Sự ra đời của tổ chức Hội Đồng bào thân ái

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 40 - 43)

TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”

2.1. Những hoạt động của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và sự ra đời của Hội

2.1.2. Sự ra đời của tổ chức Hội Đồng bào thân ái

Về thời gian Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường gặp nhau tại Paris có một số điểm cần lưu ý như sau: Thứ nhất, các nhà nghiên cứu chưa thực sự thống nhất về thời điểm hai ông gặp nhau tại Pháp (cuối năm 1911 hay đầu năm 1912)?; thứ hai, có hay không việc Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã từng quen biết nhau khi còn ở trong nước và đặc biệt là cả hai đều từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục? Chúng tôi sẽ lần lượt làm rõ từng vấn đề trên bằng những tư liệu có liên quan đến hai nhà yêu nước họ Phan trong thời gian này.

Phan Văn Trường qua Pháp trước Phan Châu Trinh, ông đã cơ bản ổn định được cuộc sống của mình sau khi đã lấy bằng cử nhân luật, nhập quốc tịch Pháp năm 1911 và trước đó đã thuê một căn hộ trong nhà số 6 Villa des Gobelins. Những thuận lợi trên của

Phan Văn Trường cho phép ông có thể giúp đỡ những đồng bào khác khi họ mới đến Paris mà Phan Châu Trinh dù được chính quyền thuộc địa đài thọ cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ về thời gian Phan Văn Trường đã tìm đến với Phan Châu Trinh để từ đó có cơ sở khẳng định việc hai nhà yêu nước đã bàn bạc và đi đến quyết định thành lập tổ chức Hội Đồng bào thân ái như thế nào. Đề cập đến sự kiện này hai tác giả Thu Trang và Lê Thị Kinh trong các tác phẩm của mình đều có chung nhận định rằng Phan Văn Trường sớm đến với Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, cả hai tác giả trên không đưa ra thời điểm cụ thể mà chỉ dẫn ra một đoạn trích trong bức thư của J. Fourès gửi cho Sarraut vào ngày 30-12-1911. Theo nội dung bức thư đó có đoạn: “Bốn tháng qua Phan Châu Trinh khỏe mạnh, sống yên ổn và ẩn dật ở 78 Assas, rất ít đi ra ngoài và gặp rất ít đồng hương.

Phan Văn Trường, cử nhân luật, phụ giảng tiếng Việt ở trường Ngôn Ngữ Phương Đông gặp ông nhiều hơn cả. Đôi khi Phan Châu Trinh đến thăm Trường. Thỉnh thoảng họ cùng đến tiệm ăn Tàu ở đường Cardinal Lemoine…” [64, tr. 48].

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, nếu như theo nội dung trích dẫn từ thư của J.Fourès gửi Sarraut thì hai cụ Phan đã gặp nhau “từ rất sớm” đúng như hai tác giả mà chúng tôi đã nêu trên. Vì rằng bức thư đề ngày 30-12-1911 mà nội dung bức thư là báo cáo tình hình của Phan Châu Trinh trong “bốn tháng qua”, nghĩa là 4 tháng trước 30-12-1911.

Do đó, việc Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã gặp nhau trong thời gian cuối năm 1911 là hoàn toàn có cơ sở. Mặc dù vậy, chúng tôi thấy không nên vội vàng kết luận khi vẫn còn có những tư liệu khác có thể tham khảo để làm rõ vấn đề này. Trong tác phẩm Luật sư Phan Văn Trường của các tác giả Nguyễn Phan Quang và Phan Văn Hoàng đã đưa ra một sự kiện chúng tôi thấy cần dẫn ra đây để làm rõ vấn đề trên. Trong chương bốn viết về mối quan hệ giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, các tác giả đã đưa ra một sự kiện về sự gặp gỡ giữa hai cụ Phan tại Pháp. Cụ thể là: “Trong cuốn La Vérité sur L’Indochine (Sự thật về Đông Dương) viết khoảng cuối năm 1923 (khi Phan Châu Trinh còn sống), Phan Văn Trường đã dành hẳn chương X để viết về “Nhà nho Phan Châu Trinh và nỗi thống khổ của ông” (Ông Trường đã cho biết – NST): “Tôi chưa từng gặp ông ở trong nước. Tôi chỉ mới quen ông tại Paris năm 1912” [45, tr. 55]. Như vậy, phải chăng hai tác giả Lê Thị Kinh và Thu Trang đã nhầm lẫn? Hoặc báo cáo của tên J. Fourès có gì không đúng chăng?

Theo như ghi nhận của ông Phan Văn Trường trong tác phẩm của mình, ông và ông Phan Châu Trinh đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1912 và trước đó chưa hề gặp nhau ở

trong nước. Nhưng tác phẩm Sự thật về Đông Dương lại được ông Trường viết vào năm 1923 tức sau sự kiện gặp gỡ hơn 10 năm. Vậy liệu có sự nhầm lẫn nào đó xảy ra trong việc này không? Chúng tôi cho rằng rất có thể có sự nhầm lẫn dù rằng ông Trường là một người rất thông minh và là một tiến sĩ luật nhưng vì viết lại sự kiện đã diễn ra cách đó hơn mười năm nên có thể sẽ nhầm lẫn đôi chút. Còn đối với bức thư của J. Fourès, hẳn y không giám báo cáo sai sự thật cho cấp trên của mình. Chúng tôi nghĩ rằng, có lẽ hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã gặp nhau vào cuối năm 1911 như báo cáo của Fourès nhưng vì lí do nào đó ông Trường khi đề cập đến sự kiện này đã ghi là vào năm 1912. Một chi tiết nữa cũng rất đáng lưu ý, đó là sự ra đời của tổ chức Hội Đồng bào thân ái vào ngày 18-1- 1912. Hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh chính là những người khai sinh tổ chức này, cho nên để đi đến việc thành lập Hội ít nhất phải có một quá trình bàn bạc của hai ông Phan cũng như những người thân cận từ trước đó. Chính vì vậy, dù chưa có được nguồn tư liệu ghi chính xác nhưng chúng tôi vẫn nghiêng về khả năng hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã gặp nhau từ cuối năm 1911 tại Paris.

Sự gặp gỡ giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh là một sự kiện quan trọng cho cả cá nhân hai ông và cho phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp nói chung. Bởi từ cuộc gặp gỡ này đã đưa đến sự ra đời một tổ chức của người Việt Nam yêu nước tại Pháp – Hội Đồng bào thân ái ra đời ngày 18-1-1912.

Sau khi gặp gỡ Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã thường xuyên qua lại thăm hỏi lẫn nhau rất thân mật, thậm chí họ còn đưa nhau đến những tiệm ăn Tàu để có dịp trò chuyện. Để tiện cho cả hai, Phan Văn Trường đã mời Phan Châu Trinh về ở chung ngôi nhà thuê tại số 6 Villa des Gobelins, quận 13, Paris. Tại đây, hai nhà chí sĩ đã bàn bạc và khai sinh tổ chức yêu nước Hội Đồng bào thân ái để quy tụ những đồng bào người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Pháp. Đây là tổ chức yêu nước đầu tiên của người Việt Nam tại Pháp được thành lập không lâu sau khi hai nhà chí sĩ họ Phan gặp nhau tại Paris và nó được tổ chức khá quy củ.

Hội Đồng bào thân áiđã ra mắt ngày 18-1-1912 tại trường Parangon nơi có đông đảo học sinh, sinh viên Việt Nam theo học. Tại buổi lễ ra mắt Hội, ba ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và ông Jules Roux đã phát biểu. Trong bài phát biểu của mình, Phan Châu Trinh đã nêu rõ lí do lập Hội và công khai nội dung, mục đích hoạt động của Hội:

“Dù người Pháp đã tỏ ra tốt hoặc làm điều tốt cho chúng ta, lòng dạ họ vẫn thờ ơ vì đó chỉ là giả dối bề ngoài mà thôi. Chúng ta ở bên này phải thương yêu nhau như ruột thịt.

Phải tỏ cho người Pháp thấy chúng ta có lòng yêu nước. Muốn vậy tôi mong lập ra một cái hội để cho mọi đồng bào ta ở bên Pháp này đều tham gia…

Hội thay mặt cho cha mẹ các bạn trẻ đang sống ở Pháp, Hội cũng đại diện cho Đông Dương. Hội theo dõi chu đáo các tai nạn và hiểm nguy có thể xảy ra với chúng ta. Khi có người đau ốm Hội sẽ cử người đến thăm nom. Hội lo cho chúng ta từ việc lớn đến việc nhỏ.

Hội còn có gắng gìn giữ phong tục truyền thống người Nam. Ví dụ: những ngày tết sẽ tổ chức lễ hội tại Paris với sự tham gia của mọi người.

Trụ sở Hội ở Paris. Sẽ có họp hành đều đặn để mọi người biết công việc đã được thực hiện… Nếu có tai nạn gì phải báo cáo ngay cho chủ tịch Hội” [26, tr. 135].

Ngày 18-1-1912 đã đánh dấu sự ra đời của tổ chức yêu nước đầu tiên của người Việt Nam tại Pháp với tên gọi Hội Đồng bào thân ái. Trong đó, Phan Văn Trường với trình độ học vấn và uy tín lớn cộng với kinh nghiệm sống tại Pháp nhiều năm đã được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội, ông Khánh Ký được giao làm Thủ quỹ. Mục đích của Hội đã được nêu trong bài phát biểu của Phan Châu Trinh ngày ra mắt. Theo đó, Hội chú trọng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, học tập, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật và tiếng mẹ đẻ.

Mong muốn của Hội có lẽ không nằm ngoài việc làm một chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho những người Việt Nam trên đất Pháp. Mặc dù vậy, Hội vẫn được tổ chức khá chu đáo và kĩ lưỡng chứng tỏ các nhà yêu nước Việt Nam tại Pháp đã đặt không ít những kì vọng vào tổ chức này.

Một phần của tài liệu hoạt động của người việt nam yêu nước tại pháp (1912 – 1925) (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)