Chương 4. Phương pháp dạy học đại học
3. Các phương pháp dạy học phổ biến ở đại học
3.1.1. Phân loại theo hình thức hoạt động của các chủ thể trong quá trình dạy học
- Theo hình thức hoạt động của người dạy có: Phương pháp thông báo, phương pháp giải thích, diễn giảng, thuyết trình, kể chuyện, làm mẫu v.v.
- Theo hình thức hoạt động của người học có: phương pháp luyện tập, thực hành, bắt chước, tự học, tự nghiên cứu v.v.
3.1.2. Phân loại theo con đường tiếp nhận tri thức
Phương pháp dùng lời - con đường tiếp nhận tri thức là ngôn ngữ nói hoặc viết - ví dụ như: kể chuyện, giải thích, diễn giảng, trò chuyện gợi mở, độc giảng (tiếng Nga - Leksia, tiếng Anh - Lecture) v.v; phương pháp trực quan - tri thức đến với người học thông qua các giáo cụ trực quan, sự vật, hiện tượng có thể quan sát được - ví dụ như: minh hoạ, trình diễn, làm mẫu v.v.; phương pháp thực hành - thông qua các hoạt động, hành động, thao tác v.v. người học chiếm lĩnh tri thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo v.v - ví dụ như: luyện tập, thực hành, thực nghiệm, thí nghiệm, trò chơi v.v.
3.1.3. Phân loại theo hướng tiếp cận
Phương pháp truyền thống, cổ điển, phương pháp hiện đại;
phương pháp giáo điều, một chiều, tái tạo, phương pháp khám phá, phát huy sáng tạo, tích cực của người học; phương pháp thụ động, phương pháp tích cực; phương pháp Algorit hoá, phương pháp Heuristic v.v.
3.1.4. Phân loại theo đặc điểm hoạt động nhận thức của người học Xuất phát từ quan điểm cho rằng mục đích việc lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học là nhằm thiết kế và triển khai việc dạy học có hiệu quả, tức đạt được mục tiêu dạy học (“Kết thúc bài học này người học sẽ ….!”), M.N.Skatkin, I.Ja.Lener đã chọn đặc điểm hoạt động nhận thức của người học làm mục tiêu dạy học theo các
lĩnh vực hoạt động của người học (J.Dave): Nhận thức (Cognitive) – Tâm vận (Psychomotor) – Tình cảm (Affective), theo bậc thang nhận thức của B.J.Bloom (1954), theo triết lý dạy học theo mục tiêu: kiến thức – kĩ năng – thái độ và dạy học lấy người học làm trung tâm hiện nay (Chất lượng là sự trùng khớp với mục tiêu!).
B.J.Bloom chia hoạt động nhận thức ra làm 6 cấp độ: Biết (Nhớ) - Hiểu - Vận dụng - Phân tích - Tổng hợp – Đánh giá. Như vậy, ứng với mỗi mục tiêu dạy học (người học sẽ phải đạt tới cấp độ nào của thang bậc nhận thức?) sẽ có một nhóm phương pháp dạy học thích hợp.
Phương pháp thuyết trình - minh hoạ (thông báo thông tin - thu nhận)
Phương pháp này nhắm đến mục tiêu làm cho người học Biết (ghi nhớ) phù hợp với nội dung dạy học sự kiện, khái niệm.
Mục đích: Tổ chức việc lĩnh hội tri thức thông qua con đường thông báo, diễn giải thông tin, nội dung dạy học; đóng vai trò bước khởi đầu cho việc khám phá sự vật, hiện tượng.
Hoạt động của người dạy: Thông báo, truyền đạt thông tin bằng các phương tiện khác nhau, trong đó chủ yếu là ngôn ngữ, phương tiện trực quan (sơ đồ, bảng biểu, ví dụ minh hoạ v.v.).
Hoạt động của người học: Lĩnh hội, tư duy, ghi nhớ nội dung được thông báo v.v.
Ưu điểm: Dễ triển khai, giải quyết mâu thuẫn giữa thời gian, không gian, số lượng lớn người học với khối lượng lớn thông tin, kinh tế v.v.
Nhược điểm: Người học thụ động, học “vẹt”, học “gạo”, chưa hình thành được kỹ năng, thao tác vận dụng xử lý thông tin, thiếu sự tương tác, phản hồi từ phía người học v.v.
Phương pháp tái tạo (lặp lại, thao tác theo mẫu cho sẵn) Phương pháp này nhắm đến mục tiêu làm cho người học Hiểu (bước đầu vận dụng), phù hợp với nội dung dạy học qui trình, quá trình.
Mục đích: Hình thành kỹ năng, kỹ xảo, thao tác thuần thục với thông tin, nội dung dạy học.
Hoạt động của người dạy: Thiết kế và đưa ra các “mẫu” (bài tập, công thức, bảng biểu, chỉ dẫn v.v.), chương trình hoá các nội dung dạy học.
Hoạt động của người học: Thao tác, lặp lại theo mẫu, theo chỉ dẫn, sử dụng các kỹ thuật để nhận diện, hiểu rõ vấn đề, bước đầu hình thành và phát triển kỹ năng thực hiện các thao tác đơn lẻ.
Ưu điểm: Hiểu bản chất vấn đề, hình thành kỹ năng vận dụng tri thức đã lĩnh hội.
Nhược điểm: Học “tủ”, rập khuôn, cứng nhắc.
Phương pháp nêu vấn đề - tình huống
Phương pháp này nhắm đến mục tiêu giúp người học vận dụng được các kỹ năng để giải quyết những vấn đề của nội dung, phù hợp với dạy học các nguyên lý, nguyên tắc.
Mục đích: Đưa ra các vấn đề (tình huống có vấn đề), khai phá các mâu thuẫn, chỉ ra các cách giải quyết chúng.
Hoạt động của người dạy: Thiết kế, phân loại, chỉ ra các vấn đề, tình huống có vấn đề của nội dung dạy học, điều khiển, hướng dẫn, điều chỉnh các hướng giải quyết vấn đề, kiểm chứng tính đúng đắn do người học đưa ra.
Hoạt động của người học: Tìm kiếm, khai phá mâu thuẫn cũng như lôgic của vấn đề, đề ra giả thuyết, phương hướng giải quyết.
Ưu điểm: Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, hình thành tư duy phê phán.
Nhược điểm: Khó triển khai, tốn nhiều công sức, thời gian v.v.
Phương pháp khám phá sáng tạo
Phương pháp này nhắm đến mục tiêu giúp người học Phân tích được các vấn đề của nội dung đặt ra, phù hợp với dạy học sáng tạo.
Mục đích: Hình thành kỹ năng tự xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề chứa trong nội dung dạy học.
Hoạt động của người dạy: Hướng dẫn cách xác lập vấn đề, tìm kiếm, thu thập cứ liệu, lập kế hoạch giải quyết các vấn đề của nội dung.
Hoạt động của người học: Xác lập, phân tích, lên kế hoạch độc lập tìm kiếm giải pháp, con đường giải quyết vấn đề.
Ưu điểm: Rèn luyện, kích thích tư duy phê phán, sáng tạo, phát triển kỹ năng độc lập giải quyết vấn đề, tìm kiếm giải pháp mới cho cùng một vấn đề.
Nhược điểm: Khó tổ chức triển khai, tốn nhiều công sức, thời gian, đòi hỏi người dạy và người học phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Phương pháp tự nghiên cứu (làm việc độc lập)
Phương pháp này nhắm đến mục tiêu giúp người học phân tích, tổng hợp và đánh giá, đưa ra quan điểm, ý kiến riêng về những vấn đề của nội dung dạy học.
Mục đích: Đảm bảo và phát huy các kỹ năng làm việc độc lập, sáng tạo, mềm dẻo, thích ứng nhanh của người học để giải quyết những vấn đề mới.
Hoạt động của người dạy: Đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề cụ thể của nội dung dạy học.
Hoạt động của người học: Độc lập tìm kiếm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Ưu điểm: Phát huy khả năng làm việc độc lập, tìm tòi, phát hiện vấn đề và giải quyết chúng một cách sáng tạo, hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học.
Nhược điểm: Hạn chế sự giao tiếp giữa người dạy và người học, khó tổ chức.
Việc không nhất quán trong quan điểm phân loại các phương pháp càng chứng tỏ tính phức tạp và những thách thức vẫn đang đặt ra cho bài toán đi tìm một phương pháp dạy học hiệu quả. Điều này đòi hỏi người dạy và người học không chỉ phải nắm vững và khống chế các phương pháp dạy học mà còn phải viết cách vận dụng, phối hợp chúng hài hoà trong quá trình dạy học.