CHƢONG 3 BIỂU HIỆN GIAO THOA VĂN HÓA VẬT THỂ GIỮA NGƯỜI KINH,
3.1.3. Kiến trúc nhà ở của người Hoa
Kiến trúc nhà ở truyền thống phổ biến của người Hoa bản địa (người Hoa ở Trung Quốc) là kiến trúc đóng trong quần thể tứ hợp viện. Kiến trúc quần thể Tứ hợp viện phù hợp với việc chống lại thời tiết lạnh giá do nằm gần trung tâm cao áp Xibia và phù hợp với lối sống đại gia đình theo cơ cấu “Tứ đại đồng đường”. Ngôi nhà thường được kéo dài ra theo phương Nam Bắc và tạo thành quần thể được bố cục theo kiểu “Viện lạc”.
Tứ hợp viện là dùng những dải phòng, nhà ở để quây một vùng trời đất lại
62
trong không gian sinh sống, đóng cửa chính liền trở thành một thế giới riêng.
Tứ hợp viện chú trọng vào cây xanh, trong sân trồng cây trồng hoa chính là để hoa và cây có thể liên kết không gian lại, làm tinh thần con người trở nên thanh nhã. Tất cả các cửa sổ cửa chính đều mở về hướng sân viện để nhận lấy nguồn sáng.
Sân vườn trở thành hạt nhân trong sinh hoạt gia đình, vì vậy có thể nói người sáng tạo ra kiểu kiến trúc Tứ hợp viện có một tầm nhìn sâu rộng.
Nhà ở của người Hoa hiện nay
Do Nam Bộ có khí hậu, thời tiết nóng ẩm khác biệt với khí hậu, thời tiết lạnh giá ở Trung Quốc nên khi tộc người Hoa di dân vào đây, kiểu nhà ở tứ hợp viện không còn phù hợp, vả lại phần lớn cư dân người Hoa sống bằng nghề kinh doanh mua bán, sống tập trung ở đô thị vì thể kiểu nhà của người Hoa phổ biến là kiểu nhà Phố theo kiến trúc mở vừa để thông thoáng vừa tiện việc mua bán, kinh doanh.
Cư dân người Hoa Trà Vinh sống ở nông thôn rất ít hoặc do quá trình cộng cư lâu dài với người Việt, người Khmer và quá trình người Hoa kết hôn với người Việt và người Khmer, bộ phận người Hoa này vẫn tự ý thức mình là người gốc Hoa, vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của tộc người mình nhưng theo thời gian cũng dần mai một, thậm chí con cháu của họ cũng không còn sử dụng được tiếng Hoa. Bộ phận người Hoa này mặc nhiên đã chuyển hóa thành người Việt hoặc người Khmer, họ tiếp nhận và sống theo văn hóa của người Việt hoặc người Khmer.
Chính vì vậy kiến trúc nhà ở của người Hoa ở nông thôn Trà Vinh cũng giống như kiến trúc nhà ở của người Việt, người Khmer tuy nhiên cũng có những nét đặc thù riêng biệt.
Nhà ở nông thôn của người Hoa thường là nhà 3 gian không có chái như người Việt. Nhà ở đây thường là nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, lợp ngói máng hay lợp tôn nhưng bao giờ cũng có tường xây quanh hoặc đóng vách ván. Nhà ở truyền thống vẫn được xây cất theo kiểu nhà xuyên trính. Hai bức tường đầu hồi được xây đến nóc theo hình tam giác cân, tại đây không cân vì kèo. Với nhà ba gian đứng, chỉ cần hai vì kèo giữa vì hai vì kèo biên đã có hai bức tường thay thế.
Nhà phố là kiểu nhà phổ biến của người Hoa ở Trà Vinh. Những ngôi nhà
63
này được xây trệt hay lầu xếp thành dãy nằm dọc hai bên đường phố, hoặc nằm dọc một bên đường mà phía ngoài là sông để tiện việc vận chuyển hàng hóa.
Một đặc điểm khác của nhà phố của người Hoa chỉ có một cửa cái ra vào, ít cửa sổ. Kích thước cửa cái khá nhỏ hẹp. Việc này có ưu điểm là dễ ngăn ngừa trộm cướp, nhưng cũng gây những nhược điểm. Về sau các cửa cái này được thay bằng các cửa sắt xếp kéo để mở rộng gian hàng mua bán.
Nhà của người Hoa trang trí nhiều hoành phi, đối, liễn, tranh phong thỷ, thư pháp,… Đặc biệt là tranh phong thủy như: Mã đáo thành công, bát mã truy phong hay nhất phàm phong thuận,… để cầu mua may, bán đắc.
Thuật phong thủy, ngũ hành tương sinh, tương khắc của người Hoa có từ thời cổ đại. Chính vì vậy người Hoa rất chú trọng đến những điều kiêng kỵ khi cất nhà. Đối với người Hoa, căn nhà liên quan đến vận mệnh của những thành viên trong gia đình cùng việc thành bại của công ăn việc làm, buôn bán, đau yếu, bệnh hoạn,… Khi cất nhà, người Hoa xem kỹ về sách vở, phong tục tập quán, mời thầy địa lý xem hướng nhà, ngày giờ khởi công nhằm hướng đến sự phồn thịnh, trường tồn, phát huy dòng họ, thành đạt trong buôn bán kinh doanh... Người Hoa kiêng kỵ cất nhà trên đường nước chảy, như cống, rãnh,... vì sợ làm ăn lụn bại hoặc nếu kinh doanh phát đạt thì cũng không giữ được tiền vì tiền sẽ theo nguồn nước chảy đi, kiêng kỵ nhà phía trước lớn rồi nhỏ dần về sau (đầu voi đuôi chuột) mà chuộng nhà phải “đầu nhỏ đuôi lớn” như thế tiền vào nhưng khó ra. Cửa cái nhà không được trùng khít với cửa nhà đối diện, vì nếu nhà kia làm ăn phát đạt, giàu có thì nhà mình sẽ thất bại, nghèo khó và ngược lại. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không thể làm khác được thì treo một tấm bùa bát quái ở trước cửa nhà để khắc phục, cũng nhằm ngăn ngừa tà ma, bệnh tật và những điều xui xẻo. Nhà của người Hoa dù là mấy gian thì cũng không bao giờ thiết kế suông tuột từ nhà trước đến nhà sau, ngoài đường nhìn vào thấy tận nhà bếp, mà luôn phải có vách ngăn, trổ cửa sang bên, tránh trùng với cửa cái.
Người Hoa ở Trà Vinh đa số theo theo Phật giáo đại thừa, Khổng giáo và Lão giáo nhưng về thực chất có lẽ khó có thể nói tính cách của họ thiên về tôn giáo,
64
tín ngưỡng. Vào nhà người Hoa thấy ngay rất nhiều bàn thờ, trang thờ ngoài sân, trong nhà, trên cao, dưới đất. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, gia đình người Hoa thờ rất nhiều vị thần bảo trợ, từ Ngọc Hoàng tới ông Địa. Người Hoa cũng rất gắn bó với thần Tài, ông Bổn, đức Quan Âm, bà Thiên Hậu,…
Kiến trúc chùa chiền của người Hoa
Kiến trúc nghệ thuật chùa chiền của người Hoa ở Trà Vinh là những bộ phận quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa cấp quốc gia như chùa Phước Minh Cung ở Tp. Trà Vinh hay chùa Ông Bổn ở Cầu Kè. Về cơ bản, những công trình này đều do cộng đồng người Hoa đóng góp và xây cất khá công phu, theo kiểu dáng Trung Quốc. Những công trình này không chỉ là nơi hành lễ riêng của cộng đồng người Hoa mà còn là nơi thờ tự chung của cả cộng đồng dân cư địa phương.
Kiến trúc chùa cổ mang phong cách Trung Hoa, bố cục của quần thể chùa thường theo dạng chữ “ Tam” hay “Nội công ngoại quốc”. Mái và cổng Tam quan cong lên theo kiểu đầu đao. Mái cổng dựng hai lớp trở lên, một dạng “trùng thiềm điệp ốc – nhiều mái trên một nền” để mở rộng diện tích. Cũng là mái cong nhưng những viên ngói trong kiến trúc Phật giáo của người Hoa thường hình trụ và màu sám, còn người Việt thì sử dụng mái ngói phẳng hình vẩy cá màu đỏ. Trần chùa cao, cột trụ to, sàn và tường được lát bằng đá. Kiến trúc chùa Hoa thường sử dụng nhiều màu đỏ để trang trí; đây là màu của sức sống vươn lên, niềm tin, may mắn.
Những mẫu hình trang trí của chùa Hoa khá phức tạp: Hình Bát tiên quá hải, hình rồng, phượng, lưỡng long triều nguyệt, tứ linh, tứ vật là những mô hình phổ biến nhất. Hai bên sân chùa có xây la thành, điểm thêm cặp lân trong tư thế chầu phục.
Tháp chùa người Hoa chia làm 2 loại: một là để đựng di cốt của các sư sãi viên tịch, có nhiều công đức trong chùa; hai là thờ Phật, thờ phượng. Dòng Phật giáo truyền từ phương Bắc theo bước chân của những nhóm người Hoa qua các thời kỳ vẫn để lại những nét tiêu biểu trong sự hợp dung kiến trúc, bày trí tại các di tích cổ dẫu đã qua bao lần trùng tu. Nhóm cộng đồng người Hoa hơn bao thế kỷ qua đã để lại dấu ấn của mình trên vùng đất này bằng chính con người của cộng đồng mình, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm cho nền văn hóa của dân tộc việt.
65
Ngôi chùa cổ nhất của người Hoa ở Trà Vinh là chùa Phước Minh Cung hay còn gọi là chùa Ông vì nhà chùa lấy Quan Công làm vị thần chính để thờ tự. Tại chùa còn lưu giữ hai bi ký, một khắc bằng đá, một khắc bằng gỗ cùng nội dung:
"Phước Minh Cung - Phước Kiến toàn thể kiến thiết nhất ngũ ngũ lục niên". Nếu bi ký này chính xác thì chùa được tạo lập vào năm Bính Thìn 1556.
Phước Minh Cung được biết đến là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa ở Trà Vinh, được Bộ Văn hóa công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia Chùa có kiến trúc theo kiểu Nội công ngoại quốc là kiểu chùa có hai dãy nhà ngang (nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau) được nối liền bằng hai dãy hành lang dọc trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung
bao quanh như chữ khẩu (口) hay như ở chữ Quốc (國) - Mặt bằng tổng thể của chùa gồm ba tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện, trung điện, chính điện. Dọc hai bên là hai dãy tả điện, hữu điện hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín hình chữ khẩu. Giữa các tòa nhà là sân thiên tĩnh hoặc hành lang thông thường. Mái chùa thiết kế tầng bậc lợp ngói âm dương tiểu đại, diềm mái là loại ngói tráng men xanh ngọc. Trên các gờ mái mặt dựng đầu hồi trang trí đồ án lưỡng long thanh châu, bát tiên, tứ linh, hoa lá, muông thú... khung sườn chịu lực làm bằng gỗ quý gồm hai loại cột: tròn và vuông, kê chân cột là các tảng đá chạm hình cánh sen.
Rào cổng chùa thiết kế theo kiểu "thượng song hạ bảng" trên các trụ rào, trụ cổng trang trí các tượng sư tử một đặc trưng của các chùa Ông người Hoa.
Vào cổng qua khoảng sân hẹp đến tiền điện. Là mặt tiền của chùa cho nên rất được chú trọng về mỹ thuật nhất là phần sảnh. Mặt trước chùa có ba cửa ra vào, một cửa vào chính điện, hai cửa vào tả, hữu điện. Cửa chính hơi lùi vào trong và thiết kế kiểu ô hộc, bên trong chùa hai bên hông thiết kế thêm hai cửa phụ đối diện nhau tạo thành "ngũ môn kín". Cửa chính làm bằng gỗ với bốn cánh, trang trí hình tượng Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng. Hai bên vách là hai phù điêu Thanh Long, Bạch Hổ, ở giữa bên trên là biển đại tự Phước Minh Cung viết
66
bằng chữ Hán cùng các mảng phù điêu đề tài: song tiền, kết nghĩa đào viên (Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi), tứ dân (sĩ, nông, công, thương) và các điển tích cổ Trung Quốc cùng bao lam lưỡng phụng thanh châu tượng trưng cho âm dương hòa hợp, vạn vật phát sinh phát triển. Trên các bộ phận vì kèo chạm khắc họa tiết long, lân, hoa, lá rất tinh xảo, độc đáo cùng tiểu tượng Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa hai vị tiên trong bát tiên.
Nội thất tiền điện gồm các bàn thờ, khánh thờ: Ngọc Hoàng Thượng đế, Tiền hiền, Hậu hiền và hai phù điêu đào lộc trường thọ, tùng hạc trường xuân. Các bàn thờ, khánh thờ và trên các xà đội được chạm khắc hoặc ghép các phù điêu: lưỡng long triều nhật, song phụng tranh châu, quy đội hạc, hoa lá cách điệu...
Ngoài ra, còn có các liễn đối, hoành phi, đặc sắc nhất là thủ quyển nghĩa khí và hoành nghĩa khí tam thiên được làm năm Tuyên Thống Nhị niên (1910).
Trung điện cũng được trang trí các phù điêu, liễn đối, hoành phi. Nổi bật nhất là đồ án bát tiên kỵ thú trang trí hai bên vách thiên tĩnh và trên góc giao xà cột.
Đồ án thể hiện 8 chặng đường tu tập các bí pháp của đạo giáo để trở thành tiên. Ở đây cũng biểu trưng cho sự trường sinh bất tử.
Chính điện gồm ba gian thờ: Quan Thánh Đế Quân, Chúa Xứ Nương Nương, Phước Đức chính thần.
Gian giữa - Quan Thánh Đế Quân: khánh thờ ở trong cùng sơn phết, chạm khắc tinh xảo với các đề tài lưỡng long tranh châu, long vân, hoa điểu... bên trên là hoành phi kiền khôn chính khí thếp vàng chạm long vân.
Gian trái - Chúa Xứ Nương Nương: khánh thờ chạm lưỡng long tranh châu, hoa, dơi, điểu... cùng câu đối "Chúa chí đào hoa kết thành kim phượng vũ, sinh hương tự triện thổ xuất ngọc long phi" và hoành tải tải.
Gian phải - Phước Đức Chính Thần : khánh thờ với chữ Phước Đức Chính Thần cùng câu đối "Phúc đức bảo ngã tử tôn an thả kiết, Thần đàn vi dân phụ mẫu thọ nhi khang" và bức hoành uy linh uy đức. Ba hoành phi kiền khôn chính khí, tải dục tải sinh, uy linh uy đức lạc khoản giống nhau: "Trung Hoa Dân quốc Mậu Ngọ mạnh đông cát đán", nhiều khả năng hoành làm tháng 10.1918.
67
Ngoài ra, trên các cột chính điện còn vẽ long vân, trang trí liễn đối. Trên các trụ đội chạm khắc ngư hóa long, sóng nước, hoa lá cùng các mảng phù điêu chạm dơi, chim, bướm... Có thể nói Phước Minh Cung là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc Hoa, là một "bảo tàng mỹ thuật" của văn hóa vật thể trong tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa ở Trà Vinh. [74].
Tóm lại, đặc điểm về kiến trúc nhà ở của người Hoa ở Trà Vinh vốn là các yếu tố văn hóa vật chất của tổ tiên họ đưa từ các tỉnh ở phía Nam Trung Quốc sang nước ta với những thay đổi theo đà phát triển của lịch sử bản xứ.