Ở nơi làm việc, chúng ta khó tránh việc phải chứng kiến những xung đột, đấu tranh và bất hạnh của người khác. Có thể là một đồng nghiệp thất bại trong công việc, trở nên oán hận cấp trên, rồi biến thành bất mãn, trầm cảm. Cũng có thể là các thành viên trong một nhóm bất hòa lẫn nhau, đổ lỗi cho nhau về những nhận thức sai lầm và thất bại. Hoặc có thể một quản lý tỏ ra rất chiếu cố đến các thuộc cấp của mình, nhưng họ lại đồn thổi rằng bà ấy cao ngạo, là người chỉ huy tồi và chán ngán công việc của mình.
Khi chúng ta thấy người khác gặp khó khăn hoặc tranh cãi ở chỗ làm, chúng ta thường hay muốn giúp đỡ. Bởi vì, cơ bản là chúng ta tử tế - vì chúng ta có li (đạo lý) - đương nhiên là chúng ta muốn giúp người khác bớt khổ. Giúp người khác giải quyết xung đột, hay đối mặt với thất vọng, không phải là chuyện dễ. Chính chúng ta cũng có thể là nguyên do của cuộc xung đột. Ngoài ra còn luôn có sự u mê tiềm ẩn của lòng thương người không đúng chỗ, khiến cho những nỗ lực giúp đỡ của chúng ta bị thất bại. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh giá cao và hiểu rõ hơn về các bất đồng và khó khăn trong công việc bằng cách tập nhìn từ trái tim.
Việc nhìn từ trái tim khởi đầu với trải nghiệm tự nhìn, tự soi lại bản thân trong lúc hành thiền. Khi ngồi thiền, chúng
ta quán sát tâm, chúng ta tạo cho bản thân một không gian bao la. Chúng ta có thể thấy nỗi lo âu, bất an hay tâm buông lung, phóng dật của mình. Hoặc chúng ta có thể quán sát sự rộng lớn của việc được sống, được có mặt hoặc sự thảnh thơi nhẹ nhàng của việc có mặt chính xác trong từng giây phút.
Chúng ta quán sát tâm chạy đuổi theo vọng tưởng, rồi dần chậm lại. Chúng ta theo dõi hơi thở ra, vào. Tâm chánh niệm như thế, tâm sẵn sàng như thế giúp chúng ta được là chính mình, có mặt ngay nơi mình đang hiện hữu, đó là căn bản để nhìn từ trái tim trong công việc. Như vậy chính tâm chánh niệm chuẩn bị giúp ta có thể bình tĩnh quán sát những xung đột, cãi vã, và phiền não khi chúng xảy ra, cũng giống như chúng ta chứng kiến cuộc sống của mình diễn ra khi chúng ta ngồi trên tọa cụ, mà không có tham gia, phán đoán: Chỉ có sự cảnh giác, cởi mở, và có mặt.
Cách tiếp cận này tới những khó khăn trong công việc không phải là một cách để duy trì sự vô tư, không dính dáng, giống như một kẻ bàng quang hay người hướng dẫn viên lịch sự. Đúng hơn, sự chánh niệm đó cho phép các vấn đề được thực sự như chúng là, không bị ảnh hưởng bởi chương trình làm việc và quan điểm của ta. Hoàn toàn chấp nhận vấn đề - không phớt lờ nó, không tranh luận với nó, không cố gắng sửa chữa, hay tô điểm cho những điểm khó khăn - là cách hành xử cơ bản của sự cởi mở. Chúng ta không đứng về phía nào và cũng không trù dập ai. Chúng ta quán sát vấn đề mà không có định kiến hay thiên vị.
Những xung đột ở nơi làm việc có thể rất phiền hà và ảnh hưởng đến cá nhân nếu chúng ta tiếp nhận chúng theo cách đó, vì ta đang đón nhận phiền não một cách trực tiếp. Mặc dù cách tiếp cận đó có thể giúp ta nhìn rõ vấn đề khi nó triển khai, nhưng chắc chắn ta cũng không khỏi cảm thấy buồn
NHÌN TỪ TRÁI TIM • 187
lòng. Chúng ta không buồn trong sự lo lắng hay thất vọng:
“M. không chịu làm việc với B., thật khổ quá!”. Chúng ta cũng không buồn vì thương xót số phận của đồng nghiệp:
“Thiệt tội nghiệp! Anh J. lại thất bại trong việc ký hợp đồng mua bán”. Nỗi buồn mà chúng ta trải nghiệm khi nhìn từ trái tim là vì chúng ta thực sự cảm nhận sự đau khổ của bạn đồng nghiệp, vì chúng ta hoàn toàn sống trong cảm xúc của khoảnh khắc đó.
Nỗi buồn đó là một cảm thọ nơi thân, một cảm giác tê tái nhẹ nhàng mà ta thấy nhói lên trong lồng ngực hay trong bụng mình. Có người gọi đó là “có lòng”. Khi chúng ta cảm nhận một nỗi buồn như thế - khi chúng ta có lòng với công việc - chúng ta có thể muốn xa lánh những cảm giác buốt nhói đó. Chúng ta có thể tự nhủ: “Đây là công việc. Ở đây không có chỗ cho việc thương vay, khóc mướn chuyện của người. Chúng ta phải cẩn thận về những chuyện như thế - đánh giá vấn đề, đề nghị một giải pháp, rồi xong. Còn những việc khác phải làm”. Cách giải quyết hợp lý như vậy đối với vấn đề dĩ nhiên là có cái hay của nó. Nhưng nếu nhìn từ trái tim, chúng ta sẽ có một tầm nhìn rộng lớn hơn. Thay vì lảng tránh phiền não này vì nó không lợi ích gì, thì chúng ta thực sự làm bạn với nó. Chúng ta coi nó là một phần của việc giải quyết vấn đề. Làm như thế, dần dần chúng ta biết rằng nỗi khổ đó không phải là ủy mị hoặc “tình cảm” mà là cái nhìn vững chắc và trong sáng. Khi ta cho phép mình được
“có lòng” – cởi mở và cảm nhận trực tiếp nỗi đau của người, chúng ta phát hiện ra một trí tuệ tập trung, không sợ là mình không biết, để ta mở lòng muốn giúp đỡ người mà không cảm thấy có nhu cầu giải cứu một ai.
Phương châm “Nhìn từ trái tim” nhắc nhở rằng việc ta cảm thấy đau lòng trước những vấn đề của bạn đồng nghiệp
là bản năng tự nhiên của ta. Nó giúp ta nhìn và hành động rõ ràng. Khi ta nhìn từ trái tim việc một đồng nghiệp đau khổ vì bị sa thải, ta cũng nhìn thấy toàn cảnh của sự việc – rằng đây đúng là thời điểm để người đó ra đi, để người đó làm mới quan điểm về bản thân và thích nghi với hoàn cảnh. Khi chúng ta nhìn từ trái tim chuyện nói xấu của đồng nghiệp về một người nào đó, chúng ta cũng thấy rằng họ đang tự làm xấu mình bằng sự hèn nhát và cuối cùng khi chúng ta có thời gian để đối đầu với chuyện nói xấu, chúng ta hành động với sự chính xác và cương quyết. Hoặc khi một đồng nghiệp giận dữ bày tỏ sự tức bực vì bị chuyển công tác, thì nếu ta nhìn từ trái tim, ta biết rằng mình chỉ nên lắng nghe.
Phương châm “Nhìn từ trái tim” nhắc nhở rằng chúng ta có thể dựa vào tấm lòng của mình đối với công việc, và rằng không cần phải hổ thẹn với các cảm xúc của mình. Khi nhìn thấy người khác đau khổ hay trải qua bất hạnh, chúng ta có thể hướng dẫn, dìu dắt họ với tấm lòng, vì trong đó có sức mạnh và trí tuệ. Giống như khi hành thiền, chúng ta cho phép mình được quán sát bản thân một cách rốt ráo, chúng ta cũng có thể mở rộng tấm lòng tới những người bất hạnh khác. Làm như thế chúng ta có thể tập được thực sự hữu ích từ sự tài giỏi và khôn ngoan của mình.
***