Cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 79 - 86)

Chương 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BẾN TRE

2.3 Hoạt động du lịch tỉnh Bến Tre

2.3.2 Hiện trạng cơ sở phát triển du lịch

2.3.2.1 Cơ sở hạ tầng

a. Cấp điện

Tỉnh Bến Tre được cấp điện từ hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia qua đường dây chính 110/22 Kv từ Mỹ Tho 2 – Bến Tre, vận hành qua 3 trạm biến áp 110 kv đặt tại ngã ba Tân Thành 65 MVA, tại Mỏ Cày 50 MVA và tại Ba Tri 25 MVA.

Nguồn điện tại chỗ có một máy điện Diesel đặt tại xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) có công suất 10.500 Kw, nhưng công suất thực dụng khoảng 8.500 Kw. Nguồn điện Diesel được hòa với mạng điện trung áp 15/22 Kv.

Nói chung, các tuyến đường dây 110 Kv hiện hữu và dự kiến trên địa bàn tỉnh Bến Tre chỉ được cấp điện từ một đường dây 110 Kv độc đạo nên việc cấp điện trên địa bàn tỉnh không được an toàn và ổn định. Các trạm biến áp hiện cung cấp đủ cho cả tỉnh Bến Tre, nhưng trong những năm sắp tới các trạm này sẽ bị quá tải do nhu cầu phụ tải của các khu, cụm công nghiệp và mức tiêu thụ của cơ quan quản lý và tiêu dùng của dân cư ngày càng tăng.

Tổng chiều dài đường dây trung thế trên địa bàn năm 2005 là 1.512 km, lưới hạ thế chủ yếu phục vụ cho ánh sáng sinh hoạt. Tổng chiều dài đường dây hạ thế năm 2005 là 3.556 km.

Điện thương phẩm tăng từ 147.464 MWh năm 2000 lên 301.309 MWh năm 2005 với tốc độ bình quân 15,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2001-2005, điện thương phẩm tăng từ 113 lên 223 Kwh/người/năm, mức điện tiêu dùng cho sinh hoạt dân cư tăng từ 83 lên 154 Kwh/người/năm.

b. Giao thông vận tải - Giao thông đường bộ

Mạng lưới giao thông đường bộ bao gồm 4.102,5 km đường; nếu không tính đường xã và thôn ấp thì đạt mật độ 0,34 km/km2 và 0,58 km/1000 dân.

+ Quốc lộ (QL) có 2 tuyến là QL 60 và QL 57 do Trung ương quản lý dài 128,65 km (QL 60: 33,33 km và QL 57: 95,32 km), trong đó trãi nhựa 116,39 km, còn lại là sỏi đỏ.

+ Đường tỉnh (ĐT) lộ có 6 tuyến (ĐT.882, ĐT.883, ĐT.884, ĐT.885, ĐT.886, ĐT.887) dài 171,67 km, trong đó có 106,27 km được trãi nhựa, còn lại là sỏi đỏ, đá dăm.

+ Đường huyện có 33 tuyến dài tổng cộng 426,41 km, trong đó trãi nhựa 162,24 km, còn lại là đường đá dăm và sỏi đỏ 20,2 km.

+ Hệ thống đường đô thị dài tổng cộng 63,97 km, trong đó có 56,8 km trãi nhựa và bê tông, còn lại là đá dăm.

+ Đường xã, ấp có 3.311,8 km, trong đó 1.885,3 km trãi nhựa;

179,2 km là đá dăm, còn lại là sỏi đỏ và đường đất.

Trong 4.102,5 km đường, đường nhựa và bê tông chiếm 56,72%, đá dăm, đường sỏi đỏ và đường đất chiếm 43,38%. Mạng lưới đường bộ nhìn chung bố trí tương đối hợp lý. Các tuyến đường QL 57, ĐT 883, 884, 885, 887 chạy dọc theo các dãy cù lao, song song với các tuyến vận tải thủy của 4 con sông lớn là Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên kết hợp với trục ngang, chạy dài cắt ngang 3 dãy cù lao của tỉnh là QL 60 tạo thành thế liên hoàn nối trung tâm của tỉnh với các huyện. Mạng lưới đường huyện, đường xã bám theo trục lộ lớn để phát triển nối liền các xã, các tiểu vùng với trung tâm huyện và trung tâm tỉnh.

Trên hệ thống giao thông có 2.873 cây cầu với tổng chiều dài 60.268 m, trong đó cầu bê tông tiền áp và bê tông cốt thép 1.657 cây cầu chiếm 57,67%; cầu sắt, gỗ có 1.216 cây cầu chiếm 42,33%; trong tổng số cầu nêu trên có 35 cầu có tải trọng trên 12 tấn.

Mạng lưới giao thông chính

+ QL 60: Toàn tuyến QL 60 dài 116 km, xuất phát từ ngã 3 Trung Lương (tỉnh Tiền Giang) tiếp giáp với QL 1A và kết thúc tại thị xã Sóc Trăng.

QL 60 đi qua Bến Tre có chiều dài 35,39 km, qua 9 cầu gồm 5 cầu bê tông cốt thép đang sử dụng tốt, còn một cầu ngang phải nâng cấp, sửa chữa và 3 cầu cần phải xây mới.

+ QL 57: trước là tỉnh lộ 888, được quyết định của Bộ giao thông vận tải chuyển thành QL 57 vào ngày 25/6/1999 và do đoàn quản lý đường bộ 7 phụ trách. QL 57 có chiều dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 40,65 km đi qua 13 cầu sắt có trọng tải khá

+ ĐT 882 nối QL 60 từ ngã ba chợ Xếp đến QL 57, có chiều dài 10,05 km.

+ ĐT 883B từ ngã ba Đê Đông đến bờ biển xã Thừa Đức dài 8,1 km.

+ ĐT 883 từ ngã tư huyện Châu Thành đến xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) có tổng chiều dài 58,33 km.

+ ĐT 884 từ ngã ba Tân Thành đến xã Tân Phú có tổng chiều dài 24,45 km.

+ ĐT 885 từ trung tâm TP. Bến Tre đến Tiệm Tôm (huyện Ba Tri) có chiều dài 45,5 km.

+ ĐT 886 từ ngã tư Phú Khương đến ngã ba Phú Hưng gắn với đường 885, dài 5,3 km.

+ ĐT 887 từ trung tâm TP. Bến Tre đến ngã ba Sơn Đốc có chiều dài 23,569 km.

+ ĐT 888 từ trung tâm TP. Bến Tre đến Khâu Băng (Thạnh Phú) có chiều dài 51,62 km.

Trên các tuyến này còn có những cầu Rạch Miễu nối liền tuyến QL 60 từ Tiền Giang sang Bến Tre, cầu Hàm Luông nối liền cù lao Minh với cù

lao Bảo, phà Cầu Ván trên ĐT 888 thuộc huyện Thạnh Phú, phà Đình Khao nối liền Bến Tre với Vĩnh Long.

Các tuyến đường này đã tạo ra những tuyến du lịch Bến Tre. Dù đi đâu, làm gì thì cũng cần có một mạng lưới giao thông phát triển. Nhờ những tuyến đường chính này cùng với hệ thống đường nhánh, đã tạo điều kiện cho Bến Tre phát triển các ngành kinh tế. Trong hoạt động du lịch, giao thông vận tải là chìa khoá mở cửa.

- Giao thông đường thủy

Bến Tre có chiều dài bờ biển 65 km, nằm giữa 4 nhánh sông lớn có chiều dài hơn 290 km và rất nhiều sông nhỏ khác rất thuận lợi cho vận chuyển nội vùng, liên vùng. Tổng chiều dài sông của tỉnh có khoảng 4.600 km; sông cho tàu 100 – 600 tấn có khoảng 62,06 km; trên 4.000 km kênh rạch lớn nhỏ cho ghe thuyền từ 10 – 20 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến kênh, sông do trung ương quản lý với tổng chiều dài 197,61 km.

Các con sông lớn nối từ Biển Đông qua các cửa sông chính (cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên) ngược về phía thượng nguồn đến tận biên giới Campuchia. Cùng với một hệ thống sông rạch chằng chịt đan xen vào nhau như những mạch máu chảy khắp 3 dãy cù lao, rất thuận tiện cho giao thông vận tải. Tàu bè từ TP. Hồ Chí Minh đi về miền Tây và ngược lại đều đi qua đất Bến Tre. Hệ thống đường sông – biển tiếp tục được khai thác các thế mạnh sẵn có, kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại để đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài 4 con sông lớn là xương sống, cộng với kênh rạch: An Hóa, Sẻo Rắn, An Hạ,… Cùng với các cảng dọc sông Tiền, Giao Long, Phú Túc,… tạo tiền đề cho Bến Tre phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nhờ hệ thống giao thông thủy chằng chịt – tạo nên nét đặc trưng riêng cho du lịch Bến Tre.

Quan điểm đầu tư phát triển hệ thống giao thông là: dựa trên hệ thống giao thông thuỷ, bộ chính của tỉnh là 4 con sông lớn và các trục chính QL 60, QL 57, ĐT 883, 884, 885, 887, 888, đồng thời căn cứ đặc điểm từng vùng kinh tế, các đặc điểm nhu cầu kinh tế, đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các huyện với nhau và ra ngoài tỉnh sao cho nhanh nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất. Đẩy mạnh phát triển khai thác giao thông thủy để tạo nên nét đặc trưng riêng của một “vùng văn minh sông nước” Bến Tre.

Hiện nay, số lượng hàng hóa, hành khách mà giao thông vận tải đường bộ – thủy của tỉnh đảm nhiệm không ngừng tăng lên.

Tuy có thế mạnh về vận tải đường sông nhưng cho đến nay tỉnh chỉ khai thác dưới dạng tự nhiên.

c. Cấp thoát nước, vệ sinh môi trường - Cấp nước

Bến Tre là tỉnh có lượng mưa thuộc vào loại thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước chính là sông rạch, nước giồng cát, nước ngầm tầng nông và nước ngầm tầng sâu.

Về nước sông rạch: Bến Tre có nguồn nước mặt dồi dào, nhưng do ở cuối nguồn, giáp biển nên luôn bị nhiễm bẩn và thường nhiễm mặn vào các tháng mùa khô, hiện nay chỉ có vàm sông huyện Chợ Lách có nước ngọt ổn định quanh năm.

Về nước giồng cát: Toàn tỉnh có trên 12.000 ha đất giồng cát có chứa nguồn nước ngọt do nước mưa ngấm xuống, trữ lượng khoảng 12 triệu m3, khả năng khai thác khoảng 844m3/ngày/km2, chất lượng nguồn nước thay đổi theo mùa và tùy độ sâu của giếng, nhiều nơi nguồn nước bị nhiễm mặn và nhiễm bẩn.

Về nước ngầm tầng nông: phân bố ở phía bắc huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, một phần ở huyện Thạnh Phú và huyện Ba Tri có chất lượng tốt, sắt thấp và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh đang được khai thác phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân trong chương trình cung cấp nước sạch nông thôn của tỉnh.

Về nước ngầm tầng sâu thuộc 2 tầng, có dung lượng khá dồi dào, chất lượng tốt, từ TP. Bến Tre đến cầu Rạch Miễu với trữ lượng tiềm năng là 74.368 m3/ngày đêm. Tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có các nhà máy nước như sau: 3 nhà máy khai thác nguồn nước mặt: nhà máy nước Sơn Đông, nhà máy nước Chợ Lách, nhà máy nước Lương Quới, tổng công suất cung cấp 29.800 m3/ngày/đêm. Một nhà máy khai thác nguồn nước tầng sâu là nhà máy nước Hữu Định, công suất cung cấp 3.000 m3/ngày/đêm.

Hiện nay tất cả các thị trấn và một số thị tứ, trung tâm trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 47 nhà máy có hệ thống xử lý nước, chủ yếu sử dụng nước mặt và một số ít nước ngầm tầng nông. Bên cạnh đó là 57 trạm cấp nước và hệ thống nối mạng có công suất vừa và nhỏ, từ 2 đến 15 m3/giờ, đáp ứng yêu cầu cho các trung tâm xã và tụ điểm dân cư lớn.

Tính đến cuối năm 2005, có 857.145 người được cấp nước, chiếm 63,4% dân số. Số dân còn lại sử dụng nước mưa khoảng 20%, nước giếng sạch 6,6%, nước sông rạch có xử lý 10%.

- Rác thải

Ước tính tại khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2005 thải ra hàng ngày 156 tấn rác gồm: 103 tấn rác thải sinh hoạt; 45 tấn rác chợ, công viên, đường phố và dưới 8 tấn rác công nghiệp (không kể phần tái chế hoặc xử lý nội bộ); trong đó ước chỉ có khoảng 95 tấn rác thải là được tổ chức thu gom và chở đi tập trung tại bãi, tỉ lệ thu gom khoảng 61%.

d. Bưu chính viễn thông

Đến cuối năm 2005, tỉnh có 53 bưu cục các loại, trong đó 1 bưu điện cấp I, 7 bưu điện cấp II, 45 bưu cục cấp III. Bưu điện văn hóa xã hiện có 102 điểm, còn 5 xã chưa có điểm bưu điện văn hóa.

Về viễn thông, tổng dung lượng tăng rất nhanh, đến cuối năm 2005 tổng số máy lắp đặt 164.232 số, mật độ 12,1 máy/100 dân. Hiện nay, tỉnh có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại di động với 56 trạm BTS, phương thức truyền dẫn bằng cáp quang và vi ba ở tất cả các huyện trong tỉnh, nhưng chỉ có 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet với 90 đại lý, 1.617 thuê bao Dial up và 133 thuê bao ADSL.

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 79 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)