Để đánh giá, cần có kĩ thuật và công cụ đánh giá. Dưới đây là những phương pháp và kĩ thuật đánh giá chủ yếu.
3.1. Quan sát
Quan sát là kĩ thuật đánh giá phổ biến, thường được dùng trong lớp, ngoài lớp. Người dạy thường xuyên quan sát hành động và thái độ học tập của người học, hành vi đạo đức của người học và đưa ra những kết luận căn cứ vào quan sát. Quan sát trực tiếp có thể đánh giá tức thời thái độ, kỹ năng của SV, cho kết quả ngay. Tuy nhiên sự có mặt của GV có thể ảnh hưởng đến tính “tự nhiên” của SV khi làm việc. Thường dùng để đánh giá trong khi làm bài, lúc làm thí nghiệm, tham quan thực tế...
Để đánh giá có thể sử dụng một vài công cụ đánh giá như:
Sổ ghi chép những nhận xét hàng ngày
Người dạy ghi lại những tình huống rất cụ thể, chi tiết nhưng có ý nghĩa về tính cách, thái độ, hành vi của người học.
Phiếu ghi nhận xét:
Phiếu này được dùng để theo dõi thường xuyên về một kĩ năng, một hành vi nào đó của người học. Ví dụ:
Lớp … Ngày ………. Môn: ………..
Tên người học
Có óc tưởng tượng
Biết sử dụng phương
tiện kĩ thuật
Tính cẩn thận
Biết giải thích ý nghĩa của
sơ đồ
Nhận xét chung Nguyễn Văn A
Lê Văn B Đỗ Huy C ...
+ + +
+ + -
+ + -
+ - - Ý nghĩa:
a/ + = có ; - = không.
b/ Có thể thay các dấu + và - bằng các con số như 1, 2, 3, 4, 5 để chỉ các mức xuất sắc, tốt, khá, trung bình, kém. Khi đó phiếu nhận xét có chứa đựng cả việc xếp hạng.
3.2. Đặt câu hỏi/Vấn đáp
Đây là các đánh giá có thể thực hiện trong quá trình dạy học hoặc thi cuối khóa. Ưu điểm của phương pháp này là cho kết quả nhanh, giảng viên có thể kiểm tra những yếu tố không có ở cách đánh giá khác như khả năng phản ứng của sinh viên, cách suy nghĩ của sinh viên, tình cảm, thái độ.
Nhược điểm là kết quả đánh giá dễ phụ thuộc vào chủ quan của giảng viên nên các câu hỏi và đáp án cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, hoặc tăng cường thêm giám khảo để thành lập thành hội đồng.
Hỏi được dùng để đánh giá kết quả học tập và là kĩ thuật thường được dùng. Hỏi người học có những tác dụng giúp người dạy:
- Nắm được những điều người học đã biết trước đây về nội dung bài học khi hỏi lúc bắt đầu bài mới, nhờ đó xác định được cách bắt đầu bài học mới.
- Biết được mức độ hiểu bài trong quá trình dạy và học.
- Biết được kết quả học tập của người học sau khi người học đã học xong một bài, chương mục, vấn đề.
Các câu hỏi được đưa ra đúng lúc, có chất lượng có tác dụng gây hứng thú, thu hút sự chú ý, kích thích người học tìm tòi, suy nghĩ.
Có nhiều loại câu hỏi, nhưng ở các dạng câu hỏi sau thường được dùng:
- Các câu hỏi đòi hỏi người học nhớ lại các sự kiện và hiện tượng. Đây là các câu hỏi đòi hỏi nhớ lại, tái hiện kiến thức.
- Các câu hỏi yêu cầu người học phải suy nghĩ dựa trên nhiều sự kiện, nhiều hiện tượng. Đây là các câu hỏi đòi hỏi người học so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp.
Khi đặt câu hỏi cần chú ý đến các điểm sau đây:
- Lựa chọn trước các câu hỏi khi thiết kế bài học, sắp xếp chúng theo một trình tự lôgic.
- Nội dung các câu hỏi phải rõ ràng, chứa đựng thông tin cần hỏi một cách xác định, không gây sự hiểu lầm. Ngoài các câu hỏi cơ bản cần có những câu hỏi bổ sung để gợi ý khi cần thiết, để đánh giá chính xác hơn. Tránh đưa ra những câu hỏi chưa được chuẩn bị kĩ.
- Không đưa ra những câu hỏi mà người học không cần suy nghĩ hoặc nhớ lại đã có thể trả lời.
Các câu hỏi được đưa ra dưới 2 hình thức:
Hỏi vấn đáp. Khi hỏi vấn đáp cần chú ý:
+ Sau khi đặt câu hỏi, cần để thời gian để người học có thì giờ suy nghĩ, dù rằng đó là câu hỏi tái hiện, nhớ lại.
+ Phân phối đều đặn các câu hỏi cho nhiều người học trong lớp, tránh hiện tượng chỉ hỏi những người học có học lực khá hoặc giỏi.
+ Lắng nghe câu trả lời của người học một cách bình tĩnh, với thái độ khuyến khích, tôn trọng người học. Tránh cắt ngang làm người học mất bình tĩnh.
+ Yêu cầu người học nói đủ to để cả lớp đều nghe được, đồng thời yêu cầu cả lớp cũng chú ý nghe bạn trả lời.
Kiểm tra viết. Kiểm tra viết là một hình thức quan trọng để đánh giá kết quả học tập của người học, hay được dùng. Đánh giá bằng bài kiểm tra viết có những ưu điểm sau:
+ Cùng một lúc kiểm tra được nhiều người học.
+ Có tư liệu để giữ lại, khi cần thiết có thể sử dụng.
+ Tạo điều kiện để người học phát triển ngôn ngữ, kĩ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ viết.
Tuy nhiên kiểm tra viết khó sát được trình độ của cả lớp, nhất là đối với người học giỏi và người học kém.
Yêu cầu của phương pháp kiểm tra viết:
- Đề bài phải chính xác, dễ hiểu, sát với trình độ của người học, hình thức rõ ràng, phù hợp với thời gian làm bài, phát huy được trí thông minh của người học.
- Tổ chức kiểm tra tốt tạo điều kiện để người học phát huy tính tích cực làm bài, ngăn ngừa tình trạng vi phạm kỷ luật.
- Thu bài đúng giờ
- Chấm bài cẩn thận: xây dựng đáp án, chấm bài theo đáp án, có lời phê cả ưu và nhược về nội dung và hình thức.
3.3. Bài tập
Bài tập là hình thức kiểm tra đánh giá thường được dùng với mọi môn học, được người dạy giao cho người học làm ngay tại lớp, trong quá trình học bài mới, khi củng cố ôn tập, hoặc làm ở nhà.
Đề bài tập có thể lấy từ sách giáo khoa hoặc do người dạy tự soạn. Nếu bài tập người dạy tự soạn, cần viết rõ ràng trên bảng đen, đọc cho người học chép vào vở.
Khi ra bài tập, người dạy cần chú ý:
- Nếu làm ở lớp, dạo quanh lớp để theo dõi tình hình làm bài, kịp thời gợi ý, giúp đỡ cho người học gặp khó khăn.
- Chữa tại lớp bài tập ra về nhà vào thời gian thích hợp (ví dụ đầu tiết học sau, trong tiết chữa bài tập...);
- Nhận xét tổng hợp kết quả làm bài tập của người học để biết kết quả học tập, nhất là phát hiện những điều cần bổ sung ở các tiết học sau.
3.4. Trình diễn của người học
Trình diễn của người học trước lớp là giao cho họ nhiệm vụ trình bày một báo cáo nhỏ, biểu diễn một thí nghiệm, một động tác thể dục, hát một ca khúc, giới thiệu một bức họa, đóng vai trong một trò chơi... Những hình thức này rất cần thiết cho việc đánh giá kĩ năng và thái độ của người học. Có thể thực hiện dưới hình thức:
Trình bày vấn đề: sinh viên trình bày một vấn đề mà GV đề nghị hoặc sinh viên lựa chọn. Qua việc trình bày của sinh viên, giảng viên có thể đánh giá mức độ nắm vững của kiến thức, lỗ hổng kiến thức, kỹ năng nói, trình bày. Ngoài ra bằng các câu hỏi phụ, giảng viên có thể đánh giá khả năng ứng xử của sinh viên, khả năng nêu vấn đề khi tình huống thay đổi.
Tiểu luận: Đây có thể được xem là cách đánh giá chuẩn. Có nhiều loại tiểu luận khác nhau nhằm đánh giá sự hiểu biết, lối suy nghĩ, khả năng vận dụng và tổng hợp của SV.
3.5. Người học tự đánh giá
Người dạy cần hướng dẫn và tạo cơ hội để người học tự đánh giá và tham gia vào việc đánh giá lẫn nhau. Kĩ thuật đánh giá này có những tác động sau:
- Giúp người học nhận xét mặt mạnh, mặt yếu, những tiến bộ của mình.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc học tập, lòng tự tin, tính độc lập.
- Rèn luyện ý thức và thói quen, khả năng tự đánh giá.
Để thực hiện việc này, người dạy có thể hướng dẫn để người học biết sử dụng các phiếu ghi nhận xét, thang xếp hạng, đáp án... để người học tự đánh giá kết quả. Cũng có thể giao cho người học chấm bài của nhau, cùng bàn bạc để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá.
3.6. Trắc nghiệm
Trong dạy học, trắc nghiệm là kĩ thuật được dùng để tìm hiểu một số đặc điểm về năng lực trí tuệ của người học hoặc để kiểm tra đánh giá một số kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, thái độ của người học. Ở nước ta việc sử dụng trắc nghiệm trong đánh giá đang được phát triển. Dưới đây trình bày một vài vấn đề chủ yếu về trắc nghiệm.
Người ta thường phân loại trắc nghiệm ra 2 loại:
Trắc nghiệm khách quan: đó là dạng trắc nghiệm trong đó mỗi câu hỏi có kèm câu trả lời sẵn. Loại câu hỏi này cung cấp cho người học một phần hay tất cả thông tin và đòi hỏi người học chọn một câu để trả lời hoặc chỉ điền thêm một vài từ. Loại câu hỏi này được gọi là khách quan vì câu trả lời đã rõ ràng, việc đánh giá không phụ thuộc vào người chấm bài. Tính khách quan ở đây thể hiện ở việc cho điểm, vì vậy tính khách quan này chỉ mang tính chất tương đối, vì nó còn phụ thuộc vào việc lựa chọn nội dung và cách xây dựng các câu hỏi.
Trắc nghiệm chủ quan: đó là dạng trắc nghiệm dùng những câu hỏi đòi hỏi người học tự xây dựng câu trả lời. Vì vậy loại trắc nghiệm này còn được gọi là mở (trắc nghiệm khách quan vì vậy được gọi là đóng). Câu trả lời có thể là một đoạn văn ngắn, một bài tóm tắt, một bài diễn giải... Loại trắc nghiệm này được gọi là chủ quan vì việc đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào người chấm.
Những trắc nghiệm này có thể do người dạy tự thiết kế để dùng cho lớp học của mình, có thể do một cơ quan giáo dục thiết kế để dùng chung cho nhiều trường.
Các loại câu trắc nghiệm:
Câu đúng - sai
Trước một câu dẫn nhất định (không phải là câu hỏi) người học trả lời là đúng (Đ) hay sai (S). Loại câu này thích hợp cho việc kiểm tra những kiến thức về sự kiện (mốc lịch sử, địa danh, tên nhân vật...), những định nghĩa, công thức cần nhớ. Loại câu hỏi này ít kích thích suy nghĩ.
Khi soạn các loại câu hỏi Đ - S, cần chú ý:
+ Chọn câu dẫn mà người học trung bình khó nhận ngay ra là đúng hay sai;
+ Không trích nguyên văn những câu có trong sách giáo khoa;
+ Tính Đ hay S của câu dẫn là chắc chắn;
+ Mỗi câu hỏi chỉ diễn tả một ý độc nhất, tránh bao gồm nhiều chi tiết;
+ Sắp xếp các câu Đ và câu S một cách ngẫu nhiên để người học không đoán được.
Câu nhiều lựa chọn
Đó là loại câu hỏi có từ 3 đến 5 câu trả lời sẵn, nhưng chỉ có một câu đúng hoặc đúng nhất. Câu Đ - S chỉ có hai phương án trả lời để lựa chọn 1, còn câu nhiều lựa chọn có thể có từ 3 đến 5 phương án trả lời để lựa chọn. Các câu trả lời khác (không phải là câu đúng hay đúng nhất) được gọi là câu gây nhiều hay câu gài bẫy để người học suy nghĩ, lựa chọn.
Khi soạn loại câu này cần chú ý:
+ Phần gốc có thể là một câu hỏi hay một câu bỏ lửng, phần lựa chọn là đoạn trả lời câu hỏi hay là đoạn bổ sung để phần gốc đủ nghĩa.
+ Phần lựa chọn nên từ 3 đến giáo dục tùy thuộc vào nội dung câu hỏi và trình độ kiến thức và tư duy của người học. Những câu nhiễu phải có tính hấp dẫn như nhau, dễ gây hiểu nhầm.
+ Tránh để cho ở một câu hỏi có thể có hai câu trả lời đều là Đ nhất.
Câu ghép đôi
Loại câu này thường gồm hay dãy thông tin: một dãy là những câu dẫn, dãy kia là những câu lựa chọn. Người học phải tìm ra câu lựa chọn ứng dụng với câu dẫn. Ví dụ:”Về các lớp động vật có xương sống
Lớp Ví dụ Trả lời
1. Cá a. Cá heo e
2. Lưỡng cư b. Sán g
3. Bò sát c. Đà điểu d
4. Chim d. Rùa c
5. Thú e. Cá ngựa a
g. Kì nhông Khi soạn các câu hỏi loại này, cần lưu ý:
+ Dãy thông tin nêu ra không quá dài, thuộc cùng một loại, hai loại thông tin có liên quan với nhau;
+ Số lượng thông tin trong hai cột không nên bằng nhau, để người học cân nhắc;
+ Thứ tự các câu trả lời không ăn khớp với thứ tự các câu hỏi dễ gây thêm khó khăn cho việc lựa chọn.
Câu điền khuyết
Đó là loại mà trong câu dẫn có để một hay vài chỗ trống mà người học có nhiệm vụ điền vào bằng những từ hay cụm từ thích hợp. Loại câu hỏi này dễ xây dựng, nhưng tính khách quan khi chấm có phần nào giảm đi. Khi soạn các câu hỏi loại này, cần chú ý :
+ Bảo đảm để ở mỗi chỗ trống chỉ có thể điền một từ hay cụm từ thích hợp.
+ Từ phải điền là danh từ và là từ có ý nghĩa nhất trong câu.
+ Mỗi câu chỉ có một hoặc hai chỗ trống ở đầu, giữa hoặc cuối câu để người học điền thêm. Các khoảng trống đều nhau để người học không đoán được là phải điền ít hay nhiều từ.
Ưu điểm của phương pháp trắc nghiệm
+ Trắc nghiệm cho phép trong một thời gian ngắn kiểm tra được nhiều kiến thức cụ thể, đi vào những khía cạnh khác nhau của một kiến thức. Nhờ đó có thể chống lại khuynh hướng “học tủ”.
+ Trắc nghiệm tốn ít thời gian thực hiện, nhất là khi chấm bài.
Thời gian dùng để biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm thường lớn, nhưng khi chấm lại nhanh chóng. Nếu dùng máy vi tính có thể chấm hàng ngàn bài trong một giờ.
+ Trắc nghiệm đảm bảo tính khách quan, hạn chế những sai lệch về điểm số.
+ Trắc nghiệm gây được hứng thú và tính tích cực học tập cho người học.
Nhược điểm
+ Trắc nghiệm chỉ rèn trí nhớ nếu không có kinh nghiệm biên soạn đề;
+ Không rèn luyện được khả năng diễn đạt của người học.
Quy trình xây dựng những câu trắc nghiệm
Để xây dựng các câu trắc nghiệm, người ta phải tiến hành theo các bước sau:
- Xác định mục đích các bài trắc nghiệm
Trước khi soạn các câu trắc nghiệm cần xác định mục đích trắc nghiệm. Mục đích của trắc nghiệm có thể là để đánh giá kiến thức, đánh giá thái độ.
Khi đánh giá kiến thức, có thể đánh giá việc nhớ lại các kiến thức đã học, việc sử dụng kiến thức đã có vào các tình huống khác nhau, việc khái quát hóa ... khi đánh giá thái độ có thể đánh giá các mức độ khác nhau, như chấp nhận, tán thành...
- Xác định cấu trúc nội dung bài trắc nghiệm
Trong trường hợp đã có những câu hỏi trắc nghiệm để lựa chon, người dạy căn cứ vào mục đích trắc nghiệm để chon bài trắc nghiệm có nội dung thích hợp.
Nếu người dạy tự xây dựng bài trắc nghiệm, trước hết cần căn cứ vào nội dung bài học xác định:
+ Những chủ đề kiến thức cần đánh giá
+ Loại câu hỏi đối với từng chủ đề kiến thức, số lượng đối với mỗi loại câu hỏi
+ Nhìn nhận tổng quát để kiểm tra tính hợp lý của toàn bộ bài trắc nghiệm.
- Viết các câu trắc nghiệm
Biên soạn các câu hỏi trắc nghiệm căn cứ vào số lượng các loại câu hỏi đã được xác định ở trên.
Trong khi viết các câu hỏi trắc nghiệm, cần chú ý đến những điều cần chú ý đã nêu ở trên (mục 3 của phần này).
- Chữa bài trắc nghiệm
Căn cứ vào đáp án, người dạy chấm các bài trắc nghiệm mà người học đã làm.
Việc cho điểm được tiến hành như sau:
+ Đối với các câu hỏi Đ - S: nếu trả lời đúng đáp án, được 1 điểm; trả lời sai: 0 điểm.
+ Đối với câu nhiều lựa chọn: trả lời đúng: 1 điểm; sai: 0 điểm.
Ví dụ: Trong một bài trắc nghiệm, có 10 câu Đ - S và 15 câu nhiều lựa chọn. Điểm tối đa của bài làm là 25 nếu trả lời đúng tất cả các câu.
3.7. Báo cáo thực hành, thực tập, thực tế
Báo cáo thực tế giúp người dạy đánh giá khả năng vận dụng kiến thức của sinh viên, các kỹ năng mà sinh viên có được, khả năng xử lý tình huống, khả năng điều khiển và làm chủ công việc... Đó là các yếu tố cần thiết để kiểm tra, đối chiếu với chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo.
Nhật ký, hồi ký: Trong các đợt thực hành, thực tế, đòi hỏi sinh viên phải viết nhật ký. Đánh giá nhật ký có thể giúp giảng viên biết được khả năng tổng hợp, vận dụng kiến thức trong thực tế, cách tổ chức và nêu công việc, cách ứng xử với nhưng vấn đề phát sinh.
Ngoài ra ở các phòng thí nghiệm, nhật ký của phòng cũng giúp giảng viên đánh giá tính chuyên cần của sinh viên, quá trình thực hành thí nghiệm các kỹ năng của sinh viên...
3.8. Thực hiện dự án
Sinh viên thực hiện một nhiệm vụ phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, nhằm nêu một vấn đề nào đó, có tạo ra các sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được SV thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế họach, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện.
3.9. Hồ sơ (Portfolios)
Đánh giá SV qua hồ sơ được thực hiện để đánh giá sinh viên cuối đợt học tập, cuối khóa. Hồ sơ bao gồm kết quả học tập, thái độ trong quá trình học (chuyên cần, tính tự giác...), nhận xét của GV và các cấp quản lý.