Chương 4. Phương pháp dạy học đại học
4. Lựa chọn và vận dụng các phương pháp dạy học
4.1. Tại sao phải lựa chọn, phối hợp các phương pháp dạy học?
Bởi phương pháp tạo nên hiệu quả của quá trình dạy học nên vấn đề lựa chọn phương pháp luôn được đặt lên hàng đầu trong khi thiết kế, xây dựng ý đồ triển khai một bài giảng cụ thể. Trên thực tế, không tồn tại một phương pháp tuyệt hảo cũng như không có một phương pháp tồi tệ. Mỗi phương pháp đều có những mặt ưu và nhược riêng. Do đó, người dạy phải biết chọn lựa để phát huy những điểm mạnh và hạn chế những nhược điểm của từng phương pháp trong quá trình dạy học.
- Mỗi phương pháp dạy học đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định.
- Phương pháp dạy học chịu sự chi phối trực tiếp của nội dung dạy học, mỗi bài học cần có phương pháp phù hợp.
- Khả năng nắm vững và nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học của mỗi người dạy không giống nhau.
- Đặc điểm của lớp học, của người học, điều kiện thực tế về phương tiện, kĩ thuật dạy học cũng chi phối đến việc lựa chọn và vận dụng các phương phápdạy học.
Một phương pháp dạy học được coi là hợp lý và hiệu quả khi phương pháp này:
Nhắm đến mục tiêu dạy học rõ ràng: Tạo ra khả năng cao nhất để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dạy học, phát triển nhận thức, kỹ năng, thái độ của người học;
Tương thích: Phù hợp với nội dung dạy học cụ thể, đặc thù của từng môn học, bài học, từng vấn đề cụ thể; từng giai đoạn cụ thể trong tiến trình giờ học v.v. (Một số tác giả đặc biệt lưu tâm đến việc cần phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau tại những thời điểm khác nhau trong giờ học căn cứ vào mức độ tập trung chú ý của người học. Ví dụ: khủng hoảng chú ý ở người học sẽ xảy ra ở phút 14-18, sau đó tình trạng này sẽ lặp lại lần thứ hai sau khoảng 11-14 phút, lần ba sau khoảng 9-11 phút, lần cuối sau khoảng 8-9 phút v.v.).
Khả thi: Phù hợp với năng lực, trình độ, sở thích, hứng thú, kinh nghiệm của người dạy lẫn người học, phù hợp với các điều kiện dạy học v.v.
Do đó, việc lựa chọn phương pháp dạy học sẽ bị qui định bởi:
- Mục tiêu, nội dung dạy học (môn học, chương mục, bài học, từng nội dung cụ thể trong các giai đoạn triển khai giờ học v.v.);
- Nguyên tắc dạy học;
- Đặc điểm tâm, sinh lý, khả năng, trình độ, hứng thú của người học, trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của người dạy.
Không có một phương phápdạy học nào là vạn năng đối với mọi người dạy và đối với mọi môn học. Vì vậy người người dạy phải biết lựa chọn và vận dụng phối hợp các phương phápdạy học sao cho có thể phát huy được ở mức tối đa các mặt mạnh của từng phương pháp dạy học và khắc phục những hạn chế của từng phương phápdạy học
4.2. Cơ sở để lựa chọn và vận dụng phối hợp các phương phápdạy học
- Căn cứ vào đặc điểm hoạt động nhận thức của người học;
- Căn cứ vào đặc trưng của môn học, vào nội dung bài học;
- Căn cứ vào điều kiện, phương tiện kĩ thuật dạy học;
- Căn cứ vào năng lực, trình độ nghiệp vụ sư phạm của người người dạy.
4.3. Quy trình lựa chọn phương pháp dạy học
Việc lựa chọn PPDH là vấn đề phức tạp và rất cần thiết. Cần có quy trình khoa học cho việc này.
Việc lựa chọn phương pháp dạy học diễn ra theo quy trình sau:
Vòng I: Bao gồm các bước:
- Bước 1: Nắm vững nội dung của bài.
- Bước 2: Xác định mục đích, tư tưởng chính của bài.
- Bước 3: Bổ sung vào nội dung giáo trình, những tài liệu thực tế và nội dung hiện đại.
- Bước 4: Xây dựng cấu trúc nội dung.
Đây là vấn đề quan trọng nhất của việc chuẩn bị bài. Cụ thể là:
- Xác định mục đích, nhiệm vụ.
- Xác định có ý chính, phụ, lôgic của nội dung bài dạy, lập sơ đồ (nếu có thể).
- Bổ sung vào từng phần nội dung những tài liệu thực tế và những thông tin hiện đại.
- Lập quy trình dạy học (mở bài - bài mới - luyện tập - kiểm tra...) Vòng II: Lựa chọn phương pháp dạy học tương ứng với nội dung bài học, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng nội dung.
Quy trình dựa trên việc trả lời các câu hỏi sau:
1. Có thể dạy phần nội dung này bằng phương pháp làm việc độc lập của người học được không?
2. Có thể dạy phần nội dung này bằng phương pháp thực hành được không?
3. Có thể dạy phần nội dung này bằng phương pháp trực quan được không?
Việc trả lời các câu hỏi này sẽ giúp xác định được phương pháp chính dạy trong bài này.
Ở đây cần lưu ý là:
Một bài học không chỉ sử dụng một phương pháp vì nội dung rất đa dạng. Vì vậy cần có sự phối hợp các PPDH.
Căn cứ vào nội dung chủ đạo của bài mà chọn được một phương pháp chính. Còn các phương pháp khác chỉ là hỗ trợ. Nếu không nhận thức được điều này thì hoạt động của thầy và trò sẽ rối loạn khi lên lớp.
Vòng III: Thể hiện tất cả các vấn đề trên ở trong bản thiết kế cụ thể của bài dạy là giáo án