1.1. Thực trạng sử dụng HCBVTV ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam các hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng từ năm 1957 nhằm phục vụ cho các ngành nông nghiệp và y học. Cùng với sản lượng lương thực tăng lên là lượng hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng cũng tăng lên hàng năm. Những năm 70 của thế kỷ 20 mỗi năm nước ta nhập khoảng 20 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật ( một nửa là các chất chỉ hữu cơ, còn lại là lân hữu cơ, carbamat...). Đến cuối những năm 80 số lượng này tăng lên gấp rưỡi, song thời gian sau các loại hóa chất bảo vệ thực vật dòng lân hữu cơ tăng dần chiếm quá nửa thị phần, dòng clo hữu cơ ngày càng giảm, các loại khác như carbamat, thuỷ ngân, asen cũng giảm dần.
Lượng hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng trung bình tính chung cho cả nước mới chỉ khoảng 0,5 kg cho 1ha cây trồng. Lượng này chỉ thấp bằng 1/4 so với Thái Lan. Tuy nhiên ở các khu vực trồng rau, trồng chè lại cao hơn nhiều, gấp 7 - 8 lần khu vực trồng lúa. Trong 20 năm (1961 - 1980) đồng ruộng Việt Nam đã phải tiếp nhận 53.000 tấn HCBVTV khó phân huỷ loại chỉ hữu cơ (46.910 tấn) và thuỷ ngân hữu cơ (600 tấn)... chưa tính lượng DDT được sử dụng để chống muỗi sốt rét (1200 tấn thời kỳ 1962 - 1964, 20.000 tấn thời kỳ 1976 - 1983, khoảng 2000 tấn/năm vào những năm sau).
Trên thực tế, lượng HCBVTV sử dụng ở nước ta những năm gần đây còn cao hơn nhiều do lượng HCBVTV nhập khẩu theo đường tiểu ngạch và con đường buôn lậu không thống kê, kiểm soát được.
Theo số liệu từ cục Bảo vệ thực vật, hiện nay cả nước có 19.378 cửa hàng, đại lý kinh doanh HCBVTV. Chỉ riêng một đợt kiểm tra cuối năm 2002 ở 9201 cửa hàng trên cả nước, đã phát hiện 2460 cửa hàng (26,5%) có vi phạm quy định an toàn HCBVTV. Điều tra 6840 hộ nông dân có 60,8%
số hộ sử dụng HCBVTV không đúng quy trình kỹ thuật, 2,2% số hộ sử dụng thuốc cấm, 1,8% số hộ sử dụng thuốc ngoài danh mục. Lượng thuốc độc cấm sử dụng nhập lậu bị thu giữ khá lớn: 1600 chai Mêthamidophos bị thu giữ ở huyện Đông Anh - Hà Nội, 1,1 tấn thuốc chuột Trung Quốc bị thu giữ ở Thừa Thiên - Huế, 2 tấn Mêthamodophos bị thu giữ ở Hưng Yên và nhiều trường hợp khác.
Dưới đây là lượng HCBVTV nhập khẩu hàng năm theo con đường chính ngạch của bộ NN - PTNT.
HCBVTV NHẬP KHẨU Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1991 - 1998 Năm Số lượng, tấn Trị giá, triệu USD
1991 21.400 22,5
1992 22.600 24,1
1993 25.600 33,4
1994 27.000 58,9
1995 32.400 100,4
1996 35.000 124,3
1997 37.000 131,4
1998 40.000 196,0
1.2. Tình hình nhiễm độc HCBVTV ở Việt Nam trong những năm gần đây - Mặc dù HCBVTV được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1957 trong nông nghiệp và y học song thời gian khoảng 20 năm đầu, người ta không chú ý nhiều về tác hại của các HCBVTV đối với môi trường và con người.
Theo Bộ Y tế, trong 5 năm (1980 - 1985) chỉ riêng 16 tỉnh phía Bắc đã có 2211 người bị nhiễm độc nặng do HCBVTV, 811 người chết. Năm 1997 tại 10 tỉnh/61 tỉnh, thành phố cả nước với lượng HCBVTV sử dụng mới chỉ là 4200 tấn nhưng đã có 6103 người bị nhiễm độc, 240 người chết do nhiễm độc cấp và mạn tính. Năm 2004 cả nước có 4009 vụ nhiễm độc HCBVTV.
Các mẫu rau ở nhiều địa phương có dư lượng cao HCBVTV ( kiểm tra cuối năm 2005). Bình quân cứ 1 tấn HCBVTV sử dụng thì có 14,53 người bị nhiễm độc và cứ 1,75 tấn HCBVTV sử dụng thì có 1 người chết. Kiểm tra 195 kho HCBVTV có 124 kho (64%) không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Cũng trong năm 1997 riêng huyện Thái Thuỵ - tỉnh Thái Bình với diện tích 15.000 ha đã sử dụng 55 tấn HCBVTV, bình quân cho mỗi ha canh tác là 3,66kg. Bình quân nếu cứ sử dụng 1 tấn HCBVTV thì có hai người bị nhiễm độc nặng phải đi cấp cứu và cứ 4 tấn HCBVTV sử dụng thì có một người chết do bị nhiễm độc. Nhiễm độc HCBVTV đã trở thành một vấn đề sức khỏe lớn đáng quan tâm ở các vùng nông thôn của nước ta hiện nay ở khắp các miền từ Nam đến Bắc. Theo kết quả nghiên cứu của Vụ Y Tế dự phòng (chương trình VTN/OCH/010 - 96.97) tại 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Tiền Giang, Cần Thơ trong 4 năm (1994 - 1997) đã có 4899 người bị nhiễm độc HCBVTV, 286 người chết (5,8%).
- Xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình có 9038 dân và 363 ha đất canh tác. Trong năm 1995 đã sử dụng khoảng 463 kg HCBVTV (300 kg Bassa, 105 kg Mônitơ, 45 kg Padan), bình quân 1,3 kg/ha. Tuy nhiên riêng trong năm 1995 đã có 7 người bị ngộ độc nặng, trong đó có 1 người chết. Tính ra cứ dùng 1 tấn HCBVTV thì có 15 người bị nhiễm độc và 2,16 người chết. Trong 3 năm liền (1994 - 1996) xã này có 20 người bị nhiễm độc HCBVTV, trong đó có 4 người bị tử vong (Nguyễn Thị Phương).
Theo báo cáo của Vụ Y Tế dự phòng - Bộ Y tế, năm 2005 tình hình nhiễm độc HCBVTV ở nước ta vẫn còn nghiêm trọng: hơn 5000 vụ nhiễm độc, 5394 nạn nhân và 393 người chết. Đây mới chỉ là số liệu tập hợp từ một số tỉnh, thành phố. Tính bình quân cứ 1 tấn HCBVTV sử dụng có 1,3 người bị nhiễm độc nặng và cứ 21,42 tấn HCBVTV sử dụng thì có 1 người tử vong.
1.3. Khái niệm và phân loại HCBVTV
1.3.1. Khái niệm: hóa chất bảo vệ thực vật là những nhóm lớn các chất hóa học tổng hợp được dùng để kiểm soát các loại côn trùng, sâu bệnh và động vật có hại, bảo vệ cây trồng trong nông lâm nghiệp và y tế.
1.3.2. Phân loại hóa chất bảo vệ thực vật: căn cứ vào thành phần và tác dụng chính, hoá chất bảo vệ thực vật được chia làm các nhóm sau:
- Hóa chất trừ sâu hại (insecticides) - Hóa chất diệt nấm bệnh (fungicides).
- Hóa chất trừ cỏ dại (herbicides hoặc weedicides) - Thuốc diệt chuột (Rodenticides)
- Thuốc diệt ốc hại (Molluscides).
Trong đó các hóa chất trừ sâu gồm các nhóm:
+ Nhóm lân hữu cơ (phospho hữu cơ).
+ Nhóm clo hữu cơ.
+ Nhóm thuỷ ngân hữu cơ.
+ Nhóm cacbamat.