Phan Châu Trinh không tán thành quan điểm và phương thức hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn đặt nhiều kì vọng vào Người

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 114 - 119)

TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920 – 1925

4.2. Những hoạt động của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trước khi về Việt Nam

4.2.2. Phan Châu Trinh không tán thành quan điểm và phương thức hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn đặt nhiều kì vọng vào Người

Phan Châu Trinh là một trong những người lãnh đạo có uy tín lớn trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp và đã có nhiều đóng góp trong việc tổ chức cũng như lãnh đạo phong trào cùng với Phan Văn Trường. Ông đã cùng với ông Trường bàn bạc và cho ra đời tổ chức Hội Đồng bào thân ái đầu năm 1912 để hỗ trợ, giúp đỡ những đồng bào người Việt tại Pháp và thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Đây là tổ chức đầu tiên của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp và đã có một vai trò quan trọng cho sự phát

triển chung của phong trào. Cùng với Phan Văn Trường và các đồng bào khác, Phan Châu Trinh là người đã cưu mang, bảo vệ và dẫn dắt Nguyễn Ái Quốc trong thời gian đầu mới qua Pháp, giúp Nguyễn Ái Quốc làm quen với sinh hoạt chính trị tại Pháp và tiếp xúc với các nhân vật tiến bộ lúc bấy giờ tại đây.

Từ sau khi đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn cho mình con đường cứu nước theo gương Cách mạng tháng Mười Nga.

Nguyễn Ái Quốc đã cùng với Phan Văn Trường và các đồng chí khác tích cực hoạt động trong phong trào xã hội và cộng sản Pháp và chuẩn bị cho quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước. Bắt đầu của quá trình đó là việc Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris sang Liên Xô tháng 6 năm 1923 và Phan Văn Trường về nước vào cuối năm 1923.

Mặc dù cùng hoạt động với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc, có chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng Phan Châu Trinh lại không hề thay đổi về quan điểm chính trị của mình. Ông vẫn giữ chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” và cho rằng có thể thuyết phục được chính phủ Pháp thực hiện các cải cách về chế độ cai trị. Cho nên, Phan Châu Trinh luôn giữ thái độ mềm dẻo, gây thiện cảm với các nhân vật cao cấp trong Bộ Thuộc địa Pháp và luôn tìm cách gặp gỡ, cố gắng thuyết phục Albert Sarraut thực hiện những cải cách mà y đã hứa hẹn. Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc rất không tán thành quan điểm và biện pháp hoạt động nói trên của Phan Châu Trinh. Họ cho rằng Phan Châu Trinh quá ảo tưởng vào chế độ thực dân Pháp và hoàn toàn không thể dùng biện pháp mềm dẻo, thuyết phục nhà cầm quyền thực dân để đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ mà phải bằng con đường đấu tranh buộc họ phải công nhận độc lập tự do của người Việt Nam.

Chính từ xuất phát điểm trên đã dẫn tới sự tan rã của nhóm những người Việt Nam yêu nước trong những năm hai mươi. Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc mặc dù rất thương yêu, quý trọng nhau nhưng đã tách ra hoạt động riêng trong một khoảng thời gian khá dài.

Thời kì năm 1919 đến khoảng tháng 8 năm 1920, Phan Châu Trinh thường xuyên đi lại giữa Paris với các tỉnh của Pháp như Pons, Bordeaux và Chartres nhưng họ vẫn liên hệ thư từ khá đều đặn. Khảng tháng 10 năm 1920, Phan Châu Trinh đã về hẳn Paris và ở chung với Nguyễn Ái Quốc tại số 6 Villa des Gobelins cho đến năm 1922 ông lại đi Marseille.

Trong thời ở Paris, Phan Châu Trinh đã cùng với Nguyễn Ái Quốc tham gia một số hoạt

động của các câu lạc bộ do Đảng Cộng sản Pháp hoặc các hoạt động của Hội Liên hiệp thuộc địa tổ chức. Báo cáo của mật thám ngày 30/1/1920 cho biết: “Phan Châu Trinh chỉ trú lại 6 ngày ở Paris. Ông dùng thời gian này, khi thì đến hội đánh bi-a Ludo ở số nhà 14, phố Sorbonne, khi thì cùng đi với Nguyễn Ái Quốc… đến tòa báo Nhân Đạo hoặc đến “Văn phòng thông tin của nước Triều Tiên”. Trong một báo cáo khác vào khoảng tháng 2/1921, có ghi lại như sau: “Chủ nhật vừa qua, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã đi dự một buổi hội họp do chi bộ Xã hội cách mạng tổ chức. Chi bộ này đã gia nhập Quốc tế thứ ba ở Moscow...” [48, tr. 124].

Trong những lần cùng tham gia các hoạt động chung nói trên, Nguyễn Ái Quốc hẳn đã muốn thông qua đó để làm cho Phan Châu Trinh thay đổi quan điểm của mình về vấn đề dân tộc nhưng không mang lại kết quả. Phan Châu Trinh vẫn khăng khăng giữ lấy chính kiến riêng của mình, dù lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn toàn tán thành con đường của Cách mạng tháng Mười. Tác giả Nguyễn Phan Quang đã nhận xét về điều này như sau:

“Thời gian chung sống ở Paris, trong khi Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp và bắt đầu đi vào quỹ đạo của hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại do ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, thì Phan Châu Trinh vẫn dừng lại ở đường lối cứu nước cải lương ôn hòa” [48, tr. 122, 123].

Trong một đoạn khác, tác giả Nguyễn Phan Quang lại tiếp tục nhấn mạnh về sự kiên định của Phan Châu Trinh về đường lối cứu nước và thái độ của Phan Châu Trinh đối với những bước tiến của Nguyễn Ái Quốc:

“Nguyễn Ái Quốc kiên trì thuyết phục, nhưng hình như không dễ gì lay chuyển nhận thức đã trở thành cố hữu của Phan Châu Trinh. Về phía Phan Châu Trinh, tuy ông đánh giá cao nhân cách và trình độ học vấn của Nguyễn Ái Quốc, nhưng trong thâm tâm thì không tán thành con đường Nguyễn Ái Quốc đang đi tới. Và Phan Châu Trinh có ý muốn tách ra hoạt động theo quan niệm và phương thức riêng của mình” [48, tr. 124, 125].

Cái ý muốn tách ra hoạt động theo quan niệm và phương thức riêng của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ chính là tiếp tục ý tưởng dựa vào Pháp để kêu gọi chính quyền thực dân tiến hành những cải cách về chế độ cai trị và đồng thời là lên án chế độ phong kiến trong nước. Điều đó đã được thực tiễn minh chứng trong khoảng thời gian từ 1922 đến khi Phan

Châu Trinh về nước năm 1925, các hoạt động của Phan Châu Trinh chủ yếu xoay quanh những nội dung trên.

Đầu tiên là sự kiện ngày 14/7/1922, nhân dịp vua bù nhìn Khải Định qua Pháp dự triển lãm thuộc địa tại Marseille. Phan Châu Trinh coi đây là cơ hội để vạch mặt vua quan triều đình thối nát đã làm cho nhân dân trong nước mãi không ngóc đầu lên được. Chính vì vậy, Phan Châu Trinh đã vận động báo chí tiến bộ lên án ông vua này đồng thời ông viết một bức thư gửi cho Khải Định có nhan đề “Thất điều thư”. Bức thư dài 12 trang bằng chữ Hán gửi thẳng đến Paris nơi Khải Định mới sang đã là một đòn đau cho ông vua bù nhìn và quan thầy Pháp làm cho chúng phải rút ngắn chuyến đi của Khải Định để nhanh chóng về nước. Có thể nói rằng, những hoạt động của Phan Châu Trinh trong thời gian ở Marseille đã có tiếng vang lớn trong phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp và đã có ảnh hưởng lan tỏa về đến trong nước. Đặc biệt, bức thư kể tội Khải Định của ông đã thổi bùng phong trào lên án vua quan bù nhìn trong nước. Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ cũng đã hưởng ứng bằng cách cho ra đời tác phẩm “Con rồng tre” để đả kích vị vua này. Cả hai tác phẩm trên của Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đều đã có tác dụng chính trị lớn đối với Việt kiều ở Pháp. Tuy nhiên, Phan Châu Trinh chỉ dừng lại ở việc đả kích vị vua bù nhìn Khải Định mà không tập trung mũi nhọn vào chế độ cai trị của Pháp ở Việt Nam phần nào cho thấy quan điểm của ông vẫn chưa thoát khỏi ảo tưởng “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” trước đây.

Có thể thấy rằng, trong khi Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một người cộng sản chân chính và thực hiện lí tưởng cứu nước theo con đường của Cách mạng tháng Mười Nga thì Phan Châu Trinh vẫn còn nhiều hạn chế trong quan điểm. Càng về sau, quan điểm của Phan Châu Trinh càng thể hiện nhiều nhược điểm mà một trong những ví dụ là việc ông cùng với Trần Văn Khá thành lập “Hội Liên hiệp Pháp – Đông Dương” vào khoảng tháng 2 năm 1925. Tuy nhiên, những hạn chế trong quan điểm của Phan Châu Trinh có nguyên nhân sâu xa từ bản thân ông. Điều đó đã phần nào tác động đến quá trình chuyển biến tư tưởng của Phan Châu Trinh so với Nguyễn Ái Quốc và Phan Văn Trường. Trong lúc cả Phan Văn Trường lẫn Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường cứu nước là theo chủ nghĩa Mác-Lênin thì Phan Châu Trinh vẫn mãi loay hoay với ý tưởng “đề huề”, “liên hiệp” với Pháp dù ông là người đã nhiều lần nếm trải những ngón đòn của chính quyền thực dân. Đề cập đến vấn đề này, tác giả Hoàng Xuân Hãn trong phần đề tựa cho cuốn sách của Thu Trang cũng đã có nhận định: “Có kẻ nói rằng nếu ông còn sống lâu hơn thì ông còn bị nhiều điều thất vọng

nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng: Bấy giờ Nguyễn Ái Quốc đã về Trung Quốc tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên; nếu Phan Châu Trinh còn sống thì cũng tỉnh mộng đề huề” [64, tr. 11].

Tuy rằng, Phan Châu Trinh không đến được với con đường của Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng tấm lòng yêu nước của ông vẫn luôn luôn mong mỏi sẽ có ngày đồng bào của ông được tự do độc lập. Ông đã đặt niềm tin của mình vào người thanh niên nhiệt huyết Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ mới của phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Tác giả Nguyễn Phan Quang đã có lí khi nhận định: “Phan Châu Trinh không tán thành quan điểm và phương pháp hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, nhưng tự đáy lòng, ông ngày càng mến phục và đặt nhiều kì vọng ở Nguyễn Ái Quốc. Điều này được phản ánh khá tập trung trong bức thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc từ Marseille, đề ngày 18/2/1922” [48, tr. 130]. Trong bức thư nêu trên, Phan Châu Trinh đã bày tỏ sự tin tưởng vào Nguyễn Ái Quốc và thậm chí còn đưa ra lời khuyên cho Nguyễn Ái Quốc về bước đi tiếp theo trong hoạt động:

“Thực tình từ trước tới nay tôi chẳng khinh thị anh, mà tôi còn phục anh nữa là khác… Anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi, anh cứ quanh quẩn bên này, thì làm sao mà tài năng của anh thi thố được. Bởi vậy, tôi thành tâm khuyên anh, mong mỏi anh thay đổi cai phương pháp cũ kĩ đi, để mà mưu đồ đại sự. Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở” [27, tr. 352, 356].

Như vậy, trong thành phần lãnh đạo của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp thời gian những năm hai mười có sự rạn nứt bắt nguồn từ sự khác biệt về quan điểm và phương pháp hoạt động giữa một bên là Phan Châu Trinh với bên kia gồm Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Tuy vậy, họ vẫn dành những tình cảm tôn trọng và quý mến cho nhau. Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cho quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước và bắt đầu hành trình về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam bằng việc rời Paris sang Liên Xô tháng 6 năm 1923. Còn Phan Văn Trường cũng đã quyết định về nước cuối năm 1923 để dùng ngòi bút của mình đấu tranh chống chế độ cai trị của Pháp. Dù Phan Văn Trường không trở thành người cộng sản như Nguyễn Ái Quốc nhưng ông đã nhận thức được sự tiến bộ của con đường mới này và hết sức ủng hộ cho những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Về phần Phan Châu Trinh, ông tuy không tán thành cong đường mà Nguyễn Ái

Quốc lựa chọn và thậm chí những năm cuối ở Pháp ông còn có ý tưởng “đề huề” với Pháp nhưng ông luôn đặt niềm tin và kì vọng vào thành công mà Nguyễn Ái Quốc sẽ đưa lại cho phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 29/5/1925, Phan Châu Trinh lên tàu về nước. Sự kiện này đã khép lại thời kì hoạt động sôi nổi của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và mở ra một thời kì mới trong phong trào cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 114 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)