TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”
2.3. Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt – Hội suy giảm hoạt động dần dần tan rã
Hội Đồng bào thân ái ra đời và hoạt động là kết quả sự “hợp tác” của hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, Hội đã quy tụ được khá đông đảo người Việt Nam tại Pháp. Mặc dù Hội tuyên bố mục đích hoạt động của mình là “thân ái, tương trợ và học hỏi”, hoàn toàn cấm hội viên của mình dính líu đến các vấn đề chính trị nhưng chính quyền thực dân tại Pháp hoàn toàn không tin vào điều trên. Các nhân vật đại diện cao cấp của chính quyền thuộc địa như Salles, Sarraut hay cả Caron... đều cho rằng hoạt động của Hội Đồng bào thân ái sẽ gây nguy hiểm cho sự cai trị của Pháp tại Đông Dương nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Chúng còn chỉ đích danh “Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường… đã kích động sinh viên và đồng bào họ thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn (ý ám chỉ Hội Đồng bào thân ái vì đây là tổ chức đầu tiên của người
Việt được thành lập tại Pháp - NST)” [26, Q.4, tr. 7]. Chính vì vậy, hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã trở thành những cái gai trong con mắt của giới thực dân tại Pháp. Để có thể loại bỏ đi cái những cái gai khó chịu ấy, thực dân Pháp một mặt theo dõi sát sao hành tung của hai ông cũng như hoạt động của Hội Đồng bào thân ái, mặt khác, thực dân Pháp tìm mọi cách để có thể thủ tiêu hai vị lãnh tụ của phong trào Việt kiều tại Pháp.
Ngày 1 tháng 8 năm 1914, Đức tuyên chiến với Nga và hai ngày sau tuyên chiến với Pháp đã chính thức châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc chiến tranh phi nghĩa giữa các nước đế quốc nhằm mục đích tranh giành thuộc địa đã đẩy nhân loại vào một trong những thảm họa đen tối nhất, để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cuộc chiến đã làm hơn mười triệu người chết và hàng chục triệu người khác bị tàn phế, các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy bị phá hủy. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỉ đôla. Là một trong những nước trực tiếp tham chiến, Pháp đã huy động tối đa cho chiến tranh, bộ máy chính quyền được phát xít hóa cả ở chính quốc lẫn các thuộc địa và sẵn sàng đàn áp thẳng tay các mầm mống chống đối. Trong bối cảnh ngột ngạt ngập đầy trong khói bụi của chiến tranh như vậy thực dân Pháp ở chính quốc đã ra lệnh bắt giữ hai nhà yêu nước tiên phong trong phong trào của người Việt là Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Chủ đích về việc loại trừ hai cái gai trong mắt từ lâu của chính quyền thực dân nay đã có cơ hội để thực hiện!
Lí do mà thực dân Pháp đưa ra trong lần bắt cả hai ông Phan Văn Trường (bị bắt ngày 12/9 tại Marceau (Chartres) và Phan Châu Trinh (ngày 14/9) và giam giữ từ ngày 15/9/1914 là có sự liên lạc thư từ giữa Cường Để lúc bấy giờ đang ở Đức với hai ông, từ đó chính phủ Pháp nghi ngờ ông Trinh và ông Trường thông đồng với Đức – đang là kẻ thù của Pháp. Bản thân hai ông sau này dường như cũng cho là vì nguyên nhân trên mà mình bị bắt, còn một nhân chứng đương thời là Bùi Kỷ trong một bức thư cũng đã xác định việc này.
Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình cả hai tác giả Thu Trang và Lê Thị Kinh đều dựa vào các nguồn tài liệu lấy từ các Thư khố của Pháp để đưa ra nguyên nhân đích xác của vụ bắt giữ có liên quan đến Hội Đồng bào thân ái.
Tiến sĩ Thu Trang trong tác phẩm của mình đã viết: “Về lí do của sự đàn áp này, thực ra chính quyền Pháp không cần tìm đâu ngoài những hoạt động của Nhóm Đồng bào thân ái mà những người lãnh đạo – tuy không chính thức đưa tên ra – nhưng không ai xa lạ hơn là
hai chí sĩ họ Phan” [64, tr. 85]. Tác giả muốn nói đến những hoạt động của Hội Đồng bào thân ái từ khi thành lập ngày 18/1/1912 cho đến trước khi chiến tranh thế giới bùng nổ đã làm cho chính quyền thực dân chú ý và Hội quả thực như một cái gai trước mắt thực dân Pháp. Giới cầm quyền thực dân biết rõ linh hồn của phong trào Việt kiều tại Pháp lúc bấy giờ cũng chính là hai sáng lập viên của Hội Đồng bào thân ái, do vậy, muốn phá hoại phong trào của người Việt yêu nước và Hội Đồng Bào thì cách tốt nhất là bắt giam hai vị lãnh tụ họ Phan và chúng đã ra tay.
Về vụ bắt giữ hai nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, tác giả Lê Thị Kinh cũng có cùng nhận định như bà Thu Trang. Căn cứ vào Báo cáo kết thúc vụ án của quan ba Caron tại tòa án binh có đoạn: “Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường trong hai năm qua đã kích động sinh viên và đồng bào họ thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn”, bà đã nhận định: “lí do thật sự của vụ bắt giam hai vị họ Phan chính là do các hoạt động của họ trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp” [64, Q.4, tr.7]. Bà Lê Thị Kinh cũng đã thông qua các nguồn tài liệu Thư khố để dựng lại diễn biến của vụ án, chúng tôi thấy cần thiết nên xin dẫn lại một cách vắn tắt sau đây:
Ngày 22/8/1914 Bộ trưởng Thuộc địa gửi công văn cho Bộ trưởng Quốc phòng tố cáo hai vị họ Phan “kích động sinh viên và đồng bào họ thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn”. Ngay lập tức, Sở Mật thám tiến hành khám nhà hai ông: chúng không bắt được gì tại nhà ông Trường ở số 6 Villa des Gobelins. Tại nhà ông Trinh ở số 16 Cujas có bắt được một số tư liệu chữ Hán và Quốc ngữ, đã chuyển cho Bộ Thuộc địa nghiên cứu.
Ngày 31/8/1914, Bộ Thuộc địa báo là các tư liệu tịch thu được của ông Trinh “rất khả nghi, đặc biệt có các thư của Nguyễn Như Chuyên (ở Pháp) và của Tất Thành (ở Anh) biểu hiện tư tưởng chống Pháp mạnh mẽ” (thực dân Pháp không tìm thấy thư trả lời của Phan Châu Trinh vì phần Nguyễn Như Chuyên đã thiêu hủy hết còn phần Tất Thành thì yêu cầu soát nhà của Hội đồng quân sự Pháp đã bị nhà cầm quyền nước Anh khước từ). Về ông Trường, Bộ Thuộc địa báo là ở Đông Dương đã bắt được thư của ông gửi về cho anh ruột có đoạn viết “mong có ngày 14.7 cho nước mình” và “ông Phan Châu Trinh đang bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp cho thanh niên ta ở Pháp”.
Ngày 15/9/1914, thực dân Pháp bắt giam cả hai ông: ông Trinh giam ở lao La Santé, ông Trường ở lao Cherche-midi, đều ở Paris (Tư liệu riêng của Phan Châu Trinh ghi là ngày 14/9 đã bị bắt vào giam ở Dépôt tức là phòng tạm giam của cảnh sát. Sổ tù ở lao La Santé đã ghi tiếp nhận ông Trinh ngày 15/9/1914 và phóng thích ngày 16/7/1915). Ngày 10/10/1914 bắt thêm Nguyễn Như Chuyên. Sau khi thẩm vấn, Caron đã kết luận: “Mặc dù các tư liệu đều biểu hiện tư tưởng muốn Pháp bị đuổi đi và các dân tộc Đông Dương được giải phóng nhưng cả ba đều tư chối việc mưu phản và cũng không tìm thấy dấu vết của một cuộc mưu phản nào”.
Ngày 19/1/1915, Bộ Thuộc địa thống báo “có văn kiện quan trọng từ Đông Dương đang gửi qua, sẽ khẳng định một cách không chối cãi được vai trò tham gia của Phan Châu Trinh vào các tổ chức chống Pháp ở Đông Dương”. Ngày 17/3/1915, Dự thẩm nhận được hồ sơ trên bao gồm: “Việc Trương Duy Toản và Đỗ Văn Y làm trung gian cho Cường Để liên hệ với Phan Châu Trinh và các thư ông Trinh gửi về cho tù nhân ở Côn Đảo”. Caron cho biết “đã thẩm vấn lại thì các bị can đều bào chữa rất có lí…”. Thực chất là bản thân Caron thấy các tư liệu trên không đủ làm chứng cớ kết tội hai ông Phan.
Ngày 8/4/1915, sau nhiều cuộc truy hỏi kéo dài, Nguyễn Như Chuyên đã không còn giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt nữa nên đã khai trong tình trạng hoảng loạn và thú nhận tất cả các nghi vấn đặt ra. Ông Chuyên còn tự mình bịa thêm cho khớp các chứng cứ để buộc tội Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường cũng như bản thân… Rất may cho hai ông Phan là chỉ một tuần sau khi thú nhận, ngày 15/4/1915, Nguyễn Như Chuyên được xác định là bị loạn thần kinh, được đưa vào bệnh viện Val-de-Grâce (của quân đội) sau đó vào Kremlin Bicêtre, trung tâm bệnh thần kinh lớn nhất nước Pháp với kết quả là bị “điên”.
Chính vì thế, những lời khai của Chuyên không còn giá trị trước luật pháp nữa.
Cùng với kết luận về tình trạng của Chuyên, cộng với sức ép của thủ tướng Viviani với sự can thiệp của hạ nghị sĩ Moutet đòi kết thúc vụ án giam hậu cứu đã kéo dài. Vì thế mà Caron đã phải kết luận với đề nghị: “cả ba bị cáo được miễn tố: Cho ông Trường trở lại đơn vị; Chuyên tiếp tục điều trị; chỉ cần xem xét biện pháp đối với Phan Châu Trinh vì để sống tự do ở Paris sẽ bất lợi…” [26, Q.4, tr. 10, 13]. Vậy là sau hơn 10 tháng phải ngồi tù, ngày 16/7/1915 hai ông Phan đã được trả tự do sau khi thực dân Pháp không thể tìm thấy các chứng cớ buộc tội “phản loạn”. Phan Văn Trường vì có quốc tịch Pháp nên buộc phải
trở lại đơn vị để tiếp tục thời gian quân ngũ, còn Phan Châu Trinh ông ra tù và sắp đối mặt với một cuộc sống khó khăn phía trước. Tuy hai lãnh tụ của phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp đã được bình an vô sự nhưng tổ chức yêu nước của người Việt do họ lập ra thì đã không còn giữ vững hoạt động như trước nữa.
Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường là những người đã thành lập và lãnh đạo Hội Đồng bào thân ái, chính vì vậy, vai trò của cả hai ông đối với tổ chức này là rất quan trọng.
Hội tồn tại và hoạt động đều đặn là nhờ vào uy tín và tài năng của ông Trinh và ông Trường, dù cho thực dân Pháp luôn theo dõi rất sát sao. Khi thực dân Pháp tiến hành bắt giam đối với hai ông thì hoạt động của Hội suy giảm hẳn. Còn người Pháp thì nhận định: “Hình như Hội này (Hội Đồng bào thân ái – NST) đã giải thể vào tháng 7/1914” [24, Q.4, tr. 22]; có nghĩa là Hội còn giải tán trước khi hai ông Phan bị bắt tới 2 tháng? Điều này cần được làm sáng tỏ. Chúng tôi cho rằng, có thể Hội đã suy yếu từ sau khi hai ông Phan bị bắt và vẫn còn tồn tại thêm ít nhất một thời gian nữa vì còn có những thành viên khác (như Khánh Ký cũng là một thành viên quan trọng của Hội từng giữ chức Thủ quỹ) trong Hội vẫn tự do. Sở dĩ Caron đã nhận định như vậy trong báo cáo của mình phải chăng vì khi tình hình nước Pháp thay đổi trước chiến tranh thì Hội đã chuyển sang hoạt động bí mật chăng! Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra vì cả ông Trường và ông Trinh đều ý thức được sự “quan tâm” đặc biệt của mật thám Pháp về hoạt động của hai ông và Hội. Tuy nhiên, rõ ràng hoạt động của Hội đã suy giảm rõ rệt và có lẽ cũng không tồn tại thêm được bao lâu vì ông Phan Văn Trường sau khi ra tù phải trở lại quân ngũ, còn Phan Châu Trinh thì phải vật lộn với khó khăn mới do bị cắt trợ cấp nên không thể dành nhiều thời gian cho Hội như trước.
Theo tác giả Thu Trang thì Hội Đồng bào thân ái vẫn tồn tại sau khi Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt. Tác giả này còn đưa ra một mốc thời gian cụ thể về sự tan rã của Hội nhưng rất tiếc là bà chưa dẫn ra những tài liệu cụ thể để chứng minh. Trong tác phẩm của mình bà có viết: “Việc chính quyền Pháp ra tay đàn áp hai vị lãnh đạo Hội Đồng bào thân ái là một điều tất yếu. Hội Đồng bào thân ái vì thế bị ngưng hoạt động một thời gian. Cũng theo mật báo của bọn mật thám, thì Hội đã giải tán vào năm 1916” [64, tr.
58]. Đây cũng chính là thời điểm chuẩn bị ra đời của một tổ chức yêu nước mới của những người Việt Nam tại Pháp, tổ chức sau này đã có những hoạt động mạnh mẽ đòi quyền lợi cho người dân bản xứ, đó chính là tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước.
Như vậy, đến thời điểm năm 1916 trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt tại châu Âu, chính quyền thực dân đã tiến hành những biện pháp khủng bố đối với phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp; việc này đã dẫn đến sự tan rã của Hội Đồng bào thân ái – tổ chức đầu tiên của người Việt tại Pháp. Cùng với đó, để giải quyết cho những khó khăn trong chiến tranh, chính quyền thực dân Pháp còn thi hành nhiều chính sách hà khắc để đàn áp các phong trào dân tộc, dân chủ. Đồng thời, thực dân Pháp còn huy động một lực lượng lớn những binh lính người bản xứ qua Pháp để bia đỡ đạn cho chúng. Từ đây, số lượng người Việt Nam tại Pháp tăng lên một cách nhanh chóng và cũng là lúc những nhân tố mới, những đường hướng đấu tranh mới của người Việt Nam yêu nước sẽ xuất hiện tại Pháp. Hai vị lãnh tụ họ Phan đã bị thực dân Pháp theo dõi một cách rất chặt chẽ, chính vì vậy, để tiếp tục đưa phong trào của người Việt phát triển trong thời kì mới cần có những tổ chức mới, con người mới. Sự ra đời của tổ chức Nhóm những người Việt Nam yêu nước và việc Nguyễn Tất Thành rời nước Anh qua Pháp hoạt động đã đáp ứng rất kịp thời những yêu cầu nói trên. Từ đây, một thời kì mới trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được chính thức mở ra và chính trong phong trào này đã tạo điều kiện cho các lãnh tụ của người Việt Nam yêu nước tại Pháp tìm đến với lí tưởng của cách mạng vô sản.