Mô hình dẫn đề theo T- R- I

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 70 - 77)

Chương 2 NGÔN NGỮ NHẬT BÁO CẦN THƠ

2.2.2. Mô hình dẫn đề theo T- R- I

Dựa vào lý thuyết phân tích diễn ngôn, ta có thể khảo sát dẫn đề trên cơ sở xem xét sự phân bố của các yếu tố nội dung trong văn bản, bao gồm 3 yếu tố:

Đề: kí hiệu là T ( theme), là chủ đề chính của văn bản, là cái được nêu lên hoặc đề cập trong văn bản, thường nằm bên trái của phát ngôn/ văn bản.

Thuyết: kí hiệu là R ( rheme), nói về cái đề, là cái giải thích và thuyết minh cho đề, thường nằm bên phải phát ngôn/ văn bản.

Thành phần giải thích: kí hiệu là I ( interpretation), nó có thể giải thích cho T hoặc R, cũng có thể giải thích cho cả hai thành phần trên. Thành phần này có thể do một hoặc nhiều phát ngôn đảm nhiệm.

Khảo sát dẫn đề theo 3 yếu tố T- R- I, dựa trên nguồn ngữ liệu là 1.500 dẫn đề trên nhật báo Cần Thơ, tìm ra tỉ lệ của từng mô hình dẫn đề, bằng cách đảo trật tự của ba thành tố. Lần lượt ta có 3 mô hình sau:

2.2.2.1. Mô hình dẫn đề theo T- R- I

Qua khảo sát nguồn ngữ liệu, thấy rằng kiểu dẫn đề này có tần số xuất hiện cao hơn hẳn so với các mô hình khác. Ở đây phần đề và phần thuyết của dẫn đề được nêu lên đầu tiên. Phần còn lại chính là thành phần giải thích cho đề và thuyết đã nêu trước đó. Đứng từ góc độ kết cấu của đoạn văn thì dẫn đề thuộc mô hình này giống việc triển khai đoạn văn theo lối diễn dịch. Xét từ góc độ cấu trúc thông tin trong một văn bản báo chí thì mô hình này tương ứng mô hình hình tháp ngược. Các yếu tố thông tin quan trọng được đặt lên hàng đầu. Những yếu tố giải thích, chứng minh, bổ sung nội dung cho thông tin quan trọng được triển khai tiếp sau đó nhằm làm rõ vấn đề. Về phía người biên tập trong tòa soạn, khi muốn cắt bớt thông tin của phóng viên để vừa với khuôn báo thì biên tập viên sẽ thao tác cắt từ dưới lên. Thao tác này không làm ảnh hưởng đến nội dung quan trọng của bài báo cũng như ý đồ của tác giả.

Kiểu dẫn đề này đáp ứng tâm lí công nghiệp của độc giả thời nay.

Thông thường độc giả khi cầm một tờ báo thường đọc lướt qua các tiêu đề và dẫn đề ấn tượng, xét cả hình thức trình bày cũng như ngôn ngữ sử dụng.

Chính vì vậy, với những tiêu đề hấp dẫn, những dẫn đề được trình bày với hình thức bắt mắt và ngôn ngữ cô đúc, ngắn gọn nhưng chứa nhiều hàm ý dễ thu hút sự quan tâm của độc giả. Thông tin hạt nhân được đưa lên đầu dẫn đề sẽ giúp độc giả tiếp cận vấn đề chính một cách nhanh chóng và giúp độc giả dễ dàng đi đến quyết định có tiếp tục đọc bài báo đó hay không và đọc đến đâu. Vì lẽ đó mà mô hình dẫn đề này được ưu tiên lựa chọn trong hầu hết thể loại báo.

Hai thành phần T và R có thể được tạo thành từ cấu trúc t- r nhỏ hơn, còn I có thể được tạo thành từ chuỗi cấu trúc t- r.

Xét các ví dụ sau:

VD45:

Mỗi năm, TP Cần Thơ xảy ra khoảng 30 trường hợp trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý. Trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục (XHTD) cao, đặc biệt ở các vùng xa ven trung tâm thành phố, những khu dân cư có nhiều công trình đang xây dựng. Bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em của địa phương, thì việc trang bị những kiến thức và kỹ năng an toàn cho các em là hết sức cần thiết, giúp các em biết cách tự bảo vệ bản thân, phòng tránh được nguy cơ bị xâm hại.

CT, 17-7-2011 Trong đó:

Thành phố Cần Thơ”: T

Khoảng 30 trường hợp trẻ em bị xâm hại bị… xử lý”: R

Trẻ em có nguy cơ…. Phòng tránh được nguy cơ bị xâm hại”: I 2.2.2.2. Mô hình dẫn đề theo I- T- R

Nếu như mô hình dẫn đề theo T- R- I giống kết cấu đoạn văn triển khai theo lối diễn dịch thì mô hình được khảo sát ở đây lại giống kết cấu đoạn văn triển khai theo lối quy nạp. Có nghĩa là những thông tin mang tính chất giải thích, chứng minh, biện luận cho thông tin chính được đặt ở đầu dẫn đề, còn những thông tin cơ bản đóng vai trò đề, thuyết chính của dẫn đề thì phân bố ở vị trí cuối dẫn đề. Trong công tác biên tập, khi muốn gọt dũa dẫn đề, biên tập viên thường cắt từ trên xuống, vừa thực hiện được mục đích biên tập, vừa giữ được thông tin cốt lõi của dẫn đề.

Khi sử dụng kiểu dẫn đề này, phóng viên luôn phải xác định khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình. Bởi lẽ, những thông tin cơ bản, điều mà phóng viên muốn truyền đến người đọc, nằm ở vị trí cuối dẫn đề. Có nghĩa là, phải trải qua một quá trình dẫn dắt thì người đọc mới đến đích thông tin, tức thông điệp của phóng viên. Vậy làm sao giữ chân độc giả là trọng trách của tác giả

bài báo mà phần dẫn đề đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cho nên, triển khai dẫn đề với thành phần giải thích đầu tiên rồi mới đến phần đề và thuyết của vấn đề thì thực sự đây không phải là điều dễ.

Chúng ta xét ví dụ sau:

VD46:

Theo thống kê từ năm 2008 đến năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra 49 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm chết 9 người và 8 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 26 tỉ 940 triệu đồng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu là khu vực nội ô và các cơ sở công nghiệp. Đây là một thách thức không nhỏ của địa phương, đối với việc vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội, phải vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

CT, 15- 7- 2011 Trong đó:

Theo thống kê… cơ sở công nghiệp”: I

Đây là thách thức không nhỏ của địa phương”: T

vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế…. trên địa bàn”: R 2.2.2.3. Mô hình dẫn đề theo T- I- R

Đứng từ góc độ phóng viên cũng như biên tập viên, mô hình này gây khó trong quá trình biên tập. Bởi lẽ thông tin hạt nhân, thông tin cốt lõi không phân bố tập trung mà rải ra khắp tiêu đề, khi muốn cắt gọt câu chữ, biên tập viên phải cân nhắc nhiều lựa chọn. Về phía độc giả, do thông tin ở dẫn đề thuộc mô hình này thiên về giải thích nên độc giả phải đi tìm chủ đề chính của dẫn đề. Điều này gây khó cho độc giả trong quá trình tiếp nhận thông tin.

Muốn viết tốt dẫn đề này đòi hỏi phóng viên phải có một trình độ sử dụng ngôn ngữ nhất định.

VD47:

Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh vai trò “nội tướng”

trong gia đình, phụ nữ còn tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp trên nhiều lĩnh vực của xã hội... Tuy nhiên, bên cạnh góc nhìn người phụ nữ hoàn thiện phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một số người quên rằng cũng như nam giới, phụ nữ cần có nhu cầu được rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập để tiến bộ... Bên cạnh nhiều đấng mày râu biết quan tâm chia sẻ việc nhà với vợ thì cũng còn không ít phụ nữ hàng ngày phải gánh vác “hàng núi” công việc có tên, lẫn không tên trong gia đình, không có được cuộc sống “hạnh phúc” theo đúng nghĩa...

CT, 15- 7- 2011 Trong đó:

Xã hội ngày càng phát triển… và ngoài xã hội”: T

Bên cạnh vai trò “nội tướng” trong gia đình… để tiến bộ”: I

Bên cạnh nhiều đấng mày râu… theo đúng nghĩa…”: R

Xét ví dụ trên chúng ta thấy dẫn đề có dung lượng tương đối lớn. Muốn tìm được chủ đề của dẫn đề trên, chúng ta phải trải qua quá trình suy luận, khái quát. Đồng thời, chúng ta nhận thấy kiểu dẫn đề theo mô hình trên có nhiều nét rườm, làm giảm hiệu quả thông tin của dẫn đề.

Ngoài 3 mô hình vừa nêu trên, khảo sát dẫn đề trên nhật báo Cần Thơ, luận văn còn thấy xuất hiện mô hình dẫn đề chỉ có hai yếu tố T – R và không có thành phần giải thích.

Qua khảo sát 1.500 dẫn đề theo các yếu tố T, R, I, lần lượt theo các mô hình đã miêu tả trên, ta có bảng tỉ lệ sau:

Mô hình Số liệu Tỉ lệ %

T- R- I 675 45

I- T- R 487 32,5

T- I- R 225 15

T-R 113 7,5

Cộng 1.500 100%

Từ bảng thống kê chúng ta thấy mô hình T- R- I có tần số xuất hiện cao nhất, tiếp đến là mô hình I- T- R, mô hình T- I- R và sau cùng là mô hình T - R. Kết quả khảo sát phù hợp với phần biện giải đã nêu ra ở trên. Quá trình khảo sát dẫn đề theo các mô hình trên cũng cho ta nhiều nhận xét lí thú.

Mô hình T- R- I chiếm tỉ lệ cao vì nó thuận theo logic ngữ nghĩa thông thường: giới thiệu nhân vật hoặc vấn đề cần bàn luận trước rồi mới giải thích, diễn giải vấn đề.

Về mặt hình thức, dẫn đề cũng như tiêu đề được tách riêng ra phần thân văn bản báo. Bên cạnh đó dẫn đề cũng được in với co chữ, kiểu chữ và màu sắc chữ khác hẳn so với các phần còn lại. Ở nhật báo Cần Thơ, dẫn đề thường được in kiểu chữ đứng đậm, đôi khi nghiêng đậm. Qua đó ít nhiều thấy được vị trí của dẫn đề trong văn bản báo, xét tính hệ thống của văn bản.

Khảo sát 1.500 dẫn đề từ nguồn ngữ liệu báo Cần Thơ cho ta nhận diện được một số đặc trưng sau: có nhiều dẫn đề bắt đầu bằng cụm từ “ nói đến”, “ nhắc đến”. Đây là dấu hiệu cho những bài báo viết về gương điển hình nhân vật hay tập thể có thành tích nổi bật. Tiếp theo là dẫn đề bắt đầu bằng cụm từ

thời gian qua”. Mô thức này được bắt gặp thường xuyên, được bắt gặp ở các bài báo tổng kết một quá trình thực hiện một chương trình hay chủ trương, chính sách nào đó của địa phương, Đảng và Nhà nước,… Kiểu dẫn đề này nhằm nhấn mạnh thông tin thời sự ở thì hiện tại.

Ở dẫn đề, đôi khi ta bắt gặp cái tôi của tác giả xuất hiện một cách trực tiếp.

Ngoài ba mô hình đã liệt kê, khi khảo sát dẫn đề, ta bắt gặp một vài trường hợp ngoại lệ. Do số lượng dẫn đề được khảo sát chỉ là con số nhỏ cho nên người viết luận văn chưa thể rút ra thành nhận xét khái quát. Tuy nhiên cũng liệt kê ra đây một vài trường hợp ngoại lệ điển hình. Có trường hợp bắt đầu dẫn đề là phần giải thích, tiếp đó là thành phần đề, thuyết, và sau cùng lại là thành phần giải thích. Thiết nghĩ có thể có một hay một số mô hình phái sinh của dẫn đề để có thể có đầy đủ hơn nữa cơ sở lý thuyết để khảo sát bộ phận dẫn đề một cách toàn diện, tổng thể. Ngoài ra, có trường hợp ngoại lệ là dẫn đề chỉ gồm thành phần đề thuyết mà không có thành phần giải thích. Có thể kể thêm trường hợp ngoại lệ là dẫn đề, xét về mặt ý nghĩa chỉ nêu phần đề mà không nêu phần thuyết, nêu dẫn chứng nhưng không giải thích, muốn tìm hiểu cái thuyết, người đọc phải tự mình suy ngẫm. Thêm nữa là có trường hợp có loại dẫn đề chứa nhiều chủ đề, thường được tạo nên bởi thủ pháp đối lập.

Xét văn bản trong cấu trúc thông tin, dẫn đề thường đóng vai trò hạt nhân của văn bản. Chính vì vậy sai sót ở dẫn đề dễ dẫn đến sự thất bại trong hiệu quả truyền tải thông tin của nhà báo đến bạn đọc. Khảo sát dẫn đề nhật báo Cần Thơ, bên cạnh đặc trưng cô đọng, hàm súc của dẫn đề, đôi khi độc giả cũng bắt gặp ít nhiều hạt sạn ở dẫn đề. Đây cũng là thực tế của nhiều tờ báo chứ không riêng gì báo Cần Thơ, mặc dù cả tập thể tòa soạn luôn nỗ lực đáp ứng mong mỏi của bạn đọc. Những lỗi về lô gic, ngữ nghĩa, dấu câu hoặc lỗi về việc lặp lại một mô tip từ ngữ nào đó ở dẫn đề dễ tạo hiệu ứng không tốt từ phía độc giả, giảm hiệu quả thông tin của bài báo và giảm chất lượng tờ báo.

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 70 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)