TRONG TỔ CHỨC “HỘI ĐỒNG BÀO THÂN ÁI”
2.2. Nội dung hoạt động của Hội
2.2.1. Điều lệ của Hội
Trong các tổ chức dạng hội, đảng để bảo đảm cho hoạt động của tổ chức mình luôn đi đúng theo tôn chỉ và mục đích thành lập, người ta thường xây dựng những bản điều lệ riêng để những người tham gia tuân theo. Hội Đồng bào thân ái cũng vậy, trong khi tiến hành thành lập Hội, những người sáng lập đã đề ra bản điều lệ hoạt động nêu rõ tôn chỉ, mục đích và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội. Thông qua bản điều lệ này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mục đích hoạt động của hội, quy tắc kết nạp (khai trừ) hội viên, vấn đề tài chính, cơ cấu tổ chức… mà trước đây chưa từng được biết đến khi các nhà nghiên cứu đề cập đến tổ chức này.
Trong điều khoản đầu tiên về “thành lập hội” đã nêu rõ tên gọi và địa điểm đặt trụ sở của Hội. Theo đó, Hội là một tổ chức của người nước Nam và có tên gọi “Hội Đồng bào thân ái”, trụ sở sẽ tạm thời đặt tại nhà của vị chủ tịch (tức nhà ông Phan Văn Trường thuê).
Điều lệ cũng quy định rõ về việc sau này có thể sẽ thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Hội nếu Hội đồng quyết định.
Nội dung lớn thứ hai trong “điều lệ” là quy định về mục đích hoạt động của Hội.
Theo đó, mục đích chính chủ yếu của hội gồm có ba vấn đề chính, đó là:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho những người nước ta đến học nơi xa được thường xuyên hội họp, gặp gỡ nhau, quan hệ thân mật và thông cảm với nhau.
Thứ hai, thăm hỏi và giúp đỡ lẫn nhau khi có ai gặp khó khăn hay bị ốm đau.
Thứ ba, bằng một sự phát triển dần dần, tập hợp nỗ lực của họ nhằm giúp họ quy tập, trau dồi trong tất cả các ngành văn học và khoa học [26, tr. 139].
Hội cũng đã quy định rất rõ về việc không đồng ý cho các hội viên của mình tham gia vào các vấn đề chính trị và tôn giáo dưới bất kì một hình thức thảo luận nào. Đây có lẽ là điều mà những người lãnh đạo Hội đã rất chú ý vì nếu hội viên tham gia vào những nội dung này rất có thể thực dân Pháp sẽ tìm cách gây khó dễ cho hoạt động của Hội. Chính vì vậy, việc Hội cấm các thảo luận liên quan đến chính trị và tôn giáo chính là một biện pháp tự bảo vệ. Tuy nhiên, dường như trong thực tiễn hoạt động của Hội vẫn liên quan trực tiếp đến những vấn đề chính trị, tôn giáo và dân tộc dưới hình thức bí mật. Thực dân Pháp dù biết được điều này những không thể tìm được một lí do nào để có thể can thiệp vào hoạt động của Hội.
Sau khi đã nêu rõ mục đích hoạt động, điều lệ của Hội đưa ra những quy tắc trong việc kết nạp hội viên. Theo nội dung của điều lệ, những ai muốn trở thành thành viên của Hội nhất định phải là người Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên hoặc Ai Lao. Đối với những người thuộc các xứ khác họ cũng có thể được nhận vào Hội với tư cách hội viên thông tin. Họ không phải góp hội phí và không được tham gia các cuộc thảo luận của Hội [26, tr. 139]. Như vậy, mặc dù Hội Đồng bào thân ái là tổ chức do những người Việt Nam lập ra nhưng trong quá trình hoạt động Hội không hề mang tính chất riêng lẻ của người Việt.
Điều lệ của Hội đã thể hiện tính chất quảng đại khi chấp thuận cho những người thuộc các dân tộc trên bán đảo Đông Dương cũng như các dân tộc thuộc ở nước thuộc địa của Pháp cùng tham gia sinh hoạt. Rõ ràng, tính chất tương trợ lẫn nhau đã vượt qua những cản trở về thành phần dân tộc để quy tụ những người dân thuộc địa vào chung trong một tổ chức có lí tưởng và mục đích cao cả này.
Hội đã đề ra những quy định để phân loại các hội viên của mình thành hai loại: hội viên loại A gồm những người sáng lập Hội và những người tham gia vào Hội; hội viên loại B là những hội viên ân nghĩa. Đối với hội viên loại A, để tham gia vào Hội họ phải làm đơn xin gia nhập với cam kết phải luôn tuân thủ điều lệ và mọi quy tắc của Hội [26, tr. 140].
Đơn của họ sẽ được các hôi viên chức trách kết nạp nếu đủ điều kiện, trường hợp ngược lại sẽ được gửi lên cho Đại Hội đồng để tiến hành bỏ phiếu kín quyết định có hay không thông qua. Thông thường, mỗi đơn xin gia nhập Hội sẽ được các hội viên chức trách của nơi đó
kết nạp tạm thời sau đó Đại Hội đồng sẽ tuyên bố kết nạp chính thức. Những quy định trên đã phần nào thể hiện tính kĩ lưỡng trong hoạt động kết nạp hội viên của Hội Đồng bào thân ái, chính những ràng buộc đó sẽ khiến những người tham gia Hội cảm nhận được tính chất gắn bó chặt chẽ của Hội và ý thức được trách nhiệm của mình khi được làm một thành viên trong tổ chức này.
Những hội viên ân nghĩa là những người có những đóng góp quan trọng và nhiều cho Hội. Họ có thể được bầu làm hội viên loại A hay trong số những nhân vật không thuộc Hội, nhưng có đủ những điều kiện… Những hội viên ân nghĩa không phải đóng góp thêm khoản nào nữa, được đối xử và được hưởng các quyền lợi như các hội viên loại A [26, tr. 140].
Việc phân loại các hội viên tham gia Hội thành hội viên loại A và loại B cho thấy sự phân định rạch ròi những đóng góp của các thành viên trong Hội. Đối với những hội viên tích cực hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng cho Hội, họ được ghi nhận và có một vị trí quan trọng trong Hội đồng thời nhận được sự tôn trọng của mọi người. Chính họ sẽ là tấm gương hướng tới của tất cả các hội viên khác và từ đó sẽ tạo được một phong trào tích cực hoạt động trong Hội.
Bên cạnh những quy định của việc kết nạp hội viên, điều lệ cũng quy định việc xin ra hoặc khai trừ khỏi Hội. Những hội viên nào muốn ra khỏi Hội phải viết đơn. Mọi thành viên thuộc loại A nếu trong vòng một năm không đóng hội phí thì bị coi như đã ra khỏi Hội. Họ chỉ được Hội kết nạp lại sau khi đã nộp đủ số hội phí còn thiếu. Hội viên nào phạm lỗi hoặc làm tổn hại đến thanh danh của Hội sẽ có thể bị khai trừ sau sự biểu quyết của các hội viên chức trách họp cùng với các hội viên quản trị. Sự khai trừ chỉ được thực hiện với đa số 2/3.
Hội viên có lỗi được thông báo bằng thư. Đương sự được phép bào chữa trước Hội đồng.
Nếu bị khai trừ, đương sự có thể khiếu nại với Đại hội. Trong những trường hợp như vậy, mọi việc được bàn trong phiên họp kín [26, tr. 140-141]. Có thể nói rằng khi tham gia Hội mọi người đều được bảo đảm quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Họ được ghi nhận những đóng góp của mình cho Hội và cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành động gây của mình gây tổn hại đến hoạt động chung của Hội.
Để có kinh phí hoạt động, Hội đã quy định về việc các hội viên phải đóng hội phí.
Hội phí được thu theo từng năm và có sự phân biệt giữa thành phần hội viên và nguồn gốc của từng người. Những hội viên thuộc loại A ở châu Âu đóng góp mỗi năm 10 phờrăng, ở
Đông Dương hay châu Á đóng góp 4 đồng bạc. Tiền góp giao cho thủ quỹ theo phương thức đóng một lần vào trước ngày 1 tháng 2 dương lịch hoặc hai lần: một lần trước ngày 1-2 và một lần trước 1-9 dương lịch. Đối với những hội viên không có điều kiện đóng theo nhiều đợt họ có thể đóng theo từng năm một; hội cũng quy định đối với những người đóng trước ngay một số tiền 100 phờrăng thì sẽ là hội viên suốt đời của Hội. Ngoài ra, Hội cũng quy định rằng những người được nhận vào làm hội viên loại A phải đóng tiền của cả năm dù được kết nạp thời điểm nào. Những ai không chấp nhận đóng theo quy định đó sẽ bị xóa tên trong Hội [26, tr. 141]. Việc sử dụng kinh phí của Hội sẽ được phân bổ một cách đồng đều và không có sự phân biệt nào cả. Một phần kinh phí hoạt động của Hội được sử dụng vào công tác cứu trợ các hội viên gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ này được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng: Tất cả các hội viên đều có quyền và lợi như nhau không riêng ai bị thiệt thòi hoặc ưu tiên.
Hoạt động cứu trợ đối với các hội viên được tiến hành trên cơ sở sự ban bạc của các thành viên trong Hội. Sau khi nhận thấy cần phải hỗ trợ đối với cá nhân một hội viên nào đó Hội sẽ xuất kinh phí để cứu trợ. Những khoản cứu trợ chỉ có thể được cấp sau sự quyết định của các hội viên chức trách và các hội viên quản trị. Đối với các món cứu trợ vượt quá 300 phờrăng phải được phép của Đại hội. Cụ thể hơn, điều lệ quy định rằng: Khi một hội viên của Hội ở vào trường hợp cần phải cứu trợ, Hội sẽ giúp đỡ. Nếu sự cứu trợ giới hạn trong phạm vi dưới 15 ngày hoặc dưới 100 phờrăng thì các hội viên chức trách có thể đáp ứng ngay để được dễ dàng và đỡ tốn kém nhưng phải báo cáo với với Đại hội sắp tới. Đối với một khoản trợ cấp kéo dài hơn hay tốn kém hơn, các hội viên chức trách phải triệu tập ngay Đại hội toàn thể để thảo luận. Nếu được tin có hội viên đau ốm hoặc lâm vào tình trạng quẫn bách hoặc bị chết, các hội viên chức trách phải tùy cơ ứng biến làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ thân ái [26, tr. 142].
Qua những nội dung trên chúng ta thấy những quy định về thu hội phí cũng như hoạt động cứu trợ, giúp đỡ đối với hội viên của Hội được thực hiện rất quy củ, chu đáo. Hơn thế nữa, tính chất bình đẳng, thân ái giữa các hội viên luôn luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động của Hội. Một điểm nữa chúng ta dễ nhận thấy, đó là vai trò của các hội viên chức trách trong Hội là rất quan trọng. Họ chính là những người tích cực nhất trong mọi hoạt động của Hội cũng như là thành phần chịu trách nhiệm chính trong những vấn đề lớn
của Hội. Chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn trong điều lệ đối với các hội viên quản trị để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Về thành phần quản trị Hội, đây là tập hợp của một số hội viên chức trách được Hội cử ra để đảm nhiệm việc lãnh đạo Hội. Số lượng của các hội viên này được ấn định trong các cuộc Đại hội hàng năm, tối thiểu phải có 6 người trong ban Quản trị của Hội. Sau khi đã có đủ số lượng hội viên được đề cử, Hội sẽ tiến hành họp các hội viên chức trách và bỏ phiều kín để bầu các chức danh như chủ tịch, phó chủ tịch, thư kí, phó thư kí, thủ quỹ,…
Các hội viên quản trị có nhiệm vụ chăm lo cho hội viên, tôn trọng điều lệ, quy chế và chăm chỉ hoàn thành công việc của Hội. Tất cả các hội viên quản trị, bất cứ lúc nào, đều có thể đến kiểm tra các sổ sách, giấy tờ và quỹ Hội. Mỗi tám ca nguyệt họ phải kiểm tra quỹ Hội…
Các hội viên quản trị, khi thảo luận hay khi điều tra bao giờ cũng phải có mặt ít nhất là 4 người. Nếu không đủ số người đã định họ phải bổ sung bằng việc mời thêm hội viên chức trách [26, tr. 143].
Điều lệ Hội cũng quy định về việc quản lí và sử dụng ngân sách của Hội. Theo đó, để đảm bảo cho sự ổn định đối với ngân sách của Hội, mỗi năm các hội viên chức trách lập ngân sách thu, chi cho năm sau và đem trình Đại hội vào cuối năm. Từ các tổng thu hằng năm, đối với mỗi phần phải dành ra một khoản dự trữ (chưa định dùng vào việc gì). Mỗi năm Đại hội phải xem xét số dư của các khoản dự chi và có những dự trù mới. Các khoản dự chi mỗi năm không được vượt quá con số đã ấn định trong ngân sách. Cũng tại Đại hội này, phải ấn định số tiền mà thủ quỹ được lưu giữ ở quỹ. Số dư phải được cất vào nơi chắc chắn an toàn.
Về việc sử dụng ngân sách của hội điều lệ quy định: chỉ có chủ tịch Hội mới được trao các ngân phiếu được chi trả ở quỹ của thủ quỹ. Đối với những khoản chi từ 100 đến 300 phờrăng, tờ ngân phiếu phải được kèm theo một bản sao trích đoạn biên bản Hội nghị trong đó các hội viên chức trách và các hội viên quản trị đã quyết định cho chi. Đối với khoản chi lớn hơn nữa, phải có bản sao trích đoạn biên bản Đại hội đã cho phép chi. Các ngân phiếu phải có thuyết minh rõ ràng và được kèm theo các chứng từ biện minh. Nếu người thủ quỹ có những nghi ngờ về tính hợp thức của món chi, ông ta có thể hoãn chi và tham khảo các hội viên quản trị. Những vị này sẽ họp cùng các hội viên chức trách và sau khi xem xét sẽ cho phép thủ quỹ chi tiền nếu thấy không có gì phản bác. Ở mỗi cuộc họp hàng tháng, thủ
quỹ trình bày vắn tắt tình hình quỹ [26, tr. 144]. Cơ chế hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo đảm tính minh bạch trong quản lí ngân sách của Hội cho thấy rằng Hội thực sự là một tổ chức phi lợi nhuận và tập trung vào mục tiêu thân ái là chính. Do vậy, Hội đã thực sự thu hút được sử tham gia nhiệt tình của những người Việt Nam tại Pháp trong một thời gian khá dài. Hoạt động của hội chắc chắn cũng đã mang lại cho những hội viên của mình những sự giúp đỡ quan trọng khi họ gặp phải khó khăn trong cuộc sống xa quê hương.
Hội còn quy định chế độ hội họp và nội dung chính các kì họp của Hội. Các cuộc họp được tổ chức hàng tháng để thắt chặt tình thân hữu. Ở các cuộc họp này, nếu một hội viên nào có một tác phẩm nào đó, sẽ đọc cho cả Đại hội nghe, sau đó đem in và đưa vào tập san gửi cho mỗi hội viên. Cứ 6 tháng một lần, họp Đại hội đồng. Cũng có thể họp Đại hội khi có việc khẩn cấp, theo yờu cầu của ẳ số hội viờn… Ở cỏc Đại hội này, cỏc phú chủ tịch, thư ký, thủ quỹ, lưu trữ phải trình với chủ tịch một bản báo cáo công việc của họ từ Đại hội trước. Vị chủ tịch sẽ tóm lược mọi báo cáo và làm một bản báo cáo tổng hợp trình bày tình hình của Hội và ấn định chương trình nghị sự của Đại hội. Những báo cáo đó phải được nộp đến trụ sở của Hội 15 ngày trước để mọi hội viên có thể biết trước… [26, tr. 144]. Như vậy, theo điều lệ của Hội quy định mỗi tháng sẽ có một cuộc họp của Hội để các thành viên cùng nhau trao đổi về các vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội. Chắc hẳn trong những cuộc họp như vậy các diễn giả đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến tình cảnh của đồng bào mình. Chúng ta có thể khẳng định rằng, trong những lần sinh hoạt của Hội thì Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh chắc chắn là hai diễn giả tích cực nhất của Hội.
Ngoài những nội dung chúng tôi vừa trình bày ở trên, điều lệ Hội còn quy định về hình thức bầu cử, thành lập các phân hội và triệu tập hội viên. Trong đó, điều lệ về hình thức bầu cử trong các cuộc Đại hội được quy định rất rõ ràng và khoa học. Điều lệ quy định mọi hội viên đều có quyền thảo luận trong hội nghị và quyền bầu cử. Đối với những công việc quan trọng có thể bỏ phiếu qua thư tín, ý kiến các hội viên có thể được tiếp nhận bằng thông tri. Hình thức bầu là bằng cách giơ tay biểu quyết, hoặc hình thức ngồi, đứng, hoặc bằng phiếu bầu [26, tr. 145].
Qua việc tìm hiểu về điều lệ của Hội Đồng bào thân ái chúng ta thấy rằng, Hội là một tổ chức chặt chẽ và khoa học dựa trên tinh thần tự nguyện và đảm bảo tính dân chủ trong mọi hoạt động. Rõ ràng, Hội đã xây dựng cho mình một đường lối hoạt động quy củ