Hoạt động của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trong những năm đầu tiên tại Pháp

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 28 - 40)

TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”

2.1. Những hoạt động của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và sự ra đời của Hội

2.1.1. Hoạt động của Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trong những năm đầu tiên tại Pháp

Phan Văn Trường là một trong số những người Việt Nam đầu tiên qua Pháp. Ông sinh ngày 7 tháng 8 năm Bính Tý, nhằm ngày 25-9-1876. Thân phụ của Phan Văn Trường là Phan Anh Nhân (còn gọi Phan Anh Kiệt hay Phan Duy Kiệt), tự Quý Tuấn, sinh ngày 21 tháng 3 năm Canh Dần (17-4-1830), mất ngày 25 tháng 2 năm Quý Mão (23-3-1903); thân mẫu là Phạm Thị Nghiêm, sinh năm Đinh Dậu (1837), mất ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Sửu (30-10-1877). Bà Nghiêm là vợ thứ của ông Nhân (bà vợ cả không có con). Hai ông bà sinh được 9 người con, Phan Văn Trường là con trai thứ 5 trong gia đình [45, tr. 18, 19]. Từ nhỏ Phan Văn Trường đã được học chữ Hán, rồi sau đó học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.

Ông nổi tiếng thông minh và chăm học – những đức tính quý báu của gia tộc họ Phan ở làng Đông Ngạc. Sau khi tốt nghiệp trường Thông ngôn ở Hà Nội, ông có làm thông ngôn ở văn phòng Phủ Thống sứ Bắc Kỳ một thời gian.

Trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, tại Hà Nội các sĩ phu đã thành lập ngôi trường kiểu mới để giáo dục tinh thần dân tộc cho học trò vào năm 1907, đó là trường Đông Kinh Nghĩa thục. Ba anh em họ Phan là Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên và Phan Văn Trường đã tham gia rất tích cực, họ đã thành lập một lớp học kiểu mới tại xóm Ngõ Trung

(một xóm của làng Đông Ngạc). Hoạt động của trường Đông Kinh Nghĩa thục đã gây dựng được một phong trào đổi mới trong nhiều lĩnh vực mà xuất phát điểm là từ giáo dục. Đông Kinh Nghĩa thục nằm trong phong trào Duy tân và hẹp hơn là trong dòng giáo dục yêu nước cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Những học sinh dưới mái trường Đông Kinh trước hết được đào tạo để trở thành những người yêu nước chân chính. Mục tiêu của trường là cung cấp cho người học những kiến thức sinh động về cuộc sống, gắn việc học tập với thực nghiệp, trực tiếp tham gia cải tạo xã hội. "Trường sẽ dạy Việt văn, Hán văn, Pháp văn. Ban Tiểu học chuyên dạy Việt văn, lên Trung học mới dạy Hán văn và Pháp văn. Chương trình thì bỏ lối từ chương khoa cử mà chú trọng vào thường thức, thực nghiệp" [31, tr. 50].

Đông Kinh Nghĩa thục hoạt động trên danh nghĩa hợp pháp vì có sự cho phép của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam. Tuy vậy, thực chất hoạt động của ngôi trường này là một cuộc vận động chính trị, chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ trong thời đại mới [52, tr. 638]. Trong phạm vi hoạt động của mình, Đông Kinh Nghĩa thục đã có những đóng góp cho việc xây dựng một nền giáo dục yêu nước, canh tân, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức dân tộc của nhân dân. Vì vậy, chính quyền thực dân Pháp xem đây là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ” [15, tr. 234] và chúng đã đóng cửa trường sau 10 tháng hoạt động. Năm 1908, nhân có cuộc chống thuế của nhân dân các tỉnh Trung Kỳ (từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1908) và tại Hà Nội có vụ đầu độc binh lính Pháp (27-6-1908), thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố các phong trào yêu nước, chúng cho bắt giam những người đã từng tham gia các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục nhằm dập tắt các phong trào của nhân dân ta. Cùng bị bắt với các lãnh tụ của trường Đông Kinh Nghĩa thục có ba anh em họ Phan ở Đông Ngạc. Tuy vậy, sau một thời gian giam giữ mà không tìm ra được chứng cớ buộc tội, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho cụ Lương Văn Can và một số người khác, trong đó có cả ba anh em Phan Văn Trường.

Thoát khỏi ách tù đày của thực dân Pháp tại Việt Nam, Phan Văn Trường đã chọn cho mình một hướng đi riêng để “khỏi phải chứng kiến những cảnh đau lòng trong đời sống ở thuộc địa”, đó là xin sang Pháp. Theo ghi chép của Phan Văn Trường trong tập hồi kí của mình mang tên Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, ông đã khẳng định “Tôi đến Pháp vào cuối năm 1908” [45, tr. 25]. Như vậy, ông Phan Văn Trường đã đến Pháp sớm hơn so với nhận định của một số tác giả là “Phan Văn Trường đã đến Paris từ năm 1910” [64, tr. 56]. Thời điểm ông qua Pháp đã được bà Lê

Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) nêu một cách cụ thể trên cơ sở tham khảo tập hồ sơ SLOTFOM/XV/3 về Phan Văn Trường như sau: “Quyết định của Toàn quyền (Đông Dương) cử Phan Văn Trường làm phụ giảng tiếng Việt ở trường Ngôn ngữ phương Đông, ký ngày 8-11-1908 tại Hà Nội, có quy định mức lương 3000 frs/năm lấy vào ngân sách Đông Dương. Nhận việc đầu 1909 tại trường (số 1 đường Lille, Paris)…” [26, tr. 116].

Điểm dừng chân đầu tiên của ông tại Pháp là Marseille, trong cuốn hồi kí của mình ông đã thuật lại quãng thời gian đó như sau: “Tôi đến Marseille, hai hôm sau lên Paris và sống ở đây cho đến chiến tranh 1914-1918. Trong ba năm đầu, thời gian của tôi chia làm hai: một phần thời gian làm giảng viên ôn tập môn tiếng Việt tại Trường ngôn ngữ phương Đông, phần còn lại theo học – không được đều đặn – vài môn học ở Trường đại học luật khoa. Tôi cũng dùng thì giờ rảnh rỗi đi thăm các kỳ quan của thủ đô Pháp” [45, tr. 26].

Phan Văn Trường hiểu rõ giá trị của tri thức vì bản thân ông là một người xuất thân trong gia đình trí thức lại rất thông minh và ham học hỏi, do vậy qua Pháp cũng là con đường để ông có thể nhanh chóng tiếp thu tri thức tiên tiến của nhân loại. Trong thời gian học luật ông còn “đồng thời học cả văn chương. Môn nào ông cũng học say mê nên chỉ trong vài năm ông vừa đỗ cử nhân luật khoa vừa đỗ cử nhân văn khoa. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục học trình tiến sĩ luật khoa” [45, tr. 26]. Tuy nhiên, việc học tiếp chương trình tiến sĩ của ông gặp phải trở ngại bởi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và ông phải nhập ngũ vì mang quốc tịch Pháp rồi sau đó bị bắt cùng thời điểm với Phan Châu Trinh vì nghi làm gián điệp cho Đức. Mặc dù vậy, khi được trả tự do và chiến tranh chấm dứt ông lại tiếp tục việc học và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật khoa với đề tài Lược khảo về bộ luật Gia Long và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ luật.

Những thành quả trên đã phần nào nói lên ý chí và trí tuệ hơn người của Phan Văn Trường mà không phải ai cũng có được, đặc biệt là trong hoàn cảnh phải sống nơi đất khách quê người như ông.

Về việc Phan Văn Trường nhập quốc tịch Pháp, tư liệu của bà Lê Thị Kinh cho biết:

Phan Văn Trường “xin vào quốc tịch Pháp và được chấp nhận theo nghị định ngày 18-3- 1911” [26, tr. 116]. Vấn đề cần lưu ý trong việc này là ông Phan Văn Trường nhập quốc tịch Pháp nhằm mục đích gì? Chúng ta biết rằng, Phan Văn Trường là một trong những người vừa tinh thông Hán học lại được đào tạo khá bài bản theo Tây học; hơn nữa ông đã từng bị bắt vì tham gia Đông Kinh Nghĩa thục, do đó mỗi việc làm ông chắc chắn đều có sự tính

toán kĩ lưỡng. Việc ông theo học ngành luật là bởi ông nhận thấy ở lĩnh vực này những thế mạnh có thể phục vụ cho quá trình đấu tranh trong tương lai. Quả thực, những kiến thức về luật pháp sau này đã Phan Văn Trường và các đồng bào của ông rất nhiều trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Từ đó có thể nhận định rằng, việc Phan Văn Trường nhập quốc tịch Pháp chắc hẳn không nằm ngoài mục đích phục vụ cho công cuộc đấu tranh sau này. Tác giả Nguyễn Thành khi đề cập đến vấn đề này đã có nhận định: “Phan Văn Trường nhập quốc tịch Pháp chắc hẳn để tranh thủ những quyền lợi mà chính quyền Pháp chỉ dành riêng cho những người có Pháp tịch” [55, tr. 35]. Mặc dù nhập quốc tịch Pháp nhưng ở Phan Văn Trường vẫn biểu hiện những đức tính, cốt cách của người Việt và ông đã cống hiến hết mình cho quê hương Việt Nam. Ông nhập quốc tịch Pháp để dễ dàng hoạt động hơn trên đất Pháp vì hơn ai hết, ông “hiểu rõ giá trị to lớn của tấm lá chắn quốc tịch Pháp” và lại là người luôn mang hoài bão cứu nước, giúp dân; vì rằng “người công dân Pháp này thực chất là một nhà cách mạng lớn của Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn và nhiều dự định hoạt động cho đất nước” [64, tr. 47].

Người xưa thường nói rằng “an cư lạc nghiệp”, muốn làm nên sự nghiệp trước hết phải chọn được một nơi định cư phù hợp và ổn định đã. Chính từ xuất phát điểm đó, Phan Văn Trường chắc hẳn đã lựa chọn và từ năm 1910, ông đã thuê một căn hộ trong nhà số 6 Villa des Gobelins để ở. Tại căn nhà này, ông đã lần lượt đón tiếp các nhà yêu nước và đồng bào người Việt Nam lui tới thăm hoặc trú ngụ để cùng bàn định về công cuộc đấu tranh cứu nước giải phóng dân tộc. Một trong những người sớm nhất đến với Phan Văn Trường trong căn nhà này đó chính là nhà chí sĩ Phan Châu Trinh – người sẽ cùng ông thành lập một tổ chức yêu nước đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp.

Phan Châu Trinh tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh vào tháng 8 năm Nhâm Thân (9-9-1872), quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (trước là huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình) thuộc tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ông mất ngày 24-3-1926 tại Sài Gòn.

Phan Châu Trinh xuất thân trong một gia đình vọng tộc. Theo Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) - người bạn đồng huyện, đồng khoa và gắn bó nhất với Phan Châu Trinh - trong tác phẩm Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử thì “ông bà tổ (gọi là ông Điều, bà Điều) nhà giàu mà tánh hào phóng, thường hay giúp kẻ nghèo khó, có tiếng nhân đức xa gần đều biết”

[26, tr. 17]. Thân phụ Phan Châu Trinh là ông Phan Văn Bình, thân mẫu là bà Lê Thị Chung (bà Chung mất năm 1880, khi Phan Châu Trinh mới 8 tuổi). Ông Phan Văn Bình nguyên là học trò thi cử không đỗ đạt, mua hàm bá hộ, sau vào quân, được thăng đến chức Quản cơ sơn phòng. Phan Châu Trinh có hai anh trai và ba em gái.

Thời thơ ấu của Phan Châu Trinh trôi qua trong cảnh thực dân Pháp từng bước xâm lược và đặt ách thống trị lên đất nước ta. Lúc nhỏ, Phan học vỡ lòng với mẹ. Năm Phan lên 8 tuổi thì mẹ mất, ông Phan Văn Bình lại bận việc quân, nên Phan theo học với một ông thầy đồ trong làng. Phan “ít chăm học, chỉ thích câu cá, bẫy chim, nghe kể chuyện và đánh nhau” [34, tr. 20].

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn và hạ chiếu Cần Vương, phong trào chống Pháp của văn thân Bắc-Trung kỳ bùng lên mạnh mẽ. Ở Quảng Nam, phong trào do tiến sĩ Trần Văn Dư và phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Phan Văn Bình đã tham gia nghĩa quân, giữ chức chuyển vận sứ (phụ trách vận chuyển lương thực). Phan Châu Trinh bỏ học để đi theo cha, thường săn bắn trong núi và tập bắn cung, cưỡi ngựa. Năm 1887, phong trào Cần Vương ở Quảng Nam tan rã. Cũng trong năm này, ông Phan Văn Bình bị kẻ có tư thù với ông hại chết3TP2F∗P3T[70, tr. 28, 29]. Biến cố đau thương này chắc hẳn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình cũng như bản thân Phan Châu Trinh. Về sự kiện này, nhiều nhà nghiên cứu đã có những đánh giá khác nhau, trong đó nhận định của giáo sư Huỳnh Lý dưới đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm, ông cho rằng:

“Dưới con mắt của Phan Châu Trinh, cuộc bạo động của Nghĩa hội trong tình trạng tương quan lực lượng quá chênh lệch và trình độ nhân dân còn hạn chế đã không đem lại kết quả thiết thực mà chỉ gây chết chóc, lại bày cảnh tượng tương tàn tương hại, đầu hàng khai báo nhục nhã. Có lẽ cái ấn tượng ấy chi phối tư tưởng ông Phan, khiến sau này, ông nói nhiều đến cái hại của bạo động non, bạo động khi chưa đủ trình độ mà ít nghĩ đến những kinh nghiệm, những bài học rút ra từ bạo động, dù là bạo động không thành công…” [34, tr.

24].

Sau khi ông Phan Văn Bình mất, gia đình Phan Châu Trinh lâm vào cảnh sa sút nặng nề. Song, nhờ sự lo liệu của người anh cả Phan Văn Cừ, mọi việc dần ổn định và Phan Châu

∗Về cái chết của ông Phan Văn Bình, ghi chép của các tài liệu không thống nhất. Theo Nguyễn Văn Xuân, ông Bình bị Nguyễn Duy Hiệu-thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Quảng Nam-giết oan.

Trinh được tiếp tục học tập. Năm 20 tuổi (1892), ông Phan kết bạn với Huỳnh Hanh (sau đổi thành Huỳnh Thúc Kháng). Năm hai mươi hai tuổi, Phan Châu Trinh thi hương lần đầu, vào trường nhì. Năm hai mươi lăm tuổi, ông thi lần hai và vào trường ba. Năm 1898, ông xin vào học trường tỉnh do Đốc học Trần Đình Phong trông coi và giảng dạy. Được Đốc học mến tài, ông Phan được xét vào ngạch học sinh (tức là học trò giỏi được cấp học bổng).

Cũng trong thời gian này, ông Phan kết giao với Nguyễn Đình Hiến và Trần Quý Cáp.

Những bạn đồng môn với Phan Châu Trinh đều cho rằng ông Phan “học ít, hiểu nhiều, đọc sách có con mắt riêng, làm văn tạo xuất cách mới, không làm lối tìm câu bắt chữ, vẽ bóng pha màu… đã giỏi lại có tài lanh lợi tháo vát, hết lòng giúp đỡ anh em nên được anh em kính nể, mến phục, coi như bậc đàn anh” [34, tr. 27].

Năm Phan Châu Trinh 24 tuổi (1896), ông thành hôn với bà Lê Thị Tỵ (1877-1915).

Sang năm sau (1897) thì người con trai đầu lòng của ông bà ra đời (tức Phan Châu Dật, người đã cùng sang Pháp với ông năm 1911).

Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ thứ ba trong kỳ thi hương (cùng khoa với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng). Năm 1901, ông thi hội và đỗ phó bảng (khoa này Ngô Đức Kế đỗ tiến sĩ, Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng). Năm 1902, Phan Châu Trinh nhận chức Thừa biện Bộ Lễ nhưng ông xin về quê một thời gian vì phải chịu tang anh cả là Phan Văn Cừ.

Năm 1903, ông trở lại Huế để làm quan, nhưng như nhận xét của những người bạn thân, ông Phan là người“tính tình cứng cỏi, ngay thẳng, không thích làm quan, không tham danh lợi”

[64, tr. 21]. Trong thời gian làm Thừa biện Bộ Lễ ở Huế, ông đã tỏ ra chán ghét triều đình phong kiến tay sai và ưu tư trước thời cuộc. Tiếng là người của Bộ Lễ, nhưng ông thường đi câu cá, đánh bẫy chim… chứ ít chịu đến nơi làm việc. Vị Thượng thư Bộ Lễ đã phải thốt lên: “Bộ tôi có một anh Thừa biện mà cả năm tôi không thấy mặt!” [34, tr. 31].

Tại Huế (khoảng năm 1904), Phan Châu Trinh đã gặp gỡ và kết giao bằng hữu với Phan Bội Châu. Qua trò chuyện, ông rất cảm kích chí hướng cứu nước của vị sĩ phu xứ Nghệ nhưng không mấy đồng tình với việc dương cao ngọn cờ quân chủ và chủ trương bạo động của Phan Bội Châu. Cũng tại Huế, ông có điều kiện tiếp xúc với các bậc tân học hoặc có tư tưởng canh tân như Đào Nguyên Phổ, Vũ Phạm Hàm…, được đọc Thiên hạ đại thế luậncủa Nguyễn Lộ Trạch và các tân thư, tân văn từ Trung Quốc truyền sang. Nhờ đó, ông biết rõ hơn về tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, tư tưởng dân quyền

của Rousseau, Montesquier, cuộc duy tân ở Nhật Bản… Các tân thư, tân vănđã giúp Phan Châu Trinh (cũng như các bạn hữu của ông) mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài, về tư tưởng dân quyền, dân chủ tiến bộ… Ông nhận thức rõ hơn rằng phải có sự đổi mới về văn hóa, xã hội thì mới đưa dân tộc thoát khỏi tình cảnh khổ nhục như hiện tại.

Năm 1904, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đỗ tiến sĩ nhưng cả hai ông đều tìm cớ từ chối sự bổ nhiệm của triều đình. Cũng trong năm này, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đã gặp Phan Bội Châu tại nhà Tiểu La Nguyễn Hàm. Khoảng gần cuối năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan để dốc tâm lực vào cuộc vận động duy tân cứu nước.

Từ năm 1905 đến 1908, cùng với các đồng chí của mình như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… Phan Châu Trinh đã phát động phong trào Duy Tân với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Về chính trị, khác với tôn chỉ đánh đổ thực dân Pháp bằng bạo động của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đưa ra sách lược ôn hòa “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”.

Tháng 2/1905, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng thực hiện chuyến Nam du để biết thêm nhân tâm sĩ khí và tìm bạn đồng tâm, mở rộng phong trào (duy tân). Đến Bình Định, gặp lúc các quan tỉnh đang mở kỳ thi khảo hạch, ba ông đã ngầm đi vào trường và làm một bài thơ nhan đề là Chí thành thông thánh, một bài phú nhan đề là Lương ngọc danh sơn. Cả hai bài đều kí tên Đào Mộng Giác. Nội dung của bài thơ và bài phú là phê phán các sĩ phu mãi say sưa trong giấc mộng khoa cử phong kiến, vốn đã quá lạc hậu và bảo thủ, mà không để tâm đến nỗi nhục mất nước. Hành động của ba ông đã gây được tiếng vang lớn trong giới sĩ phu ở Bình Định thời bấy giờ. Sau đó, các ông tiếp tục đi về phía Nam, điểm dừng chân cuối cùng là Phan Thiết.

Năm 1906, Phan Châu Trinh ra Bắc. Tại Hà Nội, ông đã gặp Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành. Ông cũng vào Nghệ An gặp Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn; lên Phồn Xương gặp Đề Thám rồi quay về Quảng Nam. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Lý Tuệ, Phan Châu Trinh xuất dương sang Hương Cảng. Từ Hương Cảng, ông đến Quảng Đông và gặp Phan Bội Châu tại nhà Lưu Vĩnh Phúc. Kế tiếp, ông cùng Phan Bội Châu và Cường Để sang Nhật (theo Niên biểu, các ông đến Nhật vào trung tuần tháng 3 [Âl], tức khoảng tháng

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 28 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)