Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC TÀI NGUYÊN PHÁT TRIỂN DU LỊCH BẾN TRE
3.2 Định hướng khai thác tài nguyên phát triển du lịch Bến Tre
3.2.3 Định hướng thị trường sản phẩm
3.2.3.3 Chiến lược sản phẩm du lịch
a. Chiến lược marketing sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch của Bến Tre tương đối đa dạng và phong phú. Các sản phẩm này thường được gắn với các hoạt động du lịch tham quan nghiên cứu;
du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn làng quê; xây dựng các mô hình từ dừa,
tạo hình ảnh “xứ dừa” “Bến Tre ba đảo dừa xanh”; du lịch văn hóa – lễ hội khai thác “Quê hương Đồng Khởi” tạo ấn tượng cho du khách; du lịch nghỉ cuối tuần kết hợp vui chơi giải trí; du lịch thể thao sông nước; du lịch công vụ kết hợp tham quan du lịch v.v... Tuy nhiên, Bến Tre nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có các điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch (một
trong những yếu tố cấu thành nên các sản phẩm du lịch) giống với các tỉnh khác trong vùng; bên cạnh đó, vị trí địa lý của Bến Tre cũng kém thuận
lợi hơn so với một số tỉnh khác có các sản phẩm du lịch tương đồng (Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ,...), do đó Bến Tre ít có sản phẩm du lịch đặc biệt hơn so với các nơi khác ở trong vùng nên khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch sẽ kém thuận lợi hơn. Do vậy, để có thể thâm nhập vào các thị trường khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), tăng khả năng cạnh tranh thì trước hết trong việc tổ chức các hoạt động du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch cần phải thể hiện và khai thác tối đa các sắc thái riêng của Bến Tre (biểu tượng cây dừa – một đặc sản của địa phương; quê hương Đồng Khởi; các bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư gắn với các lễ hội, làng nghề, ẩm thực,…), đặc biệt chú trọng công tác nâng cao trình độ nghiệp vụ, vì đây là một cấu thành rất quan trọng của sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch cần được thể hiện và làm nổi bật các nét đặc thù nói trên.
Song song với việc xây dựng các sản phẩm du lịch, cần phải đẩy mạnh chiến lược marketing "nhiều sản phẩm cho một thị trường’’; "kết hợp nhiều sản phẩm du lịch cho một đối tượng khách’’; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch ở trong và ngoài nước (đặc biệt là ở những thị trường trọng điểm của du lịch Bến Tre),...
b. Chiến lược về sản phẩm – thị trường
Căn cứ theo nhu cầu, sở thích của khách du lịch quốc tế và nội địa cũng như khả năng cung cấp các sản phẩm du lịch của Bến Tre, chiến lược về sản phẩm – thị trường được xác định như sau:
Bảng 3.3: Chiến lược ưu tiên đầu tư phát triển một số sản phẩm – thị trường của du lịch Bến Tre
Các thị trường Sản phẩm du lịch
Khách quốc tế Khách nội địa
Du lịch sinh thái **** ****
Du lịch miệt vườn làng quê **** ****
Du lịch tham quan, nghiên cứu *** ***
Du lịch thể thao sông nước ** **
Du lịch văn hóa, lễ hội, làng
nghề ** **
Du lịch cuối tuần ** **
Du lịch thương mại, công vụ * *
Chú thích: (*) ưu tiên đầu tư thấp nhất Bến Tre không có tiềm năng lớn về du lịch thương mại – công vụ như một số thành phố lớn, do vậy đối với thị trường khách này chỉ cần đầu tư ở mức thấp. Ngược lại, Bến Tre có nhiều điều kiện để khai thác thị trường khách nội địa, do vậy đầu tư vào thị trường khách nội địa sẽ được chú trọng hơn, đặc biệt là với các sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch miệt vườn làng quê; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề; du lịch nghỉ cuối tuần,... Đối với thị trường khách quốc tế thì cần đầu tư vào các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch tham quan,... nối tour với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chiến lược về phân đoạn thị trường theo các yếu tố xã hội học và hình thức đi du lịch cần thực hiện như sau:
- Định hướng thị trường khách quốc tế: Căn cứ vào cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hiện trạng khách ở Bến Tre nói riêng, những đối tượng thị trường khách (theo các yếu tố xã hội) cần được ưu tiên đầu tư để khai thác và thu hút bao gồm:
+ Lứa tuổi cần ưu tiên đầu tư thu hút là trung niên từ 30 – 50.
+ Trình độ văn hóa của khách: ưu tiên loại khách có trình độ văn hóa cao và trung bình.
+ Thu nhập của khách: ưu tiên loại khách có thu nhập cao và trung bình.
+ Hình thức đi du lịch: ưu tiên khách đi theo tour trọn gói.
+ Ưu tiên khách thuộc loại độc thân hoặc các cặp vợ chồng không con.
+ Thị trường: ưu tiên thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ, Tây Âu, Úc, Singapore, Thái Lan,...
- Định hướng thị trường khách nội địa: Trên cơ sở sản phẩm du lịch hiện trạng và tiềm năng của Bến Tre, hiện trạng thị trường khách nội địa,... định hướng ưu tiên đầu tư cho các đối tượng khách nội địa theo từng loại sản phẩm du lịch như sau:
+ Khách đi tour tham quan, nghiên cứu: ưu tiên những khách đi theo tour của các công ty lữ hành hoặc theo nhóm tự tổ chức; tầng lớp sinh viên, học sinh và công nhân viên chức lứa tuổi từ 30 – 55 tuổi. Khách đi tour tham quan có thể kết hợp với các mục đích khác như nghiên cứu, công vụ hoặc đi lễ hội,...
+ Khách du lịch văn hóa lễ hội: ưu tiên những khách cũng đi theo nhóm tự tổ chức, là những người có thu nhập trung bình, thuộc lứa tuổi trung niên và về hưu, tầng lớp lao động tiểu thủ công, buôn bán,...
+ Khách đi nghỉ cuối tuần: ưu tiên những khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lớn ở trong vùng; khách có thu nhập trung bình trở lên; trình độ văn hóa trung bình và cao; nhiều loại lứa tuổi; các gia đình, cặp vợ chồng trẻ không con hoặc độc thân đi nghỉ mát; đi theo tour lữ hành, nhóm tự tổ chức hoặc đi lẻ,...
+ Khách thương mại, công vụ: ưu tiên những khách có thu nhập trung bình trở lên, đi lẻ không qua các tour trọn gói của các công ty lữ hành, lứa tuổi từ 30 – 55 tuổi.
c. Chiến lược cạnh tranh
Để cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch cùng loại của các tỉnh khác ở trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 3 khả năng có thể áp dụng được ở Bến Tre là "chiến lược chất lượng cao, giá cả hợp lý"; "chiến lược sản phẩm độc đáo" và "chiến lược thị trường thích hợp". Như đã nêu ở phần trên, Bến Tre cần áp dụng chiến lược marketing "nhiều sản phẩm cho một thị trường";
"kết hợp nhiều sản phẩm du lịch cho một đối tượng khách’’ với giá cả thích hợp để thu hút khách du lịch. Do Bến Tre không có sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt với các nơi khác ở trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nên để cạnh tranh được với các nơi khác nhằm thu hút khách du lịch thì biện pháp tiềm năng nhất có tính chiến lược sẽ là " chất lượng cao, giá cả hợp lý",...