Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.3. Lý thuyết giao tiếp của Roman Jakobson và việc nhận diện phong cách và thể loại
Để đạt được hiệu quả giao tiếp thì quá trình giao tiếp phải đảm bảo các điều kiện là người nói và người nghe phải cùng một ngôn ngữ; đồng thời có sự tương xứng về hiểu biết trong lĩnh vực giao tiếp; có tập quán ngôn ngữ, thói quen sử dụng các quy tắc ngôn ngữ đang được dùng làm công cụ giao tiếp; có sự gần nhau về tâm lý và mức độ quan tâm với vấn đề đặt ra.
Người nói ( viết) và người nghe ( đọc) nằm trong mối quan hệ truyền tin và tác động. Trong đó người viết là người cung cấp thông tin, là người tác động và thuyết phục. Người đọc, nghe, là người nhận tin và chịu sự tác động, thuyết phục. Đây là cơ sở làm xuất hiện phong cách báo chí- chính luận.
Liên quan đến vấn đề đang bàn, mô hình 6 yếu tố và tương ứng với nó là 6 chức năng của Roman Jakobson (1960) không chỉ có ý nghĩa trong việc nhận thức bản chất của ngôn ngữ thơ ca mà còn có thể xem xét để nhận diện các phong cách chức năng và thể loại.
Theo Roman Jakobson, mọi giao tiếp đều có 6 yếu tố sau:
Quy chiếu
Người gửi Thông điệp Người nhận Tiếp xúc
Mã
Và tương ứng với 6 yếu tố này, chúng ta có 6 chức năng ngôn ngữ khác nhau: chức năng biểu hiện (gắn với người gửi), chức năng thi ca (gắn với thông điệp), chức năng tác động (gắn với người nhận), chức năng nhận thức (gắn với quy chiếu), chức năng siêu ngôn ngữ (gắn với mã) và chức năng đưa đẩy (gắn với yếu tố tiếp xúc). Xem hình sau:
Nhận thức
Biểu hiện Thi ca Tác động Đưa đẩy
Siêu ngôn ngữ
Theo tác giả, có thể lưỡng phân thành hai nhóm giao tiếp lớn. Đó là giao tiếp nghệ thuật và giao tiếp phi nghệ thuật. Trong giao tiếp nghệ thuật, ngôn ngữ vừa là phương tiện vừa là mục đích. Nó là một tấm kiếng mờ đục bởi vì cùng một lúc, nó phóng chiếu trục kết hợp lên trục đồng thời. Còn ngôn ngữ phi nghệ thuật là một tấm kiếng trong suốt, ngôn ngữ thuần tuý chỉ là phương tiện.
Và cũng trên sự suy tưởng này, Roman Jakobson cho rằng mọi loại hình giao tiếp đều có 6 yếu tố và 6 chức năng như vừa đề cập ở trên. Vấn đề là ở chỗ, khi chúng ta nhận diện và phân loại một loại hình giao tiếp nào, một phong cách nào là dựa vào chức năng chủ đạo, chi phối các chức năng khác.
Chẳng hạn, đối với phong cách nghệ thuật, chức năng thi ca nổi trội, chi phối và biến cải tất cả các chức năng khác. Phong cách khoa học và hành chính, chức năng nhận thức là chức năng nổi trội, chi phối và biến cải tất cả các chức năng khác. Cách kiến giải của tác giả có thể coi như là một phát kiến độc đáo, rất phù hợp với ngôn ngữ học hiện đại.
Việc vận dụng mô hình của Roman Jakobson vào giao tiếp báo chí có phức tạp hơn. Nếu tính đến đặc điểm của thời đại và quan điểm maxit thì chức năng tác động mang tính định hướng của phong cách báo chí là chức năng nổi trội, chi phối và biến cải tất cả các chức năng khác. Còn nếu nhấn mạnh đến chức năng cung cấp thông tin thì chức năng nhận thức sẽ được thay thế.
Chức năng biểu hiện, gắn liền với người gửi. Ở đây có thể gắn với ban biên tập, chính kiến của một tờ báo. Nó là chức năng bộc lộ tính tình thái. Đối với những nhà báo có tài, thông qua các sự kiện mà họ trình bày, miêu tả, nó
có thể mang dấu ấn cá nhân. Đối với phương Tây, chức năng biểu hiện còn được bộc lộ qua việc nhìn nhận, đánh giá sự kiện, thậm chí còn thể hiện trong cách thức đưa tin.
Chức năng thi ca, hay còn gọi là chất nghệ thuật của báo chí: gắn liền với văn bản. Mặc dù đây không phải là chức năng chính, tuy nhiên tính hấp dẫn, gợi mở như đã đề cập ở trên, không thể thiếu trong ngôn ngữ báo chí. Có thể ngôn ngữ báo chí không cho phép xuất hiện các hình tượng nghệ thuật nhưng thông qua so sánh, đối chiếu, sử dụng các ẩn dụ, một văn bản báo chí hay, đặc sắc thường vươn tới một mức độ nghệ thuật nhất định.
Chức năng tác động, gắn liền với người đọc. Như đã sơ lược phân tích ở trên, đây có thể là chức năng quan yếu. Giao tiếp báo chí không chỉ cung cấp thuần tuý thông tin mà thông qua thông tin để nhằm tác động đến người nghe/người đọc, kêu gọi ở họ một sự cộng hưởng. Đây là cái mà báo chí maxit gọi là định hướng dư luận, giúp cho người đọc từ suy nghĩ đúng dẫn đến hành động đúng.
Ngày nay, tính tác động của báo chí còn được thể hiện qua sự tương tác giữa công chúng với nhà báo, giữa công chúng với toà soạn báo. Nói cách khác, trang báo ngày nay không còn là độc quyền của các kí giả.
Chức năng nhận thức, gắn liền với quy chiếu, tức là hiện thực được các văn bản báo chí đề cập đến. Chức năng này có liên quan đến một vấn đề khá tế nhị, đó là tính khách quan hay chủ quan trong việc chọn lựa các sự kiện.
Báo chí phương Tây chủ trương trình bày sự kiện một cách lạnh lùng, để tự sự kiện nói lên, người viết không bình luận. Nói cách khác, ở đây, phần bình luận, đánh giá không xuất hiện trên bề mặt văn bản một cách tường minh mà dành do độc giả. Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức ngôn ngữ của văn bản báo chí. Chẳng hạn trước một sự kiện, có nên sử dụng thủ pháp dẫn hay không dẫn và nếu có dẫn thì dẫn trực tiếp hay gián tiếp đều ít nhiều
có liên quan đến tính khách quan/chủ quan của sự kiện được đề cập.
Còn theo quan điểm maxit thì không có chủ nghĩa khách quan tuyệt đối. Trong hàng loạt sự kiện xảy ra trong ngày, chọn yếu tố nào, không chọn yếu tố nào, chúng xuất hiện ở đâu, ở trang nào, mục nào, thể loại nào, và cách thức tổ chức văn bản, tất cả đều không tránh khỏi chủ quan.
Cho dù lí giải nó theo hướng nào thì chức năng nhận thức cũng là chức năng quan trọng. Nó gắn kết rất mật thiết với các chức năng khác, mà trước hết là với chức năng tác động.
Chức năng siêu ngôn ngữ, theo lí thuyết, gắn liền với mã ngôn ngữ, với tri thức nền, tức sự kiện. Để thực hiện một giao tiếp tốt, nhất là giao tiếp báo chí, giữa người viết báo với bạn đọc phải có cùng một mã chung, một tri thức nền chung. Đây là một yêu cầu có tính chất lí tưởng. Nhiều khi trong thực tiễn giao tiếp, ở một số thể loại nhất định, phải sử dụng ngôn ngữ để giải thích, thuyết minh về một sự kiện hay thuật ngữ nào đó. Đối với phong cách báo chí, có thể coi đây là chức năng thứ yếu nhưng rõ ràng không thể thiếu được.
Chức năng đưa đẩy, gắn liền với yếu tố tiếp xúc. Cụ thể ở đây có sự cộng hưởng, sự phản hồi, sự tiếp xúc giữa nhà báo với công chúng. Đây là cuộc tiếp xúc có tính cách gián tiếp, không phải là giao tiếp mặt đối mặt nhưng nếu ai đó xem thường nó thì khó lòng nói được rằng cuộc giao tiếp đó là thành công. Tuy người đọc không xuất hiện trực tiếp nhưng khi cầm bút, nhà báo bao giờ cũng phải trả lời cho được đối tượng người đọc mà văn bản nhắm tới là ai, thành phần xã hội của họ thế nào, nhu cầu thẩm mĩ của họ ra sao.
Liên quan đến vấn đề đang bàn, nếu chúng ta chú ý quan sát, mỗi một tờ báo, mỗi một cơ quan thông tấn thường có một số lượng độc giả rất đặc thù.
Như vậy, giao tiếp báo chí một mặt cũng có những đặc điểm chung của mọi loại hình giao tiếp, mặt khác lại bao chứa những đặc điểm riêng. Các đặc điểm riêng này, nói như Roman Jakobson, là tính chất nổi trội và chi phối của chức năng tác động, một chức năng rất quan trọng trong việc nhìn nhận sự kiện, tính khách quan và chủ quan, cũng như vai trò định hướng báo chí theo quan điểm maxit.