Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.2. Phong cách ngôn ngữ báo chí
1.2.2. Chuẩn ngôn ngữ và chuẩn phong cách ngôn ngữ báo chí
Có nhiều quan niệm khác nhau về chuẩn ngôn ngữ. Hoàng Tuệ quan niệm về chuẩn ngôn ngữ như sau:
“ Chuẩn mực nói một cách khái quát là cái đúng. Đó là cái đúng có tính chất chung, tính chất bình thường được mọi người trong cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận ở một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển lịch sử của ngôn ngữ. Cái đúng cũng được xác định theo một tập hợp những quy tắc nhất định thuộc các phạm vi phát âm, chữ viết, dùng từ, cấu tạo từ mới và đặt câu”.
[94, tr.21] Hai tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa cũng đồng ý với quan niệm trên về chuẩn ngôn ngữ. Riêng tác giả Hữu Đạt quan niệm chuẩn ngôn ngữ trước hết phải là những thói quen giao tiếp ngôn ngữ được định hình về mặt xã hội và được chấp nhận trong cảm thức ngôn ngữ của người bản ngữ.
Tác giả Cù Đình Tú ( 1982) thì quan niệm chuẩn mực ngôn ngữ là hệ thống các phương tiện liên kết biểu hiện tốt nhất, hợp lý nhất, được mọi người
thừa nhận, sử dụng để phục vụ cho sự giao tiếp xã hội trong thời kỳ nhất định.
Cù Đình Tú còn nhấn mạnh, hệ thống các phương tiện ngôn ngữ bao giờ cũng tồn tại dưới dạng các biến thể. Mỗi biến thể tương ứng với một chức năng giao tiếp nhất định, đúng trong phạm vi giao tiếp này nhưng có thể sai trong phạm vi giao tiếp khác. Cái được công nhận là chuẩn mực trong phong cách chức năng ngôn ngữ này chưa hẳn đã được chấp nhận ở phong cách chức năng ngôn ngữ kia. [93, tr.62]. Tác giả Cù Đình Tú này cũng đề cập, đối với các biến thể ngôn ngữ, chuẩn mực ngôn ngữ chỉ thừa nhận hoặc phủ định chứ không giải quyết vấn đề lựa chọn biến thể để sử dụng trong các phong cách chức năng ngôn ngữ.
Song song với khái niệm chuẩn mực trong ngôn ngữ, người ta thường nhắc đến hiện tượng lệch chuẩn. Đó là những hiện tượng ngôn ngữ không phù hợp với thói quen sử dụng ngôn ngữ và đi khỏi cảm thức ngôn ngữ của cộng đồng [93, tr.21]. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, một số hiện tượng ngôn ngữ mới nảy sinh, ban đầu, chúng được coi là lệch chuẩn, nhưng được cộng đồng sử dụng thường xuyên và chấp nhận, dần dần những hiện tượng đó sẽ tham gia vào chuẩn. Ta thường bắt gặp hiện tượng lệch chuẩn trong các sáng tác văn chương, trong tác phẩm báo. Đặc biệt, báo chí là lĩnh vực tiên phong trong việc sử dụng các hiện tượng lệch chuẩn trong ngôn ngữ.
Có thể phân chia các cấp độ của chuẩn ngôn ngữ gồm:
i) chuẩn ngữ âm, ii) chuẩn từ vựng, iii) chuẩn chính tả iiii) chuẩn ngữ pháp.
Chúng tôi lần lượt xem xét từng cấp độ của chuẩn ngôn ngữ như sau:
i) Chuẩn ngữ âm: Chuẩn ngữ âm được đặt ra khi có hai hay nhiều biến thể phát âm cho cùng một từ. Hiện tượng được coi là chuẩn là hiện tượng
được dùng chung cho toàn quốc gia, cho mọi lĩnh vực giao tiếp, mọi phong cách chức năng. Hiện tượng chuẩn bao giờ cũng mang tính hợp lý, được cộng đồng chấp nhận và được sử dụng chính thức trong ngôn ngữ hành chính, pháp luật, mang tính nhà nước.
Mặc dù vậy, chuẩn không phải là quy ước mang tính hành chính thuần túy. Tính quy ước này là kết quả cuối cùng của quy ước mang tính xã hội. Nó liên quan đến tính hệ thống, áp lực của cấu trúc tiếng Việt và chịu thử thách qua thời gian.
Nói một cách khái quát, tiếng Việt không có chuẩn ngữ âm, ( tức không có giọng của vùng nào có đầy đủ các thế đối lập được thể hiện trong hệ thống ngữ âm), chuẩn mà chúng ta nhắc ở đây là chuẩn trên chữ viết.
ii) Chuẩn chính tả: Nếu chuẩn ngữ âm được xây dựng trên việc lựa chọn các biến thể ngữ âm, chuẩn từ vựng đươc xây dựng dựa trên sự lựa chọn một đơn vị từ vựng trong loạt từ có nghĩa khác nhau mà người sử dụng dễ nhầm lẫn là một thì chuẩn chính tả là những quy định cụ thể về cách viết, cách phiên âm cho từng âm cụ thể.
iii) Chuẩn từ vựng: Cần thiết để xác lập các chuẩn từ vựng, tránh nhầm lẫn các biến thể ngữ âm của cùng một từ hay các từ hoàn toàn khác nghĩa nhau, đảm bảo cho việc sử dụng từ đạt được sự chính xác và đúng đắn.
So với chuẩn ngữ âm và chuẩn từ vựng, chuẩn chính tả ngoài tính dân tộc còn có tính quốc tế. Chuẩn chính tả và chuẩn ngữ âm có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một.
Chuẩn chính tả là một hiện tượng phức tạp. Một mặt là do hệ thống chữ cái tiếng Việt vốn được mượn từ hệ thống chữ cái tiếng Latin dùng để ghi âm, mặt khác, mối quan hệ giữa âm và chữ vốn là mối quan hệ không ổn định trong lịch sử. Sự thay đổi tương đối nhanh cách phát âm một số phụ âm đã tạo nên những khó khăn nhất định trong việc phân biệt chính tả. Do đó, xây dựng
chuẩn chính tả đã và đang là vấn đề đặt ra. [21, tr.26].
iiii) Chuẩn ngữ pháp: Là toàn bộ những quy tắc quy định cho việc tổ chức câu trong quá trình giao tiếp. Bộ quy tắc này ở mỗi ngôn ngữ đều có những nét riêng ngoài những nét chung mang tính phổ quát.
1.2.2.2. Chuẩn phong cách ngôn ngữ báo chí
Bên cạnh khái niệm chuẩn ngôn ngữ, chuẩn phong cách cũng là vấn đề thời sự được các nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu.
Trong nhiệm vụ của mình, phong cách học một mặt phải chỉ ra khả năng và hiệu lực biểu đạt của từng loại phương tiện ngôn ngữ trong các phong cách chức năng ngôn ngữ, mặt khác phải chỉ ra ở một phong cách chức năng nhất định thì sử dụng các phương tiện ngôn ngữ như thế nào là hợp lý, là có hiệu lực. Do đó phong cách học có mối quan hệ mật thiết với vấn đề xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ trong đó có chuẩn mực phong cách.
Theo tác giả Cù Đình Tú ( 1994), chuẩn mực phong cách là toàn bộ những quy ước, chỉ dẫn về tính hợp lý, tính đúng chỗ của việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ phù hợp với yêu cầu của mỗi phong cách chức năng ngôn ngữ.
Nhắc đến chuẩn mực phong cách là nói đến màu sắc phong cách. Màu sắc phong cách là khái niệm gắn với phong cách chức năng ngôn ngữ, được thể hiện qua những đặc trưng chung về việc dùng từ, đặt câu ở từng phong cách chức năng cụ thể. Màu sắc phong cách là cái có tính chất ổn định tương đối và có tính chất thông dụng, là tập hợp những đặc điểm mang tính khác biệt của phong cách chức năng này với phong cách chức năng kia nên nó mang tính khách quan và có tính quy luật trong quá trình sử dụng, không phụ thuộc vào ý đồ chủ quan của người nói.
Muốn phân tích đặc điểm ngôn ngữ của mỗi lời nói ra xem nó thuộc về phong cách chức năng nào, ta cần phải đặt nó trong quan hệ và hoàn cảnh
giao tiếp nhất định.