CHƯƠNG 2 KHÁI QUÁT VỀ TỈNH TRÀ VINH
2.2. Quá trình hình thành và phát triển
Thời kì Chân Lạp, địa danh “Trà Vinh” theo tiếng Khmer là “Preastrapeang”
có nghĩa là “Hồ Phật”, địa danh này mang đậm nét tôn giáo phải chăng ám chỉ “Ao Bà Om” ? (thuộc khóm 3 phường 8 thành phố Trà Vinh. Người Khmer đào ao này từ xa xưa để giữ nước ngọt cho nguyên vùng. Việc quản lý hồ nước đều do nhà chùa đảm trách).
Ao Bà Om gắn liền với sự tích của người Khmer. Chuyện xưa kể rằng, mỗi khi nam và nữ trong làng muốn cưới nhau, không bên nào dám ngỏ lời trước, vì sợ chịu phí tổn hôn nhân rất lớn. Nên nhân chuyện đào ao lấy nước, dân làng cho hai bên nam nữ thi đua, mỗi bên đào một hồ, bên nào thua phải chịu tốn kém cho việc cưới xin. Người lãnh đạo phái nữ là bà Om liền nghĩ ra một kế. Khi trời vừa sập tối, bà cho bày tiệc thết đãi các ông. Vì quá chén, ỷ lại vào sức của mình, nên các ông lơ
28
là nhiệm vụ. Tới nửa đêm, Bà Om treo ngọn đèn lên cành cây làm họ lầm tưởng là sao Mai mọc, xách đồ nghề về. Các bà ở lại cắm cúi đào và chiến thắng. Địa danh ao Bà Om được lưu truyền từ đó.
Khi người Việt đặt chân đến nơi đây thì đọc “Preastrapeang” âm trại là “Trà - Văn” hay còn được gọi là “Trà Vang” thuộc hạt Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Dần dần tên gọi “Trà Vang” lại biến âm thành tên gọi “Trà Vinh” như ngày hôm nay.
Trước khi người Việt đặt chân đến đây khai phá, vùng đất này còn rất hoang vu, đầm lầy và sông rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt, đất đai được khai phá rất ít, như Lê Quý Đôn (1726 -1784) đã từng viết trong tập bút ký về Đàng Trong: ''Từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm dày đặc... ''
Thế kỷ XVII, chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1672) chia cắt đất nước.
Điều này đã làm cho hàng vạn nông dân lâm vào thảm họa diệt vong, phải đi tìm cõi sống ở phương Nam. Do đó miền đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long (trong đó có vùng đất Trà Vinh) là nơi đón nhận các lưu dân người Việt từ miền Bắc chạy vào.
Cuối thế kỷ thứ XVII, các chúa Nguyễn đã chủ động tổ chức di dân người Việt vào vùng đất Nam Bộ, thực thi những chính sách chiêu mộ lưu dân và đưa quân đội vào Nam khai phá đất đai. Cùng với người Việt và người Khmer, người Hoa cũng được chúa Nguyễn tạo điều kiện để cùng nhau khai phá và định cư trên vùng đất phía Nam này, trong đó có vùng đất Trà Vinh.
Năm 1748, Nặc Nguyên chiếm ngôi vua Chân Lạp. Sau khi lên ngôi, Nặc Nguyên thường đem binh lấn hiếp nhóm di dân người Chăm, Nặc Nguyên lại là thông sứ với Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) lập mưu đánh Chúa Nguyễn quyết giành lại vùng đất Thuỷ Chân Lạp. Vì việc này, chúa Nguyễn Phúc Khoát quyết định chinh phạt Chân Lạp. Cuộc chinh phạt này bắt đầu từ năm 1753 và kết thúc vào năm 1756 dẫn đến việc quốc vương Nặc Nguyên thua trận và dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạt để tạ tội với triều Việt.
Năm 1757, Nặc Nguyên băng hà. Chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước.
29
Biên thần tâu xin chúa Nguyễn lập Nhuận lên ngôi quốc vương. Chúa Nguyễn Phúc Khoát bắt phải hiến hai phủ Trà Vang, Ba Thắc, rồi sau mới y cho, để tỏ lòng biết ơn cứu sống và phong vua nước Chân Lạp cho Nặc Tôn (con Nặc Nhuận), Nặc Tôn dâng vùng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn.
Như vậy, đến năm 1757, những phần đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ chính thức thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
2.2.2. Quá trình phát triển
Sự hình thành và phát triển của tỉnh Trà Vinh được chia thành 2 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: từ năm 1732 đến năm 1900.
Vùng đất với tên gọi "Trà Vang", có từ trước khi chúa Nguyễn lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ vào năm 1732.
Năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long bắt tay vào việc phân định lại ranh giới các đơn vị hành chính trên toàn quốc. Từ đó, vùng đất Trà Vinh thuộc dinh Vĩnh Trấn. Năm 1803, vua Gia Long cho đổi dinh Vĩnh Trấn thành dinh Hoằng Trấn. Vùng đất Trà Vinh lúc này thuộc dinh Hoằng Trấn. Năm 1808, Gia Long đổi Vĩnh Trấn được đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Lúc bấy giờ, vùng đất Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh.
Đến năm 1832, trấn Vĩnh Thanh được đổi tên là trấn Vĩnh Long. Sau đó, vua Minh Mạng cho đổi các trấn thành tỉnh. Lúc này, Trà Vinh là một huyện thuộc phủ Lạc Hoá tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định phân chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính. Khu vực hành chính Vĩnh Long gồm 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc. Tiểu khu Trà Vinh là tiền thân của tỉnh Trà Vinh sau này.
Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Doumer ký nghị định đổi tên gọi tiểu khu thành tỉnh. Nam Kỳ lục tỉnh cũ được phân chia lại thành 10 tỉnh mới, tỉnh Vĩnh Long cũ được tách ra thành 3 tỉnh mới: Vĩnh Long, Bến Tre. Từ đó, tên tỉnh Trà Vinh được sử dụng chính thức trên các văn bản tiếng Pháp là Province de
30 Trà Vinh.
Giai đoạn 2: Từ năm 1900 đến nay
Tháng 5/1951, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ đã ban hành Nghị định số 174/NB-51 ngày 27/6/1951 về việc sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ thành 11 tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập lại thành tỉnh Vĩnh Trà.
Từ năm 1954 đến năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh miền Nam. Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần được tách ra, ghép với hai huyện Trà Ôn và Tam Bình của Vĩnh Long để thành lập một tỉnh mới là tỉnh Tam Cần. Đầu năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Tam Cần thành lập được gần một năm thì giải thể, ba quận của tỉnh Tam Cần và quận Vũng Liêm (của tỉnh Vĩnh Long) được sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Bình.
Tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ban hành nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII ra quyết định tách tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Ngày 5/5/1992 tỉnh Trà Vinh được tách ra từ tỉnh Cửu Long và chính thức đi vào hoạt động cho đến ngày nay. [73]
2.2.3. Quá trình phát triển từ khi tái thành lập tỉnh
Từ sau khi tái thành lập tỉnh, toàn thể quân dân Trà Vinh luôn phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, truyền thống anh hùng trong kháng chiến ngày đêm ra sức lao động xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Trà Vinh có 18.374 liệt sĩ;
987 bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng 61 đơn vị, địa phương được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Là một tỉnh nghèo với kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, có xuất phát điểm thấp nhưng Đảng bộ và quân dân Trà Vinh đã không ngừng nỗ lực đưa tỉnh nhà
31
phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng…
Trong chiến tranh, nhân dân Trà Vinh cùng nhân dân cả nước đã chiến thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Trong hòa bình, nhân dân Trà Vinh lại một lần nữa sẽ chiến thắng, đó là chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh đã phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo để vùng đất mà họ khai phá từ những thế kỷ trước dần 'thay da đổi thịt", vững vàng cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng ta đã sáng suốt lựa chọn.
Trải qua hơn ba thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử, nhiều thế hệ cư dân người Việt, Khmer, Hoa,… đã đổ biết bao công sức để xây dựng và bảo vệ vùng đất này. Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm mồ hôi và máu của người dân nơi đây. Chính vì thế mà đối với mỗi người dân Trà Vinh vùng đất này có giá trị thiêng liêng, trường tồn cùng dân tộc. Mỗi người dân Trà Vinh luôn ý thức được những giá trị lịch sử và mồ hôi, xương máu của bao thế hệ cha ông, cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững bước trong giai đoạn hội nhập với thế giới hiện nay.
Tóm lại, với tất cả các căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử như trên, không một luận điệu xuyên tạc hay bất kỳ một thế lực thù địch nào có thể phủ định chân lý
“Tỉnh Trà Vinh là một bộ phận của vùng đất Tây Nam Bộ là thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người Trà Vinh cũng như đồng bào Tây Nam Bộ là máu thịt của dân tộc Việt Nam”. [71]