TẠI PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 1920 – 1925
4.1. Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trước khi rời Pháp sang Liên Xô
4.1.1. Nguyễn Ái Quốc tích cực học làm báo và lên án chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam
Sau khi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” được gửi hội nghị Versailles tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong những người Việt Nam tại Pháp mà còn được biết đến ở nhiều nước trên thế giới. Thông qua việc phổ biến nội dung “Bản yêu sách”, Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra một vũ khí đấu tranh hiệu quả mà bấy lâu Người và những lãnh tụ của phong trào người Việt Nam yêu nước không để ý, đó chính là báo chí.
Tuy nhiên, sử dụng ngay thứ vũ khí trên để có thể tố cáo những chính sách tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp đối với Việt Nam đòi hỏi người viết phải rất sắc sảo. Quan trọng hơn nữa, báo viết cho người Pháp đọc đương nhiên phải viết bằng chữ Pháp, thứ ngôn ngữ có tính bác học mà lúc bấy giờ Nguyễn Ái Quốc chưa thể viết vì vốn tiếng Pháp còn chưa đủ. Ngay việc soạn thảo “Bản yêu sách” gửi hội nghị Versailles dù Nguyễn Ái Quốc là người đề xuất nhưng phải nhờ cậy ông Phan Văn Trường viết vì lúc bấy giờ Người chưa viết được tiếng Pháp. Chính vì vậy, Nguyễn Ái Quốc tỏ ra rất khó chịu bởi nhược điểm nói trên. Hơn nữa, việc nhờ ông Phan Văn Trường viết thay cũng không diễn tả được hết nội dung mà Nguyễn Ái Quốc muốn đề cập đến, vì thế, Người đã quyết định học viết báo. Tác giả Trần Dân Tiên cũng đã khẳng định điều này:
“Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay… Nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo” [62, tr. 37, 38].
Đối với một người chỉ mới sống ở Pháp trong một thời gian ngắn, lại chưa thông thạo tiếng Pháp thì viết báo thực sự là một công việc hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, bằng sự thông minh, tính kiên trì cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình từ ông Phan Văn Trường và những người bạn Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã dần trở thành một nhà báo thực thụ. Quá trình học viết báo của Nguyễn Ái Quốc có sự hỗ trợ rất lớn từ hai tờ báo “Dân Chúng” (Le Populaire) và
“Đời sống thợ thuyền” (La vie ourière) của Pháp lúc bấy giờ. Đầu tiên phải kể đến Jean Longuet – chủ nhiệm báo “Dân chúng” cơ quan của Đảng Xã hội Pháp, người đã khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết bài và hứa sẽ cho đăng trên tờ báo này. Đó thực sự là một cơ
hội thuận lợi để Nguyễn Ái Quốc có thể làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ hơn tình cảnh của nhân dân Việt Nam, nhưng Người lại chưa thể viết được vì vốn tiếng Pháp quá ít nên đành phải nhờ ông Trường viết thay. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc biết rằng không thể cứ nhờ vả ông Trường mãi được, chính mình phải tập viết để có thể diễn tả được hết ý tưởng muốn nói. Thông qua việc thường xuyên lui tới tòa báo “Dân chúng”, Nguyễn Ái Quốc làm quen với những người Pháp khác, một trong số đó là chủ nhiệm báo “Đời sống thợ thuyền”.
Người bạn mới này không chỉ khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết báo, mà ông ta còn hướng dẫn cho anh cách viết báo và sửa chữa giúp những bài mà anh Nguyễn đã viết:
“Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông… Ông Nguyễn nói thật là mình còn kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm, sáu dòng cũng được”. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn… Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho tòa báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui mừng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: “Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy, tám dòng”. Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng. Dần dần ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn” [62, tr. 38].
Có thể nói rằng, Nguyễn Ái Quốc đã gặp thuận lợi khi có sự khuyến khích, tạo điều kiện để học viết báo từ hai người chủ nhiệm của hai tờ báo tiến bộ của Pháp lúc bấy giờ.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần thấy rằng, bản thân Nguyễn Ái Quốc cũng đã có một sự nỗ lực rất lớn để vừa học viết báo vừa học sử dụng tiếng Pháp trong văn bản khoa học. Đối với mỗi người trong chúng ta, việc học để sử dụng một ngoại ngữ nào đó trong giao tiếp hằng ngày có thể không quá khó khăn. Tuy nhiên, dùng chính ngoại ngữ đó để viết sách, báo thì lại là chuyện khác, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức mới có thể thành công được.
Nhìn nhận như vậy để thấy được sự nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc trong việc học làm báo quả là một chiến công không nhỏ. Đáng chú ý, động lực để Người thực hiện công việc trên chính là nhằm đưa lên mặt báo tình cảnh của các dân tộc thuộc địa đang rên siết dưới ách thống trị của Pháp. Công việc học tập viết báo tưởng chừng phải tiêu tốn thời gian đến hàng năm trời ấy đã được Nguyễn Ái Quốc rút ngắn xuống còn tình bằng tháng. Bằng sự nỗ lực
hết mình đó, Nguyễn Ái Quốc cuối cùng đã thành công khi có thể sử dụng một loại vũ khí công khai có tính chiến đấu cao để vạch trần bộ mặt của chính quyền thực dân. Qua đó, Người cũng kêu gọi sự bênh vực của dư luận tiến bộ ở Pháp đối với các dân tộc thuộc địa, trong đó có những đồng bào của mình.
Ngày mồng 2 tháng 8 năm 1919 là một ngày đáng nhớ, bởi hôm đó báo “Nhân Đạo” đã đăng bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc với nhan đề “Vấn đề bản xứ”, tác phẩm hoàn toàn không có sự giúp đỡ nào từ ông Phan Văn Trường. Cũng có nghĩa đây là tác phẩm chính thức của nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Kế đến, ngày 4 tháng 9 năm 1919, báo “Dân Chúng” đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nhan đề: “Đông Dương và Triều Tiên”. Và ngày 14 tháng 10 năm 1919, báo “Dân Chúng” lại đăng “Thư gửi ông Outrey” tố cáo viên Toàn quyền Đông Dương xuyên tạc về tình hình Đông Dương. Rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một cây bút thực thụ và có uy tín của các báo cánh tả ở Pháp. Qua đó, chúng ta thấy rõ sự tiến bộ nhanh chóng của Nguyễn Ái Quốc trong việc học viết báo tiếng Pháp là rất đáng khâm phục. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thiện mình rất nhanh. Cần nhớ rằng, khi viết “Bản yêu sách” bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc phải nhờ Phan Văn Trường viết vì mình chưa rành viết tiếng Pháp, đó là vào khoảng giữa tháng 6 năm 1919. Thế nhưng, đến thời điểm khoảng hai tháng sau đó, với sự nỗ lực phi thường của bản thân và sự giúp đỡ của những người bạn Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có thể hoàn thành những bài báo có tính chiến đấu cao, đạt trình độ sắc sảo làm cho giới cầm quyền ở Pháp hết sức tức tối. Đó quả thực là một chiến công phi thường của Nguyễn Ái Quốc và thứ vũ khí mới này sẽ ngày càng trở nên hữu ích cho quá trình hoạt động của Người.
Nguyễn Ái Quốc học viết báo với mục đích sử dụng nó như một công cụ để lên án chế độ cai trị của Pháp ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Chính vì vậy, khi đã có thể tự mình hoàn thành những bài viết mà nội dụng chính liên quan đến tình hình của các thuộc địa Pháp, Người đã nhanh chóng gửi đến các tờ báo tiến bộ nhờ đăng tải. Mong muốn của Nguyễn Ái Quốc là thông qua các bài viết của mình làm sao để ngày càng nhiều người biết đến tình hình Việt Nam và các chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với đồng bào mình. Thực tiễn những gì diễn ra trong nước luôn được Người quan tâm và phản ánh hết sức sinh động trong các bài viết đăng báo với những cứ liệu vô cùng phong phú. Trước thực tế, trên thế giới và cả ở Pháp rất nhiều người không hề biết đến Việt Nam và càng không biết gì về các chính sách của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc nhận
thấy cần phải làm tất cả để thay đổi điều đó. Sau “Bản yêu sách” gửi hội nghị Versailles, các bài báo của Nguyễn Ái Quốc đăng trên các báo của Pháp cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp người đọc biết được tình hình của Việt Nam.
Các tờ báo tiến bộ của Pháp thường đăng các bài viết của Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ là báo “Dân Chúng”, báo “Đời sống thợ thuyền” và báo “Nhân Đạo”. Trong đó, báo
“Nhân đạo” có vẻ như là tờ báo nhiệt tình nhận đăng các bài viết của Người nhất. Trong thư gửi Bộ trưởng Nội vụ hồi tháng 6 năm 1920 của Bộ trưởng Thuộc địa Pháp đã xác nhận điều này như sau: “Các bài viết (của Nguyễn Ái Quốc) luôn luôn được một số tòa báo tiếp nhận hết sức nồng nhiệt, đặc biệt là báo Nhân Đạo” [48, tr. 84]. Các bài viết của Nguyễn Ái Quốc thường được các báo trên chọn đăng vì hai lí do: Thứ nhất, các bài viết của Nguyễn Ái Quốc phản ánh những nội dung liên quan đến tình hình các thuộc địa và xuất phát từ những cứ liệu chính xác. Thứ hai, Người có mối quan hệ tốt đẹp với những chủ bút của các tòa báo, họ là những người sẵn sàng giúp đỡ, bênh vực cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa. Trong công việc viết báo, Nguyễn Ái Quốc tỏ ra rất nghiêm túc và cẩn thận. Để có được những thông tin chính xác từ trong nước, ngoài việc thường xuyên theo dõi tin tức, Người còn đề nghị với các đồng bào mình ở Pháp giúp đỡ cung cấp thông tin nếu biết được thêm những diễn biến mới từ những người trong nước qua con đường thương mại. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại, chọn lọc và sử dụng những thông tin cần thiết để đưa vào các bài viết của mình hoặc sử dụng trong những lần phát biểu tại các cuộc họp của Đảng Xã hội Pháp mà Người tham gia.
Ngay từ những bài viết đầu tay của mình, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện sự tài tình trong việc sử dụng công cụ báo chí để vừa tuyên truyền vừa đấu tranh vạch rõ bản chất của chế độ thuộc địa Pháp ở Việt Nam. Đó là các bài viết với các tiêu đề như: “Vấn đề bản xứ” đăng trên báo “Nhân Đạo” ngày 2 tháng 8 năm 1919; bài “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên báo “Dân Chúng” ngày 4 tháng 9 năm 1919; đặc biệt là “Thư gửi ông Outrey” trên báo “Dân Chúng” ngày 14 tháng 10 năm 1919. Bức thư vạch trần bản mặt Outrey đã lợi dụng diễn đàn Nghị viện Pháp để vu khống Người và xuyên tạc những một cách trắng trợn những bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi lên án Outrey là “một thằng nói láo”, Nguyễn Ái Quốc còn gián tiếp lên án chính quyền thực dân ở Đông Dương là “bọn thực dân Pháp vô liêm sỉ” và tuyên bố rằng “chống Pháp có nghĩa là công khai tố cáo những ý định vô nhân đạo và những hành động chúng không dám thú nhận…”. Chỉ với một bài báo viết dưới dạng
thư trả lời một quan chức trong hệ thống chính quyền thuộc địa của Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã vừa vạch trần bộ mặt tham lam, bỉ ổi của tên Outrey vừa lên án mạnh mẽ bản chất tồi tệ của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Đây có thể xem là một thành công lớn trong đấu tranh công khai của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong thời gian này, mà Nguyễn Ái Quốc là đại diện ưu tú nhất lúc bấy giờ.
Từ đó về sau, chính quyền thực dân và cả những tên thực dân tham lam, hợm hĩnh còn nhiều lần phải nuốt hận vì những bài viết giàu tính chiến đấu của Nguyễn Ái Quốc đăng trên các tờ báo của chính người Pháp. Về phía những người Việt Nam yêu nước tại Pháp cũng như những đồng bào ở trong nước, họ luôn luôn theo dõi những động thái trên với thái độ hả hê, đắc ý trước thành công của vị lãnh tụ trẻ tuổi của mình. Còn những người Pháp tiến bộ, họ đã có thêm một người bạn luôn luôn sẵn sàng chia sẻ những thông tin về các thuộc địa và chính sách của giới thực dân nhân danh nước Pháp. Qua đó, họ càng ngày càng có cảm tình với những người dân thuộc địa khốn khổ và càng căm ghét thậm chí phản đối những thủ đoạn của chính quyền thực dân Pháp.
Có thể thấy rằng, trong hoàn cảnh bị bủa vây bởi các mật thám của chính quyền thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biết chọn cho mình một phương tiện để đấu tranh công khai mà bọn thực dân không thể hãm hại Người, đó chính là báo chí. Tuy nhiên, để có thể sử dụng hiệu quả thứ vũ khí lợi hại ấy, Nguyễn Ái Quốc đã có một quá trình rèn luyện, học tập viết báo mà Phan Văn Trường cùng những người bạn Pháp đã là những “người thầy” của anh như sau này Bác Hồ đã thừa nhận. Mặt khác, để tăng thêm sức thuyết phục cho các bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhận được sự trợ giúp hết sức đắc lực trong việc lấy thông tin từ trong nước qua các đồng bào của mình. Có thể nói, trong môi trường hoạt động ấy, Nguyễn Ái Quốc đã phát huy được sức trẻ, sự nhạy bén và thông minh của mình để đưa vấn đề của Việt Nam đến với thế giới. Thông qua đó, Người cũng đã tìm đến được với chân lí của thời đại và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam khi bắt gặp được lí tưởng của Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga thông qua báo chí tiến bộ ở Pháp lúc bấy giờ.