy trong sự phân liệt của Đảng Xã hội Pháp thời bấy giờ những người theo Quốc tế thứ ba và lập ra Đảng Cộng sản Pháp mới chính là những người ủng hộ cho công cuộc giải phóng của nhân dân Việt Nam. Phan Văn Trường đã có những nhận xét về thời kì này như sau:
“Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga làm cho Đảng Xã hội thống nhất Pháp chia làm hai, mỗi bên có một học thuyết riêng: Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội (…). Đảng Cộng sản trung thành với học thuyết xã hội chủ nghĩa thuần khiết, tuyên bố rằng mình là đảng chân chính cách mạng. Đảng Cộng sản công khai tuyên bố rằng mình hoạt động nhằm đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa bằng làm cách mạng theo gương nước Nga Bônsevích (…). Còn Đảng Xã hội mới này không tán thành cách mạng. Hơn nữa, nó chống lại cách mạng, chống một cách dự dội không kém gì giai cấp tư bản” [48, tr. 155].
Rõ ràng, Phan Văn Trường đã đánh giá rất đúng về lập trường cách mạng của Đảng Cộng sản Pháp và thấy rõ hạn chế của Đảng Xã hội mới trong vấn đề đấu tranh giải phóng
các dân tộc thuộc địa. Có lẽ ông đã rất phấn khởi khi biết rằng Nguyễn Ái Quốc là một trong những người góp phần sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Càng phấn khởi hơn nữa khi Nguyễn Ái Quốc hoạt động rất tích cực trong phong trào công nhân cũng như phong trào của các dân tộc thuộc địa tại Pháp trong tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa. Chính những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần làm thay đổi quan điểm chính trị của Phan Văn Trường và đưa ông ngày càng đến gần hơn với chủ nghĩa Mác-Lênin. Lúc bấy giờ, Phan Văn Trường đã nhận định: “Đảng Cộng sản công nhận nguyên tắc giải phóng các thuộc địa, giải phóng ngay; còn Đảng Xã hội thì không công nhận nguyên tắc đó” [48, tr. 155]. Từ nhận định đó, Phan Văn Trường đã tích cực hoạt động bên cạnh Nguyễn Ái Quốc trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp thời gian ông ở Paris. Chúng ta có thể kể ra một số báo cáo của mật thám ghi lại các hoạt động chung của Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường trong thời gian này:
+ Ngày 19/2/1922, Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường tham dự buổi họp của Hội Liên hiệp Thuộc địa tại số 28, đại lộ Arago để bàn việc xuất bản tờ Le Paria.
+ Ngày 26/12/1922, Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường lại dự họp tại số nhà 172, đường Legendre. Một tháng sau, báo Le Paria ra số đầu tiên (1/4/1922) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.
+ Ngày 3/7/1922, Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường tham dự buổi họp của Ban Nghiên cứu thuộc địa tại trụ sở Đảng Cộng sản Pháp để bàn về công tác tuyên truyền ở các thuộc địa.
Từ đầu năm 1923 cho đến khi Nguyễn Ái Quốc rời Paris đi Liên Xô (13/6/1923), những buổi gặp gỡ, trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường diễn ra nhiều hơn.
Đáng chú ý là buổi nói chuyện của Phan Văn Trường ngày 16/2/1923 tại hiệu sách
“Positiviste” ở số 16, đường Saint-Séverin (quận 5) do Hội Liện hiệp thuộc địatổ chức. Sau khi Phan Văn Trường kết thúc bài nói chuyện, Nguyễn Ái Quốc đã lên diễn đàn để cổ động cho việc truyền bá rộng rãi báo Le Paria. Trong các ngày 21/2/1923, 27/3/1923, 4/4/1923, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với Phan Văn Trường và một số đồng chí khác họp ở trụ sở Hội Liện hiệp thuộc địa ở số 3, phố Marché-des-Patriarches để bàn về vấn đề tài chính của tờ báo, về những biến cố mới xảy ra ở Dahomey [45, tr. 77, 78].
Như vậy, thông qua quan điểm chính trị của Phan Văn Trường trong thời gian này có thể thấy rằng ông đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp. Đồng thời ông cũng thể hiện sự tán thành đối với hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và lên án những người theo Đảng Xã hội mới ở Pháp. Chính từ những chuyển biến tích cực ấy, hoạt động của Phan Văn Trường trong thời gian này đã nhận được những đánh giá hết sức trân trọng của các nhà sử học. Chúng tôi xin trích dẫn nhận định của tác giả Hà Huy Giáp về ông như sau: “Phan Văn Trường là một nhà mác xít tiến bộ, hoan nghênh thái độ của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tour” [13, tr. 97].
Những hoạt động của Phan Văn Trường bên cạnh Nguyễn Ái Quốc trong Ban Nghiên cứu thuộc địa và Hội Liên hiệp thuộc địa cũng như với báo Le Paria trong những năm hai mươi lúc cả hai ông còn ở Pháp cho thấy rằng giữa họ đã có một sự thống nhất trong việc xác định kẻ thù của dân tộc cũng như bản chất của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, do phương châm hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường hoàn toàn không giống nhau cho nên, dù đều tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng mỗi người lại có một bước tiến khác nhau. Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và phong trào cộng sản quốc tế. Còn Phan Văn Trường lại có lối đi riêng là dùng ngòi bút sắc sảo của mình để lên án chế độ thực dân và bênh vực cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Cả hai lãnh tụ của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp đều mong muốn nhanh chóng rời Paris để tìm đường về Tổ quốc nhằm khuếch trương phong trào cách mạng trong nước sau khi đã nhận thấy còn đường cứu nước đúng đắn. Chính vì vậy, không lâu sau khi Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô (13/6/1923), Phan Văn Trường cũng đã trở về Việt Nam vào cuối năm đó.