Chương 2 NGÔN NGỮ NHẬT BÁO CẦN THƠ
2.3.1. Mô hình đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch
Sau đây chúng ta xem xét một ví dụ về đoạn văn được triển khai theo mô hình diễn dịch.
VD56:
Chị Đặng Thị Nga, CTVDS khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng, có thâm niên gần 15 năm gắn bó với công tác dân số. Những năm đầu khi mới tham gia công tác, con còn nhỏ, chồng đi dạy học, công việc đồng áng nhiều nên chồng chị than phiền khi thấy vợ mình tham gia công tác dân số. Chị Nga vừa khéo léo khuyên nhủ chồng, đồng thời thu xếp việc nhà, dành thời gian đi công tác. Lúc ấy trong ấp toàn cầu khỉ, đường sá đi lại rất khó khăn, chị phải chèo xuống đến từng nhà vận động. Có hôm, cầu nhỏ, chị té lên té xuống, mình mẩy đầy sình bùn, vậy mà đến nhà gặp đối tượng để vận động thực hiện KHHGĐ thì bị mấy bà cụ đuổi thẳng. Mấy bà cụ còn nói:
“con tôi, tôi cho đẻ sạch ruột, cháu tôi, tôi nuôi, can gì đến cô mà cô vận
động”. Chị Nga buồn lắm nhưng vẫn cố gượng cười chào họ ra về. Trên đường về, chị Nga tủi thân, ứa nước mắt. Nhưng buồn thì buồn, chị không bỏ cuộc. Chị tìm cách gặp riêng các chị để vận động. Chị còn dẫn chứng các trường hợp chị em trong xóm nhờ thực hiện BPTT mà chỉ sanh hai con, kinh tế khá giả, sức khỏe lại đảm bảo. Một lần, hai lần, các chị dần hiểu ra, nghe theo. Cứ thế số lượng chị em thực hiện BPTT ngày càng nhiều. Đến nay, các chị còn tự giác đến nhà chị Nga nhận bao cao su, thuốc ngừa thai về sử dụng.
CT, 11-7-2011 Ở đoạn văn trên, câu chủ đề “Chị Đặng Thị Nga, CTVDS khu vực Phú Thạnh, phường Tân Phú, quận Cái Răng, có thâm niên gần 15 năm gắn bó với công tác dân số” nằm ở đầu đoạn văn. Các câu còn lại trong đoạn triển khai các ý phục vụ thông tin cho chủ đề chị Nga là một cộng tác viên dân số có thâm niên gắn bó với công tác dân số. Thông tin nêu ở câu chủ đề là thông tin hạt nhân, thông tin ở các câu còn lại là thông tin vệ tinh xoay quanh thông tin hạt nhân.
Như đã biết, mô hình triển khai đoạn văn theo lối diễn dịch ở dẫn đề chiếm tỉ lệ cao; đại bộ phận đều đạt tỉ lệ trội. Nhưng trong đoạn văn cũng trội nhưng không quá cách biệt như ở dẫn đề.
Xét một ví dụ khác:
VD57:
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại huyện Cờ Đỏ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo ngại là số ca bệnh nặng cũng tăng hai lần, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Huyện Cờ Đỏ đang tập trung nguồn lực, kinh phí để phòng chống, dập dịch SXH, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
CT, 26- 11- 2011
Ở đoạn văn trên, câu chủ đề nằm ở vị trí đầu đoạn. Các câu còn lại triển khai chủ đề theo hướng giải thích, liệt kê nhằm làm rõ chủ đề đã nêu trước đó.
Về mặt tri nhận, kiểu đoạn văn kết cấu theo mô hình diễn dịch phản ánh cơ chế của tư duy, vì báo chí muốn cung cấp thông tin nhanh gọn, đáp ứng tính thời sự của sự kiện. Mô hình này phù hợp với độc giả, phục vụ cho tâm lý công nghiệp của độc giả trong xã hội hiện đại. Đối với người đọc, mô hình này phục vụ đắc lực cho việc tìm kiếm thông tin bằng một thời gian ngắn nhất mà tìm được thông tin tối đa. Chỉ cần đọc lướt thông tin hạt nhân là biết được thông tin nói gì, có thời gian thì đọc tiếp, không có thời gian thì chỉ cần đọc thông tin hạt nhân là đủ. Còn đối với người tạo lập văn bản thì đoạn văn triển khai theo mô hình diễn dịch rất thuận tiện, dễ dàng trong cách triển khai thông tin. Có thể coi đây là mô hình mà hạt nhân diễn dịch ở đầu, hạt nhân vệ tinh là những gạch đầu dòng, triển khai ngắn dài tùy theo chủ đích của người viết.
Đối với người biên tập, do yêu cầu phải xử lý văn bản thật nhanh nên tùy theo không gian trang báo, có thể biên tập một cách máy móc là cắt từ dưới lên.
Điều này có thể hiểu thông tin phân bố xung quanh thông tin hạt nhân càng xa chừng nào thì quan hệ ngữ nghĩa của nó càng mờ nhạt. Với 3 đặc điểm trên chúng ta có thể hiểu được vì sao mô hình kim tự tháp đảo mặc dầu đã được ra đời khá lâu nhưng đến nay báo chí hiện đại vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của nó. Công bằng mà nói, không phải tất cả tổ chức văn bản trên báo Cần Thơ đều đạt yêu cầu này, nhiều khi do trình độ, do cách triển khai mà nhiều đoạn văn không đáp ứng được yêu cầu vừa nhắc.
VD58:
Trước đây vợ chồng chị Ngọc - anh Khen sống ở phường Tân An, Ninh Kiều. Năm 1987, cha mẹ chồng già yếu, người em út của anh Khen công tác ở xa nên anh chị dọn về gần nhà cha mẹ ruột của anh Khen (nay thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng), để tiện việc chăm sóc cho cha mẹ. Năm đó, con
trai đầu lòng của anh chị mới được 5 tuổi. Chị Ngọc nhớ lại: “Lúc bấy giờ kinh tế gia đình rất khó khăn, thu nhập chủ yếu là nhờ vào hoa lợi từ mấy công vườn tạp. Hàng ngày, tôi mang trái cây, rau cải ra chợ bán và phải mang con theo vì ông bà đã già yếu, ông xã tôi thì lo vườn tược, đi soi cá bống kiếm thêm thức ăn hàng ngày, hoàn cảnh túng thiếu vô cùng...”. Anh Khen tiếp lời vợ: “Thời gian đó, cha tôi bệnh nặng nằm một chỗ, việc chăm sóc cha đều do vợ tôi gánh vác. Ai cũng khen vợ tôi phụng dưỡng cha mẹ chồng rất chu đáo cho đến khi cha mẹ tôi qua đời”. Dù cuộc sống chật vật, anh chị luôn động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, cùng lo cải tạo vườn tược và chăn nuôi heo. Trong quá trình cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn trái, chị tranh thủ trồng xen rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 1990 chị sinh thêm con gái, tuy việc chăm sóc, dạy dỗ 2 con nhỏ vất vả nhưng chị luôn đảm đang cùng chồng làm lụng, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2006, khi kinh tế gia đình dần ổn định, vườn cây ăn trái cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, chị bắt đầu tham gia công tác phụ nữ ở khu vực, được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Trong công tác, chị Ngọc luôn gần gũi, quan tâm giúp đỡ hội viên, nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhận được nhiều giấy khen.
CT,17-6-2011 Trong đoạn văn trên, chúng ta thấy những khó khăn vất vả của hai vợ chồng chị Ngọc và sự cố gắng của bản thân chị Ngọc trong công tác xã hội.
Tuy nhiên, khi đọc hết đoạn văn, chúng ta không tìm thấy câu chủ đề của đoạn, nhiều thông tin được nhắc đến trong đoạn văn nhưng không tìm thấy một thông tin hạt nhân.
Như chúng ta biết, mỗi đoạn văn thường chỉ nêu một chủ đề. Tuy nhiên trong vài trường hợp ngoại lệ, một chủ đề được thể hiện ở nhiều đoạn văn.
Giữa các đoạn văn có mối liên hệ cơ bản về mặt ý nghĩa.
Có những đoạn văn khi đọc ta không xác định được chủ đề, các chi tiết trong đoạn văn hay nói đúng hơn trong toàn đoạn văn chứng minh, dẫn chứng cho chủ đề ở đoạn trước đó. Trong đoạn ta thấy ngồn ngộn chi tiết, dẫn chứng nhưng không xác định được câu chủ đề nằm ở vị trí nào. Tuy nhiên thông qua các chi tiết, dẫn chứng, người đọc có thể tìm được chủ đề của đoạn.
Trong quá trình tạo lập văn bản, giữa các đoạn văn ta thường bắt gặp thủ pháp liên kết hồi chỉ, tạo logich về mặt ý nghĩa, giúp văn bản hình thành một chỉnh thể chặt chẽ, thống nhất. Nói về liên kết ở đoạn văn, qua quá trình khảo sát, người viết nhận thấy có sự xuất hiện của các phép liên kết sau: liên kết về mặt hình thức (dùng phương tiện liên kết, từ liên kết, phép liên kết );
liên kết về mặt nội dung (liên kết về mặt ý nghĩa như nhắc lại đối tượng, chủ đề, nhấn mạnh, bổ sung thông tin,…).