Mô hình dẫn đề theo lý thuyết của F. Danes

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 62 - 70)

Chương 2 NGÔN NGỮ NHẬT BÁO CẦN THƠ

2.2.1. Mô hình dẫn đề theo lý thuyết của F. Danes

Từ sự bất cập của hướng phân tích văn bản cũng như các đơn vị thấp hơn theo cấu trúc chủ vị, giới nghiên cứu ngôn ngữ học đã chấp nhận và vận dụng cấu trúc Đề ( theme, topic) – Thuyết ( rheme, comment) của ngữ pháp chức năng hệ thống.

Có rất nhiều lý thuyết về đề - thuyết trong cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, trong đó nổi bật hơn cả là Cao Xuân Hạo. Ông là người đầu tiên áp dụng một cách triệt để quan hệ đề – thuyết vào việc phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt. Ông cho rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ thiên chủ đề. Cho nên việc áp dụng cấu trúc chủ vị vào việc phân tích câu và các đơn vị trên câu không phải là giải pháp thỏa đáng. Trong công trình Tiếng Việt – Sơ thảo Ngữ pháp chức năng ( 1991) ông cho rằng phân tích câu theo quan hệ đề thuyết là phù hợp với loại hình tiếng Việt. Câu được hiểu là đơn vị thông báo một mệnh đề hay phản ánh một nhận định được cấu trúc hóa thành hai phần đề, thuyết, trong đó

“ đề là điểm xuất phát, là cái cơ sở, cái điểm tựa làm bàn đạp cho đà triển khai của câu” ở phần thuyết.

Còn về quan niệm đề – thuyết của F. Danes chính là lý thuyết về mô thức phát triển đề. Theo đó phát triển đề là sự lựa chọn và sắp xếp đề, sự liên hoàn và phân cấp qua lại của chúng, cũng như mối quan hệ của chúng với các siêu đề của các đơn vị văn bản cao hơn (như đoạn, chương…) với toàn bộ văn bản và với ngữ cảnh tình huống. Theo quan điểm của ông thì phát triển đề có thể được xem như bộ khung của toàn bộ văn bản.

Trên cơ sở lý thuyết của F. Danes có thể xác lập các mô hình phát triển đề sau đây:

- Mô hình phát triển đề tuyến tính đơn - Mô hình phát triển đề cố định

- Mô hình phát triển đề phái sinh - Mô hình thuyết tách

Dựa trên quan niệm của F. Danes có thể thấy các phát ngôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phát ngôn mở đầu luôn là chỗ dựa cho các phát ngôn sau, và tiếp đến phát ngôn sau lại làm chỗ dựa cho phát ngôn kế tiếp.

Dẫn đề có độ dài tương đối ngắn. Trung bình mỗi dẫn đề từ 2 đến 3 câu. Tuy nhiên có những dẫn đề gồm 1 câu hoặc rất nhiều câu, tùy theo mỗi văn bản báo chí cũng như dụng ý của phóng viên. Đây là xét về mặt hình thức.

Ở đây, chúng tôi dựa trên cơ sở lý thuyết về các mô thức phát triển đề ứng dụng vào việc thống kê, khảo sát và miêu tả dẫn đề trên các văn bản nhật báo Cần Thơ, nhằm mục đích tìm ra đặc trưng cơ bản của đối tượng này.

2.2.1.1. Mô hình phát triển đề tuyến tính đơn

Đặc điểm của mô hình này là phần thuyết của phát ngôn trước sẽ trở thành phần đề của phát ngôn sau

T1 R1

T2 R2

T3 R3

Trong đó, T2=R1, T3=R2. Mô hình này có thể cụ thể hoá bằng văn bản là một dẫn đề như sau:

VD39:

Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình đồng đội; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, tặng quà khi lễ, Tết... Các hoạt động trên không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) TP mà còn góp phần vun đắp tình quân dân ngày càng gắn bó...

CT, 21-7-2011 Xét ví dụ trên chúng ta thấy các hoạt động trênthay thế cho nhiều hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, như: xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội,…Như vậy, có thể thấy quá trình phát triển đề theo lý thuyết của F. Danes chính là việc lặp lại phần thuyết của câu mở đầu ở câu tiếp sau. Và quá trình cứ tiếp tục diễn ra như vậy, tạo mối quan hệ móc xích liên hoàn với nhau.

2.2.1.2. Mô hình phát triển đề cố định Mô hình này có cấu trúc như sau:

T1 R1

T1 R2

T1 R3….

Trong mô hình này, thành phần đề của các câu kế tiếp nhau không thay đổi, sự thay đổi chỉ diễn ra ở phần thuyết. Mô hình phát triển đề này có hai loại chuỗi đề.

Chuỗi đồng nhất gồm một chuỗi các thành tố ngôn ngữ cùng quy chiếu từ cùng một thực thể (hoặc một sự kiện).

VD40:

Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh vai trò “nội tướng”

trong gia đình, phụ nữ còn tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp trên nhiều lĩnh vực của xã hội... Tuy nhiên, bên cạnh góc nhìn người phụ nữ hoàn thiện phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một số người quên rằng cũng như nam giới, phụ nữ cần có nhu cầu được rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập để tiến bộ... Bên cạnh nhiều đấng mày râu biết quan tâm chia sẻ việc nhà với vợ thì cũng còn không ít phụ nữ hàng ngày phải gánh vác “hàng núi” công việc có tên, lẫn không tên trong gia đình, không có được cuộc sống “hạnh phúc” theo đúng nghĩa...

CT, 15-7-2011 Trong mô hình phát triển đề cố định, có một số trường hợp đề không được lặp lại hoàn toàn mà chỉ lặp lại một phần ở các câu tiếp theo. Xét trường hợp sau:

VD41:

Nhiều hộ dân ở khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng bức xúc phản ánh tình trạng Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Trí Hưng, tọa lạc tại khu vực này, chuyên sản xuất nhựa tái sinh, trong thời gian dài trực tiếp xả nước thải xuống rạch Bà Vượt, khiến cho nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm và có mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của

các hộ dân. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, người dân cũng đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng trên chưa được cải thiện.

CT, 12 -7- 2011 Chuỗi tương đồng là một chuỗi các thành tố ngôn ngữ có quy chiếu không đồng nhất với nhau, nhưng lại cùng nằm trong cùng một nhóm hoặc nằm trong các nhóm có quan hệ với nhau được nhận ra thông qua trường liên tưởng. Mô hình phát triển đề cố định theo chuỗi tương đồng:

T1 R1

T2 R2

T3 R3….

VD42:

Từ sự tận tụy, hết mình của các cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, công tác giáo dục trẻ vị thành niên (VTN) trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều hiệu quả thiết thực.

Điều đáng quý là Hội đã vận động được gia đình cùng tham gia, kết hợp với các ban ngành đoàn thể phường chăm lo cho con em mình được tốt hơn. Hoạt động ý nghĩa này của Hội LHPN phường Trà Nóc đã được UBND quận tuyên dương vào tháng 6-2011.

CT, 11- 7- 2011 2.2.1.3. Mô hình phát triển Đề phái sinh

Mô hình này có cấu trúc như sau:

T

T1 – R1 T3 – R3 T2 – R2

Ở đây gồm một đề lớn ở câu đầu tiên. Phần đề ở những câu tiếp theo là sự phát triển thông tin của đề lớn đó. Chẳng hạn:

VD43:

Khi đọc tiểu thuyết “Không gia đình” của văn hào Hector Malot, tôi đã không cầm được nước mắt vì cảm thương cho cậu bé Rémi bị cha mẹ bỏ rơi, sống vất vưởng nhờ vào tình thương của những người xa lạ. Với những đứa trẻ mà tôi có dịp gặp gỡ, cuộc đời buồn không kém gì những chuyện buồn trong tiểu thuyết. Không có một mái ấm để tựa nương, các em luôn khát khao

về một gia đình có cha, có mẹ…

CT, 25-6-2011 2.2.1.4. Mô hình Thuyết tách

Đặc điểm của mô hình này là phần Thuyết của phát ngôn trước được triển khai bằng nhiều cấu trúc nòng cốt t - r theo mô hình:

T1 R1

t1 – r1 t2 – r2 t3 – r3 ….

VD44:

Người xưa có câu “Ớt nào mà ớt chẳng cay - Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”, ý nói ghen tuông là đặc tính cố hữu trong tình yêu - hôn nhân, mà đặc biệt là đối với phụ nữ. Thế nhưng “ghen” cũng có năm bảy đường. Có những người vì ghen tuông mà tan nhà nát cửa. Nhưng cũng có những cặp vợ chồng khi lòng người “nổi sóng”, những người trong cuộc đã khéo kềm chế, lèo lái cho con thuyền hạnh phúc vững vàng vượt qua sóng gió...

CT, 22- 4- 2011 Qua khảo sát 1.500 dẫn đề trên ngữ liệu báo Cần Thơ, người viết nhận thấy có sự xuất hiện đầy đủ các mô hình dẫn đề theo lý thuyết của F. Danes,

tuy nhiên tần số xuất hiện của các mô hình là khác nhau. Kết quả khảo sát được thể hiện qua bảng sau:

Loại đề Số liệu Tỉ lệ %

Đề tuyến tính đơn 585 39

Đề cố định 383 25,5

Đề phái sinh 142 9,5

Đề thuyết tách 68 4,5

Ngoại lệ 322 21,5

Cộng 1.500 100

Dựa trên kết quả khảo sát tìm được, ta thấy dẫn đề trên nhật báo Cần Thơ có đặc trưng riêng. Đó là việc chuộng mô hình phát triển đề tuyến tính đơn và đề cố định. Ở mô hình phát triển đề tuyến tính đơn, tác giả đưa vấn đề cần bàn đến trong bài báo ở phần thuyết của câu mở đầu, tiếp đến nhắc lại phần thuyết đó ở câu tiếp theo. Sử dụng kiểu mô hình này, thông qua quan sát nguồn ngữ liệu là dẫn đề trên nhật báo Cần Thơ, tạo hiệu quả truyền tải thông tin nhanh chóng cho người đọc. Đóng vai trò là cửa ngõ đi vào mỗi tác phẩm báo chí, dẫn đề theo mô hình phát triển đề tuyến tính đơn cuốn hút người đọc tiếp tục tìm hiểu nội dung bài báo sau phần dẫn đề. Loại dẫn đề theo mô hình này thường bắt gặp ở các dạng bài gọi chung là bài phản ánh trên nhật báo Cần Thơ.

Tiếp đến là mô hình phát triển đề cố định. Kiểu mô hình này chiếm tỉ lệ khoảng ẳ ( 25,5% trong tổng số 1.500 dẫn đề) cỏc kiểu mụ hỡnh theo quan niệm của F. Danes. Có thể thấy kiểu mô thức này xuất hiện khá thường xuyên ở dẫn đề nhật báo Cần Thơ, đặc biệt là ở dạng bài viết về gương điển hình.

Đối tượng của dạng bài này có thể là một con người cụ thể, một tập thể, một mô hình làm ăn sáng tạo, v.v… đạt hiệu quả xuất sắc đáng được biểu dương và nhân rộng, học tập. Đây cũng là điểm đặc thù của một tờ báo Đảng ở địa phương. Bên cạnh những thông tin thời sự nóng hổi diễn ra tại địa phương

hay vùng miền, các phóng viên của tờ báo luôn tìm tòi trên từng cây số những gương điển hình tiêu biểu, tìm ra những mặt tốt, mặt tích cực của cuộc sống để khen ngợi. Đó cũng nhằm định hướng dư luận, hướng đến xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, cuộc sống thanh bình.

Trên đây chúng tôi bàn về đặc trưng của dẫn đề. Trở lại mô hình phát triển đề cố định. Với dạng bài viết về gương điển hình, từ tiêu đề, dẫn đề cho đến kết thúc văn bản báo, đối tượng được nêu gương luôn được lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm mục đích khắc họa đậm nét hình tượng nhân vật trong lòng độc giả. Chính vì vậy phần dẫn đề cũng không ngoại lệ. Và trong tư duy thông thường của con người, vấn đề gì quan trọng, người ta thường đặt nó ở phần đề. Điều này lý giải vì sao trong những bài viết về gương điển hình, ta bắt gặp hiện tượng tác giả sử dụng thủ pháp lặp thường xuyên.

Hai mô hình đề phái sinh và đề thuyết tách có tần số xuất hiện kém hơn các mô hình đề khác. Việc sử dụng mô hình nào trong việc triển khai dẫn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến yếu tố cá nhân của phóng viên, yếu tố thể loại, yếu tố tư duy và ngôn ngữ vùng miền. Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề này, người viết chưa có đủ các cơ sở lý luận cũng như nguồn ngữ liệu minh chứng nên tạm gác lại. Chỉ có điều, việc nêu ra kết quả thống kê về các mô thức đề theo lý thuyết của F. Danes cũng cho ta được ấn tượng về việc triển khai đề trên nhật báo Cần Thơ.

Có một vấn đề quan trọng nữa trong phần nghiên cứu các mô thức phát triển đề theo F. Danes cần được bàn luận đến. Đó là những trường hợp ngoại lệ, tức là có nhiều trường hợp, ( khoảng 21,5% trong tổng số 1.500 dẫn đề được khảo sát), không thuộc mô hình nào trong 4 mô hình được đưa ra. Như chúng ta đã biết, dẫn đề có độ dài tương đối ngắn, trung bình từ 2 đến 3 câu.

Đề áp dụng các mô thức của F. Danes vào dẫn đề, với độ dài như vậy là phù hợp, xét về mặt hình thức. Tuy nhiên, có những trường hợp dẫn đề chỉ gồm 1

câu hoặc rất nhiều câu. Ở trường hợp dẫn đề chỉ gồm một câu thì nhất định không thể áp dụng các mô hình phát triển đề. Ở trường hợp dẫn đề gồm quá nhiều câu thì ta lại gặp khó trong việc xác định đề của dẫn đề, đề không phát triển theo trật tự các mô hình đã nêu. Những trường hợp trên được xếp vào trường hợp ngoại lệ. Theo số liệu thống kê, ta thấy tần số các trường hợp ngoại lệ khá cao ( 21,5 % trong tổng số 1.500 dẫn đề). Con số này cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó. Có thể là do dụng ý sáng tạo của phóng viên, bởi lẽ quá trình sử dụng ngôn ngữ là một quá trình sáng tạo, đặc biệt đối tượng phục vụ của báo chí lại là đông đảo bạn đọc gần xa, thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ và lứa tuổi. Ý nghĩa khác cũng có thể là do ảnh hưởng của đặc trưng thể loại và nhiều yếu tố khác chi phối đến việc tạo dẫn đề. Vấn đề này sẽ được tìm hiểu ở hoàn cảnh khác, do phạm vi nghiên cứu của luận văn không cho phép.

Một phần của tài liệu tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ của nhật báo cần thơ (Trang 62 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)