Đánh giá biểu hiện dưới hình thức thái độ, cảm xúc, nhận xét và cho điểm.
Đánh giá, với tư cách là thái độ, cảm xúc của người dạy đối với bài làm của người học có thể được diễn đạt trong lời nói, điệu bộ, nét mặt, tỏ ý đồng tình, tán thành, khen ngợi, chê trách. Đánh giá tốt là một phương tiện củng cố niềm tin của người học vào sức mình và khả năng của mình. Đánh giá xấu là một phương tiện để bài trừ
những sai lầm trong học tập của người học. Thái độ đánh giá có ý nghĩa to lớn với sự hình thành ở người học thái độ tự đánh giá như một yếu tố nhất định của ý thức về bản thân. Với ý nghĩa như vậy đánh giá là gì?
“Đánh giá”là biểu thị một thái độ, đòi hỏi một sự phù hợp, theo một chuẩn mực nhất định. Nhờ đó mà người đánh giá (thầy giáo, cô giáo, nhà sư phạm) cho một thông tin tổng hợp, đôi khi là một con số, đối với người được đánh giá (người học).
Hiện nay, thông thường người ta đánh giá tri thức dưới hình thức nhận xét; đo kết quả bài làm bằng điểm; hoặc vừa nhận xét vừa cho điểm.
Đánh giá cũng có thể là thước đo kết quả bài làm bằng điểm số;
khi đó sự đánh giá biểu hiện bằng hình thức cho điểm; điểm này được ghi vào điểm phản ánh trình độ học tập chung của người học.
Trong dạy học theo các quan niệm cũ thì việc cho điểm quyết định địa vị của người học trong lớp, quyết định thái độ của người khác đối với thành tích học tập của người học, và đối với nhiều người học, nó nói lên ý nghĩa của việc học tập. Hiện nay, với việc dạy học theo các chương trình mới (Chương trình tiên tiến, thực nghiệm...) cùng với sự thay đổi nhiều về quan niệm, vai trò của “điểm” đã thay đổi. Ở những lớp của người dạy giàu kinh nghiệm, có nhiều sáng tạo trong dạy học thì nhân tố chủ yếu thúc đẩy người học học tập là việc hứng thú đối với hoạt động học tập, đối với các tri thức cần thu lượm cũng như các cách thức học tập. Người học thích thú say mê làm những bài tập phức tạp phải suy nghĩ “nát óc”, “phải khắc phục khó khăn”...
Chính sự làm việc trí óc với cường độ cao như vậy trong giờ học đã đem lại cho người học nhiều thỏa mãn thực sự, thúc đẩy người học học tập. Đối với một số người học, vai trò của “điểm” tựa hồ như lùi xuống hàng thứ yếu; người học coi ý nghĩa của học tập là ở tri thức;
đối với những người học khác “điểm”có chức năng kiểm tra tri thức.
Ngay cả hiện nay, nhiều người học vẫn muốn được điểm cao trong học tập, nhưng nguyện vọng ấy - được cho điểm - người học liên hệ trước hết với tri thức. Người học phát biểu rằng “điểm” giúp người học học tập; “điểm cho thấy mình biết điều gì”, người học không muốn học tập mà không được điểm, còn vì lý do là nếu không cho
điểm thì khó đánh giá được tri thức của mình (“thầy cô giáo không biết người học học tập ra sao”).
Hiện nay, ở các nước trên thế giới, người ta áp dụng những hệ thống đánh giá bằng điểm số trong nhà trường rất khác nhau: hệ thống 100 điểm, 20 điểm, hệ thống tổng hợp các điểm... Trong nhà trường nước Pháp chẳng hạn, khi cuối cấp, tốt nghiệp, các kết quả được xác định theo hệ thống 20 điểm (từ 0 đến 20), thêm vào đó mỗi niên học lại có một hệ số xác định trọng lượng và ý nghĩa của mỗi môn học đối với một ban nào đó của trường. Do vậy các điểm về những bộ môn chuyên ban có một giá trị lớn.
Thang điểm ở nước Nga gồm 5 bậc, trong đó điểm 5 là cao nhất, thấp nhất là một điểm. Ở Đức điểm 1 lại cao nhất.
Ở Việt Nam hiện nay, dùng thang điểm 10 (1 đến 10) (biểu thị bằng điểm số), nhưng thực tế chỉ có năm bậc. Nếu xuất phát từ yêu cầu chung của chương trình, thì có thể nói rằng điểm (9 - 10) dành cho người học những tri thức thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu mà chương trình đề ra. Điểm “7-8” cho người học nào mà tri thức đạt yêu cầu của chương trình, nhưng ở một số mặt nhất định, không đầy đủ. Điểm “5-6” để đánh giá những tri thức mà nhờ đó người học có thể tiếp tục học. Điểm “3-4” khi mà trình độ nhận thức của người học yếu, cần phải quan tâm theo dõi, bản thân người học phải phấn đấu vươn lên mức “trung bình”. Cho điểm “1-2” chỉ khi trình độ tri thức không cho phép người học tiếp tục học theo chương trình.
4.2. Những nguyên tắc/yêu cầu đối với đánh giá
Một số nguyên tắc chung nhất về đánh giá sau đây cũng được đề cập trong các tài liệu về KT/ĐG kết quả học tập ở Việt Nam:
- Nguyên tắc bảo đảm mối quan hệ giữa đánh giá và phát triển, giữa chẩn đoán và dự báo;
- Nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu đào tạo;
- Nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi;
- Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy và độ ứng nghiệm của phương pháp đánh giá;
- Nguyên tắc bảo đảm sự thống nhất giữa đánh giá và tự đánh giá.
Khi đánh giá tri thức, kỹ năng, kỹ xảo người học bằng cách cho điểm theo thang điểm 10 (hoặc bằng lời nói, nhận xét). Người dạy cần tuân thủ một số yêu cầu nhất định khi đánh giá người học bằng cách cho điểm. Ở đây, chúng tôi đề cập đến những nguyên tắc đánh giá cơ bản.
4.2.1. Bảo đảm tính tính khách quan
Đảm bảo tính khách quan là tạo điều kiện để người học bộc lộ thực chất các khả năng và trình độ của mình, ngăn chặn tình trạng thiếu trung thực khi kiểm tra đánh giá.
Đánh giá phải phản ánh trình độ thật của việc nắm tri thức môn học đã đề ra trong chương trình, tức là phản ánh tình hình người học nắm các tri thức đó một cách có ý thức và vững chắc đến mức nào, người học biết truyền đạt lại các tri thức đó trong ngôn ngữ nói một cách độc lập và nhất quán đến mức nào, hình thức truyền đạt phù hợp với nội dung cần truyền đạt ra sao. Người dạy sẽ mắc sai lầm nếu tỏ ra thương hại người học mà đánh giá cho điểm người học quá rộng rãi. Làm như vậy sẽ khiến người học đó và tập thể người học lầm tưởng về tình hình thực của người học đó. Nhưng cũng không nên đánh giá cho điểm quá khắt khe. Người dạy cần kết hợp sự đòi hỏi cao với thái độ quan tâm chăm lo đến mỗi người học.
Đánh giá phải khách quan, nâng điểm hay ra những câu hỏi dễ hay khó quá đều có hại. Việc đánh giá công tác của nhà trường và của người dạy căn cứ vào tỉ lệ người học lên lớp hoặc thi đỗ là một cách nghĩ nguy hiểm. Nó sẽ là nguồn gốc làm nảy sinh ở một số người dạy thái độ dễ dãi khi đánh giá người học. Cần đấu tranh quyết liệt chống lại việc đánh giá chạy theo tỷ lệ đó. Cần đánh giá công tác của người dạy và đánh giá công tác của nhà trường không theo tỷ lệ người học lên lớp hoặc thi đỗ mà theo tình hình chung của công tác dạy học.
Tính không khánh quan của người dạy khi đánh giá sẽ gây cho người học thái độ không đúng đối với người học được cảm tình của thầy cô giáo và cuối cùng làm cho người học chống lại người dạy.
Trong con mắt của người học lúc đó, người dạy hoàn toàn mất tín nhiệm.
Tóm lại đánh giá tri thức người học phải bảo đảm tính khánh quan, chính xác và công bằng... Đánh giá như vậy không phụ thuộc và ý muốn chủ quan của người đánh giá, mà phụ thuộc vào sản phẩm (bài làm) của người được đánh giá như vốn có của nó. Đây là nguyên tắc hàng đầu, quan trọng nhất của việc đánh giá.
4.2.2. Bảo đảm tính phân hóa
Những mặt khác nhau của kết quả học tập của người học phải được đánh giá theo các cách khác nhau, đảm bảo tính toàn diện và phát triển đồng thời cũng chú ý đến được các đặc điểm riêng của môn học và tài liệu cần kiểm tra. Để đạt được tính phân hóa cao nhất trong đánh giá tri thức người học, người dạy cần quan sát có hệ thống trong việc học tập của người học và do đó tạo điều kiện và khả năng cho điểm công bằng, chính xác nhất khi đánh giá tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học.
Ở đây, khi đánh giá tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học, người người dạy cần chú ý đến tính toàn diện và tính phát triển. Một mặt người dạy cần cân nhắc kỹ khi đánh giá bài làm của người học trên phương diện tập thể. Người học làm bài đến đâu, đánh giá đến đó (đánh giá theo từng bước), không vì chỉ chú trọng đến kết quả (đáp số) đúng sai mà không chú ý đến cách thức làm bài của người học, dẫn tới đánh giá người học thiếu chính xác. Mặt khác người dạy phải luôn luôn chú trọng đến tính sáng tạo của người học khi làm bài.
Nên khuyến khích người học đó khi đánh giá, mặc dù với cách làm đó, lần thực hiện bài làm đó chưa ra kết quả cuối cùng (đáp số), mặc dù hướng đi (cách thức làm bài) đúng. Ngoài ra nên động viên khuyến khích khi đánh giá người học vốn học yếu từ trước đến nay làm cho bản thân người học đó sẽ tự tin hơn vào sức mình và khả năng của mình. Điều này hết sức quan trọng với người học
4.2.3. Bảo đảm tính rõ ràng
Người học phải biết rõ, tại sao mình lại được đánh giá bằng điểm như thế, chỉ trong trường hợp ấy, cho điểm mới là phương tiện người học học tốt. Người người dạy phải làm cho người học hiểu rõ, chỉ có những ai nắm vững chắc tri thức và phát huy tính sáng tạo thì khi làm bài (tính mềm dẻo của tư duy) thì sản phẩm (bài làm) đó mới
được đánh giá tốt. Kèm theo với việc cho điểm “điểm số”, người người dạy cần có ý kiến đánh giá (nhận xét, lời phê, sửa chữa chi tiết những lỗi lầm của bài làm...) để giải thích một cách thỏa đáng những yêu điểm và thiếu sót của lời giải và vạch ra con đường giúp cho người học phát huy hoặc khắc phục.
Phải rõ ràng về mục tiêu học tập mà người dạy muốn đánh giá. Trước khi tiến hành đánh giá SV, người dạy cần phải biết các loại kiến thức, kĩ năng và cách thức thực hiện của người học về những thông tin mà mình cần kiểm tra. Kiến thức, kĩ năng và cách thức thực hiện mà người dạy muốn người học học được gọi là những mục tiêu hoặc chuẩn học tập. Người dạy càng ghi rõ những mục tiêu học tập bao nhiêu thì càng có thể chọn được những kĩ thuật đánh giá tốt bấy nhiêu.
4.2.4. Bảo đảm tính toàn diện
Một bài kiểm tra, một đợt kiểm tra, đánh giá có thể nhằm vào một vài mục đích nhất định, nhưng toàn bộ hệ thống kiểm tra phải đạt yêu cầu đánh giá toàn diện: Không những chỉ kiểm tra, đánh giá về kiến thức mà cả về thái độ, cả về các kĩ năng thực hành, kĩ năng vận dụng tri thức đã nắm được vào việc nêu các bài tập nhận thức hay bài tập thực tiễn, cả về tư duy.
4.2.5. Bảo đảm tính hệ thống
Việc kiểm tra, đánh giá phải được tiến hành theo kế hoạch, có hệ thống bao gồm:
- Kiểm tra, đánh giá trong và sau khi học một phần, một chương
- Kết hợp theo dõi thường xuyên với kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối năm học, cuối khoá học.
- Phải đảm bảo rằng kĩ thuật đánh giá mà người dạy chọn phải đáp ứng mục tiêu học tập.
- Phải đảm bảo rằng những kĩ thuật đánh giá được tuyển chọn đáp ứng nhu cầu của người học. Những kĩ thuật đánh giá sẽ cung cấp cho người học với những cơ hội để xác định xem họ đã đạt được những gì đặc biệt và họ phải làm những gì đặc biệt để cải tiến thực
hiện của họ. Vì vậy, người dạy nên tuyển chọn những phương pháp đánh giá cung cấp những thông tin phản hồi ý nghĩa cho người học, cho người học biêt họ đã đạt được mục tiêu ở mức độ nào.
- Khi có thể, đảm bảo sử dụng nhiều hình thức đánh giá cho từng mục tiêu học tập. Một hình thức đánh giá cung cấp một bức tranh không hoàn hảo về những gì mà người học đã học, vì một hình thức đánh giá có khuynh hướng nhấn mạnh duy nhất một khía cạnh của mục tiêu học tập phức hợp, nó miêu tả một cách thiếu điển hình mục tiêu học tập đó. Việc nhận những thông tin về kết quả của người học từ một vài hình thức đánh giá thường nâng cao giá trị cuả những đánh giá của người dạy.
4.2.6. Bảo đảm tính công khai
Việc kiểm tra, đánh giá phải được tiến hành công khai, kết quả phải được công bố kịp thời để mỗi người học có thể tự đánh giá xếp hạng trong tập thể, để tập thể người học hiểu biết, học tập giúp đỡ nhau.
Bảo đảm tính công khai cần được xem xét trong tương quan với tính bảo mật, với quyền riêng tư về thông tin cá nhân của người học.