Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.5 Phân loại tài nguyên du lịch
1.5.2 Tài nguyên du lịch nhân văn
1.5.2.2 Tài n guyên du lịch nhân văn phi vật thể
a. Di sản văn hóa truyền miệng và phi vật thể của nhân loại
Năm 1989 tại phiên hợp Đại hội đồng UNESCO đã đưa ra hai chính sách:
- Công nhận một danh hiệu cho một sản phẩm văn hóa phi vật thể, danh hiệu ấy gọi là “Kiệt tác DSVH truyền miệng và phi vật thể của nhân loại.
- DSVH phi vật thể và truyền miệng luôn luôn được giữ gìn trình diễn, bổ sung truyền lại cho lớp trẻ thông qua trí nhớ và tài năng của nghệ nhân. Trên thế giới, văn hóa của mỗi nước đang được giữ gìn bằng chính những con người này và UNESCO tặng cho họ danh hiệu “Báu vật nhân văn sống”.
b. Các lễ hội
Các lễ hội thường bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội.
- Phần lễ:Tùy vào tính chất của lễ hội mà phần lễ có ý nghĩa riêng, có những lễ hội phần lễ được tổ chức để tưởng niệm về một sự kiện lịch sử trọng đại, tưởng niệm, tôn vinh những danh nhân, các vị anh hùng dân tộc.
Cũng có những lễ hội phần lễ thực hiện những nghi lễ tôn kính, dâng hiến lễ vật cho các vị thiên thần, thánh nhân, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
- Phần hội: Thường tổ chức vui chơi giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, yếu tố nuôi dưỡng lễ hội là KT – XH và tự nhiên nên nội dung của phần hội không chỉ giữ nguyên những giá trị văn hóa truyền thống mà luôn có xu hướng bổ sung thêm những thành tố văn hóa mới. Đặc điểm này vừa làm cho lễ hội thêm sống động, vui nhộn, phong phú, hấp dẫn. Song nếu không được chọn lọc và giám sát chặt chẽ cũng như tuyên truyền, giáo dục, đầu tư để bảo vệ, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống thì dễ làm cho những giá trị văn hóa truyền thống bị lai tạp, mai một và suy thoái.
c. Nghề và làng nghề thủ công truyền thống
- Nghề thủ công truyền thống: là những nghề mà bí quyết về công nghệ sản xuất ra các sản phẩm mang những giá trị thẩm mỹ, tư tưởng triết học, tâm tư tình cảm, ước vọng của con người.
- Làng nghề được quan niệm: “Làng nghề nông thôn Việt Nam là làng nghề có trên 30% tổng số dân tham gia sản xuất các sản phẩm phi nông
nghiệp, tổng doanh thu do hoạt động sản xuất này chiếm trên 50% tổng doanh thu của cả làng.
Tuy nhiên làng nghề thủ công truyền thống có thể được quan niệm:
“Là những làng có các nghề sản xuất hàng hóa bằng các công cụ thô sơ và sức lao động của con người đã được hình thành một thời gian dài trong lịch sử, nghệ thuật sản xuất hàng hóa được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở trong làng. Sản phẩm hàng hóa được sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu ở trong làng mà còn được bán ở thị trường trong nước và quốc tế”.
d. Văn hóa nghệ thuật
Nếu phân loại đối tượng phục vụ là công chúng, hay giai cấp vua, quan và theo những quy định về màu âm, ca từ, diễn viên, nhạc cụ, các loại hình biểu diễn, các bản nhạc, không gian diễn xướng, thì các nhà nghiên cứu phân văn hóa nghệ thuật truyền thống thành hai loại hình: nhã nhạc và dân ca (hay còn gọi là tục nhạc).
Nếu phân loại theo thời gian ra đời và sự phát triển, các nhà nghiên cứu phân thành hai loại là văn hóa nghệ thuật truyền thống và văn hóa nghệ thuật hiện đại. Trong đó, văn hóa nghệ thuật truyền thống gồm những làn điệu dân ca, bài ca, bản nhạc, các loại nhạc cụ, vũ khúc.
e. Văn hóa ẩm thực
Ăn uống là nhu cấu thiết yếu không thể thiếu được đối với mỗi người.
Nhưng khi nói tới văn hóa ẩm thực hay nói tới nghệ thuật ẩm thực thì không chỉ nói đến nhu cầu ăn no, ăn đủ chất mà nói tới cái đẹp, nghệ thuật chế biến món ăn, không gian, thời gian ăn uống, cách ăn uống của con người, quan niệm triết học và nhu cầu ăn uống được nâng lên thành nghệ thuật.
g. Thơ ca và văn học
Các tác phẩm thơ ca, văn học là quốc hồn, quốc túy của mỗi quốc gia.
Thơ ca và văn học là nghệ thuật sử dụng ngôn từ để phản ánh cái đẹp, tình yêu của con người với thiên nhiên; của con người với nhau, với quê hương, đất nước và đời sống xã hội – sản xuất của con người.
Do có thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng, trữ tình cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời nên nhân dân ta đã sáng tạo, bảo tồn được kho tàng thơ ca văn học dân gian phong phú đồ sộ, nhiều bài thơ, truyện kể dân gian ca ngợi các vùng đất, danh lam thắng cảnh cũng đã tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách.
h. Văn hóa ứng xử và những phong tục, tập quán tốt đẹp
Văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán sinh sống, sản xuất khác lạ, tốt đẹp ở các địa phương, các quốc gia trở thành TNDL quý giá, vừa góp phần tạo nên môi trường xã hội, môi trường tự nhiên tốt đẹp, vừa tạo ra sự đa dạng độc đáo của sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Ngoài việc ứng xử có văn hóa với du khách thì truyền thống văn hóa tốt đẹp, lối ứng xử thân thiện, văn minh lịch sự của con người với nhau, của con người với thiên nhiên tại các điểm đến cũng tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn du khách.
Những tập quán sinh sống ăn, mặc, ở, ma chay, cưới hỏi, sản xuất của người dân địa phương nơi đến cũng là những giá trị văn hóa mà du khách mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm.
Tuy nhiên quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, khi du lịch phát triển, sự giao tiếp với du khách với những giá trị văn hóa mới lạ rất dễ làm cho những giá trị văn hóa truyền thống của các nước đang phát triển bị pha tạp, mai một. Vì vậy song song với việc khai thác các giá trị văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán của cư dân ở các điểm đến để phát triển du lịch phải quan tâm đầu tư cho giáo dục, tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
i. Tài nguyên du lịch gắn với văn hóa các tộc người
TNDL gắn với văn hóa các tộc người gồm những điều kiện sinh sống, sản xuất, phương thức sản xuất, kiến trúc, trang trí nhà ở, nghề thủ công truyền thống, văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, lễ hội, các phong tục, tập quán với những sắc thái riêng của các tộc người trên những địa bàn sinh sống của họ.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, có 54 dân tộc, trong đó có tới 53 tộc người thiểu số sống chủ yếu ở các vùng miền núi, cao nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ. Nhiều tộc người vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Hiện nay nhiều loại hình du lịch tham quan các bảo tàng, di tích, nghiên cứu văn hóa và sinh thái gắn với việc khai thác bảo tồn những giá trị văn hóa tộc người đã và đang được triển khai phát triển ở nước ta.
k. Các hoạt động mang tính sự kiện
Các hoạt động mang tính sự kiện như liên hoan phim, ảnh, ca nhạc quốc tế, các giải thể thao lớn. Các địa phương, các quốc gia đứng ra đăng cai tổ chức các sự kiện lớn như liên hoan phim, ảnh, nghệ thuật, các giải thể thao lớn, các cuộc triển lãm, những thành tựu kinh tế khoa học kỹ thuật, các hội nghị, hội thảo lớn, các lễ hội.
1.6 Tình hình phát triển du lịch Việt Nam – Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam là một quốc gia nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á (một khu vực hiện đang diễn ra những hoạt động du lịch sôi nổi). Với vị trí ranh giới tiếp giáp giữa 2 châu (châu Á và châu Úc) cùng 2 đại dương (Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương), khí hậu nhiệt đới gió mùa, những phong cảnh hữu tình: Đà Lạt, Sapa, Vịnh Hạ Long,… những giá trị nhân văn nổi tiếng như:
phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn,… Vì vậy Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế và giao lưu quốc tế thuận lợi để sớm hoà nhập với trào lưu phát triển du lịch
của khu vực và thế giới, đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành Du lịch. Trong những năm gần đây thì du lịch đã có những bước phát triển đáng kể. Năm 2002 Việt Nam được chọn là 1 trong 10 nước được du khách ưa chuộng nhất và là điểm đến an toàn. Chính vì vậy, năm 2005 có trên 4 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam và doanh thu từ du lịch trên 2 tỷ USD.
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng lớn nhất cả nước, đất đai phì nhiêu, nguồn nước phong phú, nhiệt độ ổn định, ánh sáng dồi dào với 2 dòng Tiền Giang, Hậu Giang uốn mình lượn quanh và đổ ra biển Đông bằng 9 cửa, đã tạo cho vùng có tiềm năng du lịch khác biệt so với các vùng khác. Đồng bằng sông Cửu Long nổi bật với xu thế du lịch sinh thái miệt vườn. Cây trái xum xuê với những loại nổi tiếng: xoài Cao Lãnh, dừa, sầu riêng Bến Tre, bưởi Vĩnh long… Với bãi bồi cồn cát xanh mát, không gian bao la thoáng đãng của thảm rừng ngập mặn ven biển trãi dài các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau,… Cùng những ngày lễ đặc trưng của vùng sông nước như:
Cholthamthmay, Ok Om Bok, đua ghe Ngo, Nghinh Ông,… và những di tích lịch sử – văn hoá: Rạch Rầm – Xoài Mút, thành cổ Óc Eo, chùa Dơi, khu mộ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Định,… đã và đang là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, đây sẽ là động lực để vùng trở thành vùng du lịch.