Nguyễn Tất Thành rời nước Anh qua Pháp hoạt động

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 68 - 74)

TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”

CHƯƠNG 3: HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG TỔ CHỨC “NHÓM NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC”

3.1. Sự thành lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước

3.1.2. Nguyễn Tất Thành rời nước Anh qua Pháp hoạt động

Mặc dù các công trình nghiên cứu về quá trình hoạt động của Bác Hồ cho đến nay hết sức phong phú, tuy nhiên, đối với khoảng thời gian từ khi Người rời nước Anh để trở lại Pháp hoạt động vẫn còn ẩn chứa nhiều điều chưa thực sự sáng tỏ. Một trong số đó là mốc thời gian Nguyễn Tất Thành từ London (Luân Đôn) sang Paris hoạt động. Đây là một sự kiện rất quan trọng trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp lúc bấy giờ; vì từ sau khi Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt giam trong khoảng 10 tháng phong trào của người Việt Nam tại Pháp có dấu hiệu sa sút và cần có những nhân tố mới để đưa phong trào trở lại quỹ đạo phát triển. Nhận thức rõ vấn đề trên, hai lãnh tụ họ Phan đã bàn bạc và có thể đã đề nghị Nguyễn Tất Thành rời Anh qua Pháp. Điều này cũng phù hợp với mong muốn của người thanh niên giàu nhiệt huyết lúc bấy giờ muốn được gần gũi với các bậc tiền bối để có thể tham gia tích cực vào phong trào của người Việt Nam tại Pháp.

Trước khi Nguyễn Tất Thành đến Paris, giữa những người yêu nước ở Paris như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành đã có sự liên hệ qua thư từ khá đều đặn. Có lẽ bắt đầu từ năm 1914, Nguyễn Tất Thành đã đến Luân Đôn theo như nhận định của tiến sĩ Thu Trang [64, tr. 30]. Trong thời gian ở Luân Đôn, Người đã viết thư thăm hỏi rất thân tình với nhà chí sĩ Phan Châu Trinh và qua ông hỏi thăm tin tức của những đồng bào mình đang ở Paris lúc bấy giờ (trong đó hay nhắc đích danh ông Phan Văn Trường và Phan Châu Dật). Tuy nhiên, vì không muốn liên lụy đến Nguyễn Tất Thành nên trước khi bị bắt, Phan Châu Trinh chắc đã kín đáo hủy đi những bức thừ đó. Mặc dù vậy, trong tác phẩm của mình tiến sĩ Thu Trang đã cho công bố ba bút tích của Nguyễn Tất Thành gửi Phan Châu Trinh với những lời lẽ hết sức thân mật: Người tự nhận mình là cháu gọi Phan Châu trinh là Bác,… Có thể nhận định rằng, thông qua liên lạc bằng thư từ, tình hình của đồng bào ta ở Pháp đã được Nguyễn Tất Thành theo dõi rất kĩ lượng. Chính vì vậy, Người cũng ít

nhiều biết thông tin hai chí sĩ họ Phan bị bắt giam và về phần mình hai lãnh tụ họ Phan có lẽ đã liên lạc ngay với Người sau khi ra tù.

Chúng ta biết rằng, từ sau khi ra tù cả hai nhà lãnh đạo phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp đều có những điều chỉnh trong đường lối hoạt động để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, để góp phần thu hút một số lượng lớn người Việt Nam bị bắt qua Pháp đi lính, hai ông đã có ý định lập ra một tổ chức mới thay thế cho Hội Đồng bào thân ái vừa tan rã. Mặt khác, hai ông biết rõ mình đã và đang là những mục tiêu nhận được sự chăm sóc rất kĩ lượng của mật thám Pháp, vì thế, nếu đứng ra lãnh đạo phong trào và tổ chức mới của người Việt Nam yêu nước thì sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Cho nên, cách tốt nhất lúc bấy giờ là giao công việc đó cho một người mà thực dân Pháp chưa biết và nếu người đó lại còn trẻ, nhiệt huyết, thông minh thì càng phù hợp.

Một sự kiện khác chắc hẳn ít nhiều có liên quan đến việc Nguyễn Tất Thành rời Anh sang Pháp mà các tác giả ít nhắc đến đó là việc Phan Châu Trinh bị bệnh trong thời gian đầu năm 1917. Cuộc vật lộn để mưu sinh trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết tại Pháp sau khi bị cắt trợ cấp đã làm cho sức khỏe của nhà chí sĩ bị bào mòn ghê gớm. Tháng 3 năm 1917, Phan Châu Trinh bị ốm nặng, phải nằm bệnh viện Cochin ở hạng miễn phí cho người nghèo suốt hai tháng. Sự kiện này đã buộc ông phải để người con trai 16 tuổi đang học rất giỏi nghỉ học đi làm nhân viên đưa hàng ở tiệm ăn Au Bon Marché. Có lẽ cũng vì sự sa sút về sức khỏe cộng với nhiều yếu tố khác đã thúc giục Phan Châu Trinh “kêu gọi” Nguyễn Tất Thành sang Pháp trong năm 1917.

Thực tiễn cho thấy rằng, những tính toán của hai lãnh tụ họ Phan đã rất đúng đắn và việc “chuyển giao thế hệ” có tính kế thừa ấy đã đem lại hiệu quả rất lớn. Mãi về sau thực dân Pháp mới nhận ra vấn đề này, khi đó mọi việc đã đâu vào đấy. Các báo cáo của mật thám Pháp ghi lại việc này như sau:

“Tháng 7 năm 1915, Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh bị tố cáo về vụ âm mưu chống an ninh quốc gia. Hai người này đã chuyển quyền lãnh đạo (phong trào người Việt Nam yêu nước) cho Nguyễn Ái Quốc mà họ vẫn là những người cộng tác chính” [48, tr.

65].

Trong một báo cáo “Về phong trào đòi độc lập cho Đông Dương ở Paris” gửi Bộ Thuộc đề ngày 30/1/1920, cơ quan tình báo của Arnoux đã nhấn mạnh về sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo phong trào của người Việt Nam như sau:

“Người ta nói rằng các nhân vật Phan Châu Trinh, Khánh Ký và Phan Văn Trường hiện nay khá giảm uy tín ở Đông Dương, và Nguyễn Ái Quốc đã đến đúng lúc để cầm đầu phong trào Đông Dương có nguy cơ bị tổn thất nếu nằm trong tay đồng bào của anh. Tuy nhiên, những nhân vật trên vẫn là những cố vấn và phụ tá thường trực của anh” [48, tr. 65].

Như vậy, theo mật báo của Pháp ghi nhận, ý định về việc chuyển giao quyền lãnh đạo phong trào đã diễn ra từ sau khi hai nhà lãnh đạo phong trào của người Việt Nam tại Pháp bị bắt giam. Tuy nhiên, phải đến sau khi được tha thì việc chuyển giao này mới diễn ra trên thực tiễn. Việc chuyển giao chỉ thực sự hoàn tất khi Nguyễn Tất Thành rời Luân Đôn sang Paris và chính vào lúc đó, một tổ chức mới của người Việt Nam yêu nước tại Pháp cũng ra đời. Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và những Việt kiều khác giờ đây giữ vai trò phụ tá và cố vấn cho anh Nguyễn trong tổ chức mới vủa người Việt tại Pháp.

Về thời điểm Nguyễn Tất Thành rời Luân Đôn sang Paris hoạt động, đến nay nhiều ý kiến của các nhà sử học cả trong và ngoài nước đã được nêu ra. Tuy nhiên, vì dựa vào các nguồn tài liệu khác nhau nên các tác giả đã đưa ra các mốc thời gian không nhất quán. Mặc dù vậy, trên những nguồn tài liệu thư khố và tư liệu viết về Bác Hồ trong những năm hoạt động cách mạng đa số tác giả đều đồng tình với mốc thời gian là vào cuối năm 1917. Cụ thể: Theo Thu Trang: “Nguyễn Ái Quốc đã đến Paris vào đúng lúc Hội người An Nam yêu nước ra đời. Nghĩa là vào cuối năm 1916 đầu năm 1917” [65, tr. 47]. Tác giả Hồng Hà khẳng định: “Anh Nguyễn Tất Thành muốn đến gần những trung tâm nóng bỏng. Anh bỏ nghề phụ bếp ở Luân Đôn, sang Pháp. Đấy là vào cuối năm 1917” [19, tr. 38]. Tác giả Nguyễn Phan Quang viết: “Số đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp khoảng cuối năm 1917” [48, tr. 29]. Tác giả Phan Văn Hoàng trong một bài viết nhan đề “Nguyễn Tất Thành đến Paris năm nào?”mới đây nhận định: “Nguyễn Tất Thành đến Paris sau tháng 9 và trước tháng 11, tức khoảng tháng 10 năm 1917”.

Chúng tôi đồng tình với các quan điểm trên về mốc thời gian Nguyễn Tất Thành đến Paris là vào cuối năm 1917 tức là cùng lúc với sự ra đời của tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Điều này cũng đã được các mật thám của Pháp xác nhận: - Ngày 8/1/1920,

mật thám Jean báo rằng: “Ông ta nói qua cho tôi biết là đã từng ở Mĩ và Anh trước khi đến Pháp từ bốn năm nay” [65, tr. 45]; Trước đó, ngày 10/12/1919, cũng mật thám Jean báo y được bà gác cổng nhà số 6 Villa des Gobelins cho biết khi nhóm yếu nhân của người Việt trở lại căn nhà này (sau khi chiến tranh kết thúc cuối năm 1918) thì “anh Nguyễn đã về ở đây rồi”. Có nghĩa là lúc nhóm người Việt Nam yêu nước trở lại căn nhà này cuối năm 1918 thì Nguyễn Tất Thành đã về cùng và chắc chắn anh Nguyễn đã qua Pháp trước đó.

Sự kiện Nguyễn Tất Thành xuất hiện ở Paris có lẽ trùng khớp với những điều chỉnh về hoạt động của hai nhà chí sĩ sau khi ra tù. Để duy trì hiệu quả hoạt động sau khi được tha, hai nhà chí sĩ đã phải dùng đến những phương pháp mới, chiến thuật mới đối phó với hệ thống mật thám của chính quyền thực dân. Họ phải tạm rút lui vào bí mật, và phải tìm một người mới để cáng đáng những hoạt động công khai, tránh sự theo dõi của chính quyền Pháp. Lúc bấy giờ, số lượng người Việt Nam tại Pháp đã tăng lên rất nhiều. Do vậy, cần phải tạo lập một cơ sở mới để gây thành một phong trào của người Việt Nam tại Pháp mạnh mẽ hơn. Chính yêu cầu đó đòi hỏi người lãnh đạo phong trào trong thời kì mới phải là một người mà giới thực dân Pháp chưa biết, người đó phải có học thức, có tinh thần dân tộc cao độ… Tất cả những yếu tố đó đều hội tụ ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành, “người cháu hăng say” hoạt động cách mạng của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh.

Mặc dù vậy, hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời kì này có thể chỉ chú trọng vào việc học tiếng Pháp và làm quen với những sinh hoạt chính trị của người Pháp trong sự bí mật cao nhất. Do đó, đến trước khi tên gọi Nguyễn Ái Quốc chính thức được công khai thì giới mật thám Pháp hầu như không biết một tin tức gì về người thanh niên này cả. Đó quả thực là một sự tài tình của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp mà Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường chắc hẳn là đóng vai trò quan trọng nhất. Hai ông Phan đã cùng những đồng bào của mình như Khánh Ký bao bọc, chăm lo cho những sinh hoạt thường ngày cũng như cho việc học tập làm quen với môi trường sống mới của Nguyễn Tất Thành.

Trong đó, rất có thể Phan Châu Trinh và Khánh Ký là hai người giúp Nguyễn Tất Thành về chi phí sinh hoạt, còn Phan Văn Trường giúp về chỗ ở. Điều này đã được một mật báo ghi lại: “Quốc ở nhờ nhà của Phan Văn Trường. Sinh sống thì do Khánh Ký và Phan Châu Trinh cấp dưỡng, mỗi tháng không quá 500 Francs” [65, tr. 65]. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó chỉ diễn ra trong những năm đầu khi Nguyễn Tất Thành mới sang Pháp, đang cần có thời gian để thích nghi với cuộc sống mới và học tập. Đến đầu những năm hai mươi thì anh

Nguyễn đã có thể tự kiếm sống sau khi học được nghề “vẽ tranh trên quạt hoặc trên chụp đèn” tại nhà. Mặc dù vậy, anh chỉ làm việc để kiếm tiền “vừa đủ sống” còn phần lớn thời gian anh dành cho việc học tập nên đã nhanh chóng lãnh hội được nhiều tri thức tiến bộ.

Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã dành những niềm hy vọng rất lớn vào người thanh niên mảnh khảnh có đôi mắt rực sáng này sẽ đưa phong trào của đồng bào mình tại Pháp bước sang một giai đoạn phát triển mới. Niềm tin đó chính là động lực rất lớn để anh Nguyễn phấn đấu học hỏi và hoạt động không ngừng nghỉ nhằm đóng góp cho thành công của phong trào người Việt Nam yêu nước ở Pháp. Những đóng góp đầu tiên của Nguyễn Tất Thành trong phong trào có lẽ là việc anh đảm trách vai trò là lãnh đạo tinh thần của một tổ chức mới của người Việt tại Pháp lúc bấy giờ - Nhóm những người Việt Nam yêu nước.

3.1.3. Nhóm những người Việt Nam yêu nước ra đời.

Trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp, nếu như hoạt động của tổ chức Hội Đồng bào thân ái gắn liền với vai trò của hai lãnh tụ Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, thì vai trò lãnh đạo tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước có lẽ gắn liền với Nguyễn Ái Quốc. Nhận định trên càng sáng tỏ hơn rất nhiều khi chúng ta điểm qua quan điểm của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước về sự kiện ra đời của tổ chức này.

Tác giả Nguyễn Phan Quang trong tác phẩm Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917 – 1923 đã viết:

“Tổ chức Việt kiều mang tên “Hội người An Nam yêu nước” (…) có lẽ chỉ thực sự xuất hiện từ khi Nguyễn Ái Quốc trở lại Paris” [48, tr. 63]. Nhận định trên xuất phát từ việc tác giả tìm thấy những tư liệu của mật thám Pháp ghi lại về Nhóm những người Việt Nam yêu nướcvà vai trò của Nguyễn Ái Quốc được lưu tại các thư khố của nước này.

Trong báo cáo “Về phong trào đòi độc lập cho Đông Dương ở Paris” mà chúng tôi đã dẫn phần trên có đoạn đề cập đến vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nướcnhư sau:

“Từ cuộc điều tra được tiến hành về hoạt động tuyên truyền trong các giới người An Nam ở Paris và về việc ủng hộ những yêu sách của người Đông Dương, thì thấy rõ linh hồn của phong trào này không phải là ai khác, mà là người An Nam NGUYEN AI QUAC, tự xưng là Tổng thư ký “Hội những người An Nam yêu nước…” [48, tr. 64].

Tác giả Thu Trang trong tác phẩm của mình cũng có cùng quan điểm về sự kiện Nguyễn Ái Quốc đến Paris và sự hình thành tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Sau khi dẫn từ một báo cáo của tên mật thám Jean đề ngày 8/1/1920 có đoạn “ông ta (Nguyễn Ái Quốc) … đã từng ở Mĩ và Anh trước khi đến Pháp từ bốn năm nay”, tác giả đưa ra nhận định: “Nguyễn Ái Quốc đã đến Paris vào đúng lúc Hội Người An Nam yêu nước ra đời” [65, tr. 47]. Cũng theo tác giả, Nhóm những người Việt Nam yêu nướcđã ra đời vào năm 1916, đây là năm mà số người Việt Nam tại Pháp đạt mức cao nhất (khoảng 70 ngàn người). “Vì cần có người tin cậy để cáng đáng công việc…, hai vị họ Phan đã mời Nguyễn Tất Thành sang Paris để tiếp sức cho một phong trào đang lên… Cũng có thể là Nguyễn Tất Thành đã có mặt ở Paris trong lúc thành lập Hội Người An Nam yêu nước” [65, tr. 55]. Như chúng ta đã biết, năm 1916 tổ chức Hội Đồng bào thân ái đã kết thúc hoạt động theo báo cáo của mật thám Pháp, do đó, việc thành lập một tổ chức mới là rất cần thiết. Trong lúc hai chí sĩ họ Phan đang bị thực dân Pháp theo dõi rất kĩ lưỡng, việc đưa một người hoàn toàn mới nhưng lại hội đủ những yếu tố cần thiết để lãnh đạo phong trào là hoàn toàn có cơ sở.

Trong tác phẩm “Luật sư Phan Văn Trường” hai tác giả Nguyễn Phan Quang và Phan Văn Hoàng khi đề cập đến Nhóm những người Việt Nam yêu nướcđã viết:

“Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị tố cáo về vụ âm mưu chống an ninh quốc gia. Hai người này đã chuyển quyền lãnh đạo cho Nguyễn Ái Quốc… Từ giã thủ đô nước Anh, Nguyễn Tất Thành đến Paris để tham gia thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước” [45, tr. 40].

Như vậy, thông qua đoạn trích có thể thấy rằng nhận định của hai tác giả trên có nhiều điểm tương đồng với nhận định của tác giả Thu Trang (Công Thị Nghĩa) khi cho rằng thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Paris trùng với thời điểm ra đời của Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Dựa vào các báo cáo của mật thám Pháp, các tác giả trên còn đưa ra phỏng đoán Nguyễn Tất Thành có tham gia trong việc thành lập tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Từ đó, chúng tôi cho rằng ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đã có vai trò to lớn đối với sự ra đời và hoạt động của tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Thực tế trên cũng đã được tác giả Trần Dân Tiên khẳng định: “Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pari và ở các tỉnh Pháp” [62, tr. 29].

Trong các tư liệu mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên, có một điểm chung đáng lưu ý là hầu hết tư liệu đều ghi Nguyễn Tất Thành đến Paris đúng vào thời điểm tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nướcra đời. Như vậy, nếu việc Nguyễn Tất Thành đến Paris được đa số các tác giả đồng ý là vào cuối năm 1917 thì sự ra đời của tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nướccũng vào khoảng thời gian này. Tác giả Thu Trang trong tác phẩm Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923)cho rằng, tổ chức này ra đời vào cuối năm 1916 đầu năm 1917.

Bà còn lập luận rằng, vào năm 1916 số người Việt Nam tại Pháp tăng cao và nhu cầu về một tổ chức mới để lãnh đạo họ đã được hai lãnh tụ họ Phan đáp ứng bằng việc tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước. Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, đến năm 1916 thì tổ chức Hội Đồng bào thân ái mới chấm dứt hoạt động. Vì thế, dù Nhóm những người Việt Nam yêu nước ra đời trên những cơ sở của Hội Đồng bào thì cũng cần có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị.

Từ sự phân tích và đối chiếu các nguồn tư liệu và quan điểm của các nhà nghiên cứu nêu trên chúng tôi mạnh dạn đưa ra nhận định: sự hình thành Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp chỉ có thể diễn ra vào năm 1917 (cụ thể hơn là vào cuối năm 1917). Đây cũng là thời điểm được nhiều nhà nghiên cứu xác nhận về sự có mặt của Nguyễn Tất Thành ở Paris. Mặc dù chưa có một tài liệu cụ thể nào ghi rõ về mặt thời gian, nhưng căn cứ vào các báo cáo của mật thám Pháp, chúng ta có thể khẳng định: Nguyễn Tất Thành có vai trò nhất định đối với sự ra đời của tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước.

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 68 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)