Lao động ngành Du lịch

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 101 - 105)

Chương 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BẾN TRE

2.3 Hoạt động du lịch tỉnh Bến Tre

2.3.3 Thu nhập ngành Du lịch và lao động ngành Du lịch

2.3.3.2 Lao động ngành Du lịch

Số lượng và chất lượng lao động trong ngành Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Trong những năm gần đây, số lượng lao động trong ngành Du lịch gia tăng một cách đáng kể. Cùng với sự gia tăng không ngừng về số lượng, chất lượng lao động cũng được nâng cao, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, thái độ và khả năng giao tiếp của nhân viên phục vụ được hoàn thiện từng bước để đáp ứng các yêu cầu của khách du lịch.

Dân số năm 2005 của tỉnh Bến Tre là khoảng 1,4 triệu người. Đây là một thị trường quan trọng cho hoạt động du lịch nội địa, du lịch nội tỉnh. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, mức sống của người dân nói chung đang đươc cải thiện dần, thời gian làm việc trong tuần rút ngắn, số ngày nghỉ trong năm tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Thương mại – Du lịch Bến Tre năm 1995 lực lượng lao động trong ngành du lịch là 660 người, năm 2000 là 1.135 người và năm 2005 số lao động trong ngành có 2.624 người. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 14,8%/năm.

Bảng 2.12: Lực lượng lao động du lịch Bến Tre, giai đoạn 2000 – 2006 Đơn vị: Người Lao động 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Tổng số 1.135 1.862 1.960 1.968 2.187 2.624 2.886 Trong đó

- Đại học 28 46 49 49 55 66 73

- Cao đẳng 57 93 98 98 109 130 143

- Trung học 227 372 392 394 437 524 576 - LĐ khác 823 1.351 1.421 1.427 1.586 1.904 2.095 Nguồn: Sở Thương mại – Du lịch Bến Tre

* Về chất lượng lao động:

Nhìn chung lao động trong ngành Du lịch chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách có hệ thống và chuyên sâu theo từng công đoạn của quy trình công nghệ phục vụ du lịch. Trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học,... chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch.

Thực trạng về cơ cấu và trình độ đào tạo lao động ngành Du lịch là một vấn đề còn nhiều bất cập. Trong tổng số 2.624 lao động đang làm việc trong ngành Du lịch năm 2006 thì mới chỉ có 216 lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm tỷ lệ 9,22% trong đó số lao động được đào tạo về chuyên ngành du lịch chiếm chưa đến 6,1%), số còn lại là lao động được đào tạo qua các trường nghề, nhưng phần lớn chỉ được đào tạo ở loại hình cấp tốc (từ 1 tháng đến 1 năm) nên trình độ nghiệp vụ, kiến thức về du lịch còn thấp.

Trong các cơ sở lưu trú, trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ còn khá nhiều bất cập. Năm 1995 trong tổng số 88 phòng khách sạn thì chỉ có 2 lao động có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành và số còn lại là lao động phổ thông không được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về khách sạn. Đến năm 2005, chất lượng của đội ngũ cán bộ phục vụ trong khách sạn vẫn chưa lạc quan hơn, tỷ lệ lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ trọng lớn 85,6%. Tuy nhiên, đã có 16,84% lao động phổ thông tại các cơ sở lưu trú đã được tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ lễ tân khách sạn, buồng, bàn, bar,... là một điểm mới trong cơ cấu lao động ngành khách sạn của Bến Tre thời gian gần đây.

Trong quá trình phát triển, có một vấn đề nảy sinh là tính thời vụ trong du lịch rất cao và rất rõ nét nên ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng lao động và

trả công lao động. Thông thường các cơ sở kinh doanh du lịch theo mùa sử dụng một số lao động nhất định làm việc quanh năm, số còn lại hợp đồng theo thời vụ, theo tháng, theo ngày. Ở đây nảy sinh ra một mâu thuẫn mà trong ngành Du lịch chưa khắc phục được đó là số lao động hợp đồng theo thời vụ có trình độ chuyên môn không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ trong du lịch. Từ thực trạng trên có thể thấy rằng vấn đề đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng cho các sản phẩm du lịch, và ngay từ bây giờ cần có chiến lược đào tạo cho ngành Du lịch.

* Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Du lịch:

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của ngành Du lịch, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch và những mục tiêu cho phát triển du lịch bền vững, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành là một yêu cầu cấp bách đòi hỏi nỗ lực không những của riêng ngành Du lịch, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Từ tháng 7/2000, UBND Tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch có nhiệm vụ đề ra các chương trình hành động về du lịch hàng năm trên cơ sở các kế hoạch phát triển du lịch các giai đoạn 2001 – 2005, 2005 – 2010,...

Năm 2000, Sở Thương mại – Du lịch đã tiến hành rà soát, củng cố lại bộ máy văn phòng, rà soát lại nhân sự, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của UBND Tỉnh. Cũng trong năm này, Sở đã tiến hành điều tra nguồn nhân lực của các doanh nghiệp du lịch, hộ kinh doanh du lịch, đưa cán bộ, công chức, viên chức ngành Du lịch đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ: 3 cán bộ đi học lớp quản lý kinh tế du lịch, 3 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 4 cán bộ đi học quản lý nhà nước về du lịch, 8 cán bộ đi học tin học và

ngoại ngữ chuyên ngành du lịch. Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng xong dự án đào tạo cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ doanh nghiệp trong hoạt động thương mại - du lịch giai đoạn 2001 - 2005 và đã triển khai được một số lớp học với các nội dung thiết thực như tìm hiểu Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, tập huấn kỹ thuật đàm phán thương mại, mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý du lịch, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ buồng, bàn cho cán bộ nhân viên nhà hàng, khách sạn trong tỉnh, mở các lớp tập huấn theo các chủ đề, nội dung do doanh nghiệp yêu cầ,...

Năm 2003, Sở Thương mại - Du lịch đã tổ chức lớp tập huấn về thực hiện Pháp lệnh Du lịch, Nghị định 47, Thông tư 05 về Thanh tra du lịch; Nghị định 50 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn biện pháp phòng ngừa SARS cho 30 cơ sở kinh doanh du lịch. Kết hợp với Sở Thương mại - Du lịch Tiền Giang đào tạo 8 hướng dẫn viên du lịch cho công ty Du lịch và công ty Du lịch Công đoàn, mở lớp nghiệp vụ buồng bàn cho 45 học viên thuộc công ty và các cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn trong tỉnh.

Các chương trình giao lưu, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh với các địa phương trong vùng cũng được Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh tổ chức hàng năm, nhằm từng bước tạo mối liên kết trong việc tìm kiếm thị trường, trao đổi kinh nghiệm và nghiệp vụ.

Mở 2 lớp tập huấn về “Du lịch sinh thái và xúc tiến du lịch sinh thái”,

“Quản lý nhà nước về nhà hàng khách sạn” cho 82 học viên là cán bộ, viên chức ngành Du lịch và cán bộ các doanh nghiệp du lịch. Tổ chức đoàn khảo sát học tập mô hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bình Dương, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh (khu du lịch Cần Giờ), ngoài ra phối hợp với Văn phòng UBND Tỉnh tổ chức hội thảo về “Phát triển du lịch bền vững” và “Xây dựng và phát triển tour du lịch gắn liền với lễ hội” có sự tham gia của 50 đại biểu là nhà khoa

học, nhà quản lý và doanh nghiệp trong tỉnh, các trường đại học khu vực phía Nam... Đồng thời, tổ chức các lớp nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về phát triển du lịch tại địa phương (Chợ Lách, Ba Tri, Giồng Trôm); Cử cán bộ quản lý nhà nước về du lịch tham gia các lớp nâng cao nghiệp vụ du lịch thuộc chương trình đào tạo nguồn nhân lực của Tổng cục Du lịch do EU tài trợ. Với yêu cầu phát triển lữ hành quốc tế và các đối tượng khách cao cấp cần có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp là vấn đề lớn cần có giải pháp đào tạo .

Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế dịch vụ có tính tổng hợp, đòi hỏi nhiều lao động có chuyên môn nghề nghiệp cao. Với mục tiêu phát triển và phát triển bền vững, trước sự gia tăng nhanh chóng của dòng khách du lịch, sự đa dạng loại khách và nhu cầu của họ, yêu cầu cao về chất lượng của đội ngũ lao động trong ngành Du lịch ngày càng trở nên bức xúc. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, nâng cao chất lượng phục vụ, đội ngũ lao động cần phải được đào tạo và đào tạo lại một cách có hệ thống. Các chuyên ngành đào tạo, các cấp đào tạo và số lượng lao động cần được đào tạo phải theo nhu cầu thực tế phát triển của ngành. Ngay từ bây giờ việc chuẩn bị tri thức, nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên du lịch phải được ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai, việc đào tạo phải được chuẩn hoá ở cả 3 trình độ sơ cấp, trung cấp và đại học. Ngoài ra, đội ngũ lao động cũng cần phải được thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, cập nhật các tri thức, kỹ thuật mới, hiện đại cho phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển của thời đại.

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)