Chương 1. Quá trình dạy học ở đại học
2. Đặc thù quá trình dạy học ở bậc đại học
2.1.1. Mục tiêu đào tạo ở trình độ đại học
Mục tiêu đào tạo của giáo dục đại học (GDĐH) là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có kiến thức và năng lực (năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực quản lí lãnh đạo...) tương xứng với trình độ được đào tạo, có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc chuyên ngành được đào tạo (điều 41 luật GD 2005).
Mục tiêu chung của giáo dục đại học là:
a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài;
nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;
b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ:
a) Đào tạo trình độ cao đẳng để sinh viên có kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng thực hành thành thạo, hiểu biết được tác động của các nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội trong thực tiễn và có khả năng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc ngành được đào tạo;
b) Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành học được đào tạo.
c) Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo;
d) Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.
Các nhiệm vụ của quá trình dạy học ở đại học
- Trang bị cho sinh viên những hệ thống tri thức khoa học hiện đại và hệ thống các kĩ năng, kĩ xảo tương ứng về một lãnh vực khoa học nhất định, bước đầu trang vị cho sinh viên phương pháp luận khoa học, các phương pháp nghiên cứu và phương pháp tự học có liên quan đến nghề nghiệp tương lai.
- Phát triển năng lực hoạt động trí tuệ của sinh viên.
- Đào tạo con người có đầy đủ phẩm chất đạo đức.
- Trang bị cho sinh viên những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo.
- Phương pháp nhận thức để tìm ra tri thức.
Từ mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo đó hiển nhiên dạy học ở đây phải rất coi trọng mục tiêu năng lực bậc cao (năng lực của người có trình độ cao) cho ngườì học. Theo khuyến cáo của tâm lí học sư phạm năng lực người học hình thành tốt nhất trong quá trình hoạt động nhận thức của mình, nếu dạy học quan tâm thích đáng đến hoạt động tích cực, chủ động sáng tạo của người học, người học sẽ có cơ hội hình thành năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; nếu họ được tổ chức việc học theo hướng phát huy năng lực tự lực và lấy tự học làm chính, từ đó sẽ hình thành được năng lực thực hiện ở mức cao sau khi tốt nghiệp đại học.
2.1.2. Sản phẩm đào tạo trong bối cảnh mới
Bối cảnh quốc tế hiện nay làm cho triết lý về giáo dục cho thế kỷ 21 có những biến đổi sâu sắc, đó là lấy "học thường xuyên suốt đời"
làm nền móng, dựa trên các mục tiêu tổng quát, 4 trụ cột của việc học, là "học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau và học để làm người"[13], nhằm hướng tới xây dựng một "xã hội học tập”.
Sản phẩm đào tạo của GDĐH nước ta sẽ hoạt động trong một nền kinh tế thị trường có tính quốc tế, và trong một khung cảnh hội nhập về văn hóa, giáo dục… Đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế thị trường là cạnh tranh, đó là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Như vậy sản phẩm đào tạo của GDĐH nước ta phải vừa biết sống hòa hợp với cộng đồng dân tộc và quốc tế, vừa có năng lực cạnh tranh để tự khẳng định và phát triển. Đó là những đòi hỏi quan trọng của thời kỳ mới đối với sản phẩm đào tạo đại học, cũng là những thách thức mới chưa bao giờ thể hiện rõ ở giai đoạn trước đây của GDĐH nước ta.
Trong bối cảnh mới của thời đại và xuất phát từ các triết lý mới về giáo dục, cần xác định rõ mục tiêu đào tạo đối với sinh viên đại học nước ta.
Hội nghị GDĐH trong thế kỷ 21 tại Paris tháng 10/1998 đã đề ra những yêu cầu mới về năng lực của sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của thế kỷ XXI. Sau 5 năm triển khai các hoạt động GDĐH trên thế giới theo những khuyến cáo của Hội nghị Paris, trong Báo cáo tổng hợp của UNESCO năm 2003 có phân tích rõ những thay đổi mạnh mẽ về bản chất và nhu cầu của thế giới việc làm, và trình bày khái quát các tiềm năng mà trường đại học cần tạo cho sinh viên sao cho họ có thể đương đầu với những đòi hỏi của xã hội tri thức. Đó là:
a) Các tiềm năng để học tập, nghiên cứu (academic capacities):
chủ yếu dựa trên việc đào tạo chuyên môn, nhưng cần lưu ý đến tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, có năng lực đổi mới tư duy (un- learn) và học lại (re-learn) trong suốt cuộc đời;
b) Các kỹ năng phát triển cá nhân gắn kết với xã hội (tự tin, quyết tâm cao, tôn trọng các giá trị đạo đức, hiểu biết rộng về xã hội và thế giới);
c) Các kỹ năng sáng nghiệp (enterpreneurial skill): các tiềm năng đáp ứng cả việc lãnh đạo và làm việc đồng đội, làm chủ công nghệ thông tin truyền thông và các công nghệ khác…
Tuy rằng trên đây là những tiềm năng cần rèn luyện được để đáp ứng với đòi hỏi của thế giới việc làm trong thời kỳ mới, nhưng chúng không chỉ phản ánh mục tiêu học để làm trong 4 trụ cột, mà còn phản ánh cả ba mục tiêu kia của việc học.
Trên cơ sở các yêu cầu khái quát đối với sản phẩm đào tạo đại học mà UNESCO đã tổng kết, chúng ta có thể cụ thể hóa mục tiêu đào tạo mới đối với sinh viên đại học nước ta và làm sáng tỏ hơn những khiếm khuyết cả về mặt quan niệm và về hành động thực tế của các nhà giáo đại học nước ta.
- Trước hết có thể thấy rằng các trường đại học nước ta vốn thường lưu ý đến việc trang bị nhóm tiềm năng thứ nhất cho sinh viên mà không chú ý đúng mức đến hai nhóm tiềm năng sau. Ngay trong nhóm tiềm năng thứ nhất, nội dung và phương pháp dạy và học hiện tại ở nước ta thường cũng chỉ mới phát triển được các năng lực nhận thức cấp thấp, nhận biết (knowledge) và thông hiểu (comprehention), chưa tập trung đúng mức đến việc phát triển óc phê phán, khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sự phát triển thông tin và tri thức cực kỳ nhanh chóng, vòng đời của các loại công nghệ rất ngắn ngủi của thời đại kinh tế tri thức còn đòi hỏi phải nhấn mạnh ở đây khả năng đổi mới tư duy, xóa những nếp nghĩ sai trái đã học được trước đây thay thế bằng những tư duy mới (un-learn) và luôn luôn bổ sung, cập nhận kiến thức mới (re-learn). Tất cả tiềm năng để học tập đã nêu mà sinh viên rèn luyện được trong thời gian học đại học sẽ giúp cho việc học tập trong suốt cuộc đời của họ, còn tri thức mà họ thu nhận được chỉ có thể sử dụng trong một thời gian ngắn. Từ đó có thể thấy rõ cách học quan trọng hơn nhiều so với kiến thức.
Hơn nữa, cần lưu ý thêm là họ biết cách học chưa đủ, mà họ phải tự tạo nên được thói quen và niềm say mê học suốt đời, tức là bản thân nhóm tiềm năng thứ nhất liên quan đến cả tri thức cũng như thái độ mà sinh viên đạt được qua quá trình học tập.
- Nhóm tiềm năng thứ hai liên quan nhiều đến tính nhân văn của sản phẩm đào tạo: sản phẩm phải là những công dân-trí thức của đất nước, có phẩm chất và trách nhiệm công dân, có hiểu biết và tầm nhìn rộng đối với xã hội và thế giới. Ở nước ta trong giai đoạn hiện tại trách nhiệm công dân này biểu hiện ở sự quyết tâm đóng góp vào việc đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,
“sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở nước ta từ thập niên 1990 đã có quy định về nội dung đào tạo ở cấp đại học bao gồm hai mảng kiến thức: mảng kiến thức giáo dục đại cương và mảng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.
Mảng kiến thức giáo dục đại cương liên quan nhiều đến nhóm tiềm năng thứ hai mà chúng ta đang bàn.
- Nhóm tiềm năng thứ 3 thể hiện rõ yêu cầu đối với một người hoạt động trong một nền kinh tế thị trường, cần các kỹ năng để khẳng định mình, để tồn tại, đồng thời để cạnh tranh nhằm phát triển. Cần hết sức lưu ý đến kỹ năng làm việc đồng đội và kỹ năng lãnh đạo, tức là khả năng thuyết phục đồng đội làm việc theo đề xuất của mình, và khả năng hòa mình với đồng đội trong côngviệc. Với các kỹ năng này sản phẩm đào tạo sẽ có nhiều thuận lợi khi tìm cho mình một việc làm thích hợp, tức lập nghiệp, cũng như khi tạo ra việc làm mới cho mình và cho nhiều người khác, tức sáng nghiệp.
2.2. Nội dung dạy học đại học
Nội dung đào tạo ở đại học phải có tính hiện đại và phát triển, bảo đảm cơ bản và chuyên sâu, bám sát mục tiêu nghề nghiệp; đối với bậc đại học thì tính cập nhật và “hướng nghiệp” được coi là tiêu chí số 1 khi xác định nội dung. Đảm bảo cho sinh viên có những kiến thức khoa học cơ bản và chuyên ngành cần thiết; chú trọng rèn luyện
kỹ năng cơ bản và năng lực thực hiện công tác chuyên môn, chính vì vậy tính cập nhật (hiện đại) của nội dung đào tạo liên quan đến phát triển nghề nghiệp ở đại học cần được quan tâm đúng mức.
Từ quan điểm nội dung này rõ ràng người dạy ở bậc học này là phải nhận thức được rằng nội dung đến với người học không phải chỉ từ người thầy mà còn thông qua rất nhiều “kênh” khác. Vai trò của giảng viên ở đây là giúp cho người học tìm kiếm, lựa chọn, xử lí nội dung để biến tri thức của nhân loại về lĩnh vực khoa học/nghề nghiệp nào đó thành "sở hữu" của mình, từ đó tự mình "vận dụng chúng vào cuộc sống, nghề nghiệp".
Nội dung dạy học ở bậc đại học hiện đại bao gồm:
- Hệ thống những tri thức khoa học, tri thức về kĩ thuật, về cách thức hoạt động trí óc và hoạt động chân tay liên quan đến ngành, nghề nhất định;
- Hệ thống những kĩ năng, kĩ xảo về nghề nghiệp tương lai cũng như về nghiên cứu khoa học và tự học;
- Những kinh nghiệm hoạt động sáng tạo;
- Những chuẩn mực về thái độ với tự nhiên, đối với xã hội, đối với con người và với bản thân.
2.3. Người dạy ở đại học
2.3.1. Người giảng viên đại học trong bối cảnh mới
Thời đại thông tin đã tạo những cơ hội mới, nhưng cũng đặt nhà giáo đại học trước những thách thức mới. Vậy nhà giáo đại học phải làm gì trước tình hình đó?
Tư liệu của Hội nghị Paris về GDĐH có nêu tóm tắt yêu cầu đối với một "nhà giáo mới" ở đại học: "Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ".
Nhà giáo đại học hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ hướng dẫn tìm, chọn và xử lý thông tin. Từ đó có người hỏi: vậy thì vị trí của nhà giáo trong thời đại mới như thế nào, họ có bị “ra rìa” không, câu ngạn ngữ "không thầy đố mày làm nên" của dân ta có còn đúng nữa không?
Chúng tôi cho rằng vai trò của nhà giáo thay đổi, nhưng vị trí của nhà giáo hoặc là không đổi, ngược lại, được nâng cao hơn so với trước đây, nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.
Thật vậy, trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục từ xa, Hội nghị Paris về GDĐH cho rằng trong giáo dục phương thức giáo dục mặt đối mặt vẫn chiếm vị trí hàng đầu, tác dụng của sự tương tác trong việc dạy và học luôn luôn được nhấn mạnh. Trong mối tương tác đó, vị trí của một đối tác có bề dày về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm chọn nhập và xử lý thông tin sẽ nổi trội, sự đóng góp của đối tác đó trong quá trình học sẽ rất lớn không phải bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình. Nhà giáo đại học có thể và cần phải khẳng định vị trí của mình trong các mối tương tác đó.
Nhà giáo đại học hiện nay có sứ mạng đi đầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng thực sự về giáo dục như đã dự báo. Vai trò tiên phong đó sẽ nâng vị trí của nhà giáo đại học lên rất nhiều so với trước đây. Với cơ hội mà công nghệ thông tin và thông lưu mới (CNTTTTM) đưa lại, những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo thật sự có giá trị của bất kỳ một cá nhân nhà giáo nào cũng dễ dàng được truyền bá rộng rãi đến số lượng người học đông hơn nhiều so với trước đây, không chỉ giới hạn trong bốn bức tường lớp học mà có thể lan rộng ra cả nước và thậm chí vượt qua mọi biên giới quốc gia, điều đó làm cho vị trí của nhà giáo đại học thật sự được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây.
Rõ ràng là vị trí của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin không hề giảm, và có cơ hội tăng lên. Tuy nhiên việc có giữ vững và nâng cao được vị trí đó hay không còn tuỳ thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng nhà giáo để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới.
Chúng ta có thể hy vọng, trước những cơ hội và thách thức của thời đại mới, đa số nhà giáo đại học chúng ta sẽ không bị “ra rìa”.
Để là giảng viên giảng dạy trong giáo dục đại học người giảng viên phải thoả mãn đồng thời 2 năng lực: Năng lực nghiên cứu khoa học/ứng dụng nghề nghiệp (người lành nghề) và năng lực sư phạm.
Nếu người dạy không có khả năng tìm kiếm, lựa chọn xử lí thông tin;
không có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề thì khó mà dẫn dắt người học theo mục tiêu đã nêu ra ở trên, khó có thể dạy "Cách học"
cho sinh viên ở một bậc học đào tạo nguồn nhân lực “tư duy”
(thinking manpowers) cho xã hội.
Nhiệm vụ trọng tâm của dạy học ở đại học là: Đào tạo những sinh viên tốt nghiệp có đủ tiêu chuẩn về năng lực và trình độ và những công dân có trách nhiệm có thể kết hợp những kiến thức và kỹ năng cấp cao mà xã hội cần.
Hiển nhiên vai trò của người giảng viên rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Yêu cầu ngày càng cao đối với các giảng viên thể hiện qua:
- Hiểu biết công nghệ thông tin và có khả năng ứng dụng chúng trong dạy học;
- Thấu hiểu cách học trong môi trường thông tin và thông lưu để có thể hướng dẫn sinh viên học và có khả năng làm tốt vai trò cố vấn cho họ;
- Có kiến thức đo lường và đánh giá trong giáo dục và dạy học để đánh giá chính xác khách quan kết quả học tập của người học góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm đào tạo của mình.
Để có thể đáp ứng yêu cầu trên người giảng viên cần:
- Khi dạy học phải nhận thức đúng đối tượng (đối tượng dạy- người học và đối tượng dạy học-nội dung dạy học), trên cơ sở đó thao tác đúng đối tượng;
- Khi dạy học phải biết lựa chọn phương pháp thích hợp với mục tiêu và nội dung dạy học, phù hợp với đặc thù của đối tượng;
- Phải hiểu cấu trúc các phương pháp dạy học, biết triển khai đúng quy trình và biết phối hợp các phương pháp dạy học trong quá trình dạy học.