Các công trình văn hoá nghệ thuật

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 114 - 117)

Chương 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH BẾN TRE

2.4 Điểm du lịch tiêu biểu tỉnh Bến Tre

2.4.2 Điểm du lịch văn hóa – lịch sử

2.4.2.2 Các công trình văn hoá nghệ thuật

Tại Bến Tre có các đình chùa lâu đời được nhân dân tổ chức lễ hội, kỷ niệm hàng năm hoặc tổ chức đến tham quan như Chùa số 1 Tiên Thuỷ, Chùa Tuyên Linh, Đình Bình Hoà, Đình Phú Lễ, Nhà thờ Cái Mơn, Khu Đạo Dừa – Cồn Phụng,... Các điểm tham quan có giá trị có thể kể đến như sau:

- Đình Phú Lễ

Đình tại ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Đình cách TP. Bến Tre 40 km, cách thị trấn Ba Tri 4 km. Đình Phú Lễ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đình Phú Lễ có qui mô lớn và đẹp nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Nét đẹp của Đình do cảnh quan thiên nhiên bên ngoài và bài trí bên trong tạo nên. Bên trong đình là những tác phẩm điêu khắc hết sức tinh xảo, độc đáo, đạt những giá trị nghệ thuật cao và tất cả đều được sơn son thếp vàng. Lễ cúng hàng năm diễn ra vào rằm tháng 3 (âm lịch).

Quyết định công nhận di tích: số 43–VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993.

- Đình Bình Hòa

Di tích tại thị trấn Giồng Trôm. Đây là ngôi đình cổ có tuổi gần 200 năm.

Trang trí bên trong và ngoài đình là sự kết hợp yếu tố nghệ thuật cung đình với nghệ thuật tôn giáo được dân gian hóa. Hiện còn hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ tinh vi, sắc sảo, gồm những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu,... được lưu giữ. Lễ cúng đình hàng năm diễn ra hai lần vào rằm tháng giêng và rằm tháng chạp (âm lịch). Quyết định công nhận di tích: số 43–

VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993.

- Đình Tân Thạch

Đình tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Đình Tân Thạch có tên nôm là Thạch Hồ Đình, thuộc Thạch Hồ thôn. Theo truyền tụng, đình Thạch Hồ được xây dựng vào những năm 1843–1844 do ông Nguyễn Quý Bằng đứng ra vận động và hiến đất xây dựng. Đình có cấu trúc hình chữ tam, gồm ba gian nối liền nhau: gian vô ca, gian vô quy và gian chính đường. Cột bằng gỗ lim, nền lát gạch tàu, xung quanh có tường bao bọc. Hiện nay Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về mỹ thuật và lịch sử rất cao: 6 sắc phong (4 của vua Thiệu Trị và 2 của vua Tự Đức), 4 bộ lư mắt tre bằng đồng thau, 7 lư trầm bằng đồng thau, bộ chân đèn, đèn thủy tinh, quả cẩn,... Ngoài ra, trang trí bên trong đình còn có các hoành phi, long trụ thờ, bao lam,... được chạm khắc tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Quyết định công nhận di tích: số 53/2001/QĐ–BVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.

- Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định

Khu lưu niệm tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, nơi đã sinh ra người con ưu tú, người nữ tướng đầu tiên, người lãnh đạo xuất sắc đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Đền thờ lưu giữ những kỷ vật và ghi lại những chiến tích oai hùng cho thế hệ sau đến tưởng niệm.

- Bảo tàng Bến Tre

Bảo tàng tại 146 Hùng Vương, phường 3, TP. Bến Tre, hiện nay bảo tàng được xây dựng vào đầu thế kỷ XX theo kiến trúc của Pháp, đã từng là Dinh Tham Biện (thời Pháp) và Dinh Tỉnh Trưởng (thời Ngụy), với khuôn viên rộng 2 ha. Tại đây trưng bày hiện vật, tư liệu lịch sử truyền thống Cách mạng Bến Tre.

Bảo tàng tỉnh là tiền đề quan trọng để tăng cường thu thập, trưng bày các hiện vật lịch sử và trở thành điểm tham quan quan trọng của du lịch Bến Tre. Ngoài ra, bản thân tòa nhà còn gắn với một nhân vật lịch sử, nhà tình báo chiến lược, anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Ngọc Thảo từng làm tỉnh trưởng ở dinh này.

- Tượng đài Đồng Khởi

Tượng đài tại phường 4, TP. Bến Tre. Đây là một công trình văn hóa đẹp được xây dựng và khánh thành vào ngày 17 tháng 01 năm 1995 nhân kỷ niệm 35 năm ngày Bến Tre Đồng Khởi. Tượng chính là một bà mẹ tay vươn cao ngọn đuốc lá dừa ở tư thế tiến công, nhóm tượng phụ thể hiện cuộc chiến tranh nhân dân, phù điêu mô tả tiến công và nổi dậy giành chính quyền làm chủ ở nông thôn trong những ngày Đồng Khởi.

- Nhà cổ Đại Điền

Ngôi nhà cổ thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, được xây dựng vào năm 1884. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu hình chữ nhất, gồm ba căn, hai chái ba và hai liễn đôi. Ngôi nhà được trang trí bằng những hoa văn chạm trổ khéo léo từ những bàn tay điêu khắc gỗ điêu luyện. Tuy tuổi đời trên 100 năm nhưng nhà cổ Đại Điền vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, có đến với nhà cổ Đại Điền mới thấy hết giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá của ông bà ta để lại cho các thế hệ sau và thấy được tinh thần, ý thức trách nhiệm của các thế hệ sau đối với việc giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa của cha ông.

- Hội Tôn Cổ Tự tại xã Quới Sơn, huyện Châu Thành là chùa xưa nhất của Tỉnh, được xây cất từ đời Cảnh Hưng (1740) do hòa thượng Long Thiền trụ trì, chỉ sau ngôi chùa xây dựng sớm nhất ở Nam Bộ 30 năm. Chùa Viên Giác, chùa Viên Minh là 2 ngôi chùa Phật giáo lớn của Tỉnh.

- Đạo Thiên chúa có mặt ở Bến Tre vào giữa thế kỷ XVIII, các cơ sở của đạo Thiên chúa có Nhà thờ Cái Bông là nhà thờ xưa nhất ở Bến Tre, nhưng đẹp và lớn là 2 nhà thờ tại TP. Bến Tre và Cái Mơn (Chợ Lách).

- Đạo Cao đài ở Bến Tre gồm có 4 chi phái: Ban chỉnh, Tây Ninh, Tiên thiên, và Minh Chơn Lý. Bến Tre có nhiều thánh thất, thờ tự của đạo Cao đài nhưng lớn và đẹp nhất là Tòa thánh Cao đài ban chỉnh tại phường VI, TP.

Bến Tre và Tòa thánh Cao đài Tiên thiên tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Điều đáng lưu ý là 2 tòa thánh này tuy không bề thế bằng tòa thánh cao đài Tây Ninh, nhưng đây là Trung ương đạo, cho nên trong những ngày lễ lớn của đạo, nơi đây thu hút tín đồ ở khắp nơi đổ về.

Một phần của tài liệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch tỉnh bến tre (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(210 trang)