Chương 4. Phương pháp dạy học đại học
1. Khái niệm chung về phương pháp dạy học
Phương pháp nói chung là một khái niệm rất trừu tượng, vì nó không mô tả các trạng thái, những tồn tại tĩnh trong thế giới hiện thực, mà chủ yếu mô tả phương pháp vận động trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Như vậy, phương pháp là cách thức, là con đường nhằm đạt được mục đích đề ra. Khái niệm chung này được vận dụng vào việc xác định khái niệm phương pháp dạy học.
Phương pháp dạy học, là phương pháp được xây dựng và vận dụng vào một quá trình cụ thể - quá trình dạy học. Đây là quá trình được đặc trưng ở tính chất hai mặt, nghĩa là nó bao gồm hai hoạt động - hoạt động dạy của thầy và hoạt động của trò. Hai hoạt động này tồn tại và được tiến hành trong mối quan hệ biện chứng: hoạt động dạy đóng vai trò chủ đạo (tổ chức, điều khiển) và hoạt động của trò đóng vai trò tích cực chủ động (tự tổ chức, tự điều khiển). Vì vậy, phương pháp dạy học phải là tổ hợp những cách thức làm việc của thầy và trò. Trong quá trình thực hiện những cách thức đó, thầy đóng vai trò chủ đạo, trò đóng vai trò tích cực chủ động.
Phương pháp dạy học là tổ hợp các cách thức hoạt động của cả thầy và trò trong quá trình dạy học, được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của thầy nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học.
Phương pháp dạy học là một nhân tố cấu trúc của quá trình dạy học, có quan hệ chặt chẽ với các nhân tố khác.
- Phương pháp dạy học chịu sự định hướng của mục đích dạy học, - Chịu sự chi phối trực tiếp của nội dung dạy học.
- Phương pháp dạy học tạo nên phương thức hoạt động phối hợp, thống nhất giữa người dạy và người học. Trong đó người dạy tổ chức, điều khiển còn người học tự tổ chức, tự điều khiển, tự chiếm
lĩnh tri thức, kĩ năng, kĩ xảo bằng chính những thao tác hoạt động trí tuệ của riêng mình dưới sự tổ chức, điều khiển của người dạy.
1.2. Một số đặc điểm của phương pháp dạy học
1.2.1. Phương pháp dạy học phụ thuộc vào nội dung dạy học Nội dung dạy học qui định phương pháp dạy học. Nội dung dạy học được triển khai trên cơ sở mục đích dạy học đã được đề ra. Nội dung dạy học phản ánh cái khách quan (thế giới của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật...), phương pháp dạy học là cái chủ quan - là cách thức, là con đường nhằm truyền tải nội dung dạy học đã được xây dựng.
Như vậy, nội dung dạy học thay đổi, kéo theo sự thay đổi phương pháp dạy học. Trong nhà trường, người học được lĩnh hội hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo (nội dung dạy học) thông qua các môn học. Do đó người ta cũng phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau để phù hợp với nội dung từng môn học. Hay nói cách khác, nội dung dạy học mang tính toàn diện thì phương pháp dạy học cũng phải mang tính toàn diện.
Nội dung dạy học vừa bảo đảm tính cơ bản, vừa bảo đảm tính hiện đại. Tính cơ bản là tiền đề, là cơ sở ban đầu - nó đặt nền móng cho quá trình lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo của người học . Còn tính hiện đại của nội dung dạy học nhằm giúp cho người học tiếp cận được với tri thức hiện có của loài người. Nội dung dạy học mang tính hiện đại để sản phẩm đầo tạo ra - trình độ tri thức của người học - không bị lạc hậu so với sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Do vậy, các phương pháp dạy học được sử dụng ở bao gồm phương pháp dạy học cổ truyền (truyền thống) và phương pháp dạy học hiện đại (đổi mới). Các phương pháp dạy học được sử dụng một cách linh hoạt trong giờ lên lớp.
1.2.2. Phương pháp dạy học phụ thuộc vào đặc điểm tâm, sinh lý của người học
Nhận thức của người học bắt đầu từ nhận thức cảm tính: từ cụ thể (trực quan) đến trừu tượng (con đường 1). Cho nên, phương pháp dạy học trực quan rất hay được sử dụng trong nhà trường.
Năng lực chú ý và trí nhớ của con người có giới hạn, do đó không nên kéo dài nội dung bài học từ giờ này sang giờ khác. Nếu kéo dài, người học dễ bị mệt mỏi, chán nản, không lĩnh hội được đầy đủ và chính xác nội dung bài học. Ở nhà trường, thời gian và bài tập nên được thiết kế ngắn gọn, vừa đủ. Như vậy, không nên sử dụng một phương pháp dạy học duy nhất trong giờ lên lớp, mà người dạy phải biết kết hợp đan xen các phương pháp dạy học khác nhau, nhằm giúp người học tập trung chú ý cao, hứng thú học tập...
1.2.3. Phương pháp dạy học phụ thuộc vào các yếu tố khác Các phương tiện dạy học ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học. Điều này phụ thuộc không nhỏ và cơ sở vật chất và các đồ dùng dạy học ở mỗi nhà trường. Người dạy sử dụng tối đa các phương tiện dạy học hiện có và tự chế tạo đồ dùng dạy học để giờ học đạt hiệu quả cao.
Khi các hình thức tổ chức dạy học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của phương pháp dạy học. Nếu như, hình thức tổ chức dạy học chủ yếu hiện nay ở bậc là hình thức bài - lớp, người dạy thường sử dụng các phương pháp dạy học như thuyết trình, trực quan vấn đáp, nêu vấn đề... thì khi hình thức dạy học thay đổi như thảo luận nhóm, tự học cá nhân, lúc đó phương pháp dạy học phù hợp là luyện tập, làm việc độc lập với sách; khi hình thức dạy học là tham quan, phương pháp dạy học được sử dụng là trực quan, trong đó phương pháp quan sát là chủ đạo.
1.3. Phân loại phương pháp dạy học
Có nhiều quan điểm khác nhau về phân loại hệ thống các phương pháp dạy học. Sau đây là một số hệ thống phổ biến nhất.
1.3.1. Phân loại theo nguồn tri thức và đặc điểm tri giác thông tin Với cách phân loại này phương pháp dạy học được chia làm 3 nhóm: nhóm phương pháp dạy học dùng lời và chữ (thuyết trình, vấn đáp, dùng giáo trình và tài liệu); nhóm phương pháp dạy học trực quan (trình bày trực quan và quan sát); nhóm phương pháp dạy học thực hành (thực hành trong phòng thí nghiệm, luyện tập, ôn tập... Tác
giả của cách phân loại này gồm có S.I. Petrovski, E.Ia. Golan, X. P.
Baranov...
1.3.2. Phân loại theo các nhiệm vụ cơ bản của lí luận dạy học Bao gồm các phương pháp truyền thụ kiến thức, hình thành kĩ năng kĩ xảo, ứng dụng tri thức, hoạt động sáng tạo, củng cố, kiểm tra.
Cách phân loại này do M.A. Danilov, B.P.Esipov đề xuất. Theo quan điểm của các tác giả này, họ không chỉ ra cách thức con đường tường minh đi tới kết quả, tức là không chỉ rõ các phương pháp dạy học trong nhà trường, mà chỉ đưa ra kết quả của quá trình dạy học (đó là hệ thống tri thức; kỹ năng, kỹ xảo; hoạt động sáng tạo...); còn cách thức, con đường dẫn tới kết quả đó phụ thuộc vào khả năng sư phạm của chính người dạy.
1.3.3. Phân loại theo đặc điểm hoạt động nhận thức của người học Bao gồm các phương pháp dạy học: giải thích, minh họa, tái hiện, giới thiệu vấn đề, tìm kiếm từng phần (hay ơristic), nghiên cứu.
Cách phân loại này do M.N.Skatkin, I.Ia.Lerner đề xuất. Các tác giả cho rằng, để xây dựng được một hệ thống phương pháp hợp lý, ổn định, cần nghiên cứu phương pháp trong mối quan hệ với mục tiêu và nội dung dạy học; xem phương pháp như là hệ quả tất yếu rút ra từ mục đích và nội dung. Trong đó, mục đích, nội dung dạy học này được triển khai dựa trên các đặc điểm nhận thức của người học.
Theo I.Ia.Lerner, trên quan điểm lý luận dạy học, cấu trúc văn hóa thể hiện thông qua nội dung dạy học gồm 4 yếu tố cơ bản:
+ Hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội, tư duy và cách thức hành động;
+ Hệ thống những kinh nghiệm thực hiện cách thức hành động (kỹ năng, kỹ xảo);
+ Hệ thống kinh nghiệm hoạt động sáng tạo;
+ Hệ thống chuẩn mực đối với thế giới và con người.
Nhân cách người học được hình thành trên cơ sở lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội, nên cấu trúc học vấn cũng phải phản ánh cấu
trúc của văn hóa; chỉ trong điều kiện đó nhân cách người học mới có khả năng phát triển toàn diện, người học mới có khả năng hoạt động hữu hiệu và thích ứng với cuộc sống.
Để lĩnh hội các yếu tố văn hóa nói trên, trong quá trình học tập của mình, người học phải liên tục vận dụng hai dạng hoạt động nhận thức cơ bản: tái hiện và sáng tạo. Nhưng muốn có tái hiện (những tri thức đã lĩnh hội), trước đó phải có quá trình lĩnh hội của người học, bằng các phương pháp giải thích - minh họa.
Tuy nhiên, trong quá trình lĩnh hội, hoạt động tái hiện và sáng tạo được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Giữa tái hiện và sáng tạo cũng có mối liên hệ rất chặt chẽ: một quá trình sáng tạo bất kỳ đều bắt đầu từ sự tái hiện những cái đã biết. Phương pháp trình bày nêu vấn đề nhằm kích thích khả năng hoạt động nơi người học, còn phương pháp tìm kiếm từng phần và phương pháp nghiên cứu có tác dụng phát triển năng lực sáng tạo ở người học. Vì vậy theo M.N.Skatkin,I.Ia.Lerner, ở cấp độ lý luận dạy học có 5 phương pháp dạy học:
+ Giải thích - minh họa + Tái hiện
+ Trình bày nêu vấn đề
+ Tìm kiếm từng phần (người học tham gia giải quyết một phần vấn đề)
+ Nghiên cứu (người học độc lập giải quyết toàn bộ vấn đề) 1.3.4. Phân loại theo hoạt động dạy học
Bao gồm các phương pháp: thông báo và thu nhận, giải thích và tái hiện, thiết kế thực hành và tái hiện thực hành; giải thích, kích thích và tìm kiếm từng phần; kích thích và tìm kiếm. M.I.Macmutov là tác giả của cách phân loại này.