Mệt mỏi là trạng thái sinh lý tạm thời được coi như hiện tượng bắt đầu mất cân bằng các phản ứng sinh lý, sinh hóa của cơ thể trong lao động song nếu được nghỉ ngơi sẽ trở lại bình thường không để lại di chứng gì. Trạng thái mệt mỏi được biểu hiện bằng dấu hiệu khó chịu, uể oải, chức năng sinh lý mất cân bằng, năng suất lao động giảm dễ xảy ra tai nạn lao động.
Mệt mỏi được phân ra nhiều loại:
- Mệt mỏi các khí quan riêng biệt do những biến đổi cục bộ ở bộ não không có ý nghĩa toàn thân như nhìn lâu mỏi mắt do vận cơ tĩnh đơn điệu, viết nhiều mỏi tay, cúi nhiều mỏi lưng... Trạng thái mệt mỏi này dễ cải thiện khi ta thay đổi vận động sang bộ phận khác.
Cúi nhiều mỏi lưng
Hình ảnh: Tư thế lao động đặc thù gây mệt mỏi các khí quan riêng biệt - Mệt mỏi toàn thân thường gặp trong lao động thể lực nặng huy động khối lượng cơ hoạt động nhiều, ví dụ: mang, vác, chạy, nhảy...
- Mệt mỏi não lực: là hiện tượng giảm khả năng hoạt động của tín hiệu thứ hai làm cho khả năng tư duy bị suy giảm. Các triệu chứng thông thường là nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, trương lực cơ giảm, suy nhược mạch, suy nhược thần kinh thực vật...
Mệt mỏi tâm sinh lý, tinh thần: thường gặp ở những lao động kỹ thuật phức tạp đòi hỏi sự căng thẳng về tâm lý khách quan, trách nhiệm, ví dụ: lái xe, đánh máy chữ, trực vô tuyến, ra đa...
2.1. Cơ chế của mệt mỏi
Về cơ chế phát sinh mệt mỏi còn có nhiều quan điểm khác nhau.
- Có tác giả cho rằng mệt mỏi được hình thành do hiện tượng tiêu hao dự trữ đường. Trong thực tiễn lao động nặng nhọc vận cơ nhiều thường làm cho đường huyết giảm ở ngưỡng thấp bởi glycogen không kịp phân huỷ, hậu quả của quá trình này làm cho cơ phải hoạt động thường xuyên ở trạng thái tiết kiệm đường glucose và hiện tượng mệt mỏi xuất hiện dần dần.
Nhiều tác giả cho rằng mệt mỏi sinh ra do hiện tượng nhiễm độc cơ, tế bào bởi các sản phẩm chuyển hóa trung gian. Bình thường lượng acid lactic là 0,015 mg% song do hoạt động cơ quá nhanh nên acid này có khi tăng gấp 10 - 20 lần làm cho cơ không co được.
Mệt mỏi cũng có thể bắt nguồn từ hiện tượng thiếu ôxy của tổ chức bởi hiện tượng nợ ôxy quá dài do vận cơ, thông thường hiện tượng thiếu ôxy thường kết hợp với sự gia tăng các sản phẩm trung gian không có lợi cho môi trường hoạt động của tế bào.
Nhiều tác giả hiện nay thống nhất theo cách giải thích về cơ chế mệt mỏi gắn liền với hoạt động của thần kinh. Lý thuyết này phù hợp với thực tế và có thể chứng minh bằng thực nghiệm. Do hoạt động thể lực hoặc não lực căng thẳng, quá trình hưng phấn ban đầu mạnh mẽ và kéo dài. Hiện tượng ức chế bảo vệ xảy ra là tất yếu Trong thực nghiệm người ta dùng phương pháp kích thích gây hưng phấn một vùng khác của vỏ não, hưng phấn này sẽ lan toả có thể xóa vùng ức chế và cũng xóa luôn biểu hiện mệt mỏi ở các vùng cơ mà nó chi phối. Trong thực hành người ta có thể ứng dụng học thuyết này để chống mệt mỏi bằng cách thay đổi hoạt động hoặc kiểu hoạt động lao động cơ bắp.
2.2. Nguyên nhân gây mệt mỏi
Mệt mỏi có thể do nhiều nguyên nhân song người ta có thể quy thành hai nhóm nguyên nhân chính là trong lao động và ngoài lao động.
2.2.1. Nguyên nhân trong lao động
Trong quá trình lao động đặc biệt là lao động vận cơ. Khi số lượng cơ hoạt động khoảng 2/3 tổng số trở lên hoặc vận cơ tĩnh máu sẽ không cung cấp đủ ôxy các sản phẩm trung gian sinh ra nhiều, thần kinh bị hưng phấn mạnh kéo dài, quá trình ức chế tăng lên làm mệt mỏi sẽ đến sớm.
Các cơ quan phân tích phải hoạt động điều chỉnh do tác động của lao động và môi trường (tai, mắt...) quá tải, dẫn tới mệt mỏi, ví dụ: nhìn lâu mỏi mắt, viết nhiều mỏi tay, hoạt động của hệ thần kinh trung ương càng nhiều, càng tăng thì hiện tượng ức chế bảo vệ cũng sẽ đến sớm. Hiện tượng ức chế có tính lan toả mạnh ở những người chưa quen việc ít hoạt động và không yêu nghề.
Một số yếu tố khác như điều kiện làm việc không tốt, tình trạng bệnh lý tiềm tàng của người lao động... Cũng làm cho quá trình mệt mỏi xuất hiện sớm.
2.2.2. Nguyên nhân ngoài lao động
Thông thường gánh nặng gia đình xã hội, trạng thái tâm lý, tinh thần trong cuộc sống hàng ngày cũng đóng vai trò rất quan trọng tạo điều kiện xuất hiện mệt mỏi sớm ở người lao động.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và hợp lý là nguyên nhân khá quan trọng gây nên mệt mỏi của các đối tượng lao động, ví dụ: đồ ăn thiếu kali, cơ mau chóng giảm trương lực, chế độ ăn nghèo chất đạm hoạt động trí lực giảm, thiếu năng lượng hoạt động cơ không thể kéo dài..
2.3. Biểu hiện của mệt mỏi
Người ta có thể quan sát mệt mỏi thông qua các biểu hiện lâm sàng hoặc cận lâm sàng. Các dấu hiệu quan sát thấy là hiện tượng giảm sút dẫn truyền thần kinh có thể thấy rõ, khi quá trình lao động nặng nhọc kéo dài tốc độ xung động của thần kinh giảm, ngưỡng phản ứng của thần kinh tăng cao. Hiệu quả của hiện tượng này là trí nhớ giảm, chậm hiểu, phối hợp động tác kém, thiếu linh hoạt, dễ xảy ra tai nạn, năng suất lao động giảm.
Biểu hiện bổ sung khi quá trình lao động kéo dài thường là do các nhóm cơ đang hoạt động kém hiệu lực, cơ thể tự điều chỉnh bằng cách huy động thêm các nhóm cơ khác làm cho tư thế lao động trở lên bất hợp lý và tăng tiêu hao năng lượng.
Mệt mỏi cấp diễn thường gặp ở những người lao động thể lực nặng.
Người ta có thể quan sát thấy hiện tượng mệt mỏi toàn thân, kiệt sức, nắn các bắp thịt thấy đau, trương lực và sức bền cơ giảm, mạch nhanh nhỏ, run tay, người lao động cảm thấy chức phận mất cân bằng, miệng đắng ăn không ngon, ngủ không yên. Tuy vậy các trường hợp mệt mỏi cấp diễn
thường được hồi phục sau một thời gian nghỉ ngơi và bù đắp các thiếu hụt dinh dưỡng.
Hiện tượng quá sức thường gặp trong vận cơ quá lớn (thi đấu thể thao). Hiện tượng này xuất hiện nhanh có thể thấy tình trạng xỉu dần, ngừng hô hấp, tim giãn, có thể gây tử vong. Có thể quan sát thấy hiện tượng khó thở, co cứng hoặc mềm nhũn các cơ, tinh thần rối loạn...
Các xét nghiệm thường tiến hành để tìm một số sản phẩm được bài tiết trong nước tiểu hoặc mồ hôi với các chỉ số: albumin tăng, acid lactic tăng, creatinin tăng, glucose giảm, catecholamin giảm...