Một số thể loại báo chí tiêu biểu

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 35 - 38)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1.6. Một số thể loại báo chí tiêu biểu

Thể loại báo chí hình thành là do nhu cầu khách quan của cuộc sống, của con người và của chính thực tế báo chí. Các nhà kinh điển về báo chí như Lê-nin, Hồ Chí Minh cũng cho rằng một tờ báo hay một nhà báo sử dụng được nhiều thể loại báo chí thì tờ báo đó sẽ càng có tác dụng, sẽ phong phú, hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc nhiều hơn.

Trong quá trình phát triển lâu dài của báo chí, các thể loại đã được hình thành phù hợp với nội dung, mục đích và tôn chỉ của nó. Các hình thức tổ chức tư liệu, phương thức phản ánh các sự kiện, hiện tượng, quá trình của đời sống xã hội đã đáp ứng hoạt động, nhiệm vụ của nhà báo và các cơ quan báo chí. Các hình thức, phương thức này đều có tính chất, đặc điểm nhất định mà mọi người quen gọi là thể loại.

Tác giả Đinh Hường nêu định nghĩa về thể loại báo chí như sau: “ Thể loại báo chí là hình thức biểu hiện cơ bản, thống nhất và tương đối ổn định của các bài báo, được phân chia theo hình thức phản ánh hiện thực, sử dụng ngôn ngữ và các công cụ khác nhau để chuyển tải nội dung mang tính chính trị, tư tưởng nhất định”.

Ở luận văn này, chúng tôi tán thành quan điểm của Đức Dũng ( 1996) phân chia hệ thống thể loại báo chí ở nước ta thành 3 loại thể: nhóm thông tấn báo chí, nhóm chính luận báo chí và ký báo chí. Đức Dũng lý giải, hệ thống thể loại báo chí được hình thành bởi 3 loại thể nêu trên có đặc điểm bao trùm là thông tin thời sự, với tư cách là hạt nhân của thông tin báo chí.

- Loại thể thông tấn báo chí gồm: tin, phỏng vấn, tường thuật, điều tra. Cả bốn thể loại này có chung 1 đặc điểm là thiên về thông tin sự kiện, lấy việc thông tin sự kiện là mục đích tối thượng trong quá trình phản ánh hiện thực. Sự kiện được thông tin trong các thể loại này có nhiều cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào tầm quan trọng của chúng nhưng dù ở cấp độ nào cũng phải đáp ứng yêu cầu thời sự và tính xác thực, cặn kẽ, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tất cả các chi tiết, dữ kiện được đưa ra trong những thể loại này đều phải chịu áp lực rất lớn của tính thời sự và tính chính xác với mục đích rõ ràng là nhằm cung cấp các sự kiện cho công chúng.

Trong thể loại thông tấn báo chí, tin được coi là thể loại hạt nhân vì nó có khả năng thông tin một cách nhanh nhất, sớm nhất, dưới một hình thức chặt chẽ nhất về những sự việc, sự kiện vừa mới xảy ra, đang xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra.

Với những khả năng đó, tin không chỉ được coi là thể loại hạt nhân của loại thể thông tấn báo chí mà còn là hạt nhân của toàn bộ hệ thống thể loại báo chí.

- Loại thể chính luận báo chí gồm xã luận, bình luận, chuyên luận.

Đặc điểm nổi bật của nhóm loại thể này là khả năng bàn luận, giải thích, bình giá các sự kiện. Có thể nói, mô hình luận cứ- luận chứng- luận điểm là mô hình chung cho cả 3 thể loại thuộc loại thể chính luận báo chí.

- Loại thể ký báo chí có phần sinh động hơn so với 2 nhóm loại thể trước không chỉ bởi ở hình thức kết cấu mà ngay cả trong phạm vi nội dung được phản ánh. Trong số các thể loại của ký báo chí, phóng sự được xếp ở vị trí đầu tiên và được coi như thể loại đóng vai trò hạt nhân của toàn bộ loại thể.

Việc phân chia các thể loại báo chí thành 3 nhóm trên chỉ có tính tương đối.

Trong mỗi loại thể đều thể hiện những đặc điểm chung của toàn bộ hệ thống, đều là sự kết hợp ít nhiều giữa các khả năng thông tin sự kiện, thông tin lý lẽ và thông tin thẩm mỹ dưới đặc điểm bao trùm là thông tin xác thực, thông tin thời sự.

Ở đây ta bàn đến một số thể loại tiêu biểu thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí:

- Tin tức: bao gồm tin vắn, tin dài, tin tổng hợp, tin tường thuật, tin trong nước, tin thế giới, tin có tiêu đề, tin không có tiêu đề. Trong thể loại này, luận văn tập trung chú ý nhiều nhất là tin địa phương bởi vì nó có nhiều khả năng thể hiện được đặc trưng ngôn ngữ ít nhất là lời ăn tiếng nói của Nam Bộ. Đương nhiên, thể loại tin tức khó xuất hiện các yếu tố ngôn ngữ địa phương, tuy nhiên không phải là không có.

- Phóng sự: như chúng ta biết, phóng sự hình thành từ những tình huống có vấn đề. Đối với một tờ báo địa phương, phóng sự thường gắn liền với những vấn đề nóng hổi của cuộc sống trên một địa bàn địa phương cụ thể.

- Phỏng vấn: về phỏng vấn, nếu như ở một số tờ báo lớn ở trung ương, phỏng vấn thường rơi vào hai trường hợp: i) các chính khách, chính trị gia và ii) một số nhân vật nổi tiếng về các lĩnh vực nào đó ( văn hóa, văn nghệ, thể

thao). Thuộc nhóm trước, chủ đề thường liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, định hướng xã hội của lãnh đạo và nhóm thứ 2 trao đổi về lĩnh vực chuyên môn nào đó ví dụ như phỏng vấn huấn luyện viên, vận động viên, bác sĩ, v.v. về một số vấn đề chuyên môn mà xã hội quan tâm, thì ở các báo địa phương, phỏng vấn thuộc loại i). Cần nói ngay, phỏng vấn báo in thường có một khâu chuẩn bị trước mặc dầu có thể được biên tập, tỉa tót cẩn thận nhưng do đề cập đến những vấn đề địa phương nên cũng có khả năng thể hiện đặc trưng ngôn ngữ riêng của một vùng đất.

- Phản ánh, ghi nhanh: Ngoài 3 thể loại rất phổ biến vừa đề cập, khi sưu tập ngữ liệu trên mặt báo Cần Thơ, chúng tôi còn chú ý đến các thể loại sau đây: về phản ánh: thực ra cách gọi tên này không thật nghiêm ngặt, nó thể hiện cách thức cung cấp thông tin, so với phóng sự thì phản ánh đáp ứng được yêu cầu kịp thời, sốt dẻo nhưng về mặt quy mô, không thể nào bằng được phóng sự. Do vậy, có thể nói được cái phản ánh là dạng thô của phóng sự, là các sự kiện ban đầu làm xuất phát điểm của phóng sự. Giữa phản ánh và phóng sự có đặc điểm chung là đều xuất phát từ những tình huống có vấn đề.

Còn ghi nhanh, như tên gọi, đó là một nhát cắt của sự kiện, một khoảnh khắc của sự kiện, mà người phóng viên nắm bắt được. Và do vậy, nó không đòi hỏi phải nêu nguyên nhân, đó cũng là một dạng thông tin ở dạng thô.

- Cuối cùng, còn có một thể loại cũng khá quan trọng, đó là ký nhân vật và ký sự kiện mà các tòa soạn thường tập trung ở mục là gương điển hình. Có thể nói, đây là thể loại tập trung nhiều đặc điểm ngôn ngữ nhất.

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)