Ảnh hưởng của “Bản yêu sách” trong các giới ở Pháp

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 86 - 92)

TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”

CHƯƠNG 3: HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG TỔ CHỨC “NHÓM NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC”

3.2. Hoạt động của Nhóm những người Việt Nam yêu nước

3.2.3. Ảnh hưởng của “Bản yêu sách” trong các giới ở Pháp

Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” gửi lên hội nghị hòa bình Versailles đã không hề được các nước đế quốc đáp ứng, dù rằng tám điểm trong nội dung “Bản yêu sách”

đang là những quyền rất phổ biến của các nước tư bản lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tác dụng của

“Bản yêu sách” không vì thế mà giảm sút, ngược lại nó càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong giới người Việt Nam tại Pháp. Tác giả Trần Dân Tiên cũng đã có nhận định về vấn đề này như sau:

“Những lời yêu cầu của ông Nguyễn cũng như của các đại biểu các dân tộc bị áp bức khác không có kết quả gì hết. Nhưng không thể nói những lời yêu cầu ấy là không có tác

dụng, bởi vì nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc” [62, tr.

36].

Có lẽ ngay từ đầu, những người đề xuất việc đưa “Bản yêu sách” lên hội nghị Versailles cũng đã lường trước được thái độ của các nước tham gia là sẽ không đáp ứng những yêu cầu đó. Mặc dù vậy, mục đích của việc soạn thảo “Bản yêu sách” không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các nước tham gia hội nghị ban bố các quyền dân chủ cho nhân dân thuộc địa. Mục đích chính có lẽ là nhằm làm cho dư luận tiến bộ ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung biết đến tình hình của Việt Nam và rõ ràng các lãnh tụ của Nhóm những người Việt Nam yêu nướcđã thành công. Đề cập đến “Bản yêu sách”, tác giả Nguyễn Thành cho rằng:

“Những người yêu nước Việt Nam ở Pháp lợi dụng diễn đàn của một hội nghị quốc tế và quyền tự do báo chí ở Pháp, sự đồng tình ủng hộ của những người Pháp trọng công lí và nhân đạo, trước hết là Đảng Xã hội Pháp, đưa ra những yêu sách ôn hòa, khiêm tốn, hợp pháp, có nội dung và ý nghĩa tố cáo chính sách thực dân. Nhưng đồng thời, các tác giả của Yêu sách không đặt hy vọng cao ở hội nghị quốc tế - mà đăng báo, in truyền đơn, kêu gọi thiện chí của người Pháp và tinh thần dân tộc của người Việt Nam hưởng ứng” [55, tr. 75].

“Bản yêu sách” đã có những ảnh hưởng khá sâu sắc trong các giới ở Pháp lúc bấy giờ, đặc biệt là trong các thành phần người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Theo tác giả Trần Dân Tiên, nhờ việc phân phát rộng rãi nội dung “Bản yêu sách” trong các cuộc mít tinh mà đã làm cho “một số đông người Pháp đã am hiểu thêm về Việt Nam”. Tất nhiên, đối với giới cầm quyền thực dân thì việc làm này là rất nguy hại cho chính sách cai trị bằng các thủ đoạn thủ tiêu quyền tự do, dân chủ thuộc địa của chúng. Vì vậy, có thể nhận định rằng, việc “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi lên Hội nghị Versailles và phổ biến rộng rãi trong các giới tại Pháp đã gây nên một sự rúng động đối với chính quyền thực dân. “Bản yêu sách” đã được ví như một vụ nổ quả bom chính trị trong dư luận Pháp lúc bấy giờ [48, tr. 72]. Người dân Pháp bắt đầu chú ý hơn đến vấn đề thuộc địa, họ muốn biết nhiều hơn đến các chính sách của các tập đoàn tư bản độc quyền đã đè nén các dân tộc thuộc địa ra sao. Trong tác phẩm của mình, tác giả Mai Văn Bộ đã có nhận xét về ảnh hưởng rộng rãi của “Bản yêu sách” như sau:

“Bản yêu sách có tác dụng của một quả bom chính trị làm chấn động dư luận phương Tây và từ ấy, phong trào cách mạng ở Việt Nam ngày càng lên cao. Với bản yêu sách, cách mạng Việt Nam đã phá tung bức tường bưng bít của chủ nghĩa thực dân và đã liên hệ được với phong trào cách mạng ở Pháp và trên thế giới” [6, tr. 7].P

“Bản yêu sách” có ảnh hưởng to lớn đối với những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và hơn nữa là cả dân tộc Việt Nam. Họ xem “Bản yêu sách” như là một lời kêu gọi thức tỉnh. Đó là sự thức tỉnh về tinh thần dân tộc và chính điều đó đã động viên những người Việt Nam yêu nước tham gia tích cực hơn, làm cho phong trào ngày càng dâng cao.

Tác giả Trần Dân Tiên cũng đã đề cập đến ảnh hưởng của “Bản yêu sách” đối với đồng bào mình như sau:

“Ông Nguyễn phát những truyền đơn ấy cho tất cả những Việt kiều và những người Việt đi lính ở Pháp. Vì vậy mà có những vụ khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ. Ông Nguyễn gửi cả những truyền đơn về Đông Dương,... Chính nhờ những tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao”

[62, tr. 36].

Quan trọng hơn, việc lần đầu tiên tên gọi NGUYỄN ÁI QUẤC được công khai ra mắt với thế giới đã đưa lại một hiệu quả to lớn. Về phía chính quyền thực dân, chúng hoàn toàn bị động trong đối phó, nhiều kết luận thiếu căn cứ đã được đưa ra để lí giải cho tên gọi giàu tính tranh đấu này. Tên tuổi Nguyễn Ái Quốc không chỉ được biết đến tại Pháp và thế giới mà đã vượt qua những khoảng cách về không gian để dội về Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, có người đã mạnh dạn đưa vấn đề của người Việt Nam đến với thế giới và muốn làm cho dư luận thế giới biết đến Việt Nam, điều đó làm cho người Việt Nam hết sức tán thưởng. Chính vì vậy, tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã như một niềm hy vọng lớn lao cho những con người đang sống trong cảnh tăm tối lầm than dưới ách đô hộ của thực dân.

Từ đó, tên gọi Nguyễn Ái Quốc là biểu hiện của niềm tin và gắn liền với khẩu hiệu đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước cả trong và ngoài nước.

Tác giả Mai Văn Bộ cho rằng ảnh hưởng của “Bản Yêu sách” còn vượt ra ngoài phong trào cách mạng Việt Nam để vươn lên tầm thế giới khi nhận định như sau:

“Bản Yêu sách không chỉ là tiếng nói hào hùng riêng của dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện khát vọng nồng nàn của tất cả các dân tộc bị áp bức. Do đó, Nguyễn Ái Quốc bỗng nhiên trở thành người phát ngôn có uy tín và đáng tin cậy của dân tộc Việt Nam cũng như của dân tộc các nước thuộc địa và phụ thuộc. Bản Yêu sách của Nguyễn Ái Quốc là một tuyên ngôn chống đế quốc chưa từng có tiền lệ, là một quả bom chính trị, mở ra một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới” [6, tr.

91].

Bên cạnh những ảnh hưởng to lớn của “Bản Yêu sách” như đã nêu, việc các nước đế quốc tham gia hội nghị Versailles từ chối yêu cầu của nhân dân An Nam cũng đã tác động đến nhận thức của Nguyễn Ái Quốc. Chắc hẳn anh đã nhận thức được chân tướng bản chất của chủ nghĩa đế quốc và sẽ không còn một ảo tưởng nào về sự khoan dung độ lượng của chúng đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Thông qua đó, anh Nguyễn càng khẳng định hơn về nhiệm vụ cứu nước giải phóng dân tộc chỉ có thể trông cậy vào chính những đồng bào của mình như Trần Dân Tiên từng ghi rằng:

“Được những sự thật ấy rèn luyện, ông Nguyễn hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trong cậy vào lực lượng của bản thân mình” [62, tr. 35, 36].

Trong tác phẩm của mình, E. Côbêlép cũng có chung nhận định:

“Tất nhiên lúc ấy anh Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ kinh nghiệm để hiểu rằng việc trao Bản yêu sách cho bọn đế quốc khó lòng đạt được kết quả gì. Anh coi sáng kiến của anh chỉ là một cơ hội thuận tiện để một lần nữa vạch trần chủ nghĩa thực dân, thu hút sự chú ý của giới dân chủ Pháp tới tình hình Việt Nam và thức tỉnh chính những người Việt Nam đang u mê, ảo tưởng… Chẳng bao giờ cầu xin được công lí ở bọn đế quốc. Vậy thì lối thoát ở đâu?

Chỉ có trong cuộc đấu tranh một mất một còn. Để giải phóng mình, các dân tộc thuộc địa phải lật đổ ách thống trị của bọn áp bức như người lao động Nga đã làm” [8, tr. 52].

Như vậy, kết quả của việc soạn thảo và gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”

đến hội nghị Versailles của Nguyễn Ái Quốc và Nhóm những người Việt Nam yêu nước có thể xem như một mũi tên đã trúng hai đích. Một là đã phá tan bức tường ngăn cách tình hình

Việt Nam với thế giới, làm cho dư luận tiến bộ ở Pháp và thế giới biết đến Việt Nam. Hai là đã góp phần vạch rõ bộ mặt giả dối của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và thức tỉnh những đồng bào còn u mê, mù quáng tin vào ảo tưởng có thể cầu xin được công lí từ bọn đế quốc.

Về phần mình, thông qua “Bản yêu sách” gửi hội nghị hòa bình Versailles, Nguyễn Ái Quốc đã nâng cao nhận thức của bản thân trong quá trình hoạt động và đưa phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp bước sang một thời kì phát triển mới. Cũng trong thời gian này, những ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga đã và đang lan truyền đến các nơi trên thế giới, trong đó có Pháp. Những người Việt Nam yêu nước tại đây cũng không thể không bị thu hút bởi những thông tin mới mẻ này và Nguyễn Ái Quốc có lẽ là người tích cực hoạt động nhất để tìm đến với con đường giải phóng cho đồng bào của anh. Thông qua việc tiếp xúc với các nhân vật tiến bộ trong Đảng Xã hội Pháp, anh Nguyễn dần dần biết đến cách mạng tháng Mười và Lênin. Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này trong chương sau.

Hoạt động của những người Việt Nam tại Pháp trong thời gian này đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt là từ sau khi Nguyễn Ái Quốc đến Paris. Cùng với sự hỗ trợ của hai vị lãnh tụ họ Phan, anh Nguyễn đã thành lập và lãnh đạo tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Mặc dù đây là tổ chức ra đời sau và có tính kế thừa của tổ chức Hội Đồng bào thân ái, nhưng hoạt động của tổ chức này có mục đích chính trị rõ nét hơn. Chính vì vậy, nó cũng thu hút được đông đảo số lượng người Việt Nam đang có mặt tại Pháp, đáng kể nhất là những người Việt Nam bị bắt sang đi lính cho Pháp tham gia. Với lực lượng đông đảo và mục đích hoạt động cụ thể, những người Việt Nam tại Pháp nhận thấy cần phải gây sự chú ý của dư luận tiến bộ đối với vấn đề của Việt Nam. Muốn vậy, phải phá tan bức tường ngăn cách Việt Nam với thế giới do chính quyền cai trị của Pháp dựng lên, đây được xem là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này.

Hội nghị hòa bình Versailles khai mạc đã đem đến một cơ hội thuận lợi cho những người Việt Nam yêu nước thực hiện kế hoạch của mình. “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” được soạn thảo và gửi tới hội nghị Versailles kí tên Nguyễn Ái Quốc thực sự đã gây được tiếng vang lớn. “Bản yêu sách” không những đã làm cho giới biết đến Việt Nam mà còn đưa tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc đến với đồng bào trong nước. Người Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa trên thế giới đã bắt đầu chú ý theo dõi những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp với một niềm hy vọng rất lớn ở tương lai. Bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng đã tự nguyện tham gia vào Đảng Xã hội Pháp

từ đầu năm 1919 và bắt đầu từ đó, việc tiếp xúc với các thành viên tiến bộ của Đảng này đã dần đưa anh Nguyễn đến với ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga.

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 86 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)