CHƯƠNG 1: LÍ LUẬN VỀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG KẾ TOÁN QUẢN TRỊ
1.4. TỔ CHỨC HỆ THỐNG KTQT TRONG DOANH NGHIỆP CỦA MỘT SỐ NƯỚC PHÁT TRIỂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
1.4.1. Tổ chức hệ thống KTQT trong doanh nghiệp của một số nước phát triển
Sự ra đời và phát triển KTQT là điều tất yếu của các doanh nghiệp trong các quốc gia. Tùy theo đặc điểm điều kiện của mỗi quốc gia, nên sự phát triển của KTQT có những điểm khác biệt nhất định. Nghiên cứu những vấn đề này để rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức vận dụng KTQT trong các doanh nghiệp nói chung và các DNCBTS nói riêng.
Tổ chức hệ thống KTQT tại Mỹ [19, 30]
Nền kinh tế thị trường Mỹ có từ lâu đời và quy mô lớn nhất thế giới, là một nền kinh tế hỗn hợp; các công ty, tập đoàn lớn, công ty tư nhân đóng góp phần lớn vào mức độ tăng trưởng kinh tế với việc ứng dụng trình độ lao động cao, năng suất lao động cao, trình độ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu ứng dụng và đầu tư lớn. KTQT hình thành rất sớm ở Mỹ vào những năm đầu của thế kỉ XIX. Phần lớn các doanh nghiệp Mỹ áp dụng mô hình KTQT kết hợp với KTTC. Hệ thống tài khoản kế toán được dùng chung, KTTC có nhiệm vụ lập các báo cáo tài chính, báo cáo cho nhà đầu từ, KTQT sử dụng kế toán chi tiết từ các bộ phận, thu nhận, xử lý các thông tin để lập các báo cáo theo yêu cầu nhà quản trị, đưa ra định mức, dự đoán phục vụ cho công tác ra quyết định sản xuất kinh doanh.
Thời gian đầu, KTQT hình thành dưới hình thức kế toán chi phí trong các doanh nghiệp nhỏ và sau đó phát triển thành bộ phận KTQT phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu mở rộng quy mô của doanh nghiệp.
KTQT tại Mỹ được xem là một công cụ quản lý của nhà quản trị mà luật pháp không can thiệp vào chuyên môn. Với sự đề cao vai trò cá nhân, vai trò của những nhà quản lý cao cấp, KTQT được xem như một công cụ bổ khuyết
thông tin quản lý nên KTQT trong doanh nghiệp ở Mỹ được thiết kế tập trung vào chủ đề phân tích thông tin phục vụ cho các quyết định quản lý, đề cao tính hữu ích của thông tin cho các quyết định quản lý hơn là xác lập một hệ thống thông tin toàn diện cho yêu cầu quản lý. Do đó KTQT trong doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ có KTQT tiên phong trên thế giới với khuynh hướng cung cấp thông tin hữu ích, thiết lập các quyết định quản lý bằng những mô hình, kỹ thuật định lượng thông tin.
KTQT tại Mỹ đã trải qua bốn giai đoạn khác nhau:
Giai đoạn 1- Thông tin để kiểm soát và định hướng chi phí, sản xuất;
Giai đoạn 2- Thông tin để hoạch định và kiểm soát tài chính hoạt động SXKD;
Giai đoạn 3- Thông tin để giảm những tổn thất nguồn lực kinh tế sử dụng của quy trình SXKD;
Giai đoạn 4- Thông tin để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế tạo ra giá trị.
Hiện nay KTQT trong các doanh nghiệp sản xuất bao gồm các nội dung cơ bản sau :
+ KTQT chi phí gồm phân loại chi phí, kế toán chi phí và tính giá thành sản phẩm theo công việc hoặc theo quy trình sản xuất, nhận thức cách ứng xử chi phí và phân tích biến động chi phí, phân tích mối quan hệ chi phí, khối lượng, lợi nhuận, ảnh hưởng phương pháp chi phí toàn bộ và phương pháp chi phí trực tiếp trong thiết lập công cụ quản lý.
+ Thiết lập các dự toán trên cơ sở xây dựng các chi phí tiêu chuẩn và sự cân bằng các nguồn lực kinh tế, dự toán linh hoạt và phân tích biến động chi phí sản xuất chung, báo cáo bộ phận và sự phân quyền trong một tổ chức, chi phí thích hợp cho quyết định kinh doanh ngắn hạn. Dự toán vốn đầu tư dài hạn, phân bổ chi phí bộ phận trên cơ sở hoạt động, định giá sản phẩm dịch vụ, phân tích báo cáo tài chính.
+ Thu thập, xử lý và phân tích nhằm cung cấp thông tin thích hợp cho các quyết định
+ Đánh giá hiệu quả hoạt động và trách nhiệm quản lý các cấp quản trị trong doanh nghiệp thông qua các TTTN thể hiện cụ thể nội dung này trong việc lập báo cáo bộ phận và sử dụng các công cụ đo lường hiệu quả.
+ Kiểm soát việc thực hiện kế hoạch thông qua các công cụ như dự toán linh hoạt và phân tích chênh lệch giữa thực hiện so với dự toán
Các công cụ kế toán sử dụng trong các doanh nghiệp trong những nước này phân biệt theo quy mô hoạt động. Nếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu sử dụng các công cụ nhằm có thông tin để kiểm soát và định hướng chi phí, sản xuất; thông tin để hoạch định và kiểm soát tài chính hoạt động SXKD. Nên các công cụ kế toán sử dụng chủ yếu là lập dự toán, kế toán chi phí, phân tích mối quan hệ chi phí- khối lượng- lợi nhuận, phân tích quyết định và kế toán trách nhiệm. Còn các doanh nghiệp lớn của Mỹ thì có sự khác biệt. Ngoài việc áp dụng các các công cụ truyền thông như trên thì còn sử dụng các công cụ tiên tiến trong quá trình thu nhận xử lí và cung cấp thông tin cho các quyết định quản lý. Các doanh nghiệp này đã bước sang giai đoạn 3 và 4 đòi hỏi thông tin để giảm những tổn thất nguồn lực kinh tế sử dụng của quy trình SXKD và thông tin để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế tạo ra giá trị. Các công cụ KTQT sử dụng như: phân tích chu kỳ kinh doanh, phân tích áp lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng mô hình chiến lược cạnh tranh nhằm phân tích nắm bắt thị trường; sử dụng các công cụ phục vụ cho kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp như : phân tích chiến lược đầu tư của ma trận, phân tích chuỗi giá trị, các công cụ đánh giá chiến lược, các công cụ đánh giá kết quả như: Phân tích dòng tiền chiết khấu, phân tích khả năng sinh lời của sản phẩm, xác định các giá trị tăng thêm, đánh giá toàn diện hoạt động tổ chức..
Tổ chức hệ thống KTQT ở Pháp. [13]
KTQT tại Pháp có đặc trưng là KTTC tách rời với KTQT, KTTC xây dựng theo mô hình kế toán tĩnh, KTQT được xây dựng theo mô hình kế toán động. Nhà nước can thiệp trực tiếp vào chuyên môn kế toán nên KTQT chậm phát triển hơn các doanh nghiệp tại Mỹ, hệ thống kế toán doanh nghiệp áp dụng bao gồm cả KTTC và KTQT. Các DN hình thành các trung tâm chi phí gồm trung tâm chính và trung tâm phụ. KTQT xuất hiện đầu tiên dưới hình thức là kế toán chi phí cùng với ý nghĩa phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát. KTQT trong các doanh nghiệp của Pháp bao gồm các nội dung cơ bản: Phân loại chi phí và các trung tâm phân tích; các loại giá phí và giá thành; Chi phí cố định và chi phí biên; Phân tích điểm hòa vốn; Giá phí dự toán, giá phí dự toán, giá phí thực tế và phân tích sai lệch; hệ thống thông tin quản lý kiểm soát và quá trình thực hiện.
Hệ thống kế toán Pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, kế toán được chia thành kế toán tổng quát (KTTC) và kế toán phân tích (KTQT). Kế toán tổng quát như là một thực thể duy nhất bắt buộc đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, nó phản ánh toàn bộ giá trị tài sản, vật tư, tiền vốn, tình hình mua bán, thu nhập, tính toán kết quả ở dạng tổng quát. Số liệu kế toán tổng quát là cơ sở để lập bảng tổng kết tài sản, các báo cáo tài chính khác, cung cấp tình hình tài chính của doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Kế toán phân tích phản ánh tình hình chi phí, doanh thu, kết quả của từng loại hàng, từng ngành hoạt động, giá phí, giá thành của từng loại sản phẩm sản xuất… kế toán phân tích là phương tiện giúp ban giám đốc kiểm soát một cách có hiệu quả tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình. Tuy vậy, giữa kế toán tổng quát và kế toán phân tích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng thực hiện chức năng phản ánh và giám đốc quá trình kinh doanh một cách liên tục và có hệ thống.
Hệ thống tài khoản kế toán Pháp thống nhất cho các doanh nghiệp được
chia thành 8 loại (đánh số từ 1 đến 8). Tài khoản loại 9 thuộc kế toán phân tích. Các tài khoản đặc biệt được đánh số 0. Sổ sách kế toán Pháp: gồm sổ sách pháp định và sổ sách mở theo nhu cầu kế toán. Sổ sách pháp định là sổ sách tổng hợp mà Luật Thương mại quy định cho các doanh nghiệp phải giữ gìn (như: Sổ nhật ký, sổ cái, sổ kiểm kê, các tài liệu tổng hợp). Sổ sách mở theo nhu cầu kế toán là các sổ chi tiết doanh nghiệp cần mở thêm để theo dõi chi tiết từng nghiệp vụ theo nhu cầu công tác kế toán thực tế cần phải có (như:
Sổ chi tiết hàng tồn kho, sổ chi tiết theo dõi về thanh toán với nhà cung cấp, với khách hàng…). Các báo cáo kế toán Pháp là những bản phúc trình về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cho các cơ quan có thẩm quyền: Hội đồng quản trị, các cơ quan thuế, các cơ quản chủ quản ngành… Báo cáo kế toán thường được lập vào cuối mỗi định kỳ: Quý, 6 tháng, 9 tháng, cuối năm tài chính hoặc bất thường khi cần có số liệu kiểm tra. Theo chế độ kế toán Pháp, báo cáo kế toán có 2 loại biểu mẫu chủ yếu là Bảng tổng kết tài sản (trình bày tình hình tài sản và nguồn tài trợ) và Bảng kết quả niên độ (trình bày tình hình thu nhập, chi phí và lỗ, lãi).
Hệ thống kế toán Pháp có ưu điểm là được giám sát chặt chẽ, thuận lợi cho việc kiểm tra kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp, có tính thống nhất cao trong việc hạch toán các nghiệp vụ phát sinh giúp doanh nghiệp áp dụng dễ dàng, nhưng bên cạnh đó do cứng nhắc áp dụng theo quy định một cách chi tiết nên phần nào hạn chế khả năng chủ động của doanh nghiệp khi áp dụng.
Tổ chức KTQT tại Nhật [30, 34]
KTQT ở Nhật bắt đầu phát triển từ năm 1980 bằng một loạt sự thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản trong hệ thống quản lý và kế toán quản trị. Hệ thống KTQT trong các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào quá trình ước tính chi phí cho các sản phẩm mới trong giai đoạn lập kế hoạch. Các doanh nghiệp Nhật Bản tính toán, kiểm soát chi phí, chất lượng sản phẩm