Hoạt động của Nguyễn Thế Truyền những năm hai mươi tại Pháp

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 122 - 132)

TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920 – 1925

4.3. Những hoạt động của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền tại Pháp trong thời gian 1920 – 1925

4.3.2. Hoạt động của Nguyễn Thế Truyền những năm hai mươi tại Pháp

Nguyễn Thế Truyền là một trong những nhân vật đã có thời gian ở Pháp lâu nhất trong những người Việt Nam yêu nước và cũng đã theo học nhiều ngành khoa học tại các trường của Pháp nhờ học bổng của chính quyền thuộc địa. Ông cũng là người có thời gian gần gũi (ở chung nhà số 6 Villa des Gobelins) với các lãnh đạo phong trào người Việt Nam

yêu nước tại Pháp như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc.

Những hoạt động của Nguyễn Thế Truyền trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong những năm 20 rất đáng chú ý bởi ông chính là người đã cùng tham gia Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản với Nguyễn Ái Quốc; là người được giao nhiệm vụ thay thế Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo Hội Liên hiệp thuộc địa và chủ nhiệm báo Le Paria. Tuy nhiên, càng về sau Nguyễn Thế Truyền lại càng xa rời những hoạt động trong phong trào cộng sản để tách ra hoạt động riêng. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thế Truyền đã được tác giả Đặng Hữu Thụ khắc họa trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, theo chúng tôi vẫn cần có thêm tư liệu để đánh giá về nhân vật lịch sử này. Đặc biệt là mối quan hệ của ông với nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp trong những năm 20. Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về tiểu sử của ông.

Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc. Ông là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình, người phục vụ trung thành cho chế độ thực dân Pháp, bị hạ sát ngày 12/4/1913, vì bom của Phạm Văn Tráng, trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (do Phan Bội Châu thành lập). Năm 1910, Nguyễn Thế Truyền 12 tuổi, được Phó Công sứ tỉnh Thái Bình Charles Marie Gaston Dupuy đem về Pháp du học trong dịp ông về nghỉ phép thường lệ. Đến Pháp, ông Dupuy xin với André Salles cho Nguyễn Thế Truyền vào học nội trú trường Parangon (ở Joinville le Pont, ngoại ụ Paris) trực thuộc Hội Alliance franỗaise (Phỏp văn đồng minh). André Salles – cựu thanh tra thuộc địa, đang làm giám đốc trường. Trường Parangon có mục đích đào tạo những trẻ em thuộc địa trở thành những người dân trung thành với mẫu quốc. Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế Truyền liên tiếp được học bổng của Alliance franỗaise từ 1913 đến 1922.

Năm 1915, sau khi đậu bằng Brevet Supérieur (tương đương với bằng Tú tài), Nguyễn Thế Truyền về nước một năm thăm gia đình, và có học thêm Hán văn. Năm 1916, Nguyễn Thế Truyền trở lại Pháp có dắt theo Nguyễn Thế Tắc và Nguyễn Đương Phu (hai người trong dòng tộc Nguyễn Thế). Từ năm 1916 đến năm 1920, Nguyễn Thế Truyền theo học tại Toulouse là thành phố miền Nam nước Pháp. Nguyễn Thế Truyền theo học trường kỹ sư hóa học và trường Đại học khoa học. Năm 1920, Nguyễn Thế Truyền tốt nghiệp kĩ sư hóa học và cử nhân khoa học ban Lý hóa. Năm 1920, Nguyễn Thế Truyền lại về nước thăm gia đình và cưới vợ. Ông kết hôn với bà Phạm Thị Luyến trạc tuổi mình và học tiếp Hán văn

với thầy là Nguyễn Hữu Cung [61, tr. 16]. Tháng 8/1921, Nguyễn Thế Truyền trở lại Paris, và theo học ban tiến sĩ khoa học tại trường đại học Sorbone. Ông cũng theo học cử nhân văn khoa tại trường và đậu cử nhân triết học năm 1922. Sau khi ly dị người vợ Việt Nam, Nguyễn Thế Truyền đã kết hôn với cô Madeleine Marie Clarisse Latour, y tá và sống chung từ cuối 1922 đã có với nhau bốn người con.

Khi mới trở lại Paris, Nguyễn Thế Truyền ở số 3 Champollion, Paris 5. Đầu năm 1922, Nguyễn Thế Truyền đến ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins. (lúc này Phan Văn Trường đang làm luật sư tại toà án binh Mayence (Đức) từ giữa 1921 đến tháng 5/1922). Khi Phan Văn Trường về Pháp, thì Nguyễn Thế Truyền mướn nhà số 6 Saint Louis en l’Ile, Paris. Theo Đặng Hữu Thụ, “Nguyễn Thế Truyền dùng hết thì giờ làm công việc tuyên truyền cách mạng, làm báo cách mạng, kiếm được bao nhiêu tiền đều dùng trong công cuộc cách mạng, còn tiền nhà, tiền ăn, tiền gửi con cho nhũ mẫu nuôi đều do bà Nguyễn Thế Truyền đảm nhận” và Nguyễn Thế Truyền “ngay khi mới đến Paris năm 1921 đã đến thăm hai cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường tại nhà riêng hai cụ. Từ giữa năm 1922 trở đi, ông trở thành bạn thân của hai cụ và ông Nguyễn Ái Quốc nên thám tử bộ Thuộc địa theo dõi ông, tên ông được ghi vào sổ đen của Sở cảnh sát Pháp” [61, tr. 21].

Quả thực, qua đoạn trích vừa rồi, chúng ta nhận thấy sự đóng góp hết mình của Nguyễn Thế Truyền cho phong trào cách mạng của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là, Nguyễn Thế Truyền qua Pháp từ lâu, nhưng vì sao đến thời điểm năm 1922 ông mới tham gia cùng các nhà ái quốc Việt Nam ở Paris? Phải chăng Nguyễn Thế Truyền dành phần lớn thời gian trước năm 1922 để học tập, tích lũy những kiến thức cũng như kinh nghiệm cho quá trình tham gia cách mạng sau đó của ông!

Để lí giải điều bí ẩn này, chúng ta cần có thêm các nguồn tư liệu khác. Chỉ biết rằng, bắt đầu từ tháng 3 năm 1922, mật thám Pháp đã ghi thêm tên nhiều Việt kiều mới tham gia nhóm Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc, trong đó có tên Nguyễn Thế Truyền. Cũng theo mật thám Pháp, từ đầu năm 1922 dường như ngày nào Nguyễn Ái Quốc cũng gặp Nguyễn Thế Truyền để bàn bạc công việc và họ thường trò chuyện hàng giờ liền.

Thông qua các nguồn tài liệu, chúng tôi thấy có thể chia thời gian tham gia hoạt động trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp của Nguyễn Thế Truyền thành hai giai đoạn:

Gian đoạn hoạt động bên cạnh Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường (từ đầu năm 1922 đến

cuối năm 1923) và giai đoạn hoạt động bên cạnh Phan Châu Trinh sau đó tách ra hoạt động riêng (từ 1924 trở đi).

Ở giai đoạn thứ nhất, sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo của phong trào, Nguyễn Thế Truyền đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa, báo Le Paria và có thể cũng đã tham gia các cuộc họp của các chi bộ cộng sản cùng với Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường. Điều này đã được các tác giả Lê Thị Kinh, Thu Trang ghi nhận trong tác phẩm của họ. Lê Thị Kinh đã viết như sau: “Sang năm 1923 Nguyễn (tức Nguyễn Ái Quốc) cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và một số Việt kiều càng tích cực hoạt động trong tổ chức Liên hiệp thuộc địa và công việc phát hành báo Le Paria” [27, tr. 383].

Trước đó, trong báo cáo của Guesde gửi Toàn quyền Đông Dương về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong tháng 9 và 10 năm 1922 đã đề cập đến các cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Thế Truyền với Nguyễn Ái Quốc và các đồng bào khác để bàn bạc công việc:

“Ngày 5 tháng 10 (năm 1922-NST) Nguyễn Ái Quốc, Phan Cao Lục và Bửu Tháp đã ăn cơm tối với Nguyễn Thế Truyền tại 6 Villa des Gobelins. Ngày 5 tháng 10, Nguyễn Ái Quốc đã rời nhà từ sáng sớm, đến tòa soạn L’Humanité độ nửa giờ, sau đó đến gặp Nguyễn Thế Truyền từ 7 giờ đến 10 giờ. Chủ nhật ngày 8 tháng 10 Nguyễn Ái Quốc đã đến gặp Nguyễn Thế Truyền vào buổi sáng, sau đó đã đến dự buổi họp của Chi bộ Cộng sản vùng Seine… Nguyễn Ái Quốc hằng ngày vẫn gặp Nguyễn Thế Truyền và họ đã trò chuyện hàng giờ” [27, tr. 389].

Trong một báo cáo khác của mật thám vào đầu năm 1923 đã ghi lại những hoạt động của Nguyễn Thế Truyền cùng với Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường và các đồng bào khác trong công việc của Hội Liện hiệp thuộc địa: “Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Trần Tiễn Nam, Toàn Hải đã họp hàng tháng tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa cùng 10 người da đen, 2 da trắng và 2 phụ nữ”. Một số đoạn khác lại viết: “Ngày 24/1/1923 Nguyễn Ái Quốc đến ăn tối với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền. Ngày 27/1/1923 Nguyễn Ái Quốc đến gặp Phan Văn Trường từ 17 giờ đến 18 giờ sau đó đi họp chi bộ Cộng sản ở La Grange aux Belles. Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền mấy phút sau cũng cùng ra đi đến 12 giờ 30 mới về. Bà gác cổng nom theo thấy Nguyễn Ái Quốc đang chờ họ ở trên đường, chắc là cả ba cùng đi họp” [27, tr. 392]. Trong một báo cáo đề ngày 23/2/1923 của De Villier có ghi: “Chiều 1-2 (1923-NST) Phan Văn

Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Stéfany đã họp để gấp và gửi báo Le Paria… Phan Văn Trường bàn nên lập lại Fraternité (tức Hội đồng bào thân ái) riêng cho người Đông Dương vì Liên hiệp Thuộc địa nhiều quốc tịch khác nhau không hợp với dân Nam có nhu cầu chung tiếng nói. Các dân tộc cũng nên có tổ chức riêng; các tổ chức đó sẽ được tập trung trong Liên hiệp Thuộc địa. Cả 4 người An Nam đều nhất trí” [27, tr. 393].

Theo các báo cáo của mật thám ghi lại, rõ ràng Nguyễn Thế Truyền trong thời gian 1922 đến 1923 đã có mặt trong rất nhiều các hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa, báo Le Paria và cả các cuộc họp của chi bộ cộng sản mà Nguyễn Ái Quốc tham gia. Điều này cho phép chúng ta nhận định rằng Nguyễn Thế Truyền quả thực đã tham gia rất nhiệt tình các hoạt động của nhóm người Việt Nam yêu nước bên cạnh Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường cũng như một số đồng bào khác. Với việc tham dự các cuộc họp quan trọng của Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria, Nguyễn Thế Truyền chắc hẳn phải là một thành viên quan trọng của các tổ chức trên cũng như trong thành phần Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp lúc bấy giờ. Trong các báo cáo khác của mật thám vào các tháng 3, 4 và tháng 5 năm 1923 đều đã ghi nhận việc tham gia đều đặn của Nguyễn Thế Truyền vào công việc của các tổ chức nêu trên, chứng tỏ nhận định của chúng tôi là sát thực.

Từ tháng 5 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cho việc bí mật rời khỏi Paris.

Bằng chứng là Người đã tách ra ở riêng tại số 3 đường Marché des Patriarches và sau đó Nguyễn Thế Truyền đã dọn đến ở cùng vào hạ tuần tháng 5 năm 1923. Chắc hẳn việc Nguyễn Thế Truyền dọn đến ở cùng Nguyễn Ái Quốc là để bàn bạc các bước tiếp theo trong hoạt động của các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc và những thành viên trong nhóm người Việt Nam yêu nước đã dự tính cho ra đời tờ “Việt Nam hồn”bằng chữ Quốc ngữ. Mật thám Pháp ngày 15/5/1923 đã ghi lại việc những người yêu nước ra truyền đơn để kêu gọi ủng hộ tài chính cho việc ra báo này như sau: “Nhóm 6 Villa des Gobelins đã phát hành truyền đơn kêu gọi ủng hộ để ra tờ “Việt Nam hồn” bằng chữ An Nam. Đề nghị ghi phiếu quyên góp gửi đến địa chỉ Nguyễn Ái Quốc (3 đường Marché des Patriarches)” [27, tr. 399]. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật sang Liên Xô mà chưa thực hiện được dự định ra tờ báo “Việt Nam hồn”.

Sau khi Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Liên Xô, tất cả các công việc của anh ở Paris đã được chuyển giao cho Nguyễn Thế Truyền đảm nhận. Báo cáo của mật thám ngày 21/7/1923 đã ghi lại việc những người trong nhóm bàn bạc công việc ở Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Le Paria sau khi Nguyễn Ái Quốc đã sang Liên Xô như sau: “Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Monnerville, Hadjali và Bloncourt bàn công việc của Hội Liên hiệp Thuộc địavà tờ Le Paria. Bloncourt hỏi mọi người có ai biết tin gì về Nguyễn Ái Quốc không? Tất cả đều trả lời không” [27, tr. 405]. Báo cáo của mật thám Désiré ngày 1/11/1923 đã khẳng định rõ như sau: “Tại Hội nghị Nông dân quốc tế đang họp ở Mascơva có bốn đại biểu Pháp và một đại biểu An Nam. Người này chắc là Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Nguyễn Ái Quốc ở Nga, công việc của tờ Le PariaLiên hiệp Thuộc địa đều do Nguyễn Thế Truyền làm thay” [27, tr. 407].

Như vậy, từ khi bắt đầu tham gia vào phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Thế Truyền đã nhanh chóng trở thành một trong những người hoạt động tích cực bên cạnh những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào như Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường. Có lẽ trong thời gian những năm 1922 đến giữa năm 1923, Nguyễn Thế Truyền đã là một người bạn, người đồng chí tin cậy bên cạnh Nguyễn Ái Quốc. Chính từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Nguyễn Thế Truyền tham gia vào các tổ chức tiến bộ lúc bấy giờ như Hội Liên hiệp thuộc địa (Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh đều đã tham gia tổ chức này vào năm 1922) và Đảng Cộng sản Pháp. Trước khi sang Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã tin tưởng trao lại toàn bộ trọng trách mình đã nắm giữ lại cho Nguyễn Thế Truyền. Đối với tờ Le Paria, Nguyễn Thế Truyền là người vừa tham gia phát hành báo vừa tham gia viết bài cho báo và sau khi Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô. Nguyễn Thế Truyền là người đã thay thế vào vị trí lãnh đạo tờ báo này mà Nguyễn Ái Quốc để lại. Chính Nguyễn Thế Truyền là người đã cùng các đồng bào khác cho ra đời tờ “Việt Nam hồn” mà trước đây Nguyễn Ái Quốc dự định nhưng chưa thể thực hiện vào đầu năm 1926.

Tất cả những tư liệu trên đây cho phép chúng ta nhận định rằng vai trò và đóng góp của Nguyễn Thế Truyền cho phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong thời gian 1922 - 1923 rất đáng ghi nhận. Chắc hẳn Nguyễn Ái Quốc cũng đã cân nhắc rất nhiều khi giao lại những trọng trách của mình cho Nguyễn Thế Truyền và ít nhất, trong thời gian đầu Nguyễn Thế Truyền đã thực hiện rất tốt, không phụ lòng bạn bè, đồng chí đã tin tưởng.

Nguyễn Ái Quốc cũng đã tìm được một người ưng ý để thay mình lãnh đạo các tổ chức tại

Paris và chính từ đó Người mới yên tâm sang Liên Xô để tiếp tục quá trình hoạt động của mình. Tuy nhiên, về sau Nguyễn Thế Truyền lại có những thay đổi trong quan điểm và phương châm hoạt động ngày càng xa rời những gì Nguyễn Ái Quốc đã kì vọng.

Trong thời gian từ năm 1924 trở đi, những hoạt động của Nguyễn Thế Truyền trong vai trò lãnh đạo Hội Liên hiệp thuộc địacũng như chủ báo Le Paria bắt đầu xuất hiện những bất ổn, những bất ổn đó xuất phát từ thái độ của Nguyễn Thế Truyền. Tác giả Thu Trang trong tác phẩm của mình đã đề cập:

“Sau khi Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp, công việc trao lại cho Nguyễn Thế Truyền đảm nhận. Nguyễn Thế Truyền, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Ái đảm nhận công việc của hai tổ chức do Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng bào người (sic) Châu Phi đã tạo lập ở Paris và giao lại… Có điều là Nguyễn Thế Truyền hình như ít được cảm tình của đồng bào bằng Nguyễn Ái Quốc. Vì Nguyễn Thế Truyền có thái độ hơi kiêu ngạo, nhất là hay nói tiếng Pháp hơn là tiếng Việt v.v. Dư luận này chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm sau (tức 1924-NST), khi Nguyễn Thế Truyền đương nhiên là nhân vật trọng yếu thứ nhất của phong trào người Việt yêu nước, vì Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc đều đã rời khỏi Paris” [65, tr. 328].

Báo cáo của mật thám cũng đã ghi nhận những biểu hiện không tích cực của Nguyễn Thế Truyền trong quá trình lãnh đạo các tổ chức yêu nước lúc bấy giò sau khi Nguyễn Ái Quốc đã sang Liên Xô. Kết quả của việc đó là phong trào có phần suy giảm hoạt động so với trước đây:

“Nguyễn Ái Quốc với nhân cách của mình được thiện cảm của những người hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nhưng Nguyễn Thế Truyền hay Trần Xuân Hộ thì không được như thế. Truyền với tính kiêu căng tuồng như đã bị luật sư Bloncourt rất không ưa, ông này là người đứng thuê căn hộ dùng làm trụ sở báo Le Paria. Do đó, việc hai người Đông Dương này thường trực ở trụ sở trên thường không được đều đặn… Vả lại, ngoài số người An Nam không đông ở Paris quy tụ chung quanh Hội Liên hiệp Thuộc địa, những người dân xứ bảo hộ này ở rải rác các thành phố khác của Pháp không có vẻ đang tích cực hoạt động tuyên truyền chống Pháp trong nội bộ họ. Một số người An Nam … đã đặt mua dài hạn báo Le Paria và dự các cuộc họp của Cộng sản nhưng xem ra không có ai thực sự là nhà hoạt động” [27, tr. 429, 430].

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 122 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)