Chương 2. Nội dung dạy học đại học
1. Lý luận về nội dung dạy học
1.1. Khái niệm về nội dung dạy học
Nội dung dạy học là một nhân tố hữu cơ của quá trình dạy học.
Nó qui định hệ thống những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mà người học cần nắm vững, bảo đảm hình thành ở chúng cơ sở của thế giới quan khoa học và những phẩm chất của người công dân, người lao động tương lai.
Hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo này là một bộ phận của vốn kinh nghiệm xã hội phong phú, đa dạng mà loài người đã tích luỹ, khái quát hoá và hệ thống hoá qua bao thế hệ.
Vốn kinh nghiệm xã hội dưới hình thức văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Chúng bao gồm bốn yếu tố cơ bản sau:
1) Hệ thống những tri thức về tự nhiên, về xã hội, về tư duy, về kỹ thuật và về cách thức hoạt động mà loài người đã thu lượm được;
2) Những kinh nghiệm thực hiện cách thức hoạt động đã biết.
3) Những kinh nghiệm hoạt động sáng tạo.
4) Những kinh nghiệm về thái độ đối với tự nhiên, xã hội, con người.
Yếu tố (1) giúp cho con người hình dung được bức tranh về thế giới, nắm được cách thức tiếp cận phương pháp luận đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Yếu tố (2) giúp cho con người nắm được những kĩ năng, kĩ xảo phục vụ cho việc tái tạo và bảo tồn di sản văn hoá.
Yếu tố (3) giúp cho con người tiến hành những hoạt động sáng tạo, góp phần phát triển nền văn hoá xã hội. Nói cách khác, nó có tác dụng chuẩn bị cho con người tìm kiếm các giải quyết những vấn đề mới, cũng như tham gia cải tạo một cách sáng tạo hiện thực khách quan.
Yếu tố (4) giúp cho con người có thái độ xúc cảm đối với các hoạt động, đối với các sản phẩm hoạt động, đặc biệt là đối với con người.
Các yếu tố trên có mối quan hệ mật thiết với nhau, dựa vào nhau và hỗ trợ nhau.
1.2. Các thành phần của nội dung dạy học
Trong quá trình dạy học, các yếu tố văn hoá như đã nêu trên được lựa chọn, được cấu trúc thành nội dung dạy học. Vì vậy, nội dung dạy học nói chung, nội dung dạy học nói riêng cũng bao gồm 4 thành phần hữu cơ.
a) Hệ thống những tri thức về tự nhiên, về xã hội, về tư duy, về kỹ thuật và về cách thức hoạt động. Những tri thức bao gồm nhiều dạng khác nhau, đó là:
- Các sự kiện thông thường và các sự kiện khoa học.
- Các khái niệm cơ bản và các thuật ngữ khoa học.
- Các qui luật, định lý, định luật...
- Các học thuyết, lý thuyết...
- Những tri thức về cách thức hoạt động về phương pháp nhận thức, thu lượm tri thức.
b) Hệ thống, kĩ năng, kĩ xảo: hệ thống, kĩ năng, kĩ xảo này bao gồm những kĩ năng, kĩ xảo được qui định chung cho nhiều môn học (ví dụ, kỹ năng đọc, kỹ năng lập dàn ý, kỹ năng tách những cái chủ yếu trong nội dung dạy học ...), hoặc cho từng môn học.
c) Hệ thống kinh nghiệm hoạt động sáng tạo. Hệ thống kinh nghiệm này giúp người học tiến hành hoạt động học tập một cách sáng tạo, phát hiện được những cái mới cho bản thân không những về mặt tri thức mà còn về mặt cách thức nhận thức. Bên cạnh đó còn giúp người học ngăn ngừa và khắc phục tình trạng thụ động, máy móc, hình thức.
Người ta đã chứng minh rằng, hoạt động sáng tạo có những đặc điểm quan trọng của nó:
- Trước hết, nó giúp cho người học độc lập di chuyển được tri thức, kĩ năng, kĩ xảo vào tình huống mới.
- Đồng thời, giúp người học có thể nhìn thấy vấn đề mới trong tình huống quen thuộc, tìm được cách giải quyết tối ưu trong hành loạt cách giải quyết…
d) Hệ thống những kinh nghiệm về thái độ đối với tự nhiên, xã hội, con người. Hệ thống kinh nghiệm này về thực chất, là những kinh nghiệm về thái độ đánh giá có xúc cảm đối với tri thức khoa học, đối với các chuẩn mực đạo đức, đối với sự thể hiện về mặt thẩm mỹ của hiện thực,đối với lý tưởng xã hội ... Nhờ chúng ở người học hình thành được hệ thống giá trị đúng đắn.
Bốn thành phần trên đây của nội dung dạy học sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ một cách toàn diện, hài hoà.
1.3. Những nguyên tắc xây dựng nội dung dạy học
Nội dung dạy học được xây dựng theo những nguyên tắc sau:
1.3.1. Bảo đảm phù hợp với mục tiêu giáo dục, góp phần chuẩn bị cho người học tiếp tục học bằng nhiều con đường, hoặc bước vào cuộc sống lao động thích hợp.
Mục tiêu giáo dục luôn được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của thực tiễn và sự phát triển của khoa học. Chính vì lẽ đó, mà nội dung dạy học cũng luôn thay đổi và phát triển. Chương trình cải cách giáo dục và điều chỉnh giáo trình không nằm ngoài nguyên nhân trên.
1.3.2. Bảo đảm tính toàn diện và cân đối của giáo dục, giúp cho người học phát triển cân đối nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu học tiếp tục hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Tính toàn diện của nội dung dạy học được thể hiện thông qua các môn học, gồm các môn học về tự nhiên, về xã hội, về nghệ thuật, về giáo dục, về giáo dục sức khoẻ.... Tính toàn diện của nội dung dạy học còn được thể hiện thông qua các hoạt động giáo dục trong nhà trường , nhằm giúp cho người học phát triển nhân cách toàn diện. Đó là các hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động vui chơi, hoạt động lao động và hoạt động xã hội. Trong đó hoạt động học tập mang tính nghiên cứu là hoạt động chủ đạo.
Tính cân đối của nội dung dạy học được thể hiện thông qua quỹ thời gian bố trí cho từng môn học. Quỹ thời gian này phụ thuộc vào mục đích và khối lượng của môn học.
1.3.3. Bảo đảm cung cấp cho người học hệ thống tri thức rất cơ bản, hiện đại phù hợp với thực tiễn và hệ thống kĩ năng, kĩ xảo tương ứng, qua đó, dần dần phát huy ở người học trí thông minh, sáng tạo và năng lực nghề nghiệp.
Tính cơ bản của nội dung dạy học chính là các tri thức mang tính nền tảng cơ sở ban đầu cung cấp cho người học .
Tính hiện đại của hệ thống tri thức mang tính khái quát và hệ thống, bảo đảm tính cập nhật đối với đời sống thực tế.
1.3.4. Bảo đảm học đi đôi với hành, hoạt động nội khoá kết hợp với hoạt động ngoại khoá. Nguyên tắc xây dựng nội dung dạy học này dựa vào luận điểm tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình dạy học. Hệ thống tri thức, kĩ năng, kĩ xảo được cung cấp trong nhà trường phải vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Các hoạt động thực hành ngày càng được tăng cường trong giờ lên lớp cũng như ngoài giờ lên lớp, nhằm giúp cho người học không xa rời thực tế, vận dụng tri thức một cách linh hoạt.
1.4. Kế hoạch dạy học
Nội dung dạy học được cụ thể hoá trong kế hoạch dạy học, giáo trình và tài liệu dạy học khác.
1.4.1. Kế hoạch dạy học
Kế hoạch dạy học do cơ quan quản lý ban hành, qui định:
- Các môn học, các hoạt động giáo dục cơ bản;
- Trình tự tiến hành các môn học, các hoạt động giáo dục cơ bản;
- Số giờ dành cho từng môn, từng hoạt động giáo dục cơ bản ở mỗi lớp/ tuần;
- Tổ chức năm học: số tuần thực học, số tuần lao động và nghỉ;
chế độ học tập hàng ngày.
Ở đây có điều cần lưu ý: môn học trong kế hoạch dạy học được xây dựng từ các khoa học tương ứng. Như vậy có nghĩa là môn học và khoa học tương ứng nhưng không đồng nhất, mà có những điểm giống nhau và khác nhau.
Môn học giống khoa học ở chỗ, chúng đều phản ánh một cách khách quan và có hệ thống những thành tựu khoa học mà loài người đã tích luỹ, khái quát và hệ thống hoá.
Song môn học khác khoa học ở chỗ:
- Môn học không phải là bản sao chép tóm tắt khoa học tương ứng, mà nó chỉ phản ánh cơ sở của khoa học tương ứng. Đó là những sự kiện khoa học, những khái niệm, những định lý, định luật, lý thuyết, học thuyết, những phương pháp quan trọng nhất, những ứng dụng thực tiễn phù hợp với mục đích, nhiệm vụ dạy học và khả năng nhận thức của người học.
Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đã và đang diễn ra sự phân hoá khá lớn những khoa học hiện đại. Vì vậy, môn học thường bao gồm cơ sở của nhiều khoa học khác nhau.
- Trong môn học, ngoài cơ sở khoa học tương ứng, còn có phần qui định, hướng dẫn rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nhất định; bên cạnh đó, lại có những bài tập điển hình để người học rèn luyện những kinh nghiệm sáng tạo.
- Mỗi môn học, ngoài những yêu cầu cho người học những tri thức kỹ năng, kỹ xảo, còn có những yêu cầu phát triển năng lực hoạt động trí tuệ độc lập và sáng tạo, đặc biệt là có những yêu cầu giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức.
- Lôgic của môn học không rập khuôn theo lôgic của khoa học, mà nó được xây dựng trên cơ sở thống nhất giữa lôgic khoa học tương ứng và lôgic nhận thức của người học. Nói cách khác, lôgic môn học là hợp kim của lôgic khoa học và lôgic nhận thức của người học . Nghĩa là ở đây có sự gia công sư phạm, bảo đảm cho môn học phù hợp với nhận thức của người học.
1.4.2. Chương trình môn học Chương trình môn học qui định:
- Vị trí môn học trong kế hoạch dạy học;
- Mục đích yêu cầu của môn học (yêu cầu tri thức, yêu cầu về thái độ, yêu cầu về hành vi, kỹ năng, kỹ xảo...);
- Nội dung môn học: các phần, các chương, các bài, các mục, các tiểu mục;
- Kế hoạch thời gian: số tiết dành cho từng phần, từng chương, từng bài cũng như số tiết dành cho ôn tập, kiểm tra.
- Phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học;
- Giải thích chương trình và hướng dẫn thực hiện chương trình.
Mặc dù định nghĩa về chương trình môn học (hay chương trình giáo dục) luôn thay đổi do tác động của xã hội với những bước tiến khổng lồ về khoa học kĩ thuật và công nghệ, chương trình môn học hiện nay được xem như là tập hợp các mục tiêu và giá trị có thể được hình thành ở người học thông qua các hoạt động được kế hoạch hoá và tổ chức trong nhà trường, gắn liền với đời sống xã hội. Mức độ đạt các mục tiêu ấy là thể hiện tính hiệu quả của một chương trình dạy học/
giáo dục. Mục đích của việc thiết kế một chương trình dạy học/ giáo dục phụ thuộc vào đối tượng người học của chương trình giáo dục đó.
Ngày nay, quan niệm về chương trình đào tạo/giáo dục đã rộng hơn, đó không chỉ là việc trình bày mục tiêu cuối cùng và bảng danh mục các nội dung giảng dạy. Chương trình vừa cần cụ thể hơn, bao quát hơn, vừa là một phức hợp bao gồm các bộ phận cấu thành:
- Mục tiêu học tập;
- Phạm vi, mức độ và cấu trúc nội dung học tập;
- Các phương pháp, hình thức tổ chức học tập;
- Đánh giá kết quả học tập.
Như vậy, cấu trúc của chương trình bao gồm hai thành phần chính: sự hình dung trước những thành tích mà người học sẽ đạt được sau một thời gian học tập và cách thức, phương tiện, con đường, điều kiện để mong muốn đó trở thành hiện thực.