TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920 – 1925
4.3. Những hoạt động của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền tại Pháp trong thời gian 1920 – 1925
4.3.1. Hoạt động của Nguyễn An Ninh những năm hai mươi tại Pháp
Nguyễn An Ninh sinh ngày 15.9.1900 tại quê ngoại, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An), sau ngụ tại ấp Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Cha ông là Nguyễn An Khương, một trí thức Nho học yêu nước từng tham gia phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo. Từ
nhỏ, Nguyễn An Ninh đã được cha giáo dục lòng yêu nước và kèm học Hán văn. Sau đó, ông đã theo học bậc phổ thông tại các trường học Pháp - Việt ở Nam Kỳ.
Năm 16 tuổi, ông được gia đình gửi ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Y - Dược. Sau khi học được nửa năm, Nguyễn An Ninh quyết định chuyển sang học ngành Luật tại Trường Cao đẳng Pháp chính thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1918, ông sang Paris (Pháp), tiếp tục học đại học ngành luật tại Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne. Hai năm sau, ông đã hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc, lúc bấy giờ Nguyễn An Ninh tròn 20 tuổi. Đối với một người bản xứ ở vào độ tuổi của Nguyễn An Ninh lúc bấy giờ, nhận được bằng cử nhân Luật hạng xuất sắc quả là một thành tích không phải ai cũng có thể đạt được. Điều đó cho thấy Nguyễn An Ninh là một người rất thông minh, ham học và kiên trì để đi đến thành công vào lúc tuổi đời còn rất trẻ.
Trong thời gian ở Pháp (không lâu, chỉ từ năm 1918 đến tháng 10 năm 1922), ngoài việc học tập, Nguyễn An Ninh cũng đã tham gia vào phong trào của những người Việt Nam yêu nước. Điều này là lẽ đương nhiên, bởi chúng ta biết, từ những năm trước chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được các nhà yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường nhen nhóm. Lúc đó, những du học sinh người Việt trong trường Parangon đã vượt qua sự kiềm tỏa của người Pháp để đến với phong trào. Từ đó, các tổ chức yêu nước đã lần lượt ra đời và hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Nguyễn An Ninh đến Pháp trong thời điểm Nhóm những người Việt Nam yêu nước đã hình thành và hoạt động mạnh mẽ, thu hút được sự tham gia của đông đảo đồng bào người Việt, chắc hẳn anh không thể đứng ngoài cuộc.
Tuy nhiên, nếu việc Nguyễn An Ninh tham gia vào phong trào có lẽ không cần phải bàn cãi, thì mức độ tham gia và đóng góp của Nguyễn An Ninh vào phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp lúc bấy giờ ra sao lại cần được chú ý. Đây đó đã có những ghi nhận về sự tham gia của Nguyễn An Ninh vào phong trào của người Việt Nam yêu nước, chúng tôi xin trích dẫn như sau:
Tác giả Phạm Hồng Tung, trong một bài viết được đăng trên website của trường Đại học Quốc gia Hà Nội với nhan đề “Nguyễn An Ninh - nhà văn hóa, lãnh tụ lớn của phong trào yêu nước Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945”đã nhận định rằng:
“Nguyễn An Ninh bắt đầu tham gia và hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp. Ông tham gia "Nhóm ngũ long" (gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh). Trong nhóm, ông được Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường rất tin cậy, quý mến. Ông là bạn và là người cộng sự đắc lực của Nguyễn Ái Quốc, cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria. Ngoài ra, Nguyễn An Ninh còn dành thời gian nghiên cứu các học thuyết cách mạng trên thế giới.
Ông cũng kết giao rộng rãi với các nhà hoạt động cánh tả, cộng sản ở Pháp và một số nước khác ở châu Âu” [76]3T.
Có lẽ nhận định trên của tác giả Phạm Hồng Tung xuất phát từ nhận định của Nguyễn An Tịnh – con trai của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trong cuốn sách viết về cha mình có viết: “Nguyễn An Ninh sang Pháp năm 1917 (thực ra là năm 1918-NST), ở nhà số 6 Villa des Gobelins, Nguyễn An Ninh có dịp tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Truyền (Nguyễn Thế Truyền-NST)… hình thành năm nhà trí thức yêu nước lớn mà Việt kiều yêu nước tại Pháp tặng cho danh hiệu biểu tượng của nhóm là “Ngũ long” [55, tr. 148].
Nguyễn An Tịnh có lẽ đã tham khảo người đầu tiên đã “sáng tạo” tên gọi “nhóm Ngũ long”
là Hồ Hữu Tường trong tác phẩm “41 năm làm báo”. Trong đó, tác giả nhắc đến 5 nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Ngoài ra, nhiều tác giả khác khi đề cập đến hoạt động của các nhà yêu nước nêu trên trong thời gian ở Pháp cũng đã đề cập đến danh xưng chung này và xem đó là một phát hiện lí thú.
Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Thành trong bài viết nhan đề “Có “nhóm Ngũ long” ở Pháp hay không?” đã kịch kiệt phản đối về danh xưng này. Sau khi phân tích cụ thể về năm ra đời, thành phần của Nhóm với những dẫn chứng cụ thể, tác giả đã đi đến kết luận: “Đã không có thành lập thì không có giải thể, tan rã là điều dễ hiểu, không có nhóm Ngũ long đương nhiên không có chuyện Nguyễn Tất Thành là thành viên, không có chuyện hoạt động của nhóm và không có linh hồn là Phan Châu Trinh” [55, tr. 153]. Rõ ràng, việc đưa ra một danh xưng chung để rồi gom tất cả các nhà yêu nước lúc bấy giờ vào thành một nhóm là thiếu căn cứ về tư liệu lịch sự. Chúng tôi đã phân tích về hoạt động cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh trong khoảng thời gian từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Nguyễn Ái Quốc rời Paris sang Liên Xô (13/6/1923) và Phan Văn
Trường về nước cuối năm 1923 căn cứ vào các nguồn tư liệu thì rõ ràng không có “nhóm Ngũ long” nào cả. Thực tế còn chứng minh trong giai đoạn này đã có sự chia rẽ trong hoạt động của nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp khi mà Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc ít khi hoạt động chung với nhau, nhất là từ năm 1920 trở đi. Các tư liệu thư khố Pháp được các tác giả Nguyễn Phan Quang, Phan Văn Hoàng, Thu Trang và Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) sưa tầm cũng hoàn toàn không đề cập đến danh xưng
“nhóm Ngũ long”.
Như vậy, hoạt động của Nguyễn An Ninh trong phong trào người Việt Nam yêu nước lúc ở Pháp chắc hẳn chưa đến mức độ mà một số tác giả đã đề cập như: tích cực hoạt động bên cạnh Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc và đã cùng tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria,… Đối với các tác phẩm của ông Nguyễn An Tịnh và bà Nguyễn Thị Minh (dựa trên những nguồn tư liệu của gia đình), chúng tôi nghĩ rằng rất cần có thêm thời gian và nguồn tư liệu để kiểm chứng, xác thực. Từ đó, đưa ra những nhận định khách quan, trung thực về thời gian hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh trong thời gian ở Pháp.
Chúng tôi xin mạnh dạn dựa trên các nguồn tư liệu đã có đưa ra suy luận của mình về vấn đề này như sau: Nguyễn An Ninh chắc hẳn đã nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động của Nhóm những người Việt Nam yêu nướctrong thời gian ở Pháp. Đặc biệt, ông có thể đã tham gia trong các hoạt động như in ấn và phổ biến “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam”; phân phát hoặc bán báo Le Paria trong thời gian từ tháng 4/1922 đến khi về nước tháng 10/1922.
Sau đó, Nguyễn An Ninh còn trở lại Pháp một số lần khác và đã cùng về Việt Nam với các nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Nguyễn Thế Truyền. Đó là hai hoạt động cần huy động rất nhiều người cùng tham gia để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những suy luận của chúng tôi, rất cần có tư liệu để kiểm chứng kĩ lưỡng. Chúng tôi xin được gác lại vấn đề này vì thời gian và tư liệu chưa cho phép, nếu có dịp sẽ trình bày rõ hơn.